Phản biện bài báo của GS Nguyễn Phú Trọng

(PHẦN III – PHẦN IV và PHẦN CUỐI)

Nguyễn Đình Cống

Câu 4- Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên CNXH ở VN trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?

Đây chủ yếu là phần kể công, khoe khoang. Phải chăng ý nghĩa là sự tự hào về tài năng, sáng suốt của Đảng nói chung, của lãnh tụ và các cá nhân lãnh đạo? Sự khoe khoang là không nên. Phải chăng vấn đề đặt ra là tiếp tục công cuộc xây dựng CNXH.

Giáo sư Trọng cho rằng trước đây nhận thức sai về kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền thì nay đã hiểu được, nhưng cần thêm định hướng XHCN, rằng từng bước nhận thức ngày càng đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về CNXH và thời kỳ quá độ đi lên CNXH… Quá độ lên CNXH từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp.

Tại sao trước đây nhận thức sai, phải chăng là do kém trí tuệ, do bảo thủ, nay bị thực tế soi rọi mới hơi tỉnh ngộ ra, nhưng cũng chỉ tỉnh ngộ được một phần, vẫn cố tình níu kéo. Hiểu được nhưng không phải để tìm cách vận dụng những mặt hay, những điều tốt mà là để thay đổi cách giải thích và tuyên truyền mà thôi.

Cho đến nay thì từ khi Mác vạch ra con đường XHCN đã trên 150 năm, từ khi Lênin bắt đầu xây dựng CNXH ở Liên Xô đã trên trăm năm, thế mà ông Trọng phải từng bước nhận thức để hiểu được, thế thì quá chậm. Nhân dân Liên Xô và Đông Âu đã thấy rõ sự hoang tưởng của CNXH nên kiên quyết từ bỏ, đảng viên Cộng sản ở các nước đó vì tương đối có trí tuệ nên nhận ra sai lầm mà một số lớn đứng về phía nhân dân. Ở VN cũng đã có nhiều người, kể cả cán bộ cao cấp của Đảng thấy được CNXH chỉ là cái bánh vẽ nên đã tìm cách từ bỏ, nhưng số đông lãnh đạo của Đảng đã đeo bám Trung Cộng, bị chúng nó lừa phỉnh mà tiếp tục ý thức hệ đã lỗi thời.

Tại sao ĐCSVN gặp phải sự nghiệp vô cùng khó khăn và phức tạp? Đó là vì đã cố tình làm sai quy luật. Giả dụ, nếu bưng tai, bịt mắt mà tin tuyệt đối vào Mác thì việc bỏ qua chế độ tư bản là làm sai quy luật do ông tìm ra. Người có trí tuệ không ai chọn cách làm sai như vậy, chỉ có những người muốn vác gậy chống Trời mới làm thế. Làm theo quy luật thì gặp thuận lợi, nhanh, còn làm trái quy luật thì phải lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp. Nhưng tại sao lại làm thế, rồi còn tự hào đã làm thế. Đó là vì muốn chứng tỏ ta đây có tài năng, có dũng khí hơn người, làm thế để thỏa mãn sự nóng vội và phần nào là kiêu ngạo. Người có trí tuệ cao không bao giờ nóng vội và kiêu ngạo như thế.

Theo Mác- Lênin thì bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ yếu là bỏ qua nền kinh tế thị trường mà kiên quyết thực hành kinh tế kế hoạch hóa, là xóa bỏ ngay tư hữu về tư liệu sản xuất. Cả hai việc đó là cơ bản và đều sai lầm. Biết thế nên GS Trọng đã sửa đổi mà viết rằng: “Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản. Đương nhiên, việc kế thừa những thành tựu này phải có chọn lọc trên quan điểm khoa học, phát triển”.

Những điều viết ra đọc lên nghe hay, nhưng làm sao bỏ qua được những sự áp bức, bất công dưới chế độ toàn trị độc đảng, làm sao lại bỏ đi thể chế chính trị dân chủ với tam quyền phân lập là giá trị của nhân loại.

Giáo sư viết: Trước đổi mới VN vốn là một nước nghèo lại bị chiến tranh tàn phá rất nặng nề. Sau chiến tranh, Mỹ và phương Tây đã áp đặt cấm vận kinh tế với Việt Nam trong suốt gần 20 năm. Lương thực, hàng hoá nhu yếu phẩm hết sức thiếu thốn, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, khoảng 3/4 dân số sống dưới mức nghèo khổ…. các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách phá hoại cho nên lại càng khó khăn, phức tạp”.

Trước năm 1986 VN tuy chưa có công nghiệp phát triển, tuy miền Bắc bị chiến tranh tàn phá (miền Nam cũng bị nhưng ít hơn, không đáng kể) nhưng không phải là nước nghèo. Với đồng bằng Nam bộ và đồng bằng sông Hồng, chỉ cần để cho nông dân tự do cày cuốc thì làm sao mà trên ba phần tư sống dưới mức nghèo khổ. Ai đã gây ra sự nghèo khổ ấy? Đảng lãnh đạo chứ ai vào đấy nữa. Đảng bắt nông dân vào hợp tác xã để trói buộc họ, Đảng phá nát nền kinh tế công thương của miền Nam bằng đường lối cải tạo. Tội ác ấy to lớn ngang với hoặc vượt qua tội ác Cải cách ruộng đất.

Còn việc cấm vận của các nước. Lý do nào VN bị cấm vận. Có phải vì VN đã thống nhất, vì lãnh đạo muốn đi theo con đường XHCN. Không phải, hoàn toàn không phải mà vì những sai lầm trong việc không chịu rút quân khỏi Campuchia ngay sau khi đánh bại Khơme đỏ, là tạo ra tai nạn thuyền nhân, là việc trả thù người của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Các nước cấm vận để trừng phạt cho đến khi VN rút quân khỏi Campuchia và có biểu hiện tôn trọng nhân quyền. Thế mà Đảng chỉ đổ lỗi cho bên cấm vận mà không chịu nhận lỗi của mình tạo ra nguyên nhân cấm vận.

Về “các thế lực thù địch”: Một việc làm dù hay dở như thế nào thì thường vẫn có người ủng hộ và người phản đối. Nhưng phản đối chưa phải là thù địch. Trong thù địch có chứa tính chất thù hận. Vậy tại sao CSVN bị thù hận nhiều đến thế? Khi ta có vài người phản đối trong một số ý kiến hoặc công việc nào đấy thì là chuyện bình thường. Nhưng khi cho rằng bị nhiều người thù hận thì sao, phải chăng ta đã gây ra nhiều thù hận?

Phải chăng vì đề cao thuyết tranh đấu bằng bạo lực, đề cao việc đấu tranh giai cấp mà CS phải luôn cần có thế lực thù địch nhằm hướng sự chú ý của đảng viên và nhân dân vào đó để tạm quên đi những điều bất công và oan trái? Đây là một mưu mô không phải do CSVN nghĩ ra mà đã có từ thời Đông Chu bên Tàu, Việt Cộng được Trung Cộng dạy bảo, huấn luyện.

Thế lực thù địch được nói đến không phải Tây, Tàu nào cả, mà chính là đồng bào, ở trong nước hoặc nước ngoài. Tuyên bố có nhiều thù địch, nhưng bảo chỉ ra con người cụ thể là những ai thì ngoài vài thành viên của Việt Tân, may ra họ kể tên được vài chục người bất đồng chính kiến, mà thật ra đó là những người chính trực, yêu nước, thương dân. Trong tình trạng hòa bình, không nước nào mà chính quyền cho rằng họ có nhiều thế lực thù địch như CSVN.

Ông Trọng viết: “Công cuộc đổi mới thực sự đem lại những thay đổi to lớn, rất tốt đẹp”, rồi ông liệt kê ra các thành tích về kinh tế, giáo dục, y tế, xóa nghèo, xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống nhân dân…, chỉ số phát triển con người (HDI) thuộc nhóm cao của thế giới. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay… Những thành tựu đó đã chứng minh rằng, phát triển theo định hướng XHCN là đúng đắn, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Những điều được trình bày, tuy khá dài nhưng không có gì mới, chỉ lặp lại các nhận định, các số liệu của văn kiện đại hội 13, trong đó có một số phần sự thật và một số phần không đúng.

Ông Trọng, trong lúc ra sức kể công cho Đảng đã phạm phải một số ngụy biện và nhầm lẫn về suy luận.

Ngụy biện thứ nhất là cố ý dùng sai khái niệm “Đổi mới”. Thực chất những việc làm của Đảng từ ĐH VI là sửa sai, là làm ngược hoặc xóa bỏ một phần lý thuyết Mác Lê về kinh tế, nhưng nếu công nhận như thế thì té ra Đảng đã sai à, Mác Lê có chỗ sai à. Có ai đó đã nghĩ ra và dùng từ “đổi mới” để che đậy sai lầm, lại còn bịa ra là vận dụng sáng tạo Mác Lê. Đó là sự đánh tráo khái niệm. Điều này nhiều người biết nhưng không dám nói vì sợ vạ miệng.

Những người nói nhiều đến “đổi mới” thì đa số nói theo mà không hiểu gì, một số thì biết nói sai nhưng sợ mà không dám nói khác, một số nữa biết sai nhưng cố tình nói để lừa những người nhẹ dạ cả tin. Cũng làm một việc mang lại kết quả tốt, nói là “đổi mới” thì thành tích lớn lao, cần được ca ngợi, còn nói là sửa sai thì thành tích cũng có, nhưng bé thôi và giữ được sự trung thực, giữ được đạo lý. Vì không cần giữ trung thực và đạo lý mà cần tuyên truyền về sự sáng suốt nên đành vi phạm lỗi ngụy biện về đánh tráo khái niệm. Trong tuyên truyền sự đánh tráo như vậy có thể được cho qua, còn khi làm khoa học thì không thể chấp nhận.

Ngụy biện thứ hai là đánh lận, thể hiện ở hai điều sau:

Điều đánh lận thứ nhất: Đó là nhập nhằng giữa Đảng và Chính phủ. Rất nhiều việc Chính phủ làm, lại được quy công cho Đảng với một lập luận rằng, nhờ có lãnh đạo của Đảng thì Chính phủ mới biết làm và làm được việc đó. Có thật thế không?

Trong những việc Đảng đã chủ trương, đã lãnh đạo, cần phân biệt thật rõ hai loại: Loại đương nhiên và loại riêng của Đảng.

Loại đương nhiên như động viên dân phát triển kinh tế, giáo dục, làm công trình giao thông, thủy lợi, chữa bệnh v.v… thì phần đông các Chính phủ làm giống nhau, có Đảng lãnh đạo hay không người ta vẫn làm như thế. Tuy rằng Đảng có nói đến, nhưng dù Đảng không nói đến thì người ta vẫn làm như vậy, thế thì công của Đảng ở chỗ nào? Một số việc Đảng phạm sai lầm rồi sửa sai thì không được kể là công.

Loại việc riêng, bắt buộc phải có sự lãnh đạo của Đảng là những công việc mà chỉ có Đảng mới bắt dân làm, còn thường ra, để tự do dân không ai làm, hoặc ở các nước không cộng sản không chính phủ nào làm. Đó là những việc như cải cách ruộng đất, thành lập các nông trường và hợp tác xã nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp tư nhân, lập các tập đoàn kinh tế nhà nước không thật cần thiết (vì tư nhân có thể làm), cải tạo và đấu tranh tư tưởng, giam cầm lâu dài những người vô tội, không xét xử, công hữu hóa toàn bộ đất đai, là tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH, là đặt chỉ tiêu cho các loại công việc trong từng thời kỳ 5 năm v.v…

Hãy thử xem những việc của Đảng thành công đến đâu, có đáng kể công hay tìm mọi cách che giấu những thất bại thảm hại. Riêng về chỉ tiêu, đó là tàn dư của nền kinh tế kế hoạch hóa. Rất nhiều người thảo luận, biểu quyết thông qua chỉ tiêu này nọ mà chẳng biết dựa vào đâu, để làm gì.

Điều đánh lận thứ hai là về hoạt động của con người. Trước khi làm đảng viên con người đã trưởng thành, có tính cách, có nhận thức. Đó là phần nhân bản. Sau khi vào Đảng, người đó được bổ sung thêm lý luận Mác Lê, đường lối, lý tưởng. Đó là phần thuộc về tính đảng. Khi đảng viên hoạt động hai phần đó quyện vào nhau, nhưng khi phân tích, đánh giá mà gộp chung lại thì dễ phạm vào lỗi đánh lận.

Thí dụ về ông Trường Chinh, trước ĐH VI và Khoán 10 trong nông nghiệp. Phần đảng trong nhận thức bảo ông rằng không được khoán, làm thế là sai đường lối, phần nhân bản mách rằng, khoán là hợp lòng người, là cứu dân. Phần nhân bản đã thắng. Đó không phải là thắng lợi của lý thuyết cộng sản. Vậy nên quy việc Khoán 10 cho sự sáng suốt cộng sản, là nhầm lẫn hoặc cố tình đánh lận. Có sáng suốt, đó là sáng suốt do lòng nhân bản, còn cộng sản làm việc sửa sai.

Có một số nhận xét rằng, Đảng trước đây tốt hơn đảng bây giờ. Phải chăng đây cũng là sự nhận nhầm của nhiều người vì phần nhân bản của đảng viên trước đây tốt hơn, chứ phần tính đảng thì vẫn thế và người ta nhìn vào đảng viên để đánh giá về Đảng. Trong dân gian có câu nhận xét “Người ấy là đảng viên nhưng mà tốt”, nói về một vài đảng viên còn giữ được phần nhân bản. Tính cách tốt, đạo đức tốt của người ấy cơ bản không phải do Đảng tạo ra, mà là phần vốn có.

Thứ ba là tranh công. Thật ra tranh công không hẳn là ngụy biện, nhân tiện tôi ghép tạm mà thôi.

Thành công do một số nhân tố tạo nên, trong đó có cái chính, cái phụ. Ông cha đã tổng kết ba nhân tố chính là Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa. Mỗi nhân tố lại gồm một số yếu tố. Sự lãnh đạo của Đảng là một trong các yếu tố thuộc nhân hòa khi thành công và nhân bất hòa khi gặp thất bại.

Theo ông Trọng thì: “Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”. Câu này có một ý tranh công và một ý mập mờ.

Sự tranh công: Phát triển kinh tế của VN phần lớn nhờ vào nông nghiệp, nhờ vào đầu tư của nước ngoài, nhờ vào nỗ lực của các nhà doanh nghiêp, nhà khoa học, nhà đàm phán, nhờ vào Thiên thời, Địa lợi. Sự lãnh đạo của Đảng chủ yếu là bỏ sự cấm đoán, là có phần khuyến khích một số công việc nào đó. Nếu được ai đó công nhận sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu đã là không đúng, còn tự mình nhận như thế thì đó là sự tranh công. Thử hỏi xem sự lãnh đạo trong những việc riêng của Đảng (đã viết ở đoạn trên, ví như cải cách ruộng đất) là yếu tố hàng đầu của thắng lợi nào.

Ý mập mờ: Đó là cụm từ “Thắng lợi của cách mạng”. Khi chưa bị phát hiện ý đồ tranh công trong phát triển xã hội thì để ai hiểu thế nào cũng được. Khi bị phát hiện thì có thể cãi rằng, Đảng chỉ kể công trong cách mạng chứ không phải trong phát triển kinh tế.

Để trả lời câu hỏi “Thực tiễn đặt ra vấn đề gì?” thì phải biết được đúng những sự thật tích cực và tiêu cực xảy ra trong thực tiễn cùng những nguyên nhân cơ bản. Từ Đại hội VI đã có khẩu hiệu “Nhìn thẳng vào sự thật”. Đại hội XIII vẫn nhắc lại, nhưng nhìn mà có thấy hay không, ai thấy và ai không thấy, hay thấy mà cố tình bỏ qua. Hình như GS Trọng quá thiên vị về mặt tích cực, tô hồng nó, đã được phân tích ở trên và không thấy hết hoặc coi nhẹ mặt tiêu cực.

Về mặt tiêu cực, bài viết đưa ra nhận định: “Bên cạnh những thành tựu, mặt tích cực là cơ bản, chúng ta cũng còn không ít khuyết điểm, hạn chế và đang phải đối mặt với những thách thức mới trong quá trình phát triển đất nước. Về kinh tế, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh còn thấp, … Trong khi đó, sự cạnh tranh đang diễn ra ngày càng quyết liệt trong quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế. Về xã hội, khoảng cách giàu nghèo gia tăng; chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế và nhiều dịch vụ công ích khác còn không ít hạn chế; văn hoá, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp; tội phạm và các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên…”

Hình như chỉ kể ra vài điều cho đủ chuyện mà chưa đề cập đến những tai họa gay cấn và nguyên nhân cơ bản. Phải chăng đất nước đang phát triển trong bình an vô sự? Chống chọi với tai họa covid-19 và biến đổi khí hậu thì ta cùng làm với thế giới. Còn những tai họa của riêng dân Việt thì sao?

Nạn tham nhũng, mặc dù vài vụ án lớn đã được xét xử, nhưng nó vẫn phát triển sâu rộng và không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, không chỉ ra được nguyên nhân cơ bản từ trong thể chế độc tài toàn trị. Nạn chà đạp lên công lý của hệ thống tư pháp và vi phạm nhân quyền, nạn làm hủy hoại các loại môi trường. Đặc biệt là tai họa từ phía Trung Cộng, trên Biển Đông và trên đất liền.

Hỏi rằng trong lúc say sưa với ảo tưởng xây dựng CNXH ông Trọng có biết rõ những tai họa mà dân tộc nói chung và những dân oan nói riêng đang gánh chịu? Hình như ông không biết và không muốn biết. Vì sao vậy? Điều này ông tự biết và mọi người cũng biết, chỉ là biết rồi để đó.

IV- Vấn đề xây dựng Đảng

So với văn kiện ĐH 13 thì vấn đề xây dựng Đảng của bài viết khá ngắn gọn, tuy vậy đầy chất giáo điều, không còn phù hợp với thực tế.

Tổ chức được gọi là đảng bắt đầu xuất hiện ở nước Anh vào thế kỷ 16 để vận động bầu cử, rồi phát triển ra khắp thế giới. Đó là các đảng chính trị, kể cả các đảng cộng sản thời Mác. Đảng chính trị nhằm mục đích cao nhất là cầm quyền nhà nước, thông qua bầu cử.

Đầu thế kỷ 20 Lênin đưa ra lý thuyết và thành lập đảng cách mạng, gọi là đảng kiểu mới và gắn cho nó vai trò đội tiên phong của giai cấp công nhân với nhiệm vụ lãnh đạo giai cấp làm cách mạng vô sản để giành chính quyền bằng bạo lực.

Cách mạng thể chế chính trị thỉnh thoảng xảy ra ở nước này nước nọ trong khoảng thời gian ngắn, khoảng vài ba tháng đến vài ba năm. Nó có khởi đầu và kết thúc chứ không kéo dài triền miên. Kết thúc thắng lợi của cách mạng thể chế là khi mà đảng cách mạng nắm trọn được chính quyền. Lúc này đảng hoàn thành nhiệm vụ cách mạng và trở thành đảng cầm quyền.

Có hai phương thức cầm quyền là dân chủ và độc tài. ĐCSVN tuyên truyền rằng họ chủ trương xây dựng thể chế dân chủ của dân, vì dân. Nhưng bên ngoài nhìn vào và từ nội bộ nhân dân đánh giá thì chính quyền là của Đảng, quyền cơ bản của dân đã bị Đảng chiếm lấy để thi hành sự toàn trị.

Nếu ĐCSVN thật sự muốn xây dựng chế độ dân chủ, thì điều kiện tiên quyết là phải tự chuyển đổi thành một đảng chính trị cầm quyền. Thế nhưng GS Trọng, người làm luận án tiến sĩ ngành xây dựng đảng, cố tình không nhận ra điều đó. Trong cương vị cầm quyền mà vẫn duy trì đường lối, quan điểm và tổ chức của đảng cách mạng thì thật sự không thích hợp.

Cho đến nay mà vẫn khẳng định rằng ĐCSVN là đội tiên phong của giai cấp công nhân (còn nếu hiểu hơi khác đi sợ bị phạm vào điều tối kỵ về quan điểm giai cấp), vẫn tin rằng công nhân là giai cấp lãnh đạo thì đó không những là giáo điều quá cỡ mà còn là sự bảo thủ nặng.

Hiện tại, dân VN, kể cả đảng viên và cán bộ các cấp có gì đó hiểu không đúng về đảng. Họ nghĩ rằng đảng là một tổ chức thiêng liêng, có sứ mệnh cao cả, là người dân chỉ được phép tôn thờ, kính trọng, tuân theo, không được làm khác, không được nói khác với nghị quyết của tổ chức đảng (kể từ chi bộ trở lên). Như vậy, phải chăng đã thần thánh hóa tổ chức đảng CS,

Ở các nước dân chủ người ta không nghĩ như thế. Họ biết rằng đảng chính trị, dù là đảng cầm quyền, chỉ là tổ chức của một số người cùng chí hướng, là công cụ của một số chính trị gia. Tác dụng của đảng thể hiện chủ yếu trong các cuộc vận động bầu cử. Ngày thường thì đó là hoạt động của các nhà chính trị, các cán bộ cao cấp của đảng ở trong cơ quan lập pháp và hành pháp.

Một vấn đề của lịch sử cận đại VN là, làm rõ quan hệ qua lại giữa ĐCS và dân tộc. Đã có người đưa ra hình tượng Đảng như cây tầm gửi bám trên thân cây chủ là dân tộc. Tầm gửi muốn và kích thích cây chủ phát triển bộ rễ, làm ra nhiều nhựa. Nói rằng làm ra nhựa để nuôi cây chủ tươi tốt, vì quyền lợi của cây chủ chứ không có gì hơn. Nhưng thực tế chỉ dùng một phần nhỏ nhựa để nuôi cây chủ còn phần lớn để nuôi tầm gửi. Đồng thời tầm gửi lại tiết ra một vài loại chất tỏa ra môi trường nhằm kìm hãm sự phát triển hoa lá của cây chủ, để bên ngoài nhìn vào thấy rõ tầm gửi bao trùm.

Người ta nói ĐCS sinh ra từ trong lòng dân tộc, là ngọn cờ về lòng yêu nước và chống ngoại xâm, vì độc lập đất nước. Nhưng hình như không phải thế. ĐCSVN từ ngoại lai nhập vào và vì hoàn cảnh trớ trêu mà sinh ra trên đất Trung Hoa, lúc non trẻ được CS Tàu và Đệ tam Quốc tế dưỡng dục, cưu mang, lớn lên chịu sự chỉ huy của họ.

CSVN dựa vào lòng yêu nước, tinh thần quật cường chống đô hộ của những người Việt tinh hoa để bám rễ và phát triển. Dân tộc Việt không hoài thai để sinh ra CS, nhưng đã che chở, đùm bọc, nuôi dưỡng vì tin vào những lời thiện chí của họ. Những chiến sĩ cách mạng gia nhập ĐCS trong thời kỳ bí mật chủ yếu không phải để cho Đảng thực hành toàn trị mà chính là theo Đảng để giành độc lập cho đất nước.

Nhưng rồi Đảng dựa vào sức dân, giành độc lập để cho Đảng áp đặt quyền thống trị chứ chủ yếu không phải để cho dân được tự do. Một số đảng viên bị địch bắt, rất dũng cảm chịu đựng tra tấn và hy sinh. Làm được việc đó chủ yếu không phải vì họ giác ngộ chủ nghĩa Mác mà chính nhờ phần nhân bản trong họ, nhờ lòng yêu nước của họ. Câu nói đanh thép của Hoàng Văn Thụ là một minh chứng hùng hồn.

GS Trọng chỉ ra rằng: “Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, … thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ”.

Đó là diễn đạt bằng lý thuyết. Thật ra sự lãnh đạo thể hiện chủ yếu trong thời gian Đảng vận động làm cách mạng. Còn khi cầm quyền Đảng chỉ lãnh đạo một phần nhỏ nào đó mà thôi, chủ yếu là thực hành sự toàn trị bằng các Ban của Đảng, bằng đảng ủy các cấp, đặt trên và áp sát các tổ chức nhà nước, bằng công an và tuyên giáo (như đã viết ở câu 3 mục III).

Lãnh đạo Đảng khá lo lắng, rất băn khoăn về đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược. Bộ Chính trị đã ra rất nhiều, đủ loại nghị quyết, cái này chồng lên cái kia, thế mà hình như không cải thiện được tình hình. Vì sao vậy?

Có thể vì hai nguyên nhân sau: Một là Đảng không chịu chuyển đổi từ một đảng cách mạng thành đảng chính trị cầm quyền. Hai là đường lối cán bộ của Đảng có một số điều phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học. Với đường lối như vậy chủ yếu tuyển được nhiều người cơ hội có lắm mưu mô mà kém trung thực, thiếu thông minh, khó và ít chọn được người tinh hoa, có năng lực cao và phẩm chất quý.

V- Nhận xét chủ nghĩa tư bản

Phải chăng GS Trọng muốn đem chủ nghĩa tư bản (CNTB) đối nghịch với CNXH dựa trên học thuyết Mác – Lênin.

Trong đoạn nhận xét CNTB có một số nhầm lẫn về suy luận thể hiện bới sự thiên lệch, hiểu sai quy luật, tự mâu thuẫn và khập khiễng.

GS Trọng viết: “Nhiều nước tư bản phát triển, trên cơ sở các điều kiện kinh tế cao và do kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đã có những biện pháp điều chỉnh, hình thành được không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước”.

Sự tiến bộ về phúc lợi xã hội do nhiều điều kiện, trong đó kinh tế cao được đặt ở trước tiên là đúng, nhưng đưa việc đấu tranh của giai cấp công nhân lên hàng đầu mà bỏ qua tính nhân bản cao của các thể chế dân chủ thể hiện qua hoạt động nghị trường, của những con người giàu lòng bác ái, là thiên lệch.

Đúng là trong lịch sử nhiều lúc cuộc đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân lao động buộc giới chủ và chính quyền nhượng bộ, nhưng không phải mọi sự cải thiện đời sống của nhân dân đều là kết quả của đấu tranh như vậy. Tại nhiều nước, trong thời gian khá dài nhân dân thật sự được hưởng các chế độ phúc lợi xã hội mà chẳng thấy cuộc đấu tranh nào mạnh mẽ của giai cấp công nhân. Đấu tranh chủ yếu tiến hành trong nghị trường.

Trong quy luật về giá trị thặng dư, Mác đã phạm sai lầm khi bỏ qua sự đóng góp của nhà tư bản thì ở đây GS Trọng đã bỏ qua một nhân tố khá quan trọng trong tồn tại xã hội, đó là tính nhân bản trong các thể chế dân chủ.

Bài báo viết rằng, trong các xã hội tư bản, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn là bất công xã hội. Đây là nhầm lẫn. Thật ra sự tăng khoảng cách giàu nghèo không hẳn là bất công xã hội và cũng không hẳn gắn với xã hội tư bản. Trong đoạn 9 của Bài báo nêu lên tình trạng tăng khoảng cách giàu nghèo ở VN trong nhiều năm gần đây.

Sự tăng khoảng cách giàu nghèo là hợp quy luật khi phát triển kinh tế và khoa học công nghệ vì tốc độ phát triển của những người ở hàng đầu, lớn hơn nhiều so với người ở hàng cuối. Đó không phải là bất công mà là sự chênh lệch tất yếu. Để giảm bớt chênh lệch này, nhiều nước đã áp dụng chính sách thuế và phúc lợi xã hội hợp tình hợp lý.

GS Trọng viết về CNTB như sau: “Cùng với khủng hoảng kinh tế – tài chính là khủng hoảng năng lượng, lương thực, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái của môi trường sinh thái”. Có thật vậy không? Xin GS chỉ ra trên thế giới này nước tư bản phát triển nào mà nạn phá rừng, hủy hoại tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường trầm trọng hơn ở VN? Khủng hoảng năng lượng, lương thực chủ yếu là ở các nước nghèo, ở Trung Hoa và Ấn Độ chứ không phải ở các nước tư bản phát triển.

Bài báo viết: “Các phong trào phản kháng xã hội bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều nước tư bản phát triển trong thời gian qua càng làm bộc lộ rõ sự thật về bản chất của các thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa”. Phản kháng xã hội phải chăng là các cuộc biểu tình của dân chúng đòi giải quyết mâu thuẫn. Mâu thuẫn giữa các nhóm người có quyền lợi khác nhau, giữa giới thợ và giới chủ, giữa người dân và chính quyền. Như vậy sự thật về bản chất có hai điều. Một là ở những nước phát triển vẫn phát sinh mâu thuẫn, hai là dân có quyền tự do biểu tình mà không bị ngăn cấm, không bị đàn áp.

Bản chất một là bình thường nhưng ở xã hội có tự do dân chủ thì nó được phơi bày còn ở các chế độ độc tài thì nó bị che giấu, bị bưng bít hoặc được ngụy trang khéo léo. Bản chất hai mới là quan trọng, nhưng hình như người viết không để ý đến. Có lẽ do tâm thiên vị nên ý bị lệch lạc chăng?

Tiếp đến: “Tại các nước tư bản phát triển, các cuộc bầu cử được gọi là ‘tự do’, ‘dân chủ’ dù có thể thay đổi chính phủ nhưng không thể thay đổi được các thế lực thống trị; đằng sau hệ thống đa đảng trên thực tế vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản…. Sự rêu rao bình đẳng về quyền nhưng không kèm theo sự bình đẳng về điều kiện để thực hiện các quyền đó đã dẫn đến dân chủ vẫn chỉ là hình thức, trống rỗng mà không thực chất”.

Đây là một sự hớ hênh, vạch áo cho người xem lưng. Độc giả sẽ hiểu được rằng bằng bầu cử họ có thể thay đổi chính phủ, còn dưới sự thống trị của ĐCSVN thì sao, thì bầu cử hầu như chẳng có tác dụng gì. Và “dân chủ vẫn chỉ là hình thức…” thì đó là thực trạng của nhà nước CHXHCNVN.

Cũng là một kiểu tự vạch áo (nhưng không biết) khi cho rằng, CNTB gặp phải những mâu thuẫn, khủng hoảng mà “không thể giải quyết được một cách triệt để trong khuôn khổ của chế độ tư bản chủ nghĩa”. Không giải quyết được triệt để nhưng người ta cũng vượt qua được để tiếp tục phát triển. Còn Liên Xô, thành trì của XHCN đã giải quyết triệt để bằng sự sụp đổ hoàn toàn.

Thật ra CNTB thể hiện trong lĩnh vực kinh tế là chủ yếu. Trong sách “Tại sao các quốc gia thất bại”, Daron Acemoglu đưa ra khái niệm thể chế kinh tếthể chế chính trị. Mỗi thể chế có hai trạng thái ngược nhau là Dung hợp và Chiếm đoạt. Thường thì hai thể chế có trạng thái phù hợp với nhau, nhưng cũng có thể là không. Người ta thường thấy ở các nước tư bản nền kinh tế phát triển đi kèm với thể chế dân chủ, dung hợp. Đó là sự kết hợp chứ không đồng nhất.

VI- Về Chủ nghĩa Mác-Lênin

Bài báo khẳng định, ĐCSVN kiên trì Chủ nghĩa Mác-Lênin (CNML) vì nó là học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động, vì tính khoa học và cách mạng triệt để của CNML, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững. Bài báo cũng bác bỏ việc một số người quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước XNCN Đông Âu là do sai lầm của CNML.

CNML được xem là học thuyết cách mạng của vô sản. Xin chưa thảo luận mức độ đúng sai của nó. Còn nó có phải là học thuyết khoa học không thì cần bàn. Hiện có khá đông người thực thi và ủng hộ CNML, nhưng số người phản đối, chống lại, đông gấp hàng chục, hàng trăm lần.

Người phản đối khẳng định rằng, CNML cơ bản đã bị đánh đổ về phương diện khoa học, nhưng người ủng hộ cho rằng, nó vẫn đứng vững và phát triển. Tiếc rằng việc này ai nói gì thì bên ấy nghe, thôi thì cứ để cho thực tế và lịch sử phán xét.

Tôi chỉ xin góp một tiếng nói phân tích CNML về mặt khoa học:

Marx và Engels đã khảo sát nền sản xuất và xã hội của một số nước tư bản ở thế kỷ 19 rồi xây dựng nên học thuyết dựa trên một số tiên đề và phép biện chứng. Xin kể ra một số tiên đề, thực chất là các giả thiết nghiên cứu mà có khi có người còn nâng lên thành quy luật, là những luận cứ, được xem là những hòn đá tảng của Chủ nghĩa Mác. Đó là:

1- Vật chất có trước và quyết định ý thức.

2- Bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội.

3- Đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội loài người.

4- Tư bản bóc lột công nhân bằng “Giá trị thặng dư”.

5- Thống nhất giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất.

6- Nguyên nhân nghèo khổ của giai cấp vô sản là không có tư liệu sản xuất.

7- Giai cấp công nhân là đại diện cho nền sản xuất công nghiệp tiên tiến.

Đã có nhiều công trình nghiên cứu phản bác các tiên đề trên, chứng minh rằng chúng chỉ là những phán đoán giả dối (thuật ngữ của logic học). Tôi cũng đã viết một số bài về “Chất đất sét của đá tảng mác xít”. Khi mà các tiên đề bị bác bỏ, bị đánh đổ, nghĩa là phần luận cứ bị vô hiệu hóa vì giả dối thì toàn bộ học thuyết sụp đổ theo. Lúc đó phần luận chứng dù có hay đến đâu cũng trở thành ngụy biện và chủ nghĩa Mác đã sai ngay từ gốc.

Không biết GS Trọng đã biết gì hay hoàn toàn không biết về các phản bác ở trên. Nếu biết rồi thì chưa thấy GS phản biện trở lại bằng cách nào. Nếu chưa biết thì liệu GS có muốn biết không?

VII- Vài lời phân tích

Theo dõi những hoạt động của GS Trọng, có thể thấy rằng, ông có phần nhân bản tốt, là người tôn trọng đạo đức và truyền thống, yêu thiện, ghét ác. Ông có một tuổi thơ nhiều gian khổ, gia đình thuộc diện bần cố nông, lúc còn bé học hành chắp vá nhưng cậu thiếu niên Trọng đã vượt nhiều khó khăn để vươn lên, khi trưởng thành đạt trình độ giáo sư, tiến sĩ. Đọc bài viết của GS, tôi phát hiện thấy một số lỗi như đã trình bày. Ngoài ra theo dõi nhiều bài phát biểu khác của ông, tôi tán thành với nhận định rằng: ông thuộc loại người bảo thủ.

Để lý giải hiện tượng Nguyễn Phú Trọng bảo thủ, không thể dùng những kiến thức và phương pháp của khoa học tâm lý thông thường, mà phải dùng đến những hiểu biết về siêu hình học, về Tiên thiên và Hậu thiên, về Ý thức và Tiềm thức cùng sức mạnh vô hình của nó, về Mạt na thức và A lại da thức (thuộc Nhận thức luận của Phật giáo), về cấu tạo và hoạt động của các tầng hào quang và luân xa, về hạt giống tinh thần.

Khoa học cho rằng, kiến thức chứa trong não là toàn bộ hiểu biết, sự suy nghĩ của não là cơ sở của mọi quyết định và hành động. Đó là ý thức. Nhưng không phải. Còn có tiềm thức quan trọng hơn nhiều. Hiểu một cách đơn giản tiềm thức là những thông tin thu nhận được từ Tiên thiên và Hậu thiên, bằng các giác quan và các tầng hào quang, được chứa trong A lại da thức (Tàng thức). Giữa ý thức và tiềm thức có liên hệ qua lại, đó là liên hệ tự động, bình thường não không biết được.

Tiềm thức chứa thông tin mà không suy nghĩ, không phân biệt đúng sai. Lúc ý thức cần đến các thông tin đó thì tiềm thức tự động cung cấp. Khi ý thức tiếp nhận thông tin từ tiềm thức rồi đem thi hành thì đó là bình thường. Khi ý thức phát hiện có gì đó không hợp lý thì xảy ra sự đấu tranh giữa hai luồng. Thường gọi là đấu tranh bản thân.

Không phải ai và lúc nào cũng xảy ra sự đấu tranh này. Những người mà từ tiên thiên có bán cầu não phải phát triển mạnh còn vùng phản biện ở bán cầu não trái phát triển yếu thì rất ít khi có được sự đấu tranh bản thân, nghĩa là tiềm thức mách bảo thế nào thì ý thức tiếp nhận như vậy, công nhận đó là chân lý không thể xê dịch.

Những thông tin thu nhận được từ thời trẻ con, được giữ trong tiềm thức, là vô cùng quan trọng. Tất cả những lời dạy bảo của cha mẹ và người lớn đều được cất giữ như là những chân lý, những đạo nghĩa vĩnh hằng (trừ một số ít trẻ có tiên thiên mạnh về phản biện). Tuyên truyền của các thể chế chính trị và tôn giáo đã triệt để lợi dụng tính chất này bằng cách nhồi sọ, tẩy não cho trẻ con từ rất bé và liên tục.

Cậu bé Nguyễn Phú Trọng là một trong hàng trăm triệu trẻ trên thế giới bị nhồi sọ như vậy về sự vĩ đại của lãnh tụ, về chân lý sáng ngời và bất diệt của Cộng sản với Mác Lê. Cậu có bán cầu não phải phát triển tốt, còn vùng phản biện ở bán cầu não trái có ít nơ ron, làm sự phát triển hơi bị chậm. Nguyên nhân một phần từ tiên thiên, phần khác, có ảnh hưởng rất lớn từ hậu thiên. Với sự chịu đựng gian khổ từ bé, hoàn cảnh gia đình bần cố nông, được ĐCS đem đến cho một ít quyền lợi vật chất mà phần tiên thiên về phản biện của Trọng hơi bị yếu, lại bị nhồi sọ của các loại tuyên truyền và giáo dục nhằm biến con người thành công cụ, thì việc bảo thủ và phạm sai lầm về luận lý là chuyện tất yếu.

Hơn nữa, vì bị nhồi sọ quá nhiều trong tuổi thơ mà khi lớn lên, có cương vị thì trở nên chỉ quen nghe những báo cáo đầy xu nịnh và thành tích dỏm của cấp dưới, không thể nào tiếp thu được những lời phản biện dù rất chân tình.

Khi nói những lời như: Đặt lợi ích dân tộc lên trên hết; Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay; chúng ta cần xây dựng xã hội như thế này, như thế kia v.v… thì hình như ông có một chút thực lòng nào đó. Ông nói thế vì quá tin vào những báo cáo của các cấp mà không biết kiểm chứng hoặc nghĩ rằng không cần kiểm chứng.

Có một số người cũng bị nhồi sọ từ bé, nhưng lớn lên họ đã thoát ra được nhờ có xuất thân và tiên thiên vững vàng, lại gặp thầy tốt, bạn tốt, hoàn cảnh tốt. Ông Trọng thì tiên thiên có một chút yếu nào đó, lại không gặp được những người khai mở sự vô minh, mà chỉ gặp điều kiện tốt, chịu ơn của cách mạng và tiến thân theo con đường XHCN.

Ông Trọng tuy có đội ngũ trợ lý đầy năng lực, đã nghĩ ra và giúp ông thực hiện những mưu lược để trừng phạt một số kẻ tham nhũng và loại bỏ đối thủ, nhưng tiếc thay, trong số họ, không có ai xứng đáng là quân sư với những lời khuyên can, không có bạn với phẩm chất trung thực, cao thượng.

Qua câu chuyện của GSTS Nguyễn Phú Trọng, nhiều người nên và có thể rút ra được bài học cần thiết.

N.Đ.C.

Mời xem lại PHẦN IPHẦN II

Tác giả gửi BVN, cùng đăng trên Tiếng Dân

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn