Thế hệ f: Khi quyền lực được chuyển từ Facebook xuống đường

Hứa Y định

Những tranh sách lưu giữ hơi thở của cuộc biểu tình có một không hai trong lịch sử đất nước.

Những ngày tháng Sáu này, nghe nhiều người xung quanh nhắc lại các câu chuyện của cuộc biểu tình 10 năm trước, tôi có chút cảm giác của một người ngoài hành tinh.

Tôi không nhớ chính xác vào thời điểm này 10 năm trước mình đang làm gì. Khả năng cao là đi công tác và vùi mặt trong một dự án nào đó. Tôi cũng không nhớ mình có biết tin gì về các cuộc biểu tình này không. Khả năng cao là không, khi thời đó tôi chỉ biết về xã hội qua các “nguồn tin chính thống”: báo đài của nhà nước.

Mà báo đài nhà nước khi đó nói gì về sự kiện này?

“Một số ít người đã tự phát tụ tập, đi ngang qua Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Hồ Chí Minh để thể hiện tinh thần yêu nước…”, theo bài đăng trên báo Công an Nhân dân vào ngày 6/6/2011, dẫn nguồn Thông tấn xã Việt Nam.

Họ gọi thông tin về các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc trên báo chí nước ngoài là “thông tin sai sự thật”.

Họ không thừa nhận sự tồn tại của những người biểu tình, nhưng lại không phiền hà gì khi mượn danh “những người này” (tức người dân biểu tình) để bắn tiếng phản đối hành động ngang ngược của các tàu hải giám Trung Quốc vào lúc đó.

Khi nguồn tin duy nhất về tình hình đất nước đến từ một hệ thống như vậy, làm sao kỳ vọng những người như tôi biết được thứ gì hay ho hơn?

Nói như thế không có nghĩa là tôi cho mình trong sạch và vô can.

Tôi có biết chuyện tàu Trung Quốc ngang nhiên cắt cáp tàu Bình Minh. Tôi có nổi giận. Nhưng cơn giận đó không khác gì mấy so với những lần nghe tin Trung Quốc quấy nhiễu, đánh đập bắt bớ, thậm chí là giết hại ngư dân Việt Nam. Nó nhiều đến mức tôi không không còn thấy là chuyện gì đặc biệt. Nó phồng lên nhanh và xẹp xuống cũng lẹ.

Từ lúc nào đó không biết, tôi trở thành con ốc vít trong guồng máy của một thế hệ thờ ơ.

Ở đây, một lần nữa lại phải vinh danh hệ thống tuyên truyền của nhà nước, khi hết lần này đến lần khác gắn mác “tàu lạ” cho những vụ việc trên.

Những câu chuyện về “tàu lạ” lặp đi lặp lại không khỏi khiến tôi có cảm giác mình đang sống cùng UFO, cùng những vật thể bay không xác định đến từ vũ trụ.

Nhờ vậy, tôi trở thành người ngoài hành tinh trên chính đất nước mình.

Thật may, vẫn luôn có những “người trái đất” giữ tôi ở lại.

***

Bạn sẽ thấy rất nhiều “người trái đất” đó trong quyển sách “Thế hệ f”.

Họ là những người đã đặt chân xuống các con đường tại Hà Nội và Sài Gòn trong những ngày chủ nhật đỏ lửa của mười năm trước.

Họ là một tập hợp lộn xộn, từ các bậc cao niên hơn 90 tuổi đến những đứa trẻ vẫn còn bi bô, từ các lão thành cách mạng đến những người trẻ tuổi dị ứng với mọi diễn ngôn tuyên truyền, từ các trí thức đạo mạo đến những anh xe ôm hào sảng, từ đàn bà đến đàn ông, từ đàng trong ra đàng ngoài, cả những người trong nước lẫn những ai đang sống ở nước ngoài…

Họ dường như khác biệt về mọi thứ, nhưng lại có chung một đặc điểm quan trọng nhất: đều là những người yêu nước.

Lòng yêu nước của họ không vĩ đại, hào nhoáng hay hoành tráng, mà chân chất như quả đất.

Họ yêu nước như yêu một người thân. Họ giận, thương và đau khi đất nước/ người thân yêu bị kẻ xấu hãm hại. Cảm xúc đó giúp họ vượt qua nỗi sợ, qua những nghi kỵ và cả hiểm nguy. Có người hẹn bạn bè, có người chỉ đi một mình, có người tuyên bố hào hùng trước khi đi, có người lại chỉ âm thầm lặng lẽ giấu gia đình, tất cả không ai hẹn ai cùng bước ra đường chỉ để làm cái việc giản dị: biểu tình. Họ biểu lộ cho những kẻ xấu thấy rằng mình đang giận, rằng mình không sợ chúng và cảnh báo chúng đừng hòng làm hại người thân/ nước của mình.

Hành động dung dị biểu (lộ) tình (cảm) là việc quá đỗi bình thường ở hầu hết những vùng đất có người sống trên thế giới, nhưng bằng cách nào đó, ở những mảnh đất như Việt Nam, nó lại trở thành thứ cấm kỵ, là độc quyền của một nhóm người, và cũng là nỗi ám ảnh khôn nguôi của chính những người đó.

Mười năm trước, có những người đã vượt qua cấm kỵ, giành lại quyền yêu nước, và dạy cho những kẻ nắm quyền rằng không cần phải khúm núm sợ hãi trước ngoại bang.

Họ làm những việc bình thường trong một xã hội bất thường, và bằng cách đó, trở thành những biểu tượng phi thường.

***

“Thế hệ f” tập hợp những bài viết không quá đặc biệt, nếu không muốn nói là khá bình thường. Nhưng bản thân sự tồn tại của quyển sách đã là một thứ vô cùng đặc biệt.

Những câu chuyện trong đó được kể từ những góc nhìn khác biệt, nhiều lúc là đối lập hoàn toàn. Những tranh luận nảy lửa về định nghĩa lòng yêu nước, những quan điểm ôn hòa đặt cạnh những ngôn từ cực đoan, những câu chữ nhiều lúc mang chức năng giải tỏa cảm xúc nhiều hơn là truyền đạt thông tin, tất cả tạo nên một bức tranh đa sắc đa màu khác lạ.

Có những người sang sảng chửi ngoại bang “anh như thế là đéo được!”. Có những người ôn tồn kỳ vọng nhà nước chịu “đồng hành cùng nhân dân”. Có người mong muốn chính quyền biết “chảy nước mắt khi cảm thấy dân mình đơn độc”, lại cũng có người nói thẳng rằng tại Việt Nam, chơi với chính phủ rất khó vì “không biết lúc nào là bạn lúc nào là thù”.

Có câu chuyện về những người nước ngoài trăm phần trăm nhưng vì duyên nợ với Việt Nam mà sẵn sàng tham gia biểu tình tiếp sức. Lại cũng có những người trong nước trực tiếp đi biểu tình nhưng vẫn không muốn dây dưa với các “thành phần phản động”.

Quyển sách như một chiếc hộp thời gian, cất trữ thứ hơi thở vừa đậm đặc vừa mát lạnh của những ngày hè rực lửa mười năm trước. Bất cứ khi nào mở ra, bạn cũng sẽ thấy mình được sống cùng trong không khí tươi mới ấy.

Cái tên sách, “Thế hệ f”, chỉ một thế hệ những người đã tạo lập được một cộng đồng trên Facebook và đem quyền lực từ thế giới mạng ra đời thực.

Nhưng chữ “f” ở đây có lẽ mang nhiều ý nghĩa hơn thế.

Đó là một thế hệ phân biệt được đâu là bạn (friend) đâu là thù (foe), cái gì là thật (fact) cái gì là giả (fake), và không để nỗi sợ (fear) thổi tắt ngọn lửa (fire) trong lòng.

Đó là những người sẵn sàng chiến đấu (fight) bất kể việc bị cấm cản (forbidden) hay có thể thất bại (fail).

Họ chiến đấu cho tự do (freedom), cho công bằng (fairness), và cho niềm tin (faith) của mình.

Họ không phải là những người đầu tiên (first), cũng không phải là những người cuối cùng (final) làm vậy, và họ chắc chắn sẽ không bị lãng quên (forgotten).

Như nhận định của tác giả Trần Minh Khôi từ một bài viết trong sách, “quyền lực này đến và ở lại”, những câu chuyện về ngày hè rực lửa mười năm trước đã xuất hiện và sẽ mãi được kể lại.

Vì đó là câu chuyện của một “thế hệ forever”.

Bạn có thể đọc quyển sách “Thế hệ f” tại trang web ProContra.

-----

Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần.

Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây. Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

H.Y.Đ.

Nguồn: luatkhoa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn