Chờ vaccine xịn (Pfizer)?

Nguyễn Tuấn

Nhiều người nghĩ rằng vaccine Pfizer an toàn hơn và có hiệu quả hơn vaccine AstraZeneca (AZ), nên có nơi người ta ưu tiên vaccine Pfizer cho lãnh đạo, và dẫn đến tình trạng 'chờ vaccine xịn' (vaccine hesitancy). Cái note này giải thích rằng đó là một hiểu lầm, vì trong thực tế 2 vaccine này có hiệu quả như nhau và độ an toàn như nhau.

1. Hiện tượng ngần ngại vaccine (vaccine hesitancy)

Ở Úc và cả thế giới, vaccine AZ bị tai tiếng hơn vaccine Pfizer. Ở bang New South Wales nơi tôi cư trú, vaccine AZ được triển khai vào đầu tháng 4/2021, và chỉ sau vài ngày thì xảy ra một ca (48 tuổi) tử vong vì đông máu sau khi được tiêm vaccine AZ. Báo chí gây ồn ào chung quanh 'sự cố' này, và Sở Y tế phải điều tra. Sau đó, nhiều bài báo cũng nói rằng vaccine AZ có liên quan đến hội chứng đông máu. Họ dùng chữ 'link', hàm ý nói mối liên hệ nhân quả. Trong khi đó rất ít 'tin xấu' về vaccine Pfizer.

Ngay cả ở bên Pháp, ông tổng thống Emmanuel Macron nói rằng vaccine AZ là 'quasi-ineffective' (có thể hiểu là 'không có hiệu quả') ở người trên 65 tuổi [1]. Chẳng hiểu ông này dựa vào đâu mà nói vậy, vì vaccine này có hiệu quả thật ở những người trung niên và cao tuổi. Hình như ông không biết rằng EMA (giống như FDA bên Mỹ) phê chuẩn vaccine AZ.

Hôm qua, trong buổi họp lab hàng tuần, chúng tôi bàn về hiệu quả của 2 vaccine AZ và Pfizer. Thậm chí, có bác sĩ chờ vaccine Pfizer vì họ nghĩ rằng nghĩ rằng vaccine này có hiệu quả hơn và an toàn hơn vaccine AZ.
Có người nói rằng vaccine AZ có nhiều trường hợp đông máu (blood clot) hơn vaccine Pfizer. Tình trạng này dẫn đến hiện tượng 'Vaccine Hesitancy'. Nhưng tôi chỉ ra rằng đây là một hiểu lầm và viết ngay một cái note để giải thích.

2. Nguy cơ đông máu của vaccine AZ và Pfizer

Thế nhưng trong thực tế thì số ca blood clot ở Úc rất thấp. Tính từ lúc triển khai đến nay (July 2021), chỉ có 5 ca tử vong liên quan đến đông máu sau 10,1 triệu liều vaccine AZ. Như các bạn thấy, tỷ lệ đông máu rất thấp.

Nhưng số liệu nghiên cứu sẽ cho chúng ta một bức tranh tốt hơn để so sánh nguy cơ đông máu giữa 2 vaccine. Theo số liệu của EMA, tính đến 4/4/2021, khoảng 34 triệu người đã được tiêm vaccine AZ, và trong số này có 169 ca đông máu được báo cáo [2]. Tính ra, nguy cơ đông máu liên quan đến vaccine AZ là 5 trên 1 triệu.

Còn đối với vaccine Pfizer thì sao? Một nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Oxford phân tích dữ liệu (từ 20/1/2020 đến 25/3/2021) trên 366 869 người đã được tiêm vaccine Pfizer [3]. Họ ước tính rằng nguy cơ đông máu liên quan đến vaccine Pfizer là 6 trên 1 triệu.

3. Hiệu quả trong cộng đồng của vaccine AZ và Pfizer

Anh bạn bác sĩ dùng kết quả thử nghiệm lâm sàng và chỉ ra rằng vaccine Pfizer có hiệu quả cao hơn AZ. Theo số liệu, hiệu quả của vaccine AZ là 70% [4] và Pfizer là 95% [5].

Hai con số này rất nổi tiếng, và một lần nữa nó làm vaccine AZ bị ... hàm oan. (Để biết ý nghĩa thật của hiệu quả vaccine, có thể xem bài này của tôi: https://tuanvnguyen.medium.com/the-real-meaning-of-90...).

Sự thật là chúng ta không thể so sánh hiệu quả của 2 vaccine một cách đơn giản như vậy. Tôi có giải thích trong một cái note trước đây [6] rằng vì 2 thử nghiệm dựa trên 2 nhóm chứng rất khác nhau, nên con số về hiệu quả vaccine cũng khác nhau là bình thường.

Sự khác biệt về hiệu quả giữa 2 vaccine không phản ảnh vaccine nào có ảnh hưởng cao hay thấp hơn vaccine nào. Chỉ có thể làm nghiên cứu thử nghiệm 2 vaccine cùng 1 lúc dùng một nhóm chứng thì mới có thể biết sự khác biệt ra sao, nhưng một nghiên cứu như thế sẽ không bao giờ thực hiện.

Một cách thực tế để so sánh là phân tích hiệu quả vaccine trong cộng đồng (thuật ngữ dịch tễ học gọi là 'effectiveness'). Đã có một nghiên cứu như vậy, cũng do một nhóm bên Anh (ĐH Oxford) thực hiện. Trong nghiên cứu này, họ phân tích dữ liệu từ 373 402 người đã được tiêm vaccine AZ và Pfizer [7]. Họ phân tích rất nhiều, nhưng kết quả chánh mà tôi muốn chia sẻ là như sau:

• Vaccine AZ giảm nguy cơ nhiễm 64% (khoảng tin cậy 95%: 55% đến 70%) sau 21 ngày được tiêm liều 1.

• Vaccine Pfizer giảm nguy cơ nhiễm 67% (khoảng tin cậy 95%: 61% đến 72%) sau 21 ngày được tiêm liều 1.

Như các bạn thấy, chẳng cần tính trị số P, chúng ta cũng thấy hai vaccine này có hiệu quả như nhau.

Tóm lại, những phân tích và 'đọc báo dùm bạn' trên đây giúp chúng ta có thể kết luận rằng:

(a) Nguy cơ bị chứng đông máu rất thấp, và không có khác biệt gì giữa 2 vaccine AstraZeneca (5 trên 1 triệu) và Pfizer (6 trên 1 triệu); và

(b) Hiệu quả ngừa nhiễm trong cộng đồng của hai vaccine AstraZeneca (55-70%) cũng như vaccine Pfizer (61-72%).

Rất tiếc là những thông tin khoa học đó không đến với công chúng và cả giới y tế. Hy vọng rằng cái note này đã giải toả thắc mắc cho các bạn. Nếu có một thông điệp từ cái note này, tôi muốn nói là không nên phân cấp ưu tiên vaccine Pfizer hay AZ và cho lãnh đạo hay thường dân.

Có lẽ các bạn sẽ nói 'ừ, ông nói hay lắm, vậy ông đã tiêm vaccine nào?' Xin thưa là tôi đã tiêm 2 liều vaccine AstraZeneca, và không có biến chứng gì cả.

Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'izer Astra eneca Nguy cơ bị chứng đông máu Hiệu quả trong cộng đồng sau 21 ngày 6 trên 1 triệu 5 trên 1 triệu 67% 65%'

Bản tiếng Anh tại đây:

https://tuanvnguyen.medium.com/?p=5aac13684b5c

____
[1] https://www.independent.co.uk/.../covid-vaccine-france...
[2] https://www.ema.europa.eu/.../astrazenecas-covid-19...
[3] https://osf.io/a9jdq
[4] https://www.thelancet.com/.../PIIS0140-6736(20.../fulltext
[5] https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/nejmoa2034577
[6] https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1269984693448845
[7] https://www.medrxiv.org/.../2021.04.22.21255913v1.full.pdf

N.T.

Nguồn: FB Nguyen Tuan

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn