Cảng nước sâu Lạch Huyện

Trung Thành

Có đọc vào mới thấm thía cái nạn “nhóm lợi ích” khi nó đã mon men trèo đến gần eo lưng ông nhà nước.

Bài 1 - Quy hoạch lại cảng biển: Cảng nước sâu Lạch Huyện hết… sâu?

Trung Thành | 07/08/2021, 06:00:00

DIENDANDOANHNGHIEP.VN Mặc dù thiết kế cho tàu có tải trọng 100 nghìn tấn nhưng cảng Lạch Huyện đã không đáp ứng được yêu cầu.

LTS: Lần đầu tiên quy hoạch 5 chuyên ngành thuộc lĩnh vực giao thông - vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) được Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT thực hiện đồng thời. Trong quy hoạch 5 chuyên ngành giao thông, cảng biển được ưu tiên lựa chọn vị trí.

Nhiều tàu cỡ lớn phải giảm tải đến 30% công suất hoặc trung chuyển từ các cảng khu vực phía Nam.

 Theo chi phí thông thường thì doanh nghiệp cũng mất đến cả trăm tỷ đồng thực hiện việc nạo vét luồng Lạch Huyện. (Nạo vét luồng hàng hải vào cảng Hải Phòng. Ảnh: Võ Thái)

Theo chi phí thông thường thì doanh nghiệp cũng mất đến cả trăm tỷ đồng thực hiện việc nạo vét luồng Lạch Huyện. (Nạo vét luồng hàng hải vào cảng Hải Phòng. Ảnh: Võ Thái)

Cảng container quốc tế Hải Phòng (HICT) là cảng đầu tiên khai thác bến số 1, 2 khu vực Lạch Huyện. HICT được xem là cảng container nước sâu lớn nhất miền Bắc Việt Nam khi có độ sâu trước bến đến -16m và độ sâu luồng Lạch Huyện -14m. Với độ sâu này, cảng có khả năng tiếp nhận tàu với trọng tải lên tới 14.000 TEUs với tuyến dịch vụ trực tiếp đi châu Mỹ và châu Âu.

Thế nhưng chưa đầy 3 năm sau, HICT như thiết kế ban đầu, độ sâu trước bến -16m thì chỉ trong 3 năm, mức độ sa bồi ở đây cao đến 9m. Nhiều hãng tàu đã không đưa tàu tải trọng lớn vào khai thác tại HICT mà phải làm hàng tại cảng Cát Lái (TP. HCM) và trung chuyển ra ngoài Bắc. Trong Báo cáo cuối kỳ nghiên cứu sơ bộ về Dự án xây dựng cảng cửa ngõ Lạch Huyện trước đây của tổ chức JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản), các chuyên gia nhận định mức độ sa bồi luồng Lạch Huyện ở mức 60cm trong năm đầu tiên, năm thứ 2 là 80cm và năm thứ 3 khoảng 90cm.

Tuy nhiên, trên thực tế, mức độ sa bồi khu vực trước bến số 1, 2 của cảng HICT tăng nhanh gấp khoảng 10 lần tính toán ban đầu. Với lượng sa bồi khủng khiếp như vậy, ước tính để đạt được độ sâu ban đầu như thiết kế (-16m), doanh nghiệp cảng sẽ phải nạo vét một khối lượng bùn cát lên đến hơn nửa triệu m3. Nếu tính chi phí thông thường (giá dầu hiện tại, vị trí đổ thải gần,…) thì doanh nghiệp cũng mất đến cả trăm tỷ đồng thực hiện việc nạo vét này.

Trao đổi với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, một lãnh đạo Công ty TNHH cảng container quốc tế Hải Phòng cho biết ngoài vướng mắc về thủ tục đấu thầu thì nguyên nhân quan trọng khác khiến đơn vị không thực hiện được việc nạo vét do thủ xin phép đổ thải vật liệu nạo vét. “Hiện tại, mọi thủ tục đã hoàn tất, điểm đổ thải đã được UBND thành phố Hải Phòng cho phép nên việc nạo vét có thể tiến hành ngay trong quý III/2021” – vị này cho biết.

T.T.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài 2 - Nghịch lý - cảng nước sâu ở vùng bồi!

Trung Thành | 12/08/2021, 11:00:39

DIENDANDOANHNGHIEP.VN Trước ngày khởi công, cảng nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng) đã được rất nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng hải cảnh báo thảm họa sa bồi.

 Cảng HICT được xây dựng ngay trong vùng bồi của cửa Nam Triệu, cửa Cấm

Cảng HICT được xây dựng ngay trong vùng bồi của cửa Nam Triệu, cửa Cấm

Gần 1 năm qua, cảng container quốc tế Hải Phòng (SICT) đã không thể đón tàu có trọng tải lớn trực tiếp vào làm hàng. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho chính doanh nghiệp cảng mà còn ảnh hưởng đến toàn chuỗi vận tải biển khu vực phía Bắc và cả nước. Nguyên nhân do độ sâu trước bến bị sa bồi nghiêm trọng. Theo số liệu của Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, hiện độ sâu trước bến cảng HICT chỉ còn -7m, tức là bằng độ sâu các cảng nằm phía sâu bên trong. 03 năm, cảng HICT bị bồi lắng đến 9m so với thiết kế ban đầu.

Ngược quy luật tự nhiên

Năm 2012, ông Tạ Quyết Thắng – TGĐ Công ty TNHH Sơn Trường (Hải Phòng), đã gửi gần 40 văn bản “gan ruột” đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành TW,… và đặc biệt Bộ GTVT để chỉ ra những bất cập trong việc xây dựng cảng nước sâu Lạch Huyện. Vốn dĩ là doanh nghiệp hàng đầu trong nước về thiết kế và xây dựng cầu cảng nước sâu, để có sức thuyết phục, ông Thắng đã có hẳn một Báo cáo đề xuất đầu tư hạ tầng cho vùng kinh tế Lạch Huyện. Tại đây, ông Thắng cho rằng không thể xây dựng cảng nước sâu gần bờ và ở đầu con lạch như hiện tại vì đó là khu vực đổ ra từ các cửa Nam Triệu, cửa Cấm ra Lạch Huyện tạo nên vùng bồi. Và tất nhiên, không ai làm cảng nước sâu ở trong vùng bồi như vậy.

Cho nên, nếu muốn xây dựng cảng nước sâu thì vị trí xây dựng cảng sẽ nằm cách đó (cảng HICT) khoảng 15km hướng ra biển. Và toàn bộ hệ thống cảng nên quy hoạch theo thứ tự từ trong ra ngoài theo hướng tải trọng tăng dần, phía trong đón tàu nhỏ khoảng 3 vạn tấn, phía ngoài đón tàu lớn có thể lên đến 15 vạn tấn. “Toàn bộ khu vực bến cảng số 1, 2 (Cảng container quốc tế - HICT) như hiện nay sẽ đóng cọc và xây dựng cầu cảng trên đầu cọc để lưu thông dòng chảy tự nhiên chứ không làm kè đổ bê tông cốt thép lấp kín như hiện nay” – ông Thắng cho biết.

Năm 2012, Tổng Hội xây dựng Việt Nam đã có Tọa đàm khoa học xem xét báo cáo đề xuất phương án thay đổi địa điểm xây dựng cảng Lạch Huyện. Tại đây, nhiều nhà khoa học đã lo ngại đến việc sa bồi cho cảng nước sâu này trong tương lai.

“Không thể thay đổi quy luật tự nhiên, và như vậy đừng mong muốn tạo một dòng sông 2 đáy. Trong ngành hàng hải, yếu tố cốt lõi khi quyết định xây dựng cảng chính là độ sâu tự nhiên của dòng sông. Một khi muốn thay đổi độ sâu của dòng sông thì chi phí sẽ rất tốn kém. Mặt khác, nạo vét cũng chỉ là giải pháp tình thế, giải quyết trong ngắn hạn, không thể khắc phục triệt để được. Rất may là trong mấy năm qua chưa có trận bão lớn. Nếu có trận bão lớn thì lượng phù sa đổ về sẽ lấp đầy toàn bộ như trước đây” – ông Thắng nhận định.

Phản biện - việc của các nhà khoa học

Những lập luận tâm huyết của ông Tạ Quyết Thắng về cảng nước sâu Lạch Huyện đã bị Bộ GTVT “phủi”. Lý do đơn giản là…“thiếu căn cứ khoa học” và “đó chỉ là ý tưởng”.

Thậm chí, việc tham vấn các tổ chức, các nhà khoa học cũng được Bộ GTVT làm “chiếu lệ”. TS. Tô Văn Trường – Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi cho biết, Hội Xây dựng là tổ chức đầu tiên quan tâm phản biện dự án cảng Lạch Huyện. Trong quá trình tham vấn, lãnh đạo Bộ GTVT 4 lần thúc ép, thuyết phục lãnh đạo Hội ký công văn xác định cảng Lạch Huyện là công trình “cấp bách”. Gần đây, lãnh đạo Trung ương MTTQ Việt Nam dự định tổ chức hội thảo về cảng Lạch Huyện theo đúng chức năng giám sát và phản biện nhưng Bộ trưởng Bộ GTVT lại khuyến cáo “không nên làm”.

Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng - Nguyên Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật kinh tế biển TP.HCM từng được Bộ GTVT mời tham gia góp ý đề án xây dựng cảng nước sâu Lạch Huyện. Ông Dũng đã đưa ra lời cảnh báo về sự bồi lấp ở cảng và luồng Lạch Huyện: “Thứ nhất, biên độ thủy triều vùng Bắc Hạ Long cao hơn vùng Nam Hạ Long. Vì nguyên nhân này, dòng chảy từ nội địa ra biển có hướng chuyển từ cửa Nam Triệu lên Lạch Huyện. Thứ hai, việc xây dựng cầu Tân Vũ – Lạch Huyện dài 5,4 km nối nội thành Hải Phòng với Cát Hải đã chọn phương án vượt sông bằng hệ thống cầu có chân cọc ở hạ lưu kênh Đình Vũ, qua sông Bạch Đằng. Hệ thống cọc này đã ngăn cản sa bồi ra cửa Nam Triệu, sa bồi sẽ chạy ngược sông Bạch Đằng và ra biển bằng cửa Lạch Huyện”.

Và cũng như cảnh báo khác, phản biện là… việc của các nhà khoa học. Phương án xây dựng cảng nước sâu Lạch Huyện đã định sẵn trong ý chí của Bộ GTVT.

Nếu không có chuyện cảng nước sâu HICT bị bồi lắng “trong một nốt nhạc”, hẳn sẽ không mấy ai để ý những cảnh báo năm xưa về cảng nước sâu Lạch Huyện. “Việc lựa chọn vị trí Lạch Huyện (một lạch thủy triều xưa) làm tiền cảng nước sâu của cụm cảng Hải Phòng mà không phải là cửa Nam Triệu và Đình Vũ chắc chắn sẽ vấp phải sai lầm về mặt chiến lược. Các bài học sử dụng 5 cửa sông chính đổ ra biển từ mảnh đất Hải Phòng trong 20-30 năm qua đã cho thấy những thất bại của sự can thiệp bởi con người đối với dải đất ven biển giàu tiềm năng này” – TS. Tô Văn Trường nói.

T.T.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài 3 - Cảng tỷ đô lãng phí thế nào?

Trung Thành | 13/08/2021, 11:00:31

DIENDANDOANHNGHIEP.VN Cảng tỷ đô Lạch Huyện được “bắt mạch” gây nhiều lãng phí khi chưa chào đời, chỉ tính riêng khối lượng nạo vét mỗi năm đã tốn cả nghìn tỷ đồng, chưa kể nhiều hạng mục nghìn tỷ đã… vô tác dụng.

dfgfdhhg

Mặt bằng doi cát khoảng 8km nhìn từ Cát Hải chạy dọc theo luồng Lạch Huyện

Ngày 15/3/2011, Bộ GTVT có Quyết định số 476/QĐ-BGTVT phê duyệt dự toán đầu tư giai đoạn khởi động cảng Lạch Huyện với số tiền 25.200 tỉ đồng (hơn 1,2 tỉ USD khi đó). Trong đó, Nhà nước vay vốn ODA 18.628 tỉ đồng, còn lại là của các doanh nghiệp Nhật Bản liên doanh với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Ném cả nghìn tỷ vô bổ

Trong tất cả các văn bản gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành TW,…và đặc biệt Bộ GTVT để phản đối những bất cập trong việc xây dựng cảng nước sâu Lạch Huyện, ông Tạ Quyết Thắng – TGĐ Công ty TNHH Sơn Trường đều cho rằng phương án xây dựng của Bộ GTVT gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng. Để “nói có sách”, trong “Báo cáo đề xuất đầu tư hạ tầng cho vùng kinh tế Lạch Huyện” của mình, Sơn Trường đưa ra phương án: Lợi dụng doi cát do bồi lắng tự nhiên ở phía Nam đảo Cát Hải (có chiều dài khoảng 10 km và chiều rộng khoảng 2km) và dòng Lạch Huyện có độ sâu tự nhiên gần bờ từ -7m đến -8m; và ra xa tới 14km thì độ sâu là -12 km. Với địa hình tự nhiên này phương án của Sơn Trường xây dựng cùng 1 lúc cả hệ thống cảng Lạch Huyện (14km) cho các tàu từ tải trọng 10.000 nghìn tấn đến 100.000 nghìn tấn (tính từ gần bờ trở ra) cùng với hệ thống 14km cảng phía sau gần bờ lập khu công nghiệp khoảng 2000 ha. 

Với phương án này khối lượng nạo vét 40 triệu m3 xuống chỉ còn 3 triệu m3 và khối lượng nạo vét hàng năm  là không đáng kể. Nếu so với phương án của Bộ GTVT thì khối lượng nạo vét ban đầu là 40 triệu m3, nạo vét duy tu hàng năm 1,5 triệu m3 nhưng trên thực tế khối lượng nạo vét hiện nay còn lớn hơn rất nhiều (có nguy cơ sa bồi trở lại vị trí ban đầu trước khi nạo vét). Và với khối lượng nạo vét đó đổ ra biển thì việc ô nhiễm môi trường là không thể tránh khỏi.

Sai lầm lớn nhất là người ta mong muốn có một cảng nước sâu ở trong vùng bồi, điều này thật viển vông, không thể có 1 dòng sông 2 đáy ở phía trong vùng bồi.

Tổng kinh phí của phương án Sơn Trường đưa ra là khoảng 22 nghìn tỷ cho 14 km chiều dài cảng rộng 800m và 2.000 ha cho khu công nghiệp (chưa tính đến chi phí thiết bị). Với tổng kinh phí đó so sánh với 25.200 tỷ đồng của Bộ GTVT mới chỉ có 2 bến 700m (đã có thiết bị) thì quả là một khoảng chênh lệch vô cùng lớn. 

Một lãng phí nghìn tỷ khác hiện ai cũng nhìn thấy đó là việc thực hiện tuyến đê kè chắn sóng có tổng chi phí 1.260 tỷ đồng của dự án đã vô tác dụng. Bởi khu vực này trước đây không có sóng và cho đến thời điểm hiện tại Khu công nghiệp DEEP C đang mở rộng và san lấp bao trùm toàn bộ nên sự tồn tại của tuyến kè này không còn.

Phương án đề xuất của Công ty Sơn Trường

Phương án đề xuất của Công ty Sơn Trường

Được “cả chì lẫn chài”

Theo phương án của Sơn Trường, ngoài việc hình thành cảng nước sâu tự nhiên, khu vực Lạch Huyện còn có thể xây dựng khu công nghiệp rộng 2.000ha. Trong quá trình khảo sát, doanh nghiệp này phát hiện tại đảo Cát Hải có 1 doi cát nổi lên khi nước triều xuống -0,5m có diện tích khoảng 4 – 5 nghìn ha được tạo bởi sa bồi từ cửa sông Nam Triệu và Lạch Huyện. “Từ điều kiện tự nhiên đó, có thể coi đây là cơ hội để biến nó thành vùng kinh tế vàng cho Hải Phòng phát triển nếu được quy hoạch có sự phối hợp hợp lý giữa hệ thống cảng hiện đại với khu công nghiệp kỹ thuật cao và sạch” – ông Thắng cho biết.

Theo ông Thắng, chỉ việc kè lập bãi mở rộng đảo Cát Hải về phía Đông Nam 3.200 ha. Phải lợi dụng điều kiện tự nhiên, bám dọc theo Lạch Huyện 14 km và lợi dụng doi cát để tạo thành khu công nghiệp 2.000 ha có đường giao thông kết nối với với giao thông nội địa. Chiều rộng kho bãi cảng là 800 m, phía ngoài cùng có độ sâu -11 m sắp xếp cho cầu tàu 50.000 DWT – 100.000 DWT. Như vậy sẽ được “cả chì lẫn chài” khi có hệ thống cảng nước sâu hiện đại mà không cần nạo vét và 2.000 ha khu công nghiệp.

Thế nhưng, những phương án của Sơn Trường đều được bỏ ngoài tai. “Tôi đã viết 9 lá thư gửi đích thân Bộ trưởng và nhiều văn bản gửi Bộ GTVT để hòng cứu vãn dự án tỷ đô này. Nhưng tất cả đều không có kết quả. Họ cứ im lặng và như người ngoài cuộc” – ông Thắng nói.

Dù ý tưởng cảng nước sâu xa bờ đã không thành hiện thực, thế nhưng khu công nghiệp hàng nghìn ha chạy song song thì đang đi đúng “kịch bản” mà Sơn Trường viết lên. Đó là tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô, xe điện của Tập đoàn Vingroup, đó là dự án mở rộng khu công nghiệp DEEP C về phía nam đảo Cát Hải đang hình thành. Chỉ tiếc rằng mỗi ý tưởng đã không có phép thử.

T.T.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn