Câu hỏi lớn hơn đằng sau chuyện quan chức chơi golf mùa dịch

Yên Khắc Chính

Sân golf, tuy lồ lộ, cũng chỉ là mớ bong bóng nổi của một tảng băng chìm khổng lồ.

Dư luận đang phẫn nộ trước thông tin các lãnh đạo tỉnh Bình Định vẫn thản nhiên đi chơi golf khi dịch bệnh hoành hành. [1]

Đa số các bình luận, trên mạng xã hội lẫn trên các tờ báo quốc doanh đưa tin về vụ việc, đều muốn những cán bộ này phải bị xử lý nghiêm. [2]

Khi người dân ra đường rút tiền, [3] mua đồ ăn, [4] hay đi giao hàng đều bị phạt, [5] thì việc quan chức nhởn nhơ đi chơi golf không khác gì hành động cười nhổ vào mặt hàng triệu người đang bị đủ thứ quy định chính sách chống dịch vô lý hành cho lên bờ xuống ruộng.

Nhưng có những câu hỏi lớn hơn đằng sau chuyện này.

Tại sao sân golf vẫn được phép mở cửa?

Vì sao chính quyền các nơi đòi đóng cửa chợ, không cho quán ăn hoạt động, cấm luôn cả việc giao nhận thực phẩm từ quận này qua quận khác, thì họ lại cho phép các sân golf được hoạt động?

Vụ việc các quan chức ở Bình Định không phải là cá biệt.

Nếu không phải do bị lôi ra từ việc truy vết tiếp xúc ca nhiễm bệnh, các cán bộ này đã không bao giờ bị phát hiện, và sân golf FLC Quy Nhơn vẫn ngạo nghễ mở cửa dang rộng vòng tay đón những kẻ có đặc quyền đặc lợi.

Vào tháng Năm, khi Hà Nội ra lệnh tạm dừng các hoạt động không thiết yếu, [6] đóng cửa các hàng quán ăn uống, thì giám đốc một công ty nhà nướcmột cán bộ của Bộ Giao thông Vận tải vẫn thoải mái tranh thủ đi chơi golf. [7] [8]

Nếu không có các ca nhiễm bệnh, không có truy vết tiếp xúc, người dân đã không bao giờ được biết về những tấm gương mẫn cán ấy.

Vào thời điểm đó, mọi sự tập trung cũng chỉ dồn vào hành vi của các cán bộ này. Dư luận, hay chính xác hơn là chính quyền cố tình bỏ qua chuyện vì sao sân golf lại được mở cửa hoạt động bình thường trong khi hàng loạt dịch vụ thiết yếu khác bị buộc phải đóng cửa.

Chưa ai quên trường hợp bệnh nhân số 21 nổi tiếng vào năm ngoái. Vị cán bộ nằm trong Hội đồng Lý luận Trung ương này “ăn uống ở khách sạn 5 sao, chơi ở sân golf đắt đỏ bậc nhất miền Bắc, có phí thẻ hội viên cá nhân lên tới hơn 3 tỷ đồng”, theo mô tả của tạp chí Mặt Trận. [9]

Không ai lý luận được cho dân hiểu bằng cách nào một quan chức tầm tầm của nhà nước lại có những đặc quyền đặc lợi mà dân đen không bao giờ với tới.

Trường hợp đó cũng chỉ bị lộ ra vì truy vết tiếp xúc ca bệnh, nhưng sau đó chìm nghỉm khi dư luận được hướng sự tập trung vào bệnh nhân 17 để đổ tội. [10]

Các trường hợp lẻ tẻ quan chức đi đánh golf bị phát hiện không phải là phần nổi của tảng băng chìm. Nó chỉ là vài bong bóng nước vô tình nổi lên của tảng băng khổng lồ khắc chữ “đặc quyền của đầy tớ”.

Trong thời điểm dịch bệnh hoành hành, hàng triệu người phải chịu đựng các biện pháp quản chế thời chiến, thì quyền lợi của quan chức vẫn không hề bị suy suyển.

Không ai tin rằng sân golf chỉ được mở cửa để phục vụ một vài cán bộ đã bị phát hiện. Cũng không ai tin vào lời giải thích của lãnh đạo Bình Định, rằng do sân golf “ở vùng xa xôi, biệt lập với thành phố nên rất khó quản lý”. [11]

Nhà nước sẵn sàng huy động cả lực lượng vũ trang để kiểm soát bắt phạt từng người dân thì không thể nào tệ hại đến mức để con voi khổng lồ chui lọt qua lỗ kim.

Chứng kiến cách chính quyền ưu ái cho các sân golf hoạt động ngay trong mùa dịch, người dân có lẽ sẽ không thấy khó hiểu vì sao nhà nước lại bảo vệ đến cùng việc xây dựng các sân golf, kể cả khi phải đánh đổi đất rừng và ảnh hưởng đến nguồn sống của dân địa phương. [12]

Có quá nhiều câu hỏi đằng sau câu chuyện các cán bộ thích chơi golf.

Nó không chỉ là về tư cách của những cá nhân đó. Nó cũng không chỉ là vấn đề ưu ái cho các sân golf và nhóm khách hàng đặc quyền của họ.

Xét đến cùng, sân golf chỉ là một biểu tượng, tuy lồ lộ nhưng vẫn rất nhỏ, cho sự phân hóa đến cùng cực giữa nhân dân và những người luôn tự xưng mình là “đầy tớ”.

Một thể chế gom góp mọi thứ quyền lực vào tay một nhóm người, tước đi hết quyền giám sát và phản kháng của người dân, đó mới là thứ đại dịch tàn phá khủng khiếp nhất.

Y.K.C.

Nguồn: Luật Khoa

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn