Ám ảnh bị ung thư? Hù dọa người tiêu dùng trong cạnh tranh là vô đạo đức

Vũ Kim Hạnh

Hôm qua Đài tiếng nói Việt Nam có phỏng vấn tôi về mì Hảo Hảo. Tôi định khi họ gửi text bài lại thì sẽ post lên đây. Nhưng bây giờ có sẵn nội dung từ chương trình “Vấn đề hôm nay” trên VTV ngày 31/8, chủ yếu phỏng vấn ông Nguyễn Cảnh Cường, Thương vụ VN ở Anh và của BS Trần văn Phúc (FB cùng tên) về chuyên môn. Vậy tôi post bài phỏng vấn cùa VTV luôn.

1. Chất cấm? Hôm qua câu hỏi phỏng vấn mở đầu của VOV và ngay câu mở đầu chương trình của VTV đều là, nghĩ gì về việc mì Hảo Hảo có chất cấm Ethylene Oxide? Tôi đã phải giải thích lại ngay. Chất đó không phải chất cấm. Nếu cấm thì người ta đã không quy định mức tồn dư tối đa, tức mặc định có thể xài nhưng phải theo định mức.

2. EU đã làm gì? Theo ông Cường, họ thông báo tên 2 loại mì, nói mức EO mà họ tìm thấy, yêu cầu siêu thị thu hồi 2 lô mì này (cùng đợt là mì hải sản Yato của TQ). Không có cấm bán các loại SP khác của Hảo Hảo. Cũng không nêu tên doanh nghiệp. Hảo Hảo vẫn bán ở London...

3. Quy định của Canada và Mỹ khác với EU, họ coi thường tính mạng dân họ sao?

Theo BS Trần văn Phúc. Các quốc gia có quy định tiêu chuẩn khác nhau là bình thường. Một số quốc gia tiên tiến chấp nhận hàm lượng EO cao trong thực phẩm, ví dụ Canada ở mức 500 mg/kg, hay Mỹ là 7 mg/kg; lý do: họ cân nhắc thấy nguy cơ nhiễm khuẩn nếu không dùng chất khử (dễ bị Samolnela, E.Coli chẳng hạn) là đáng lo ngại hơn rất nhiều so với nguy cơ gây ung thư.

4. Nghe nói mì của Hàn Quốc, Thái Lan cũng từng bị thu hồi? Sao không thấy báo chí nước họ đăng Thủ tướng yêu cầu báo cáo?

Mỗi năm, EU có hàng trăm vụ thu hồi hàng trong siêu thị, chỉ có VN là oách tới Thủ tướng đòi báo cáo (Ý kiến tôi).

Còn theo BS Phúc. Trước đó, vào ngày 12 tháng 8 năm 2020, Văn phòng Liên bang về Bảo vệ Người tiêu dùng và An toàn Thực phẩm Đức cũng thông báo thu hồi lô sản phẩm mì ăn liền Ramen Rabokki (thương hiệu Paldo của Hàn Quốc) vì có hàm lượng EO cao. Cùng thời điểm, hệ thống cảnh báo sớm RASFF của Liên minh châu Âu cũng ra thông báo về sản phẩm "Mì ăn liền hải sản" được sản xuất tại nhà máy Busan ở Nongshim và "Mì ăn liền bánh gạo xào" được sản xuất tại nhà máy Paldo Icheon. Ngay sau đó, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) đã tiến hành điều tra, kết quả xét nghiệm phát hiện 0,11㎎/㎏ EO trong hành lá khô của mì ăn liền thủy sản Nongshim xuất khẩu và 2,2㎎/㎏ EO trong gói rau bán ở thị trường nội địa. Ngoài ra, MFDS còn phát hiện 12,1 ㎎/㎏ trong gói gia vị.

Trước lúc này, Hàn Quốc chưa có quy định giới hạn EO trong thực phẩm.

Nhưng qua sự cố này, MFDS Hàn Quốc đã quy định tiêu chuẩn giới hạn tạm thời dưới 30 mg/kg, thực phẩm dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 10 mg/kg.

5. Bây giờ mới biết: các nước Á Châu cũng như VN, không có qui định gì về EO?

Đúng, tới nay Trung Quốc, Ấn độ, Thái Lan... đều chưa quy định mức tồn dư tối đa của EO.

6. Mối nguy cơ ung thư? Cứ nghe dọa ra rả, cả nhiều KOL cũng dọa, ăn Hảo Hảo bị ung thư, mì có chất cấm, cũng hơi sợ. Mùa này nhiều nhà trữ sẵn thùng thùng Hảo Hảo. Sao giờ?

BS Phúc. Thì cứ ăn tiếp thôi. Thị trường hiện nay, sản phẩm có hóa chất độc hại bán đầy, sao không nói chuyện ung thư? Đây là nguy cơ ung thư mà người thích mì Hảo Hảo cần biết để:

(1) Nếu ăn mì SỐNG (không nấu nước sôi) thì nếu cứ 2 ngày ăn 1 lần, ăn suốt đời, thì trong 1 triệu người, có 10 người bị ung thư.

(2) Còn nếu ăn khi đã nấu chín, (khi đó, hơn 90% chất EO bị gia nhiệt đã bay mất) thì: cứ ăn mỗi ngày 5 gói, ăn suốt đời, thì trong 1 triệu người sẽ có 10 người bị ung thư.

7. Ủa vậy sao vụ “bị ung thư” cứ nhắc tới nhắc lui, thành ám ảnh luôn?

Chất Arsenic trong nước mắm truyền thống chẳng làm cả xã hội hoảng hồn vì lo ung thư sao? 3 MCPD cũng vậy.

Nhiều chuyên gia nghiên cứu thị trường mấy hôm nay bàn với tôi: đối thủ cạnh tranh lúc mì HH có sự cố, tất nhiên ai cũng tận dụng cơ hội này, huống chi họ cần tăng doanh số, đạt kết quả kinh doanh tốt cho cổ đông vừa lòng, và cổ phiếu tăng giá năm 2022. Cái khác cơ bản là cạnh tranh kiểu gì? Sòng phẳng hay bẩn thỉu?

Bài trước mình đã viết có những điều rất bất thường. Nâng quan điểm là Thủ tướng yêu cầu báo cáo về mì Hảo Hảo gây ung thư.

Chúng ta hình dung đi, bây giờ Thủ tướng đang phải tập trung chuyện gì nhất? Lo tính toán những thay đổi khi tình hình thế giới chỉ ra thay vì “không thắng không về” thì phải sống chung với dịch. Phục hồi kinh tế, gấp rút bơm sức cho doanh nghiệp đã quá khó khăn gượng dậy sản xuất lại khi nhân lực của họ hao tổn quá bị hao tổn quá nặng. Kiểm tra trừng trị mấy ông “ngăn sông cấm chợ” đang làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Lo chặn số tử vong và chăm lo cho rất nhiều ca F0 phát hiện khi xét nghiệm đại trà… Vaccine phân bổ các tâm dịch thế nào, tiêm thế nào chặn dịch ở TP.HCM và đà bùng phát các nơi lân cận TP.HCM đây? Nhìn cục diện là biết mọi người cần chung tay giúp chính phủ, cũng là tự cứu mình.

Ai muốn chính phủ sa vào những chuyện “10 người trên 1 triệu người có nguy cơ chết vì ung thư”, khi tỷ lệ tử vong vì dịch của VN đã “ngang tầm thế giới”?

Cạnh tranh bằng hù dọa người tiêu dùng và hướng quan tâm xã hội vào “ám ảnh ung thư” khi mọi người đau buồn vì mức tử vong bởi dịch bệnh hiện nay? Đó là tội ác.

V.K.H.

Nguồn: FB Vu Kim Hanh

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn