Bệnh viện, nhân viên y tế cần hỗ trợ khẩn cấp

Vân Sơn

“Anh Trường Sơn ạ, dù có buồn lắm thì với công văn đe dọa tước quyền hành nghề của nhân viên y tế khi họ không chịu nổi áp lực mà nghỉ việc, thật tệ. Nó đúng về lý, kể cả tình cũng không sai nhưng Tâm thì nó kém quá.

Người ta không chịu được áp lực được công việc nặng, người ta bỏ thua, nhưng người ta vẫn có quyền sống, kiếm sống bằng mảnh bằng của mình. Chứng chỉ hành nghề là một bước tiến để ai ai cũng phải tự hoàn thiện mình, giờ đã bị/được coi là Giấy phép con để các y bác sỹ ăn học sáu bẩy năm ra trường mà vẫn chưa được phép làm Y sinh thực thụ, buộc phải có Giấy phép con để hành nghề, Giấy phép con để được kiếm tiền, kiếm sống bằng sức lao động và trí óc của mình.”

BS Phạm Ngọc Thắng

Mấy hôm rồi nghe y bs từ Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc, miền Trung vào Sài Gòn chi viện chung tay cứu chữa bà con mình ăn uống khó khăn, có khi thiếu thốn, k hợp... buồn quá!

Có bạn nhìn suất cơm bảo như thế làm sao lại sức và trụ được lâu dài? Họ từ nơi xa đến đây, giúp dân Sài Gòn như những người khách quý, khó khăn chung thế này k đối đãi được tốt như bình thường thì cũng nên làm gì đó như 1 lời cảm ơn!

Tôi có hỏi và tham khảo mấy bs quen thì họ bảo chỉ có trứng với mì gói là nhanh và dễ ăn, lại nóng tiện lợi.

Sáng nay chạy đi xin được 2000 trứng với 30 thùng mì của hai nhà hảo tâm tốt bụng. Về chuẩn bị chuyển đi cho một BV dã chiến do các bs ngoài ấy phụ trách thì lại nghe còn chỗ này, chỗ kia cũng rất cần!

Sức tôi có hạn, cũng k thể đi xin mãi được nên với stt này tôi mong a/c nào có lòng, còn điều kiện chung tay "mời" khách quý những bữa ăn thêm tươm tất hơn chút.

Tôi k nhận quyên góp tiền nhưng có thể giới thiệu nơi đang cần để a/c có thể gửi trực tiếp hoặc chuyển đồ đến các y bs. Xin cảm ơn nhiều!

Hà Phan

Nhân viên y tế đang nỗ lực chống dịch nhưng thu nhập giảm sâu

Nhân viên y tế đang nỗ lực chống dịch nhưng thu nhập giảm sâu

Trực tiếp đối mặt nguy hiểm, áp lực công việc và trách nhiệm ở mức cao nhưng thu nhập của nhân viên y tế đang bị giảm sâu vì bệnh viện tự chủ về tài chính nhưng không có nguồn thu. Trong khi đó, các khoản hỗ trợ của TPHCM cho lực lượng ở tuyến đầu chống dịch COVID-19 đến nay vẫn chưa nhận được.

Kiệt sức, giảm thu nhập

Tại TPHCM, số ca mới mắc được ghi nhận trung bình mỗi ngày 5.300 người. Hơn 177.300 nhân viên y tế đang ngày đêm chiến đấu trên mọi trận tuyến. Nhiều người phơi nhiễm, một số nhân viên y tế và lực lượng chống dịch đã tử vong sau khi mắc COVID-19.

Nhân viên y tế làm việc với cường độ gấp nhiều lần so với ngày thường với nhiều rủi ro nhưng thu nhập của họ đang giảm mạnh. “Chúng tôi chỉ còn được lãnh lương cứng theo quy định của Nhà nước, các khoản phụ cấp, trợ cấp, thu nhập tăng thêm đã giảm đến 75%.

Các y, bác sĩ vẫn đang cố gắng chiến đấu, quyết tâm điều trị, cứu chữa cho bệnh nhân nhưng đến giờ này ai cũng lo lắng bởi nhiều người đang gánh trên vai cả gia đình với nhiều miệng ăn, chưa kể họ phải trả thêm tiền thuê nhà và rất nhiều khoản tiền khác.

Lấy gì để ăn, để cho con đi học, để trang trải cuộc sống trong những ngày tới nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài đang là bài toán vô cùng khó”, chị Nguyễn Thùy Linh (công tác tại Bệnh viện Da liễu, đang làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 12) nói.

Bác sĩ Vũ Hồng Quân (công tác tại Bệnh viện Quân dân y Miền Đông) cho biết nơi đây đang điều trị hơn 500 bệnh nhân COVID-19 thuộc nhóm có bệnh lý nền, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng.

Theo bác sĩ Quân, thời điểm này, lương cơ bản của anh em trong bệnh viện, kể cả giám đốc đều phải giảm 50% vì không có nguồn thu. Các khoản phụ cấp, trợ cấp, thu nhập tăng thêm trước đây đều đã bị cắt hết.

“Một số nguồn tài chính được cung cấp từ trên chuyển xuống bệnh viện chưa nhận được. Chi phí hằng ngày bệnh viện đang phải tự xoay xở để lo điều trị cho bệnh nhân và các khoản chi khác. Bệnh viện đã mượn mấy chục tỷ để chi trả từ khi dịch bùng phát đến nay, tình hình ngày càng khó khăn”, BS Quân nói.

Theo chia sẻ của BS Quân, lương của ông tháng qua chỉ còn 5,6 triệu đồng. Thời điểm bình thường, mỗi tháng ông nhận khoảng 12 triệu đồng tiền lương, chưa bao gồm các khoản thu nhập tăng thêm.

Tuy nhiên, ông cho rằng mình vẫn còn may mắn vì nhiều bác sĩ trẻ hiện nay mỗi tháng chỉ được nhận hơn 3,1 triệu đồng tiền lương.

Chiều 7/9 trả lời phóng viên Tiền Phong về việc khi nào gói hỗ trợ của thành phố đến với nhân viên y tế, BS Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, ngày 24/8, HĐND TPHCM thông qua nghị quyết hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu.

Qua thống kê, mới có một số bệnh viện đã chi trả cho lực lượng tuyến đầu gồm: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Nhi Đồng 1, Bình Dân… Một số đơn vị khác đã lên danh sách, trong tuần này sẽ nhận được gói hỗ trợ.

“Mỗi tháng tôi chỉ còn nhận được khoảng 6 triệu đồng, thu nhập đã giảm khoảng 40%. Gần đây, chúng tôi vượt qua khó khăn là nhờ nguồn thực phẩm hỗ trợ từ các mạnh thường quân.

Nếu không có họ giúp sức thì chẳng biết làm sao để trang trải trong tình cảnh khó khăn, thu nhập giảm sâu.

Tuy nhiên, các khoản thiện nguyện tài trợ cũng chỉ có mức độ, đến nay các mạnh thường quân cũng đã đuối sức, các nguồn quỹ đã gần cạn nếu Nhà nước không chăm lo thì sẽ rất khó khăn cho y bác sĩ”, chị Lê Thanh Tình (công tác tại Bệnh viện Thành Phố Thủ Đức) tâm sự.

Chậm hỗ trợ

Ngày 2/8, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, ký công văn về việc “Triển khai chương trình động viên cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch COVID-19”.

Theo đó, thành phố thực hiện chính sách đặc thù, hỗ trợ động viên hưởng một lần cho lực lượng tuyến đầu, có 5 đối tượng được hỗ trợ với mức từ 1,5 - 10 triệu đồng.

Cụ thể, với lực lượng y tế tuyến đầu thực hiện công việc trực tiếp được hỗ trợ 10 triệu đồng/người; lực lượng tuyến đầu thực hiện công việc gián tiếp 4,5 triệu đồng/người; tổ COVID-19 cộng đồng 2 triệu đồng/người.

Với lực lượng tình nguyện viên được Sở Y tế huy động tham gia phòng chống dịch, nếu là cán bộ, giảng viên từ các trường y khoa trên địa bàn, y tế tư nhân, nhân viên y tế nghỉ hưu, tình nguyện viên tôn giáo, tình nguyện viên lái xe vận chuyển F0, F1 theo yêu cầu cách ly tập trung được hỗ trợ 3 triệu đồng/người. Lực lượng sinh viên y khoa được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người.

Tuy nhiên, ngày 7/9, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, lãnh đạo nhiều bệnh viện nói rằng, vẫn chưa nhận được gói hỗ trợ trên.

BS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện Da liễu, nói: “Bệnh viện khó khăn lắm, lượng bệnh nhân giảm khoảng 90%, nguồn thu toàn bệnh viện giảm hơn 90% nhưng vẫn phải đảm bảo chi trả lương và một phần trợ cấp cho nhân viên y tế. Chúng tôi cũng đang trông chờ vào các chính sách hỗ trợ và gói động viên tuyến đầu chống dịch nhưng đến nay chưa nhận được.

Để chia sẻ khó khăn cùng nhau vượt qua đại dịch, nhân viên y tế trong bệnh viện đã chủ động lập một khoản quỹ riêng, ai có nhiều góp nhiều ai có ít góp ít để hỗ trợ những người khó khăn cần giúp đỡ”.

Theo BS Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, nhiều y bác sĩ đang rất khó khăn nhưng phải quán triệt tư tưởng chung để cùng nhau chia sẻ vượt qua dịch bệnh.

“Nguồn tài chính nhất định từ phát triển sự nghiệp đang được bệnh viện sử dụng để chi trả lương cho cán bộ, công nhân viên, nhưng tình hình này nếu dịch kéo dài sẽ trở nên rất khó khăn”, BS Khanh nói.

PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, cho biết: “Thống Nhất là bệnh viện tự chủ hoàn toàn về tài chính, phải làm ra tiền thì mới có lương cho anh em. Bây giờ, không có bệnh nhân, nhưng lại phải tập trung chống dịch. Chúng tôi đang thực hiện hình thức tạm chi cơ bản cho toàn thể cán bộ, nhân viên bệnh viện bằng nguồn dự trữ còn lại, nhưng sắp hết rồi”.

_______

(Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi)

V.S.

Nguồn: Tienphong.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn