Giải mã đơn xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc

Katsuji Nakazawa

Analysis: China’s TPP bid follows carefully scripted 300-day plan”, Nikkei Asia, 23/09/2021.

Biên dịch: Trần Hùng

Vào tuần trước, việc Trung Quốc chính thức xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, trước đây gọi là TPP, đã khiến nhiều người bất ngờ, và được coi là một động thái đột ngột của chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình.

Nhưng các tài liệu xin gia nhập đã được đệ trình dựa trên một kế hoạch được lên kịch bản cẩn thận bắt đầu từ hơn 300 ngày trước.

Dù một số người đã gạt bỏ khả năng Trung Quốc được gia nhập sớm do có nhiều rào cản mà Bắc Kinh sẽ phải vượt qua để đáp ứng các tiêu chí của TPP, nhưng nếu Trung Quốc được tham gia, họ sẽ làm thay đổi động lực của hiệp định thương mại này.

Đối với Nhật Bản, quốc gia đã bước lên giữ vai trò dẫn dắt 11 thành viên còn lại sau khi Mỹ rút khỏi TPP dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, lợi ích của Nhật có thể nhanh chóng bị tước đoạt nếu nước này không nắm bắt được chính xác các động thái chiến lược của Trung Quốc và đi trước một bước.

Đầu tháng 11 năm ngoái, kế hoạch xin gia nhập TPP vào mùa thu năm nay đã được các nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra, theo một nguồn đáng tin cậy hiểu biết về các chính sách kinh tế đối ngoại của Trung Quốc.

Nguồn tin lưu ý rằng, vào thời điểm đó, chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ của Joe Biden đã trở nên chắc chắn, và các cuộc đàm phán cho Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã kết thúc. Không giống như TPP, Trung Quốc là thành viên nòng cốt của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực.

Điểm mấu chốt của kế hoạch 300 ngày là đăng ký trở thành thành viên TPP trước khi Hoa Kỳ, dưới thời Biden, có thể cân nhắc quay lại. Điều đó có thể xảy ra vào năm 2022, một khi đại dịch coronavirus lắng dịu, theo tính toán của Bắc Kinh.

Vào ngày 20 tháng 11 năm 2020, ông Tập đã tuyên bố trong một bài phát biểu trước cuộc họp trực tuyến của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), rằng Trung Quốc “sẽ xem xét một cách thuận lợi” việc tham gia CPTPP.

Điều đó đã khởi động cho kế hoạch xin gia nhập, việc cuối cùng đã diễn ra vào thứ Năm tuần trước, 300 ngày sau bài phát biểu ngày 20 tháng 11 của ông Tập.

Kế hoạch cũng có một động cơ khác. Trung Quốc muốn gây áp lực với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, nhà lãnh đạo Đảng Dân Tiến. Chính phủ do đảng này dẫn dắt đã thể hiện mong muốn tham gia TPP.

Và hôm thứ Tư, như thể để bám đuổi động thái của Trung Quốc, Hãng thông tấn Trung ương chính thức của Đài Loan đưa tin rằng Đài Bắc đã chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP.

Thông báo của ông Tập không hề đột ngột. Ông chỉ đạo các chính sách kinh tế đối ngoại cùng với Thủ tướng Lý Khắc Cường, người giám sát sự tham gia của Trung Quốc vào các cuộc đàm phán RCEP.

Sáu tháng trước tuyên bố của ông Tập, vào tháng 5 năm 2020, ông Lý nói trong cuộc họp báo thường niên cuối kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, rằng Trung Quốc “có thái độ tích cực và cởi mở” đối với việc tham gia CPTPP.

Những người đóng vai trò quan trọng trong vai trò cầu nối giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất là Phó Thủ tướng Lưu Hạc, một người thân tín của ông Tập, và Du Kiến Hoa (Yu Jianhua), một thứ trưởng thương mại đồng thời là nhà đàm phán thương mại quốc tế của Trung Quốc.

Một trung tâm chỉ huy được thiết lập trong Quốc vụ viện, tức chính phủ Trung Quốc, và các cuộc họp được tổ chức bất cứ khi nào cần đưa ra các quyết định quan trọng. Dựa trên kế hoạch 300 ngày này, mục tiêu đầu tiên cần tiếp cận chính là New Zealand.

New Zealand là một trong bốn thành viên sáng lập của Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương, tiền thân của TPP, cùng với Brunei, Chile và Singapore. Nước này tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong CPTPP, và hiện là nước lưu chiểu hiệp định, bên gác cổng đối với những nước muốn xin gia nhập.

Đơn đăng ký của Trung Quốc không được nộp cho nước chủ tịch CPTPP năm nay là Nhật Bản, mà cho New Zealand.

Hồi tháng Giêng, hai tháng sau khi ông Tập tuyên bố ý định gia nhập, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận nâng cấp hiệp định thương mại tự do song phương với New Zealand, một hiệp định được coi là có lợi cho New Zealand hơn là cho Trung Quốc.

Cách đối xử thân thiện của Trung Quốc với New Zealand trái ngược với quan hệ của Trung Quốc với Australia, vốn đang tiếp tục xấu đi.

Trung Quốc cũng đã liên hệ với Singapore, một thành viên sáng lập TPP khác, trong quá trình vận động vào phút chót, trước khi nộp đơn xin gia nhập CPTPP. Trung Quốc để mắt đến vị trí chủ tịch hiệp định của Singapore vào năm 2022.

Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, đến thăm Singapore vào giữa tháng 9. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương, Vương Nghị đã giành được sự trấn an của Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, Vivian Balakrishnan, rằng nước này hoan nghênh sự quan tâm của Trung Quốc đối với CPTPP.

Malaysia đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc gia nhập CPTPP của Trung Quốc. Trung Quốc tin rằng nhiều quốc gia ở Đông Nam Á sẽ không phản đối việc Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán như vậy.

Trung Quốc cũng tin rằng ngay cả Nhật Bản cuối cùng cũng sẽ không thể phản đối việc khởi động các cuộc đàm phán gia nhập của Trung Quốc.

CPTPP luôn là một con đường dẫn đến ảnh hưởng khu vực lớn hơn của Bắc Kinh. Sự hỗn loạn của Afghanistan chính là yếu tố quyết định cuối cùng thúc đẩy Trung Quốc nộp đơn đăng ký.

Bắc Kinh nhận thấy rằng chính quyền Biden sẽ bị phân tâm bởi vấn đề Afghanistan và Trung Đông trong tương lai gần, và sẽ không thể có kế hoạch quay lại TPP sớm.

Dựa trên phân tích đó, lãnh đạo Trung Quốc đã có động thái đầu tiên trước thềm hội nghị cấp cao APEC năm nay, dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 11, theo đúng lịch trình đã được định sẵn từ năm ngoái.

Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu chính quyền ông Tập có sẵn sàng bắt tay vào cải cách toàn diện trong nước để vượt qua những rào cản cao của TPP hay không. Một chuyên gia đã bày tỏ nghi ngờ về sự nghiêm túc của Trung Quốc.

“Mọi người đang hiểu sai điều này”, chuyên gia cho biết. “Với tình hình chính trị hiện tại ở Trung Quốc, chính quyền ông Tập không có ý định tham gia TPP ngay lập tức. Họ cũng không sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán mang tính chất quyết định”.

“Việc tham gia đàm phán chỉ cần sự ủng hộ nhất trí của các thành viên TPP. Ngay cả khi các cuộc đàm phán được tiến hành, Trung Quốc sẽ trì hoãn việc giải quyết các vấn đề cụ thể”, vị chuyên gia nói thêm.

Trong vài năm qua, Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp đi ngược lại mong đợi của các quốc gia thành viên TPP. Sáp nhập các công ty lớn của nhà nước là một ví dụ.

Trong khi các nhà chức trách Trung Quốc đã áp dụng các khoản tiền phạt chống độc quyền đối với các công ty tư nhân lớn, hoặc buộc họ phải chia nhỏ, nước này đã không giải quyết vấn đề trợ cấp dành cho các công ty nhà nước.

Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào tháng 12 năm 2001. Các cuộc đàm phán gia nhập WTO của nước này bắt đầu vào những năm 1990. Đó là những cuộc đàm phán quan trọng, nơi Trung Quốc đánh cược số phận của mình, trong khi họ tiến hành các cải cách trong nước, đặc biệt là đối với các công ty nhà nước.

Đơn xin gia nhập TPP lần này của Trung Quốc không cho thấy họ có một quyết tâm mạnh mẽ tương tự như vậy.

Trung Quốc không ủng hộ việc cho phép lưu chuyển dữ liệu tự do xuyên biên giới, một yêu cầu của TPP. Trên thực tế, Bắc Kinh đang đi theo hướng ngược lại, và vào ngày 1 tháng 9 đã bắt đầu thực thi một luật về bảo mật dữ liệu.

Các lực lượng cánh tả ở Trung Quốc là một nhóm có ảnh hưởng, ủng hộ việc ông Tập đi theo hướng đó, đồng thời kiểm soát nhà nước chặt chẽ hơn.

Họ đã liên tục phản đối việc gia nhập TPP, cho rằng các quy định của TPP, như hạn chế trợ cấp cho các công ty nhà nước, sẽ dẫn đến vi phạm chủ quyền quốc gia của Trung Quốc.

Với tình hình chính trị hiện tại của Trung Quốc, việc nước này tuyên bố xin gia nhập CPTPP là điều hơi mâu thuẫn.

Trong khi đó, một nguồn tin khác chỉ ra rằng việc Trung Quốc đăng ký trở thành thành viên CPTPP là nhằm gửi đi một thông điệp ở cả trong và ngoài nước, rằng nước này sẽ vẫn là “một nền kinh tế thị trường.”

Nguồn tin mô tả việc Trung Quốc đăng ký trở thành thành viên CPTPP là một động thái phòng thủ, được thực hiện với nhận thức sâu sắc rằng, nước này đang bị quan sát chặt chẽ hơn vì xu hướng thúc đẩy chủ nghĩa xã hội gần đây.

Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm bảy thành viên, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, sẽ được bầu lại tại đại hội toàn quốc tiếp theo của đảng vào mùa thu năm 2022.

Ông Tập đang cố gắng duy trì vị trí lãnh đạo tối cao của Trung Quốc vào năm 2022 cũng như những năm sau đó. Với việc để mắt đến ngay cả đại hội đảng năm 2027, Tập có thể thấy khả năng sử dụng đơn xin gia nhập TPP của Trung Quốc, cũng như các cuộc đàm phán quy chế thành viên trong tương lai, làm đòn bẩy cho các cải cách trong nước.

Chiến lược TPP của Trung Quốc, vốn có nhiều khía cạnh khác nhau, không nên bị đánh giá thấp. Một thủ tướng mới của Nhật Bản sẽ nhậm chức, kế nhiệm Yoshihide Suga, người đã tuyên bố ý định từ chức, sau cuộc bầu cử chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền vào cuối tháng này.

Bất cứ ai đảm nhận chức vụ đứng đầu chính phủ Nhật Bản sẽ ngay lập tức đối mặt áp lực phải đưa ra quyết định về cách đối phó với Trung Quốc trên mặt trận chính trị và kinh tế.

K.N.

Nguồn bản dịch: Nghiên cứu Quốc tế

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn