Thế giới đã thay đổi, Việt Nam phải thay đổi

GS.TSKH Nguyễn Mại

Dịch bệnh COVID-19 đã làm thay đổi cách vận hành của thế giới. Thế giới đã thay đổi, Việt Nam cũng phải thay đổi để thích ứng với bối cảnh mới, hướng đến mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững, xây dựng nền kinh tế xanh, ít phát thải nhà kính, biến khát vọng thịnh vượng của dân tộc nhanh chóng trở thành hiện thực.

Ảnh minh hoạ: Trọng Hiếu.

Chỉ trong một thời gian ngắn, con virus có đường kính một phần mười nghìn milimét đã làm biến đổi tình hình kinh tế - xã hội của các nước trên thế giới; nhiều nhà máy, cửa hàng, quán ăn bị đóng cửa, hết điều cấm kỵ này đến những hạn chế khác đối với sinh hoạt bình thường của người dân.

Khi đại dịch về cơ bản đã được kiểm soát, thì vấn đề nổi lên hàng đầu là khôi phục và phát triển kinh tế đồng thời bảo đảm an toàn cho người dân trong trạng thái bình thường mới.

Nhận diện thế giới đã thay đổi

Không khó để cảm nhận được sự thay đổi của thế giới từ khi bùng phát dịch COVID-19. Trong năm 2021, các ngân hàng trung ương và hầu hết nhà kinh tế đều tin rằng tình trạng lạm phát kèm tăng trưởng chậm (stagflation) trên toàn cầu chỉ là tạm thời. Các nút thắt trong chuỗi cung ứng sẽ được giải tỏa. Giá năng lượng sẽ bình ổn. Nhưng khi năm 2021 gần kết thúc, niềm tin đó dần lung lay.

Về lý thuyết, cách xử lý lạm phát do gián đoạn nguồn cung là để nó tự điều chỉnh; bởi vì tăng lãi suất không giải quyết tình trạng tắc nghẽn ở các cảng, không thể giúp bơm thêm khí đốt hoặc khiến đại dịch chấm dứt. Các nước từng có kinh nghiệm như vậy. Nhưng năm 2011 khi lạm phát ở Anh lên tới 5,2% do giá hàng hóa tăng thì Ngân hàng Trung ương Anh vẫn giữ lãi suất ở mức thấp. Trong khi đó, tại khu vực đồng euro, Ngân hàng Trung ương Châu Âu lại chọn cách tăng lãi suất, khiến nền kinh tế khối này suy thoái trở lại.

Các doanh nghiệp buộc phải thích nghi với sự thay đổi đó để ứng phó được diễn biến mới của thị trường và kinh tế thế giới tác động đến nền kinh tế đất nước.

Thứ nhất là vai trò của chính phủ đối với quản lý kinh tế - xã hội đã mở rộng cả về quy mô và phạm vi. Chính phủ ra lệnh đóng cửa các địa điểm kinh doanh và cách ly người dân để ngăn chặn virus. Và cũng chỉ có chính phủ mới giúp khắc phục được sự sụp đổ kinh tế do dịch gây ra. Lịch sử cho thấy rằng sau các cuộc khủng hoảng, nhà nước không từ bỏ tất cả các quyền lực mà nó đã được trao thêm.

Ngày nay, điều đó có tác động không chỉ đối với nền kinh tế mà còn đối với cả sự giám sát của nhà nước đối với các cá nhân. Đáng lo ngại nhất là việc giám sát người dân quá mức. Thu thập và xử lý dữ liệu sâu rộng sẽ gia tăng vì nó mang lại lợi thế trong việc quản lý dịch bệnh, nhưng cũng mang lại cho nhà nước quyền truy cập thường xuyên vào hồ sơ y tế và dữ liệu điện tử của công dân. Nhà nước sẽ đối mặt với cám dỗ là tiếp tục sử dụng giám sát sau đại dịch. Hàng rào bảo vệ công nghệ lẫn nền kinh tế chính là người dân, chống lại những nhà nước quá nhiều quyền lực. Họ phải nhớ rằng một chính phủ phù hợp với chống dịch không phù hợp với cuộc sống thường nhật của họ.

Thứ hai là trật tự thế giới đã thay đổi; sự trỗi dậy của Trung Quốc có đe dọa vị thế của Mỹ không (?) là vấn đề nổi lên trên bàn cờ thế giới hiện nay và nhiều năm tiếp theo. Một số nghiên cứu quốc tế nhận định rằng, Hoa Kỳ vẩn giữ được nhiều lợi thế quyền lực quan trọng:

1) Nhân khẩu học: Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, Mỹ là quốc gia phát triển duy nhất dự báo ​​sẽ có đóng góp vào tăng trưởng dân số toàn cầu vào năm 2050. Trung Quốc, nước có dân số đông nhất hiện nay sẽ mất vị trí hàng đầu vào tay Ấn Độ.

2) Năng lượng: Cuộc cách mạng dầu đá phiến đã biến Mỹ từ một nhà nhập khẩu sang một nước xuất khẩu năng lượng, trong khi Trung Quốc ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng nhập khẩu.

3) Công nghệ: Trong số các công nghệ mang lại quyền lực trong thế kỷ này có công nghệ sinh học, công nghệ nano và thế hệ tiếp theo của công nghệ thông tin như trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn. Theo hầu hết các chuyên gia, dù năng lực của Trung Quốc đang được cải thiện thì Mỹ vẫn là nước dẫn đầu thế giới về nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa các công nghệ này.

4) Giáo dục: Theo một bảng xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải, trong số 20 trường đại học hàng đầu trên thế giới, 16 trường nằm ở Hoa Kỳ trong khi không có trường nào của Trung Quốc.

5) Đồng USD: Trong kho dự trữ ngoại tệ của các nước trên thế giới, chỉ có 1,1% là đồng nhân dân tệ, so với mức 64% của đồng USD.

6) Địa lý: Hoa Kỳ được bao quanh bởi các đại dương; Canada và Mexico vẫn là các quốc gia thân thiện. Trong khi Trung Quốc có biên giới với 14 quốc gia cùng các tranh chấp lãnh thổ với một số nước như Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam.

Thứ ba là nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, xu hướng hướng nội gia tăng, thị trường thế giới biến đổi khó lường, đầu năm 2021 người ta lo ngại tình trạng xuống dốc của thị trường dầu mỏ, thì cuối năm liên tục xảy ra một số cơn sốt, giá dầu tăng liên tục; giá một số nguyên liệu, vật tư như than đá, năng lượng, sắt thép tăng nhanh tác động đến chi phí đầu vào của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ.

Các nhà công nghiệp và chính trị gia đã mất niềm tin vào chuỗi cung ứng toàn cầu thay vào đó là sự ủng hộ về lâu dài của nhà nước đối với các công ty chủ chốt của quốc gia hướng về thị trường nội địa. Triển vọng thương mại quốc tế vốn đã mờ mịt nay lại càng mù mịt thêm. Và về lâu dài, một sự mở rộng quá mức và kéo dài của quyền lực nhà nước cùng với nợ công cao hơn đáng kể có khả năng dẫn đến một loại chủ nghĩa tư bản chậm chạp, kém năng động hơn.

Chiến lược thương mại và đầu tư toàn cầu của các tập đoàn kinh tế quốc tế thay đổi để thích ứng với biến động của thị trường thế giới và khu vực, cũng như đáp ứng đòi hỏi của chính sách đổi ngoại của các chính phủ.

Thứ tư là xu hướng chuyển đổi số gia tăng để ứng phó với dịch bệnh và thich ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Một số ngành nghề cũ biến mất, một số ngành nghề mới ra đời, đòi hỏi phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lao động để sử dụng các công cụ, phương thức sản xuất, lưu thông, phân phối mới. Máy móc thay thế dần lao động cơ bắp. Người máy ngày càng tinh vi hơn, thay thế con người trong nhiều loại hoạt động với năng suất và hiệu quả cao hơn. Lao động tại nhà, tại quán cà phê nhờ vào máy tính và mạng internet, hội thảo, hội nghị trực tuyến.

Một số thay đổi trên đây là điều đáng mong muốn trong tương lai. Sẽ rất tốt nếu các chính phủ được chuẩn bị tốt hơn cho đại dịch tiếp theo như đầu tư nhiều hơn vào y tế công cộng. Có những thay đổi khó đảo ngược như chuyển đổi số phải thích nghi với nó, nếu không muốn bị đào thải. Đáng lo ngại hơn là sự lây lan của những thói quen xấu do cuộc sống bị đảo lộn trong đại dịch.

Nhà nước phải thay đổi

Kinh tế và thị trường thế giới đã thay đổi, chính sách đối ngoại của các nước lớn đã thay đổi, chiến lược toàn cầu về thương mại và đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn thay đổi bắt buộc nhà nước phải thay đổi định hướng phát triển quốc gia. Từ mục tiêu phòng chống để tiêu diệt COVID-19, chuyển sang “sống chung với dịch” coi như dịch cúm, dịch sốt xuất huyết phải thay đổi đồng bộ từ quan điểm tiếp cận đến giải pháp ứng phó để tránh lặp lại một số sai lầm đã xảy ra.

Đại hội Đảng XIII quyết định định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, được xây dựng từ năm 2019 khi chưa xảy ra đại dịch, được bàn thảo tại đại hội vào đầu năm 2021 khi nước ta được thế giới coi là hình mẫu thành công phòng chống dịch, do đó từ tư duy phát triển đến thực thi đều mang đậm dấu ấn "khát vọng thịnh vượng" của dân tộc phải đạt được nhanh nhất bằng tốc độ tăng trưởng và hiệu quả kinh tế-xã hội cao.

Kết thúc năm 2021, nhiều chỉ tiêu số lượng và chất lượng không đạt được dự kiến, tăng trưởng khó vượt qua 4%, hàng vạn doanh nghiệp phá sản, hàng triệu lao động thất nghiệp, nhà nước phải đưa ra nhiều gói cứu trợ cho doanh nghiệp, người lao động và người dân; Môt số lĩnh vực như hàng không, vận tải đường sắt, đường bộ, du lịch trong nước và quốc tế mới bắt đầu khởi động lại, nhiều địa phương bao gồm cả hai trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội và TP.HCM suy thoái nặng nề.

Từ đầu tháng 10 năm 2021 khi dịch bệnh trên phạm vi cả nước về cơ bản đã được kiểm soát, các nhà hoạch định chính sách hy vọng tình hình kinh tế tại các địa phương chịu tác động nặng nề nhất có thể bật dậy nhanh chóng, nhưng trớ trêu thay tình trạng thiếu lao động do hàng triệu người đã bỏ về quê vừa làm chậm phục hồi nhất là các ngành dịch vụ, vừa phải tăng tiền công, tăng chi phí đầu vào của sản phẩm.

Trong giai đoạn dịch bênh, nhất là từ ngày 27/4/2021 khi dịch lan rộng từ Bắc Ninh, Bắc Giang tiếp đó đến TP.HCM và các tỉnh phụ cận, chính phủ và chính quyền địa phương đã áp dụng nhiều chủ trương và giải pháp bất bình thường để ứng phó; trong đó có nhiều giải pháp đúng đắn, nhưng đáng tiếc cũng có những giải pháp cứng nhắc, gây phiền hà cho cuộc sống của người dân, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và hộ gia đình.

Từ khi chính phủ ban hành Quyết định 218 với cách tiếp cận khoa học phân làm 4 cấp độ dịch: xanh, vàng, da cam và đỏ đã thay đổi nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Đáng tiếc là thực thi chưa nghiêm minh, một số địa phương vẫn khá dè dặt trong việc mở cửa thị trường, kể cả để học sinh được đến trường thay cho học trực tuyến, bỏ lỡ cơ hội khi điều kiện đã cho phép như áp dụng sáng kiến “hộp cát du lịch”, “bong bóng vắc xin” để phục hồi du lịch quốc tế tại một số địa phương.

Tại phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội ngày 13/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, thích ứng an toàn, linh hoạt, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. "Khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện quyết liệt chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp, cơ chế đột phá, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, hiệu quả, chú trọng việc tạo động lực tăng trưởng mới phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế thế giới hiện nay".

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đang huy động mọi nguồn lực, xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô đủ lớn để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhất là ở các lĩnh vực quan trọng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19. "Phương châm là hỗ trợ đúng, kịp thời, khả thi, hiệu quả, gắn kết hài hòa giữa cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ về cơ chế, chính sách và hỗ trợ về nguồn lực tài chính; bảo đảm nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát”.

Hy vọng Quốc hội và chính phủ huy động được trí tuệ của các chuyên gia, nhà quản lý và cán bộ, nghiên cứu viên của trường đại học, viện nghiên cứu khoa học để có thể nhanh chóng xây dựng được Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng với bối cảnh mới của thế giới và trong nước, trong đó cần lưu ý một số vấn đề chủ yếu:

1) Vẫn phải coi trọng yếu tố tăng trưởng kinh tế theo hướng xanh và bền vững. Có người cho rằng, trong bối cảnh mới, cần “hy sinh” tốc độ tăng trưởng để ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp, bảo đảm an sinh xã hội bằng các gói trợ cấp. Chúng tôi nhận định, còn nhiều dư địa nguồn lực trong nước và quốc tế có thể huy động được và được sử dụng có hiệu quả hơn để gia tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, không ảnh hưỏng đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Tham nhũng và lãng phí là căn bệnh trầm kha của đất nước. Từ thực tiễn việc phát hiện và xử lý đều bộc lộ tình trạng chậm trễ trong việc đưa ra các quyết định xử lý vụ việc, chậm thu hồi tài sản bị thất thoát của nhà nước. Việc sử dụng vốn đầu tư công và các khoản chi tiêu công khá lãng phí, thất thoát lớn. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vừa chậm chạp, vừa kém hiệu quả. Kinh tế tư nhân vẫn chưa thật sự bình đẳng với các khu vực kinh tế khác khi tham gia thị trường. Độc quyền tự nhiên của một vài tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn được dung dưỡng, điển hình là điện lực, do đó chậm trễ trong chuyển sang thị trường điện cạnh tranh, gây trở ngại cho sự phát triển điện gió, điện mặt trời, điện tái tạo.

2) Cần có các gói kích thích kinh tế đủ lớn, nhưng phải đủ chi tiết để thích ứng với từng ngành, lĩnh vực, địa phương; tránh khôi phục “cơ chế xin - cho” để bảo đảm tính hiệu quả kinh tế - xã hội của các khoản tiền thuế do dân đóng góp; triệt để cải cách nền hành chính quốc gia với các thủ tục hành chính đơn giản, minh bạch, công khai, dễ dự báo theo hướng chính phủ kiến tạo, chính phủ số.

3) Tận dụng có hiệu quả các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA nhất là những ưu đãi mà các đối tác dành cho Việt Nam để mở rộng nhanh hơn và hiệu quả hơn quan hệ đầu tư và thương mại, gia tăng ODA, FDI và các nguồn vốn quốc tế, tăng nhanh hơn kim ngạch thương mại hai chiều, khôi phục xuất siêu trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Phổ biến cho doanh nghiệp các cam kết mới như kinh doanh và sản xuất có trách nhiệm xã hội, xuất khẩu sản phẩm thân thiện với môi trường, ít phát thải khí nhà kính theo tiêu chuẩn cao hơn về sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu và tiêu thụ tại thị trường nội địa; xuất bản cẩm nang hướng dẫn các tiêu chuẩn mới khi xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, khi thu hút vốn đầu tư quốc tế.

4) Thực hiện xã hội số để tận dụng lợi thế về công nghệ thông tin, mạng internet, phổ cập máy tính và smarphone đến người dân, nhất là giới trẻ để tạo nên đột phá về sự tham gia của cộng đồng dân cư vào việc thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của chính phủ. Các cơ quan truyền thông, báo chí, phát thanh, truyền hình, mạng lưới tuyên giáo cần được huy động để quảng bá thông tin và phản ảnh nguyện vọng của các tầng lớp dân cư đối với việc thực hiện chủ trương của đảng và nhà nước.

Doanh nghiệp phải thay đổi

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, do tác động của dịch COVID-19 nên 9 tháng của năm 2021 cả nước có 90.300 doanh nghiệp (DN) rời khỏi thị trường, bình quân mỗi tháng hơn 10.000 DN rời khỏi thị trường; trong đó 45.100 DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 16,7%, 32.400 DN ngừng hoạt động, chờ giải thể, tăng 17,4%, 12.800 DN hoàn tất thủ tục giải thể tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Các con số đó cho thấy tác động tiêu cực của dịch bệnh đã làm ngưng trệ sản xuất kinh doanh của hàng trăm nghìn DN. Tuy vậy, từ khi dịch bệnh hoành hành, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu thích ứng với bối cảnh mới bằng cách làm việc tại nhà, hoạt động chuyển sang trực tuyến, chủ động chuyển đổi số để thích ứng với chủ trương giãn cách xã hội; coi chuyển đổi số là “vaccine” của DN để vượt qua thách thức mới.

Có thể hiểu chuyển đổi số là sự tích hợp đầy đủ các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các hoạt động của DN, ứng dụng công nghệ để thay đổi cơ bản phương thức, mô hình kinh doanh và đem đến những giá trị mới, cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo DN ra quyết định chính xác và nhanh chóng hơn, tối ưu hoá năng suất và hiệu quả công việc. Trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành cuộc CMCN 4.0 và ứng phó với dịch COVID-19 thì hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đã xác định chuyển đổi số là phương thức sống còn của mình.

Theo khảo sát của Bộ Công Thương và Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP), đối với gần 2.700 DN, có 61% DN đang đứng ngoài cuộc và 21% DN mới bắt đầu nhập cuộc. 97% tổng số DN Việt Nam là DN vừa và nhỏ thì 80% DN sử dụng công nghệ cũ từ thập niên 80-90, do đó chuyển đổi số đặt ra rất nhiều thách thức đối với những DN này, không chỉ hiện tại mà còn cả trung hạn và dài hạn nếu chính phủ không có những giải pháp phù hợp.

Theo kết quả khảo sát 400 DN vừa, nhỏ và lớn năm 2020 của VCCI cho thấy đại bộ phận DN Việt Nam đã nhận thức tầm quan trọng và ứng dụng công nghệ số vào quản trị nội bộ, mua hàng, logistics, sản xuất, marketing, bán hàng và thanh toán. Từ khi COVID-19 lan rộng, các DN đã ứng dụng nhiều hơn công nghệ số vào quản trị nội bộ, thanh toán điện tử, maketing trực tuyến. Trong lĩnh vực quản trị nội bộ, điện toán đám mây là công cụ kỹ thuật được nhiều DN Việt Nam sử dụng nhất với 60,6%, tăng 19,5% so với trước dịch; hội nghị trực tuyến quản trị công việc và quy trình với khoảng 30% số DN dụng công cụ này trong hoạt động của DN trước khi có dịch. Tư liệu khảo sát cũng cho thấy kỳ vọng lớn của 98% DN Việt Nam vào sự thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh khi thực hiện chuyển đổi số, trong đó 71% kỳ vọng giảm chi phí, 61,4% giảm giấy tờ, 45,3% tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Ngân hàng là các DN đi đầu trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo (IoT) cho phép khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng, kết nối với hệ sinh thái số khác trên nền tảng internet (như dịch vụ ngân hàng số Timo của VPBank, LiveBank của TPBank, điện tử ISO của BIDV, dịch vụ ngân hàng thông qua ứng dụng cài đặt trên smart phone-mobile banking). Nhiều tập đàon kinh tế như Vingroup đã xây dựng hệ thống quản lý khách hàng thống nhất - VinID giúp khách hàng tích hợp quản lý thông tin khi giao dịch với Vingroup như thanh toán hoá đơn gia đình, tiền điện, mua sắm và các dịch vụ nghỉ dưỡng.

Thách thức lớn nhất của DN Việt Nam, nhất là DN nhỏ và siêu nhỏ trong quá trình chuyển đổi số bắt nguồn từ nhận thức của các nhà quản lý DN. Theo khảo sát của CISCO năm 2019, các DN vừa và nhỏ của Việt Nam thiếu kỹ năng và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số (15,7%). Xét trên bình diện quốc gia, Việt Nam đi sau thế giới về mặt công nghệ, chưa làm chủ được các công nghệ nguồn của chuyển đổi số, do vậy quá trình chuyển đổi số Việt Nam hiện nay về cơ bản còn sử dụng công nghệ sẵn có trên thế giới.

Nghiên cứu của Vietnam Repost năm 2019 cho thấy nhiều DN vừa và nhỏ thiếu hụt lao động có kỹ năng để vận hành các hệ thống công nghệ mới và một thách thức không nhỏ đối với đại bộ phận DN Việt Nam khi chuyển đổi số là vốn đầu tư do tiềm năng có hạn trong khi phải đầu tư khối lượng lớn về công nghệ và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng chưa chắc chắn về hiệu quả kinh tế, đối mặt với nguy cơ thất bại, tạo nên rào cản lớn với DN Việt Nam. Vì vậy, một số DN vừa và nhỏ sẽ ưu tiên vốn đầu tư để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn.

Ngày 3/6/2020, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, trong đó có định hướng phát triển 4 loại hình DN công nghệ số, bao gồm: 1) Các tập đoàn, DN thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi; 2) Các DN công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu đảm nhận các sứ mệnh tiên phong nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động sản xuất; 3) Các DN khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội và 4) Các DN khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số.

Để thực hiện mục tiêu đầy tham vọng trên đây đòi hỏi phải có cách tiếp cận khoa học theo hướng đổi mới và sáng tạo:

Một là xây dựng hạ tầng cơ sở đồng bộ và hiện đại của kinh tế số, xã hội số, doanh nghiệp số và Chính phủ số, tận dụng ưu thế về trí tuệ người Việt Nam, công nghệ thông tin, mạng 3G, 4G, 5G và các công nghệ tương lai đã được áp dụng tại nước ta để làm cơ sở cho các loại hình DN thực hiện chuyển đổi số nhanh chóng và có hiệu quả.

Hai là các nhà quản trị DN cần coi chuyển đổi số là lẽ sống còn của DN trong thời đại hậu COVID-19 và cuộc CMCN 4.0. Thách thức là rất lớn nhưng cơ hội cũng không nhỏ đối với các DN Việt Nam. Trên cơ sở chương trình hành động Quốc gia về chuyển đổi số, các tập đoàn kinh tế lớn cần giữ vai trò đầu tàu trong quá trình hợp tác, hỗ trợ DN vừa và nhỏ cùng ngành thực hiện chuyển đổi số có kết quả. Các DN vừa và nhỏ chủ động thiết lập quan hệ hợp tác lẫn nhau, hợp tác với các tập đoàn kinh tế lớn để nhận được sự hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi số. Các hiệp hội ngành nghề cần coi chuyển đổi số như nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hậu COVID-19, từ đó thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các DN trong nội bộ ngành hàng, kiến nghị với Chính phủ về những vấn đề có liên quan đến chuyển đổi số của ngành hàng.

Ba là từ những mô hình thành công trong việc hợp tác theo chuỗi cung ứng giữa các tập đoàn kinh tế lớn của nước ngoài đầu tư tại Việt Nam với các DN làm công nghệ hỗ trợ như Samsung đã thực hiện từ năm 2016 đến nay để áp dụng rộng rãi việc hợp tác giữa các DN FDI với DN vừa và nhỏ của Việt Nam, chú trọng chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị DN, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, sắp xếp hệ thống logistics trong nội bộ DN cũng như với các nhà cung cấp đầu vào và nhà tiêu thụ đầu ra của sản phẩm và dịch vụ.

Bốn là quá trình chuyển đổi số của DN không thể tách rời việc xây dựng xã hội số và Chính phủ số. Người lao động trong các DN và cộng đồng dân cư cần được tiếp nhận bằng cách quảng bá chủ trương của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số thông qua hệ thống truyền thông, báo chí, phát thanh, truyền hình, mạng lưới tuyên huấn để chủ động tham gia vào quá trình chuyển đổi số của đất nước.

Hoạt động chuyển đổi số của DN có liên quan chặt chẽ với việc thực hiện Chính phủ số, Chính phủ kiến tạo nhằm mục tiêu tạo lập môi trường kinh doanh số thuận lợi nhất, hỗ trợ DN trong quá trình đầu tư và kinh doanh, cũng như thực hiện quy định của các FTA thế hệ mới theo hướng DN có trách nhiệm xã hội, chú trọng quyền con người, bảo đảm giờ làm việc và công bằng trong đối xử với lao động nam và nữ, cũng như tiền lương và giờ làm việc.

Thế giới sau đại dịch COVID-19 đã thay đổi về cơ bản, chiến lược đối ngoại của các quốc gia, nhất là các cường quốc cũng đã thay đổi; chiến lược toàn cầu về thương mại và đầu tư của các tập đoàn kinh tế quốc tế được điều chỉnh phù hợp với thị trường thế giới và khu vực; do đó Việt Nam phải thay đổi để thích ứng với bối cảnh mới của thế giới hướng đến mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững, xây dựng nền kinh tế xanh, ít phát thải nhà kính, biến khát vọng thịnh vượng của dân tộc nhanh chóng trở thành hiện thực.

N.M.

Nguồn: Nhà Đầu tư

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn