Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: làm sao hết rủi ro?

RFA

2021.12.17

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: làm sao hết rủi ro?

Xe tải chở nông sản chờ thông quan ở cửa khẩu Lạng Sơn. AFP PHOTO

Những ngày vừa qua, hàng nghìn xe container chở nông sản đi Trung Quốc lại tiếp ùn ứ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn. Cơ quan chức năng Việt Nam cho rằng, do phía Trung Quốc thắt chặt việc quản lý, kiểm soát dịch COVID-19 khiến hàng nghìn xe container chở nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn. Tuy nhiên, từ trước khi dịch COVID-19 xuất hiện, tình trạng này vẫn thường xuyên xảy ra do phía Trung Quốc gây khó dễ, kéo dài thời gian kiểm soát…

Hiện tại cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị và Chi Ma ở Lạng Sơn có đến hơn 4.500 xe chở hàng hóa, nông sản xếp hàng chờ qua biện giới Trung Quốc.

Một tài xế xe tải chuyên chở hàng nông sản không muốn nêu tên cho biết:

“Tụi tui đang rất lo lắng... vì nằm lâu như vậy thì hàng sẽ bị hỏng hết... tui nghe nói hiện tại mít đang hư nhiều... mít và xoài...”.

Một tài xế xe container chở hơn 45 tấn xoài từ Tiền Giang khi trả lời báo chí trong nước cho biết, xe anh đã đưa lên biên giới nửa tháng nay, nhưng chưa thể xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên cũng có xe may mắn đến trước thì chờ hơn 10 ngày là có thể qua biên giới.

Trung Quốc hiện nay đang chuyển sang nhập khẩu chính ngạch, tức là họ đòi hỏi những thông tin khai báo chi tiết từ nguồn gốc, rồi điều kiện cây trồng và các thông tin khác.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

RFA hôm 17/12 liên lạc trạm điều phối bãi xe trung chuyển cửa khẩu Lạng Sơn và được một nhân viên trực ban cho biết:

“Bây giờ mỗi phương tiện muốn qua được bên kia Trung Quốc là phải nằm chờ trên 10 ngày... hiện tại các phương tiện ở cửa khẩu khi đã đến đây rồi thì chúng tôi phân luồng từ ngay đầu vào Lạng Sơn... những phương tiện nào muốn đến thì chúng tôi cho vào một bãi trung chuyển... xếp theo thứ tự... và những phương tiện nào đến trước... thì sẽ phân luồng cho đi trước...”.

Cho đến ngày 14/12, khi trả lời báo chí trong nước, đại diện Bộ Công Thương Việt Nam cho biết, đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương liên quan theo dõi tình hình thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc, đặc biệt là tỉnh Lạng Sơn và các động thái của phía Trung Quốc, để có biện pháp điều tiết, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thông quan, nhất là mặt hàng nông sản xuất sang Trung Quốc.

Tuy nhiên cho đến ngày 17/12, tình trạng ùn ứ, tồn đọng hàng hóa nhất là nông sản, trái cây tại các cửa khẩu phía Bắc vẫn chưa thể giải quyết.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2020 đạt 8,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 16,6 % trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này. Mặc dù lâu nay Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng khi xuất khẩu sang nước này, các doanh nghiệp, thương lái Việt Nam vẫn thường phải chấp nhận nhiều rủi ro, chưa kể giá bán cũng rẻ hơn khi xuất sang các quốc gia khác.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực trong sáu tháng đầu năm 2021, có tăng lượng xuất khẩu sang thị trường EU nhờ Hiệp định thương mại tự do EVFTA và CPTPP. Nhưng sáu tháng cuối năm do bùng nổ của dịch bệnh, nên hiện nay thị trường Trung Quốc đã giảm nhập khẩu một số mặt hàng như thanh long và một số mặt hàng khác. Ông nói tiếp:

“Trung Quốc hiện nay đang chuyển sang nhập khẩu chính ngạch, tức là họ đòi hỏi những thông tin khai báo chi tiết từ nguồn gốc, rồi điều kiện cây trồng và các thông tin khác. Xuất khẩu chính ngạch này thì giá cao hơn, và nếu đáp ứng được những tiêu chuẩn đó thì có thể ký được những hợp đồng ổn định. Nhưng tiếc rằng Việt Nam có những bước tiến nhưng chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của phía Trung Quốc. Còn xuất khẩu tiểu ngạch, tức là xuất khẩu trên cơ sở các điều kiện dễ dàng hơn, thì hiện nay phía Trung Quốc đã có giảm bớt, vì vậy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc hiện gặp khó khăn”.

Rất ít công ty Việt Nam qua Trung Quốc ký hợp đồng với các bạn hàng bên đó. Cho đến thời điểm này thì vẫn còn lệ thuộc thương lái bên mình và thương lái Trung Quốc, và bán qua ngả Lạng Sơn hoặc Cao Bằng... tức là mình giao thương với họ qua con đường tiểu ngạch.

Giáo sư Võ Tòng Xuân

Dù mang về hàng tỷ USD, nhưng tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc hàng năm không ổn định. Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu nông sản thô nên giá trị gia tăng thấp. Xuất khẩu một khối lượng lớn nông sản nhưng hiệu quả thu được còn nhỏ khi so sánh với các nước khác như Thái Lan...

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nông nghiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, khi trả lời RFA nhận định:

“Chính là Nhà nước, mà cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Bộ Công thương cứ để cho nông dân tự phát, họ muốn trồng gì họ trồng, họ muốn chặt gì họ chặt... Rất ít công ty Việt Nam qua Trung Quốc ký hợp đồng với các bạn hàng bên đó. Cho đến thời điểm này thì vẫn còn lệ thuộc thương lái bên mình và thương lái Trung Quốc, và bán qua ngả Lạng Sơn hoặc Cao Bằng... tức là mình giao thương với họ qua con đường tiểu ngạch, chứ có rất ít doanh nghiệp của mình xuất khẩu chính thức. Chính cái chỗ làm tiểu ngạch nên mình rất lệ thuộc vào Trung Quốc”.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này trước đây cho rằng, trong mọi tình huống phải luôn luôn chủ động để đảm bảo được thị trường xuất khẩu cả chính ngạch và tiểu ngạch. Theo ông Sơn, chính vì thế mà công tác nghiên cứu thị trường, công tác chuẩn bị thị trường cần phải được đẩy mạnh. Chứ không phải trong trường hợp xấu xảy ra gây khó khăn mới lo chuyện này. Ông Sơn cho rằng, vấn đề thị trường của Việt Nam rõ ràng là vấn đề phải ưu tiên hàng đầu để mở rộng, chọn những thị trường đa dạng hơn, thị trường cao cấp hơn.

Nguồn: RFA Tiếng Việt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn