Cơ chế đặc thù cho tất cả – tại sao không!

Đức Hoàng

(KTSG) – Khi Quốc hội thảo luận về việc trao cơ chế đặc thù cho thành phố Cần Thơ, đại biểu Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban công tác đại biểu, đặt ra một câu hỏi: “Bao giờ 63 tỉnh, thành áp dụng chính sách tương tự”.

Cơ chế là công cụ để phấn đấu và thụ hưởng, chứ không phải là thứ để tranh thủ và tận hưởng. Trong khi đó cơ chế đặc thù thì lại hoàn toàn khác, là cơ chế chỉ được sử dụng trong những trường hợp đặc biệt nhất, chứ không phải là đại trà, đòi hỏi phải hy sinh một bộ phận nguồn lực quốc gia để phục vụ mục tiêu chiến lược chung vì quốc kế dân sinh hoặc quốc phòng an ninh. Cơ chế đặc thù nếu áp dụng càng phổ biến thì thực trạng xin cho càng nặng nề. Nếu hiểu như vậy thì việc áp dụng cơ chế đặc thù ở ta xem ra không phù hợp, đi ngược lại nguyên tắc vận hành chung của hệ thống quản lý nhà nước.

Trần Ngọc Châu

Đây không chỉ đơn thuần là một câu hỏi, mà còn là một vấn đề rất quan trọng có liên quan sát sườn đến từng địa phương, vì theo bà Yên mỗi địa phương với “những đặc điểm riêng có, phát huy lợi thế về địa lý, tiềm năng kinh tế, nguồn lực con người” nên cũng cần được áp dụng chính sách đặc thù riêng.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cơ chế, chính sách đặc thù không chỉ cho Cần Thơ mà còn có ý nghĩa đối với phát triển toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và từ những ưu đãi sẽ tạo ra các cực tăng trưởng. Đại biểu Đào Chí Nghĩa từ thành phố Cần Thơ cũng phân tích tương tự như vậy.

Như vậy, theo phân tích này, có thể suy ngược lại rằng cơ chế, chính sách chung hiện nay đang cản trở Cần Thơ phát triển nên cơ chế đặc thù là biện pháp để cởi trói về cơ chế cho địa phương này. Vấn đề đặt ra là nếu cơ chế, chính sách chung đang cản trở sự phát triển của Cần Thơ, cũng như các tỉnh thành đã được trao cơ chế đặc thù trước đây, thì nó cũng đang cản trở sự phát triển của các địa phương khác. Vì đúng như đại biểu Tạ Thị Yên nói, mỗi tỉnh đều có đặc điểm riêng, có lợi thế về địa lý, tiềm năng kinh tế và nguồn lực con người cũng như có những vấn đề cấp bách riêng cần ưu tiên giải quyết, nên rất khó có một cơ chế hay chính sách chung nào phù hợp cho tất cả. Mà một khi cơ chế, chính sách không phù hợp thì nó sẽ biến thành rào cản.

Được tạo điều kiện để phát triển là quyền của tất cả các tỉnh. Vì vậy, không thể dành cơ chế thuận lợi cho địa phương này phát triển vượt lên thành cực phát triển, trong khi các địa phương khác, do cơ chế, mà bị kìm hãm phát triển. Hãy để các địa phương được tự do phát huy hết tiềm năng và khả năng của mình. Địa phương nào giỏi, bứt lên được thì trở thành cực phát triển của vùng. Không nên mặc định trước cực phát triển rồi từ đó có những phân biệt đối xử về chính sách.

***

Góp ý kiến cho đề xuất gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, một số đại biểu Quốc hội cho rằng chỉ nên dành nguồn lực này cho doanh nghiệp khỏe mạnh, hoặc các doanh nghiệp hạt nhân của các chuỗi cung ứng, giúp họ tăng năng suất và tạo ra nhiều sản phẩm và việc làm hơn để những doanh nghiệp này khi khỏe thêm sẽ kéo theo các doanh nghiệp khác khó khăn hơn phục hồi.

Chưa nói đến việc có bao nhiêu trong số hàng trăm ngàn doanh nghiệp đang trong tình cảnh thập tử nhất sinh chờ được cho đến khi những doanh nghiệp khỏe mạnh hay doanh nghiệp hạt nhân của chuỗi cung ứng kia “khỏe thêm” để được cứu; và không biết khi khỏe thêm thì họ có “kéo theo” những doanh nghiệp khó khăn hơn phục hồi không, hay lại trở thành những “cá mập” nuốt chửng những doanh nghiệp nhỏ kia, chỉ với việc đưa ra chính sách có tính chất phân biệt, bỏ yếu để giúp mạnh, đã là khó chấp nhận. Điều này nghe hơi giống như chuyện đọc được trên báo chí, đó là trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 các bác sĩ ở một vài nước, do hạn chế về nguồn lực y tế, buộc phải chọn lựa bệnh nhân nào được cứu còn bệnh nhân nào thì buông tay.

Gói hỗ trợ chính sách tài khóa và tiền tệ được Chính phủ đề xuất nhằm giúp các doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19 có cơ hội phục hồi để phát triển trở lại. Đã là chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì tất cả doanh nghiệp gặp khó khăn, do tác động của đại dịch, đều phải được quyền tiếp cận. Thậm chí, những doanh nghiệp khó khăn còn phải được ưu tiên hơn doanh nghiệp khỏe mạnh, doanh nghiệp nhỏ cần được ưu tiên hơn doanh nghiệp lớn, vì đây là nhóm đối tượng yếu thế trong khi họ lại là trụ cột chính trong việc tạo ra việc làm cho xã hội. Đó là chưa nói đến việc rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và đang đứng trên bờ vực phá sản không phải do bản thân họ kém cỏi, mà chỉ là không may khi hoạt động ở những ngành nghề bị siết chặt nhất để chống dịch, chẳng hạn như ngành du lịch, dịch vụ lưu trú hay dịch vụ vui chơi giải trí.

Kinh tế Việt Nam là nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, việc sàng lọc và loại bỏ doanh nghiệp yếu kém hãy để cho thị trường định đoạt. Đây không phải là việc mà Nhà nước nên can thiệp vào.

Đ.H.

Nguồn: Thesaigontimes

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn