Dự đoán tình hình các khu vực trên thế giới vào năm 2022

Vương Quân

Năm cũ khép lại, năm mới đã đến, sau khi phân tích tình hình quốc tế, tờ The Guardian tại Anh cho rằng năm tới thế giới sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức đáng sợ như: sự trở lại của COVID-19, xung đột quốc tế, đấu tranh chính trị, khủng hoảng phân biệt chủng tộc xuyên quốc gia và các tình huống khẩn cấp về khí hậu. Do đó Guardian đã mạnh dạn dự báo năm 2022 sẽ lại là một năm đầy nguy cơ.

Ngày 3/11/2021, nhà hoạt động Giới Lập Kiến (Jie Lijian) và Liên minh nhân quyền do 12 đoàn thể ở Califonia thành lập, đã đến đã đến Lãnh sự quán Trung Quốc ở Los Angeles để phản đối việc Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022. (Nguồn ảnh: Yu Xiuhui / Epoch Times).

Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Trung Quốc sẽ là tâm điểm chú ý của thế giới trong suốt năm 2022. Sự kiện lớn sắp diễn ra là Thế vận hội Mùa đông sẽ được tổ chức vào tháng Hai năm sau. Có lẽ đối với những người hâm mộ thể thao, ai có thể giành chức vô địch sẽ là tâm điểm của sự kiện này. Tuy nhiên, do hàng loạt vấn đề về nhân quyền, Bắc Kinh đang phải đối mặt với ngày càng nhiều lời kêu gọi tẩy chay Thế vận hội. Các nước như Mỹ, Anh, Úc, Canada, New Zealand v.v, đã quyết định phát động một cuộc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa đông.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ được tổ chức vào cuối năm 2022 cũng sẽ là một trọng tâm khác. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hủy bỏ hạn chế chủ tịch nước không được nhậm chức quá 2 nhiệm kỳ, do đó khiến ngoại giới đồn đoán ông có thể sẽ không từ chức vào cuối năm 2022. Nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc dưới thời chính quyền Tập Cận Bình, vẫn sẽ đối mặt với các vấn đề như suy thoái kinh tế và già hóa dân số. Tuy nhiên, để mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu và địa chính trị, trọng điểm của Bắc Kinh có lẽ sẽ đặt vào mối quan hệ Trung – Mỹ và đe dọa quân sự đối với Đài Loan.

Với tư cách là đối thủ cạnh tranh lớn với Trung Quốc trong khu vực, Ấn Độ sẽ có biểu hiện tương đối ôn hòa, bình ổn. Điều này khác với xu hướng là tổng dân số của Trung Quốc sẽ vượt quá 1,4 tỷ người. Tỷ lệ sinh và quy mô gia đình trung bình của Ấn Độ đang giảm dần; và xung đột biên giới Trung – Ấn chưa được giải quyết sẽ trở nên ngày càng nguy hiểm hơn, và khiến quan hệ hai nước ngày càng xấu đi.

Ở các khu vực khác của châu Á, bạo lực đàn áp ở Myanmar, hoàn cảnh khó khăn tuyệt vọng của người dân sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan, chính sách phi hạt nhân hóa của Bắc Triều Tiên và tân tổng thống sắp tới của Philippines cũng là những vấn đề đáng được quan tâm.

Châu Mỹ

Vào tháng 11 năm sau, Mỹ sẽ bắt đầu cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đầu tiên sau khi ông Joe Biden nhậm chức, Đảng Dân chủ sẽ cố gắng ngăn cản Đảng Cộng hòa giành lại quyền kiểm soát Thượng viện và Hạ viện. Vì vậy, cuộc bầu cử này được coi là danh sách thành tích quản lý nhà nước của ông Biden. Nếu Đảng Cộng hòa biểu hiện tốt ở các bang chủ chốt, cựu Tổng thống Donald Trump gần như chắc chắn sẽ tranh cử tổng thống vào năm 2024, nhưng liệu ông Biden, người đã 80 tuổi, có thể tái tranh cử vào năm 2024 hay không sẽ là một bí ẩn lớn.

Các vấn đề như dịch bệnh, nhập cư, chủng tộc, kinh tế và quyền phá thai ở Mỹ sẽ tiếp tục sôi sục khắp đất nước. Sự bất đồng giữa phe cấp tiến và phe ông hòa trong nội bộ Đảng Dân chủ cũng là trọng điểm chính trị của Mỹ. Biểu hiện của Phó Tổng thống Kamala Harris cũng nhận được sự chú ý, thời gian gần đây ngày càng có nhiều tin đồn cho rằng biểu hiện của của bà Kamala Harris không tốt.

Về các vấn đề quốc tế, Mỹ sẽ đối phó như thế nào trước sức ép của người nhập cư từ Trung Mỹ, xung đột giữa Nga và Ukraine, căng thẳng ở eo biển Đài Loan, và xung đột giữa Israel và Iran đều sẽ là những chủ đề nóng trong năm 2022.

Đối với Nam Mỹ, chiến dịch tranh cử tổng thống sắp tới của Brazil vào tháng 10 và các vấn đề thương mại, ma túy và nhập cư giữa Mỹ và Mexico đều được coi là trọng tâm của năm tới.

Châu Âu

Đối với châu Âu, 2022 là một năm quan trọng, bởi vì các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu và các nước khác cần phải dành nhiều nỗ lực để giải quyết các mối quan hệ căng thẳng trong và ngoài nước, tác động kinh tế và xã hội của đại dịch, và các vấn đề nhập cư. Ngoài ra còn có mục tiêu phát thải ròng bằng 0 do Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu Glasgow COP26 đặt ra.

Sau khi cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel từ chức, chính phủ mới của Đức cũng sẽ nhận được sự quan tâm của quốc tế. Pháp là quốc gia đã tiến rất gần đến Đức trong thời gian gần đây, cũng sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào mùa xuân tới. Mặc dù Tổng thống Emmanuel Macron vẫn đang ở vị trí dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, nhưng bà Valérie Pécresse, đến từ Đảng cánh hữu Pháp “Những người Cộng hòa”, không thể coi thường và có thể sẽ khiến nước Pháp trong cuộc bầu cử này trở nên cấp tiến.

Có nhà phân tích tin rằng châu Âu sẽ phải đối mặt với các vấn đề vào năm tới như áp lực quân sự gia tăng từ Nga, việc vũ khí hóa người nhập cư Belarus, tác động của Brexit. Hơn nữa, mối quan hệ giữa châu Âu và Mỹ có thể trở nên căng thẳng hơn.

Trung Đông

Tháng 11/2022, Qatar, một quốc gia Trung Đông, sẽ đăng cai World Cup, trở thành quốc gia Hồi giáo đầu tiên đăng cai World Cup. Giải bóng đá này có thể thúc đẩy thương mại và du lịch của các quốc gia vùng Vịnh, đồng thời mang lại một cách thức quản lý đất nước cởi mở và tiến bộ hơn. Tuy nhiên, ngoại giới lo lắng, giải bóng đá này sẽ “tẩy trắng” các vấn đề ở quốc gia này như hủ bại, không có tự do ngôn luận, quyền phụ nữ v.v. Hơn nữa, kể từ khi quốc gia này đăng ký tổ chức World Cup thành công vào năm 2010, ít nhất 6.500 công nhân đã thiệt mạng trong khi xây dựng sân vận động, khách sạn, sân bay và đường xá.

Vấn đề sản xuất vũ khí hạt nhân của Iran cũng sẽ một lần nữa được chú ý, nhưng câu hỏi quan trọng nhất có thể là liệu Israel và Mỹ có áp đặt các biện pháp kinh tế hoặc quân sự nhắm vào Iran để đáp lại vấn đề này hay không. Bởi vì Israel đã đe dọa rằng nếu các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 tái khởi động tiến triển chậm, thì Israel sẽ tiến hành các cuộc không kích nhằm vào nước Iran, và thậm chí có thể gây ra Chiến tranh vùng Vịnh.

Châu Phi

Bước sang năm 2022, các vấn đề sức khỏe và y tế cộng đồng sẽ vẫn là những vấn đề quan trọng nhất ở Châu Phi. Sự xuất hiện của một chủng virus biến thể mới Omicron ở Nam Phi vào tháng 11/2021 đã cho thấy rằng khả năng sẽ có nhiều biến thể của COVID-19 ở châu Phi vào năm 2022. Các vấn đề sức khỏe địa phương khác ở châu Phi, chẳng hạn như AIDS, sốt rét, lao và tiểu đường, cũng sẽ xấu đi.

Ngoài ra, nhiều nhà phân tích cho rằng châu Phi hiện đã thay thế Trung Đông trở thành nơi tập trung của khủng bố quốc tế thế hệ mới, do đó bước sang năm 2022, tổ chức Hồi giáo cực đoan ở Châu Phi sẽ tăng mạnh, hơn nữa nội chiến và vấn đề nhập cư cũng rất đáng được chú ý.

Khu vực Nam, Bắc Cực

Hội nghị thượng khí hậu Glasgow COP27 sẽ được tổ chức tại Ai Cập vào tháng 11 năm sau, nhưng việc cải thiện vấn đề trái đất nóng lên chỉ trong một năm là không thực tế. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, hỏa hoạn, bão lụt thường xuyên xảy ra trong năm 2021 chắc chắn sẽ lại xảy ra và ảnh hưởng của Bắc Cực và Nam Cực sẽ rõ ràng hơn.

Ngoài ra, sẽ có nhiều hoạt động của con người hơn ở cả hai cực vào năm 2022, chẳng hạn như du lịch đại chúng, xây dựng căn cứ quân sự, v.v. và điều này sẽ khiến người ta lo lắng về các cuộc xung đột quân sự quốc tế, vì ngoài việc xây dựng căn cứ ở các vùng cực, mối quan tâm của Mỹ, Nga và Trung Quốc về vũ trụ và vũ khí hạt nhân đã dần dần tăng lên.

V.Q.

Nguồn: Trithucvn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn