Vụ Kit Test của công ty Việt Á đã được chuẩn bị một kịch bản hoàn hảo!


Nguyễn Huy Cường

Có thể là hình ảnh về 4 người và ngoài trời

Thưa các bạn.

Tiêu đề trên đây là của Nhà báo Phạm Hữu Phú (đã về hưu).

Tôi đọc kỹ và tán thành hầu như 100% nội dung này.

Nhưng hầu như Mr Phạm Hữu Phú mải cày vào yếu tố nội dung hoặc chỉ có tham vọng làm bật lên nội dung (thật) của vấn đề này mà còn thiếu một góc nhìn trên hết thảy những lập luận chắc chắn của anh, một cựu phóng viên điều tra.

Tôi coppy bài này về đây như là gửi tới bạn đọc thân mến một bài viết xác đáng nhất về đề tài Việt Á.

Sau đó, tôi xin gửi theo một bình luận ngắn ở bên dưới cuối.

Hy vọng từ đây chúng ta sẽ có một cái nhìn rộng, sâu vào toàn cảnh của vụ việc động trời này, khỏi những thắc mắc vụn vặt hoặc những lý giải không thỏa đáng.

Tôi mong muốn bạn hữu chia sẻ mạnh bài này vì giá trị của nó, rất cảm ơn.

Dưới đây là toàn văn bài viết của Nhà báo Phạm Hữu Phú.

.......................

Tôi định không viết sâu về vụ án này do đã thôi không làm báo, để cho các anh em đồng nghiệp còn đang hành nghề phanh phui.

Nhưng, vì vụ án lớn quá, lan ra tới dư luận thế giới, ảnh hưởng đến sinh mạng hàng ngàn người dân, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng ngân sách.

Nó cản trở và làm sai lệch tiến trình chống đại dịch của Chính phủ, làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của nhân dân vào các cơ quan Nhà nước, gây sụt giảm uy tín quốc gia trên trường quốc tế…

Vậy mà chờ mãi không thấy các anh em đồng nghiệp các báo đi vào trọng tâm vấn đề, cứ thấy nói me mé, nhắc khéo... Vì đã lỡ nói qua về vụ án, nên tôi nói luôn.

Đây chỉ là lạm bàn lúc trà dư tửu hậu, tôi không dám có ý định làm nhà báo điều tra sự vụ như ngày xưa vì không có tư cách, phương tiện hành nghề và không có đủ thông tin cần thiết.

Trong góc nhìn của tôi, một cựu phóng viên điều tra, thì vụ án kittest của Công ty Việt Á gần như đã lộ nguyên hình, rõ rành rành là một kịch bản đã được chuẩn bị, sắp đặt trước một cách bài bản nhằm lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi, kinh doanh gian dối trên những xác người.

Đầu tiên, người ta sẽ chọn một Công ty có chức năng sản xuất, kinh doanh mặt hàng chắc chắn sẽ bán chạy trong thời gian tới, không được quá lớn, quá uy tín, đã có thương hiệu, vì khó thao túng (công ty Việt Á đáp ứng toàn bộ các tiêu chí này: Nhỏ, không có vốn nhiều, không bị chú ý, không có thế lực, dễ khuất phục, sai khiến, có khả năng dám làm liều để làm giàu nhanh), rồi sau đó tiến hành các bước như sau:

1/ Tạo uy tín, niềm tin, chống lưng cho công ty này bằng cách kết hợp với một đơn vị tương đối có uy tín, tốt nhất là một đơn vị có pháp nhân Nhà nước (nhưng cũng không được quá lớn, quá uy tín, có đội ngũ các nhà khoa học hùng hậu, tên tuổi, được Nhà nước đầu tư mạnh, để dễ thao túng, tránh gây chú ý) để nghiên cứu, sản xuất sản phẩm. Trong trường hợp này, Học viện Quân y của quân đội có vẻ đạt đầy đủ những tiêu chí đã đề ra.

2/ Thiết lập mối quan hệ với giới truyền thông, những người nổi tiếng, chuẩn bị cho quá trình quảng bá sản phẩm. Cách hay, hợp lý nhất là xây dựng một câu chuyện về một nhân vật trẻ tuổi có ý chí vươn lên từ nghèo khó, một công ty nhỏ có tham vọng và năng lực vượt trội đang cố gắng vượt thoát… Tóm lại, là một tấm gương điển hình rất dễ gây xúc động cho giới truyền thông và những người khác, tạo vỏ bọc tốt để che đậy.

3/ Từ những mối quan hệ đã thiết lập với giới truyền thông, những người nổi tiếng, bắc cầu để thiết lập mối quan hệ với những người có chức vụ, những cơ quan chức năng, những đơn vị có thể sẽ tạo ra vị thế cho công ty và sản phẩm, khống chế thị trường tiêu thụ sản phẩm sau này.

4/ Từ những người có chức vụ, có quyền quyết định, cơ quan chức năng… sản phẩm sẽ được công bố đạt chuẩn về chất lượng, và các cơ quan truyền thông sẽ căn cứ vào đây để thông tin rộng rãi (không có bằng chứng nên tôi sẽ không suy diễn, quy chụp bất kỳ ai, đơn vị nào).

5/ Canh đúng thời điểm cần kíp, tình thế khẩn cấp, bắt buộc, các cơ quan chức năng có thể sẽ viện cớ bỏ qua các bước kiểm tra rà soát chặt chẽ cần phải có, tạo điều kiện tối đa để Công ty Việt Á (có thể sẽ tổ chức họp báo, đưa ra một số thông tin chính thức mang tính khẳng định để đảm bảo quy trình có vẻ công khai, thuyết phục) tung sản phẩm ra.

Rồi gợi ý, chỉ định, áp đặt các cơ quan trực thuộc phải mua sản phẩm này với giá sàn đã được chỉ điểm.

Song song đó, các cơ quan chức năng sẽ thu hẹp quyền lựa chọn của các đơn vị có nhu cầu mua sản phẩm bằng cách sử dụng quyền của mình để không cấp phép hoặc chậm cấp phép lưu hành đối với những mặt hàng tương tự cạnh tranh của những hãng sản xuất khác, nhà cung cấp khác.

Cùng lúc, các cơ quan chức năng sẽ ngầm làm công việc thúc ép sử dụng sản phẩm bằng những chỉ thị, quy định, quy trình, hay những thông tin thái quá mang tính hù dọa.

Và, các cơ quan truyền thông cũng góp phần thúc đẩy quảng bá sản phẩm, bởi những đơn vị này phải bám sát tình hình, đưa thông tin cập nhập từng ngày từ những diễn biến của cơ quan chức năng và tình hình dịch bệnh.

6/ Tất nhiên, để phòng tránh tối đa những rủi ro do có khả năng có sự chống đối từ những người thuộc các đơn vị cấp dưới nhưng có chuyên môn, có hiểu biết sâu… điều kiện để mua sản phẩm đã được ngầm chỉ định này sẽ là “100 điều dễ” đối với những đơn vị chấp nhận ký hợp đồng mua sản phẩm, cộng với khoản tiền hoa hồng, chiết khấu cao bất ngờ, không tưởng, đủ để có thể làm dao động bất kỳ ai.

Công ty Việt Á sẽ chịu trách nhiệm chi tiền hoa hồng, lại quả, vì là một công ty tư nhân nên có quyền làm vậy, để “ném đá giấu tay”, phòng tránh những rủi ro một cách tối đa.

Sau đó, chính những đơn vị chịu ký hợp đồng mua sản phẩm với điều kiện “100 điều dễ” do Công ty Việt Á đưa ra sẽ là những đối tượng bao che, bọc lót cho những sai sót –nếu có- trong quá trình sử dụng sản phẩm của Công ty Việt Á, do đây cũng chính là để tự che giấu, bảo vệ hành vi sai trái của chính mình.

7/ Mua một sản phẩm mù mờ về chất lượng, nhưng không sử dụng cho người nhà của mình, không dùng tiền của mình để mua, lại được cho rất nhiều tiền, tránh được những rủi ro không đáng có vì sản phẩm này đã được cơ quan chức năng cấp trên giới thiệu sử dụng, đảm bảo chất lượng (trên giấy), dường như làm đúng ý, lại được lòng cấp trên… thì khó có một ai “đi chệch khỏi quỹ đạo”, thoát khỏi thiên la địa võng đã được bố trí sẵn.

Cứ thế, 62/63 tỉnh thành ký hợp đồng mua kittest của Công ty Việt Á. Và cũng cứ thế, tiền ngân sách ào ào chuyển về tài khoản của Công ty Việt Á đến 4.000 tỷ đồng chỉ trong một thời gian ngắn. Chỉ trong một phi vụ mua kitest tại một tỉnh nhỏ ở miền Bắc, số tiền hoa hồng được chi cho phi vụ với giá trị hơn 150 tỷ đồng đã là gần 30 tỷ đồng!

Có người đã ngạc nhiên khi thấy Phan Quốc Việt tuy là CEO của Công ty Việt Á nhưng vợ chồng anh ta lại nắm số cổ phần không nhiều, lúc bị bắt số tiền bị phong tỏa trong tài khoản cũng chẳng có bao nhiêu, bất động sản cũng vậy…

Thật ra, chuyện này không lạ, như đã phân tích ở trên, Việt chỉ là người được chọn làm người “đóng thế pha nguy hiểm”. Với tuổi đời và bề dày thành tích của Việt và Công ty Việt Á, Phan Quốc Việt không thể lên một kế hoạch chỉn chu, dài hơi, đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều người như vậy, mà ở đây lại hầu như toàn là các cơ quan nhà nước. Chắc chắn, Phan Quốc Việt không “đủ tuổi, đủ tầm” để chỉ đạo cả một hệ thống hoạt động nhịp nhàng để rút hàng ngàn tỷ đồng tiền… nhà nước, làm hại nhân dân một cách quy mô như thế. Có nhiều khi, chính bản thân Phan Quốc Việt cũng không ý thức được hết hậu quả, tác hại do hành vi của mình và Công ty Việt Á gây ra.

Dù hiện nay cả Bộ KH&CN và Bộ Y Tế đều ra sức phủi trách nhiệm của mình trong vụ việc, nhưng thực tế là những manh mối ban đầu, rõ ràng nhất của toàn bộ vụ án chấn động này lại nằm ở chính 2 Bộ này.

Bộ KH&CN thì “thừa nhận sai sót”.

Bộ Y tế thì đổ thừa là “căn cứ theo đề xuất của Bộ KH&CN” và làm “đúng quy định”, “đúng quy trình”…

Thế nhưng, “sai sót” của Bộ KH&CN ở đây đã bộc lộ rất rõ là có chủ ý như:

Biến không thành có khi thông tin WHO đã chấp nhận kittest của Công ty Việt Á; lờ tịt, “bỏ quên” thông tin cơ quan này loại hồ sơ kittest của Công ty Việt Á từ “vòng gửi xe”...

Chỉ cần điều tra tại sao lại có “sai sót tày trời” như thế, và “quy định”, “quy trình” tại sao lại được thực hiện thần tốc như vậy thì mọi việc sẽ rõ ra ngay.

Các dấu hiệu của những hành vi đang được ra sức chứng minh là “ngẫu nhiên” của 2 Bộ KH&CN và Bộ Y Tế chỉ ra khá rõ là đã có một sự liên kết chặt chẽ bất thường, nhịp nhàng, đồng bộ giữa 2 Bộ này trong việc tạo điều kiện tối đa để sản phẩm kittest của Công ty Việt Á được tung ra thị trường đúng thời điểm, được sử dụng đại trà với số lượng lớn.

Trong khi trên thực tế thì công ty này không hề có đủ năng lực để sản xuất sản phẩm với quy mô và quy chuẩn cần thiết.

Cần làm rõ ngay rằng: Có hay không sự thông đồng với động cơ mờ ám giữa 2 Bộ KH&CN và Bộ Y Tế trong “phi vụ” kittest của Công ty Việt Á hay ít nhất là sự thông đồng giữa những cá nhân hoặc các bộ phận có liên quan và quyền hạn trong vụ án này? Từ đây sẽ không khó để tra ra nguồn tiền ngân sách dùng để mua kittest sau khi chảy vào Công ty Việt Á rồi nó chạy đi đâu.

Trong vụ án này, yếu tố những hành vi của các Bộ được thực hiện một cách ngẫu nhiên gần như bị loại bỏ ngay từ đầu, bởi không thể có những sự vụ mang tính ngẫu nhiên xảy ra liên tiếp chỉ quy vào mục đích để làm lợi cho một công ty sản xuất và bán kittest dỏm, không đạt chất lượng.

Vì không có đủ thông tin, nên tôi chỉ viết sơ bộ, khái quát về vụ việc theo góc nhìn của tôi, nhằm mục đích cung cấp thêm cho các bạn một cái nhìn toàn cảnh về vụ án.

23.12.2021

(Hết đoạn trich)

Lời bình của Huy Cường

Thực chất tôi phải viết một bài độc lập phụ họa cho bài này sau (Tôi cho rằng cái “Tội” báo chí tạm định danh cho Việt Á là tội “thổi giá” không những không xác đáng mà hình như đang tìm cách...ân xá trước cho đương sự khi tòa chưa xử vụ này)

Vì stt này đã rất dài, để bạn đọc tĩnh tâm tiếp thu hết bài của Mr Phạm Hữu Phú nên tôi chỉ gửi vào đây thêm một điều mà Mr Phạm Hữu Phú “bỏ sót” đó là:

Ngay trong nội dung bài này và tất thảy những dữ liệu (từ báo chí chính thống) của vụ việc đều ghi nhận:

Công ty Việt Á không đủ năng lực sản xuất ra SỐ LƯỢNG kittest để bán cho 62 tỉnh thành (tương ứng với số tiền đủ xây dựng con đường cao tốc Liên Khương -Đà Lạt ) kia.

Tôi nhấn mạnh và viết hoa bằng chữ lớn hai chữ SỐ LƯỢNG nghĩa là không bàn về những khía cạnh khác (Mr Phú đã bàn) mà chỉ bàn về SỐ LƯỢNG.

Vậy, Việt Á lấy đâu ra lượng kittest khổng lồ đủ cấp cho cả quốc gia đứng thứ 15 về dân số thế giới này???.

Tôi cho rằng để phăng ra chuyện này dễ lắm.

Anh không làm kittest được là rõ rồi.

Vậy anh phải nhập.

Dù nhập của Lào hay Campuchia thì anh phải có chứng từ hải quan và nhiều chứng từ khác nữa. Thời 4.0 tất cả được lưu trong hệ thống quản lý hết.

Nếu không, thì nghĩa là anh nhập lậu.

Vậy nhập lậu từ đâu?

Nhập giá bao nhiêu (Hay ai đó cho không?)

Chỉ làm rõ một ý này thôi, thì anh Bộ Y Tế hay Bộ KHCN thậm chí Bộ Siêu bộ cũng không thể tránh bị lên thớt.

Rất mong các nhà báo chân chính, đủ tài, đủ tầm sẽ triển khai kỹ hơn theo hướng này.

Hồi đầu những năm 2000 báo Tuổi Trẻ chỉ mất hai tuần tìm về tận ổ vụ Điện kế rởm Linkton Vina và cho một lũ sâu vào tù.

Vụ này dễ hơn nhiều.

Hy vọng điểm này sẽ làm cho vấn đề bộc lộ sâu nhất.

Đừng để tâm đến Phan quốc Việt hay Bộ này bộ kia, hãy chung tay tìm ra tổ con chuồn chuồn!.

Cảm ơn Mr Phạm Hữu Phú.

Ngày đầu năm 2022.

N.H.C.

Nguồn: FB Nguyễn Huy Cường.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn