Putin sẽ thất bại

26/02/2022

Ngô Nhân Dụng

Dù Putin có thể chiếm được Ukraine, biến thành một nước chư hầu, thì nỗi khát khao dân chủ tự do của dân các nước Âu châu, kể cả dân Nga, cũng không thể nào dập tắt được. Putin sẽ thất bại.

Dù Putin có thể chiếm được Ukraine, biến thành một nước chư hầu, thì nỗi khát khao dân chủ tự do của dân các nước Âu châu, kể cả dân Nga, cũng không thể nào dập tắt được. Putin sẽ thất bại.

Putin muốn dùng Ukraine khởi đầu chiến dịch lật ngược làn sóng tự do. Đó là nguyên nhân quan trọng nhất khiến ông đưa quân vào, để lật đổ chính quyền Ukraine, đưa lên một nhóm bù nhìn dễ sai bảo.

Cuối cùng, tại sao Vladimir Putin tấn công Ukraine? Vì dân Ukraine muốn sống trong tự do dân chủ. Cũng như dân các nước lệ thuộc Liên Xô trước năm 1991.

Trong ba chục năm qua, Lithuania, Latvia và Estonia vùng Baltic, tới Ukraine, Georgia, Moldova, vân vân, trước nằm trong Liên Xô, cùng với Ba Lan, Bulgaria đã thiết lập thể chế dân chủ tự do, kinh tế thị trường. Các “xã hội mở” cứ thế phát triển và lan rộng thêm. Putin, một cựu sĩ quan Mật Vụ KGB không thể chấp nhận.

Ông Putin muốn chặn đứng làn sóng tự do và tái lập ảnh hưởng của Nga trên các xứ láng giềng, như thời các Nga hoàng và thời Xô Viết. Cá nhân Putin muốn lịch sử nước Nga sẽ ghi tên ông vào hàng các “đại đế” như “Ivan Khủng khiếp,” Đại đế Peter, Nữ Đại đế Catherine, Lenin và Stalin. Ông hỗ trợ chính quyền độc tài ở Belarus đàn áp dân khi họ đòi tự do, chống gian lận bầu cử, để giữ vòng đai các chế độ độc tài bền vững.

Dân Ukraine đã hai lần đứng lên lật đổ các lãnh tụ thân Nga, năm 2004 (Cách mạng màu Da Cam) và năm 2014. Không ai muốn sống như dân Nga đang sống bây giờ: Ai cũng sợ hãi có thể bị bắt hoặc bị ám sát; người lên tiếng phản đối bị bắt, bị đầu độc, bị vu cáo kết án tù. Ngay cả những người Ukraine gốc Nga cũng không muốn phải sống trong một xã hội như thế.

Putin muốn dùng Ukraine khởi đầu chiến dịch lật ngược làn sóng tự do. Đó là nguyên nhân quan trọng nhất khiến ông đưa quân vào, để lật đổ chính quyền Ukraine, đưa lên một nhóm bù nhìn dễ sai bảo.

Cuộc xâm lăng này không những làm cho hàng ngàn dân Ukraine và quân lính Nga chết vô nghĩa, mà còn thay đổi bàn cờ chính trị Âu châu và thế giới. Putin, hợp tác với Tập Cận Bình, đề cao thể chế chính trị độc tài. Tất cả các nước tự do dân chủ đều bị đe dọa. Thế giới hòa bình khi mọi quốc gia đều tôn trọng một số luật lệ và quy tắc đạo đức. Các chế độ độc tài liên kết với nhau đều bất chấp luân lý cũng như luật pháp quốc tế.

Một lãnh tụ độc tài cũng thường xảo trá, nói láo không ngượng miệng. Trước khi xua quân vào Ukraine, Putin đã biện minh nói rằng chính quyền Ukraine là “một đám quốc xã” (nazi) đồng tính luyến ái, do Mỹ và NATO đặt lên. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là người gốc Do Thái, không thể nào tôn thờ chủ nghĩa Quốc Xã đề cao chủng tộc như mấy nhóm “Neo-Nazi” ở Mỹ! Ông nội của Zelensky đã chiến đấu trong Hồng Quân Nga đánh quân Đức Quốc Xã.

Putin biện minh rằng phải đánh Ukraine để bảo vệ người gốc Nga ở Ukraine đang bị một chính quyền “quốc xã” tiêu diệt! Không một người Nga nào đang sống ở Ukraine thấy bị kỳ thị. Nhưng đó cũng là lý do Hitler đã đưa ra trước khi tấn công Tiệp Khắc năm 1939. Putin kích thích lòng yêu nước của dân Nga với nỗi hận đế quốc Xô Viết tan rã. Adolf Hitler cũng vậy, mê hoặc dân Đức muốn trả thù vụ thất trận Đại chiến Thứ nhất.

Putin nói rằng Ukraine chỉ là một quốc gia giả tạo, không phải là một dân tộc riêng vì trong lịch sử vẫn thuộc Nga. Tập Cận Bình cũng có thể bắt chước, nói rằng Việt Nam vốn là một quận của Trung Quốc trong một ngàn năm.

Một người đã lớn tiếng phản đối những lý luận độc ác này là Đại sứ Kenya ở Liên Hiệp Quốc, trong phiên họp Hội đồng Bảo an bàn vụ Nga xâm lăng Ukraine. Đại sứ Nga chủ tọa phiên họp tuyên bố giải tán trước khi bắt đầu, nhưng ông Martin Kimani vẫn nói. Ông trình bày tình trạng Phi châu. Mỗi nước đều có nhiều nhóm sắc tộc, trong nước này có dân gốc ở nước khác, biên giới các nước không rõ ràng. Nhưng lãnh đạo các quốc gia châu Phi chấp nhận sống với tình trạng mập mờ đó. Vì nếu đòi thay đổi thì sẽ gây chiến tranh đẫm máu không biết bao giờ ngưng. Họ đồng ý hãy tuân thủ luật pháp quốc tế mà Liên Hiệp Quốc lo bảo vệ: Không nước nào được xâm phạm chủ quyền của bất cứ nước nào khác. Ông Kimani nói, như trực tiếp nhắn cho Putin nghe: “Thay vì quay lại nhìn tiếc nuối quá khứ, rất nguy hiểm, chúng tôi chọn hướng về tương lai.”

Quân Nga sẽ đè bẹp quân đội Ukraine. Putin có thể giết các nhà lãnh đạo nước Ukraine hoặc đuổi họ chạy ra nước ngoài. Nhưng 200,000 quân chiếm đóng, dù đủ thứ vũ khí tối tân, cũng không thể nào chế ngự được tinh thần kháng cự của 43 triệu dân Ukraine quyết bảo vệ tổ quốc. Những tử sĩ Ukraine đầu tiên là 13 lính biên phòng trên “Đảo Con Rắn” trong Hắc Hải, gần thành phố Odessa. Khi chiến hạm Nga đến dùng loa phóng thanh kêu gọi họ đầu hàng, nếu không sẽ chết, tất cả quyết chiến dù biết sẽ không có cứu viện, một thanh niên 23 tuổi còn chửi thề đáp lại. Dân Ukraine, kể cả nhiều người gốc Nga, đã lãnh súng, đạn của chính phủ đem về nhà chờ ngày bắn tỉa lính Nga. Họ được huấn luyện cách làm bom xăng, trên đài truyền hình, để chống xe thiết giáp. Dân Ukraine quyết dạy Putin thấm thía lại bài học Afghanistan.

Thế giới không thể cứu Ukraine thoát nạn xâm lăng, nhưng các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ làm suy yếu nước Nga trong thời gian sắp tới. Putin đã chuẩn bị từ năm 2014 để chịu đựng các đòn kinh tế. Nhưng chiến tranh kinh tế không bao giờ mang lại kết quả tức khắc mà phải chờ một thời gian. Các ngân hàng Nga sẽ bị cắt khỏi hệ thống tài chánh toàn cầu. Kỹ nghệ tin học của Nga sẽ đình trệ vì không thể nhập cảng các thiết bị, các bộ phận hư hỏng, các nhu liệu áp dụng mới. Trong thời chiến tranh lạnh trước, Liên Xô cũng bị bao vây kinh tế và kỹ thuật như vậy, công nghiệp càng ngày càng lạc hậu, cho tới khi sụp đổ từ bên trong. Nhưng trước đây nửa thế kỷ, Nga sống cô lập nên suy sụp chậm hơn. Ngày nay, công nghiệp nước Nga, kể cả các ngành quốc phòng, đang dùng cả những sản phẩm của Intel, của Samsung, vân vân. Khi các nguồn tiếp liệu bị ngăn chặn, chỉ trong vòng 3 năm, 5 năm những máy móc cũ lỗi thời, các bộ phận hư không được thay thế, hậu quả sẽ trông thấy.

Những đòn cấm vận kinh tế áp dụng từ năm 2014, khi Putin xâm chiếm Crimea còn rất nhẹ. Nhìn bên ngoài tưởng như là không gây được hậu quả nào. Nhưng Tổng Sản Lượng Nội Địa của Nga đã giảm từ $2.2 ngàn tỷ mỹ kim năm 2013 xuống chỉ còn $1.66 ngàn tỷ năm 2019, theo Ngân hàng Thế giới. Lợi tức bình quân mỗi gia đình hiện nay tụt giảm thấp hơn năm 2014. Năm 2013 lợi tức theo đầu người ở Nga cao gấp đôi dân Trung Quốc, bây giờ xuống thấp hơn.

Trước khi đánh Ukraine, ông Putin đã cẩn thận báo trước Nga vẫn tiếp tục cung cấp dầu, khí đốt cho Âu châu. Ông không cần nói, ai cũng biết. Vì hơn 60% dầu lửa của Nga bán qua Âu châu, chỉ có 30% bán cho Trung Quốc. Không bán dầu lửa thì mỗi ngày Nga mất $200 triệu đô la! Ngay trong thời Chiến tranh Lạnh trước, Liên Xô cũng vẫn bán dầu, khí qua Âu châu!

Chủ đích của Vladimir Putin là ngăn chặn làn sóng tự do dân chủ. Người Ukraine mới chứng kiến đồng bào của họ sống trong những nước “Cộng Hòa Nhân Dân” ly khai nghèo hơn trước mà lại mất hết tự do. Họ cũng trông thấy dân các nước Ba Lan, Bulgaria, và ngay một nước nhỏ xíu như Latvia sống sung túc hơn mình. Các nước đó đều gia nhập NATO sau khi thoát nạn cộng sản. Nếu Ukraine tiếp tục xây dựng tự do dân chủ và vào NATO, Putin lo có ngày dân chúng Nga cũng biết so sánh và sẽ đòi được sống tự do hơn.

Để bảo vệ độc quyền cai trị nước Nga, Putin liên kết với các chế độ độc tài khác, Tập Cận Bình, Kim Jong Un, cả các tướng lãnh quân phiệt Myanmar, cùng đối đầu với các nước tự do dân chủ. Dù ông có thể chiếm được Ukraine, biến thành một nước chư hầu, thì nỗi khát khao dân chủ tự do của dân các nước Âu châu, kể cả dân Nga, cũng không thể nào dập tắt được. Putin sẽ thất bại.

N.N.D.

Nguồn: voatiengviet.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn