Ukraine kiện Nga: Những điều cần biết

Thủ tục tố tụng rút gọn và kỳ vọng kết quả sớm.

Bùi Công Trực

Vào ngày 26/2, chỉ hai ngày sau khi quân đội Nga tràn vào xâm lược Ukraine, phía Ukraine đã đệ đơn khởi kiện chính quyền Nga lên Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice – ICJ).

Cần lưu ý rằng đây không phải lần đầu tiên Ukraine mang Nga ra một cơ quan tài phán quốc tế liên quan đến các tranh chấp và xung đột tại Crimea, các vùng lãnh thổ phía Đông, hay kể cả các vấn đề chính trị liên quan đến cuộc “Cách mạng Maidan” vào năm 2014.

Sự minh bạch và cầu thị của Ukraine trong việc sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế cho người dân thế giới cơ hội hiểu thêm về xung đột và các tranh chấp. Mặt khác, chúng cũng giúp cho các định chế quốc tế có cơ hội can thiệp, ghi nhận lại sự thật và phán xét một cách công tâm.

Vậy trong vụ kiện lần này, Ukraine vì sao lại kiện, căn cứ của họ là đâu, và mục tiêu của họ là gì?

Phiên xử đầu tiên diễn ra vào các ngày 7 và 8 tháng Ba vừa qua cho chúng ta một số thông tin quan trọng.

Căn cứ khởi kiện của Ukraine

Theo đơn nộp cho ICJ, chính phủ Ukraine đưa ra hai nhóm vấn đề: một về mặt sự thật thực tiễn; và hai là về mặt pháp lý.

Về mặt thực tế, chính phủ Ukraine cho biết Nga đã và đang tiếp tục dựa trên lý do rằng “Ukraine đang thực hiện hành vi diệt chủng (genocide) nhắm đến hàng triệu mạng sống” ở miền Đông Ukraine, những người chỉ còn biết cậy nhờ tất cả niềm tin của họ vào nước Nga (pinned their hopes on Russia); từ đó lý giải cho việc thực hiện hành vi xâm lược của mình.

Luận điểm này được Nga lặp đi lặp lại trong các buổi họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lẫn các kênh truyền thông quốc tế phát từ Nga.

Phía Ukraine phủ nhận hoàn toàn các cáo buộc của Nga, và xem cáo buộc nói trên cũng như hành vi xâm lược của Nga đối với lãnh thổ Ukraine là một vi phạm trong việc đọc, giải thích và áp dụng các văn bản pháp luật quốc tế có liên quan đến vấn đề diệt chủng.

Về mặt pháp lý, căn cứ của Ukraine dựa vào Công ước Quốc tế về Phòng chống và Trừng phạt Tội ác Diệt Chủng (Convention on the Prevention and Punishment of the Crime of Genocide, thường được gọi ngắn là Convention on Genocide – “Công ước”).

Cả Ukraine và Nga đều là thành viên của Công ước nói trên.

Ngoài ra, Ukraine cho rằng tại Điều IX của Công ước, các quốc gia thành viên đã chấp nhận thẩm quyền của ICJ trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích, áp dụng, thực hiện, trách nhiệm của một quốc gia thành viên cũng như các hành động được liệt kê trong Điều III của Công ước (như trực tiếp thực hiện hành vi diệt chủng, âm mưu hoặc kích động quần chúng thực hiện hành vi diệt chủng, v.v.)

Như vậy, theo cách tiếp cận của người viết, việc Nga cáo buộc Ukraine thực hiện hành vi diệt chủng; và thậm chí sau đó xâm lược, xâm phạm lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine dựa trên căn cứ này là một trong những vấn đề nằm hoàn toàn trong phạm vi điều chỉnh cũng như tranh chấp của Công ước.

Quang cảnh phiên xử vụ Ukraine kiện Nga tại Tòa án Công lý Quốc tế ngày 7/3/2022. Ảnh: media.un.org.

Ukraine mong muốn gì ở vụ kiện?

Trong phiên xử hybrid (kết hợp cả hai phương thức online và offline) mà đại diện Nga từ chối tham dự, Ukraine làm rõ hơn các mong muốn của mình. Cụ thể nhất, Ukraine đề nghị ICJ đưa ra các biện pháp khẩn cấp tạm thời (provisional measures) trước khi vụ kiện có thể tiếp tục một cách công bằng và minh bạch. Đây là một kỹ thuật mà người viết cho là rất khôn khéo từ phía chính quyền Ukraine.

Tuy nhiên, về mặt thực tiễn, liệu ICJ có thể can thiệp và đưa ra quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời này hay không thì là một câu chuyện rất khó đoán tại thời điểm này.

Những biện pháp mà Ukraine đề xuất bao gồm:

  1. Chấm dứt ngay lập tức các hoạt động quân sự mà Nga bắt đầu trên lãnh thổ Ukraine từ ngày 24/2/2022 liên quan đến việc diễn giải và thực hành sai Công ước về Diệt chủng;
  2. Bảo đảm tất cả những lực lượng quân sự chịu ảnh hưởng, được Nga ủng hộ (dù trực tiếp hay gián tiếp) phải chấm dứt mọi hoạt động vũ trang liên quan đến việc diễn giải và thực hành sai Công ước về Diệt chủng;
  3. Nga phải cam kết chấm dứt mọi hành vi có thể khiến cho việc giải quyết tranh chấp này tại ICJ trở nên khó khăn hơn; và
  4. Nga phải báo cáo cho ICJ mọi biện pháp mà họ đã thực hiện để tuân thủ và tôn trọng lệnh áp dụng biện pháp khẩn cấp từ ICJ một tuần sau khi lệnh được ban hành và theo tuần tự thời gian do ICJ đưa ra.

Ở một mặt nào đó, người viết cho rằng những yêu cầu này vượt quá phạm vi các tiền lệ và công cụ pháp lý mà ICJ có. Tuy nhiên, việc sử dụng các biện pháp tạm thời nhắm thẳng vào hành vi xâm lược của Nga sẽ có tác dụng pháp lý rất lớn nếu ICJ đồng ý áp dụng dù chỉ một phần những yêu cầu trên.

Chúng ta có thể kỳ vọng gì? 

ICJ đang áp dụng các thủ tục tố tụng rút gọn (cách gọi nếu chúng ta quen với thuật ngữ pháp lý Việt Nam – trong tiếng Anh là fast-track rulings). Điều này đồng nghĩa rằng kết quả của việc có áp dụng biện pháp khẩn hay không sẽ được ICJ đưa ra chỉ trong một vài tuần làm việc, và thậm chí sớm hơn.

Chủ tịch của Hội đồng Thẩm phán của ICJ – Thẩm phán Joan Donoghue – bày tỏ sự tiếc nuối rằng phía Nga đã không tham dự phiên xử. Tuy nhiên, các bên đều nhấn mạnh việc tham dự hay không tham dự của Nga sẽ không gây ảnh hưởng đến tính pháp lý và hiệu lực của phán quyết.

Luật Khoa sẽ tiếp tục cập nhật và chúng ta cùng kỳ vọng vào những diễn biến tích cực của phiên tòa.

B.C.T.

Nguồn: Luật Khoa

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn