Henry Kissinger: Ukraine nên giao đất cho Nga để kết thúc chiến tranh!

Mỹ Anh

24 tháng 5, 2022

Xin hỏi ngài Kiss, ngài có nhớ Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ đã nói về quyền của mọi con người trên trái đất này được Tạo hóa ban cho như thế nào hay không, hay già quá lú lẫn mất rồi ngài không còn nhớ nữa? Kẻ lèo lá thì trước sau thế nào cũng buột ra mồm, đố có che mắt ai được. Tạo hóa hình như đã ban cho ngài cái thiên bẩm ấy từ hồi ngài còn đương quyền Ngoại trưởng Hoa Kỳ kia đấy. Điều ấy thì chắc ngài không quên chứ!

Bauxite Việt Nam

Henry Kissinger (ảnh: Adam Berry/Getty Images)

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) ngày 23 Tháng Năm 2022, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nói rằng Ukraine nên nhân nhượng nhường đất cho Nga để chiến tranh có thể kết thúc và hòa bình được tái lập!

Cựu chính khách một thời “hét ra lửa, xịt ra khói” Henry Kissinger, 98 tuổi, còn nói rằng, phương Tây đừng bao giờ quên tầm quan trọng của nước Nga đối với châu Âu. “Các cuộc đàm phán cần phải bắt đầu trong hai tháng tới, trước khi cục diện tạo ra những biến động và căng thẳng không dễ vượt qua. Lý tưởng nhất, đường phân chia nên trở lại nguyên trạng trước đây” – Kissinger “cảnh báo”, theo Daily Telegraph (ngày 23-5-2022). “Theo đuổi cuộc chiến quá thời điểm đó sẽ không còn là chuyện liên quan đến quyền tự do của Ukraine, mà là một cuộc chiến mới chống lại chính nước Nga”.

Cái gọi là “nguyên trạng trước đây” của Henry Kissinger là đề cập việc Ukraine chấp nhận để Nga chính thức kiểm soát Crimea cũng như việc Nga kiểm soát không chính thức hai vùng cực Đông của Ukraine là Luhansk và Donetsk. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng nhiều lần nhấn mạnh rằng một trong những điều kiện để ông tham gia các cuộc đàm phán hòa bình là Nga phải đồng ý để Ukraine khôi phục những khu vực vốn thuộc kiểm soát Ukraine vào trước ngày Nga xâm lược (24 Tháng Hai 2022).

Những gì Henry Kissinger nói hoàn toàn trái ngược với đa số nhận định của giới bình luận lẫn chủ trương của các chính phủ phương Tây, khi mọi người đồng ý rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã khiến thế giới phải đặt lại câu hỏi về tình trạng an ninh của “toàn bộ trật tự quốc tế”. Phát biểu với các nhà lãnh đạo toàn cầu ở Davos, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng ngày nào đó Nga có thể khôi phục vị trí của họ ở châu Âu nếu nước này “tìm đường trở lại với dân chủ, pháp quyền và tôn trọng trật tự dựa trên luật lệ quốc tế… bởi vì Nga là nước láng giềng của chúng ta” – nhưng ở thời điểm này thì – cuộc chiến (bảo vệ đất nước) của Ukraine không chỉ là “vấn đề sống còn của Ukraine” hay “vấn đề an ninh châu Âu” mà còn là “nhiệm vụ của toàn bộ cộng đồng toàn cầu”.

Phát biểu của Henry Kissinger khiến nhiều chính khách Ukraine phẫn nộ. Nghị sĩ Ukraine Inna Sovsun nói rng quan đim ca Henry Kissinger “thật sự đáng xấu hổ”, rằng “thật nhục nhã cho một cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ lại tin rằng việc nhượng một phần lãnh thổ có chủ quyền là cách để tìm kiếm hòa bình cho bất kỳ quốc gia nào”.

Đa số người Ukraine không đồng ý với quan điểm đổi đất lấy hòa bình. Một cuộc thăm dò do Viện Xã hội học Quốc tế Kyiv thực hiện gần đây cho thấy 82% người Ukraine không sẵn sàng từ bỏ bất kỳ phần đất nào của họ, ngay cả khi chiến tranh tiếp tục kéo dài. Chỉ 10% tin rằng việc nhượng đất là cần thiết để chấm dứt binh đao (và 8% không có ý kiến). Cuộc thăm dò được thực hiện từ ngày 13 Tháng Năm đến Thứ Tư tuần trước (18 Tháng Năm). Mẫu thăm dò không bao gồm cư dân các vùng lãnh thổ không được chính quyền Ukraine kiểm soát trước ngày 24 Tháng Hai, trong đó có Crimea, Sevastopol và một số khu vực thuộc Donetsk và Luhansk. Cuộc khảo sát cũng không bao gồm những công dân đã ra nước ngoài sau ngày 24 Tháng Hai.

Không lâu trước thời điểm phát biểu của Kissinger, một bài xã luận dưới tên “ban biên tập” của tờ The New York Times (ngày 19-5-2022) cũng đề cập quan điểm tương tự. Dĩ nhiên bài xã luận bị chỉ trích gay gắt, đặc biệt từ Ukraine. Cố vấn của Tổng thống Zelensky – Mykhailo Podolyak – nói rằng “bất kỳ nhượng bộ nào đối với Nga không phải là con đường dẫn đến hòa bình, mà chỉ có thể trì hoãn chiến tranh trong vài năm”.

Henry Kissinger trong một lần gặp Vladimir Putin – Moscow ngày 29 Tháng Tư 2015 (ảnh: Sasha Mordovets/Getty Images)

Phần mình, để củng cố quan điểm “đổi đất lấy hòa bình”, Henry Kissinger nhấn mạnh rằng, phương Tây đừng quên rằng Nga là một phần quan trọng của châu Âu trong 400 năm và Nga từng đóng vai trò cân bằng cấu trúc quyền lực ở châu Âu trong những thời khắc sống còn; rằng Mỹ và phương Tây không nên chơi ép Moscow quá mức, Ukraine không nên tìm kiếm chiến thắng bằng cách làm nhục nước Nga; rằng phương Tây không nên liều lĩnh đánh ván bài chí tử khiến càng đẩy Nga vào quỹ đạo Trung Quốc…

Henry Kissinger kết luận: “Tôi hy vọng người Ukraine sẽ thể hiện tinh thần anh hùng bằng sự khôn ngoan”, rằng vị trí thích hợp của Ukraine là một quốc gia nằm ở vị trí như là vùng đệm trung lập, thay vì hoàn toàn trở thành một phần của châu Âu.

Ý kiến của Henry Kissinger về Ukraine khiến không khỏi không liên tưởng những gì tay chính khách cáo già này vốn nổi tiếng với những màn bán đứng cả một quốc gia từng gây ra trong suốt những năm sau Thế chiến thứ hai.

Hòa bình trong tầm tay (Peace at hand) là câu nói của Henry Kissinger đến nay vẫn còn in sâu trong tâm trí nhiều người Việt, ở thời điểm Henry Kissinger lén lút gặp Bắc Việt để bán đứng VNCH. Cũng cần nhấn mạnh rằng, Henry Kissinger không chỉ thân Nga mà còn rất thân với Trung Quốc. Trong suốt nhiều thập niên kể từ chuyến công du lịch sử đến Bắc Kinh cùng Tổng thống Nixon năm 1972 đến tận ngày nay, Henry Kissinger luôn khuyến cáo Mỹ phải xem Trung Quốc là bạn, thay vì thù; và phải bắt tay với Trung Quốc như một đối tác đáng tin cậy hơn là một đối thủ đáng nghi ngờ.

M.A.

Nguồn: saigonnhonews.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn