Tập Cận Bình mắc quá nhiều sai lầm

Người đứng đầu nhà nước và lãnh đạo đảng, Tập Cận Bình, phải chịu trách nhiệm về nhiều vấn đề mà Trung Quốc hiện đang phải đối phó. Tạm thời vị trí của ông ta vững vàng. Nhưng trong thời điểm sáu tháng trước kỳ đại hội đảng quan trọng, những tiếng xì xầm đã trở nên ồn ào hơn.

Tác giMatthias Kamp, từ Bắc Kinh, 06.05.2022

Năm quan trọng nhất trong nhiệm kỳ gần 10 năm của Tập Cận Bình cũng là năm khó khăn nhất. Nguyên thủ quốc gia và bí thư đảng của Trung Quốc phải tự chịu trách nhiệm về chuyện này, bởi vì ông ta phạm sai lầm - trong chính sách kinh tế, chính sách đối ngoại và cuộc chiến chống đại dịch.

Hiện nay, các sự kiện ở thủ đô 25 triệu dân của Thượng Hải cho thấy thất bại thảm hại trong cuộc chiến chống đại dịch. Vào đầu tháng 4, nhà chức trách đã thay đổi chế độ lockdown, mà lúc ban đầu chỉ định giới hạn trong vài ngày, thành cách ly vô hạn định. Ngay sau đó, các báo cáo về vấn đề cung cấp thực phẩm đã gây xôn xao mạng xã hội, dẫn đến cuộc tranh luận “có ý nghĩa hay vô nghĩa” cái gọi là chiến lược zero-Covid, nhằm chống lại biến thể omicron rất dễ lây lan. “Thượng Hải đang chiến đấu với kẻ thù mới của Covid bằng vũ khí cũ,” là tiêu đề trên tạp chí kinh doanh Trung Quốc Caixinglobal.

Tập cho ăn mừng chính sách Covid

Trong khi các sự kiện đang diễn ra ở Thượng Hải và tình hình corona có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát, thì Tập Cận Bình ngồi ở Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Ngày 8 tháng 4, tại một buổi lễ, trước báo giới quốc tế ông ta tuyên bố ăn mừng vì đã tổ chức thành công Thế vận hội mùa đông Olympic vào tháng Hai. Sự kiện này còn được đẩy lên cao hơn nữa, bằng tuyên ngôn độc đáo của ông Tập: Chính sách Zero - Covid Trung Quốc cũng xứng đáng nhận được huy chương vàng.

Thành công bước đầu của Trung Quốc trong việc chống lại coronavirus là không thể chê trách. Theo Đại học Johns Hopkins, cho đến nay, cả nước có ít hơn 15.000 ca tử vong do Covid-19. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của biến thể omicron rất dễ lây lan, câu hỏi về tính bền vững của “chính sách không khoan nhượng” ngày càng trở nên bức xúc hơn. Bởi vì, ngay cả khi Thượng Hải có thể sớm kiểm soát được đợt bùng phát hiện tại, thì vẫn tiếp tục có đợt bùng phát khác cùng với lockdown đi theo và những hậu quả tương ứng đối với nền kinh tế và xã hội, như trường hợp của Bắc Kinh.

Điều này cũng là do những sai lầm trong quá khứ. Trung Quốc đã có thể sử dụng thời gian sau khi vượt qua làn sóng đầu tiên hai năm trước để phát triển vakcin mRNA hiệu quả cao và phù hợp với hệ thống y tế. Nhưng ông Tập chủ yếu quan tâm đến việc tạo ra địa chính trị (*) bằng vakcina kém hiệu quả của riêng mình và “chính sách không khoan nhượng” được cho là đúng đắn.

Chính phủ kiểm soát nền kinh tế

Từ nhiều năm nay ông Tập đã từ bỏ nguyên tắc lãnh đạo tập thể do Đặng Tiểu Bình cải cách. Cho đến nay nhà độc tài của Trung Quốc vẫn không từ bỏ đường lối của mình. Ông Tập kiên quyết gắn bó với chiến lược zero-Covid - ngay cả việc chống lại lời khuyên của các nhà khoa học Trung Quốc - tự bảo vệ mình bằng chiến dịch tuyên truyền hiếm có. Kể từ khi bắt đầu lockdown ở Thượng Hải, các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc đã đăng tải các bài nhận định và xã luận với tần suất dày đặc, chào mừng ông Tập là người phát minh ra chính sách zero-Covid. Giờ đây, việc chống lại đại dịch ở Trung Quốc không còn là ý thức y tế, mà hơn tất cả, là vì vị thế của Tập Cận Bình. Rất nhiều người, bao gồm cả các thành viên của giới chính trị cao cấp Trung Quốc, xem việc cố chấp thực hiện “chính sách không khoan nhượng” của ông Tập là một sai lầm.

Đây không phải là sai lầm duy nhất. Sự sụp đổ kinh tế hiện nay chỉ một phần do đại dịch. Một nguyên nhân khác là do nhiều quy định can thiệp vào đời sống kinh tế, đặc biệt là đối với các công ty công nghệ của Trung Quốc. Khi cần thiết, chính phủ sửa đổi một số điều luật áp đặt lên việc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường cho mỗi công ty riêng biệt. Bản chất và mức độ của các biện pháp can thiệp thì không cân xứng. Người khởi xướng chính sách này đã khiến hàng triệu người Trung Quốc mất việc làm, là Tập Cận Bình.

Ông Tập tin rằng, ở vòng cuối Trung Quốc sẽ chiến thắng

Về chính sách đối ngoại, Trung Quốc ngày càng bị cô lập. Chắc chắn Hoa Kỳ cũng góp phần vào chuyện này, trên hết là cựu Tổng thống Donald Trump với đường lối đối đầu cực đoan của ông. Nhưng chính hành vi hung hăng của Trung Quốc trên chính trường quốc tế, thường sử dụng ngôn từ xúc phạm, mà ông Tập khuyến khích các nhà ngoại giao của mình sử dụng, mới góp phần vào sự xích mích giữa Trung Quốc và phương Tây. Cho đến nay, châu Âu đã cố gắng đạt được nửa chặng đường giao thiệp với Bắc Kinh. Nhưng việc ông Tập công khai thể hiện lòng trung thành với kẻ phát động chiến tranh Vladimir Putin lại khiến người dân châu Âu thêm xa lánh.

Các nhà ngoại giao phương Tây ở Bắc Kinh và đại diện của Think-Tanks báo cáo là: ông Tập cả quyết rằng cuối cùng Trung Quốc sẽ chiến thắng. Người cai trị Trung Quốc tin rằng liên minh phương Tây chống đối Nga sẽ tan rã, khi mà người tiêu dùng ở châu Âu và Mỹ cảm nhận được hậu quả của chiến tranh và các lệnh trừng phạt qua việc giá cả tăng cao. Cùng lúc này, ông Tập thành lập các liên minh mới ở Đông Nam Á, Trung Đông, Châu Phi và Nam Mỹ. Và nền kinh tế, theo niềm tin vững chắc của ông Tập, sẽ khởi sắc trở lại trong nửa cuối năm khi các đợt bùng phát corona mới kết thúc - cũng chính sự kiêu căng ngạo mạn này đã khiến Trung Quốc sa lầy trong cuộc chiến chống đại dịch sau thành công ban đầu.

Đại hội đảng cộng sản (ĐCS) lần thứ 20 dự kiến diễn ra vào tháng 11, ở đây các cấp lãnh đạo cao nhất của đảng sẽ được bổ nhiệm lại. Khi đó, ông Tập muốn được bầu làm bí thư nhiệm kỳ thứ ba - một điều chưa có trong tiền lệ đang gây tranh cãi trong giới chính trị, vì từ trước đến nay giới hạn chỉ là hai nhiệm kỳ. Sự kiện chính trị lớn này cần phải có ưu thế về sự bình ổn và vững chắc thực sự. Sức mạnh kinh tế cần được cải thiện, chính sách zero-Covid được công nhận và đại dịch bị triệt tiêu. Đó là những gì ông Tập đã lên kế hoạch.

Không ai bày tỏ sự chỉ trích công khai

Thay vào đó, là sự sôi sục. Từ lâu, không phải tất cả mọi người trong giới lãnh đạo chính trị đều đồng ý với chiến lược chống đại dịch đang hoạt động kém hiệu quả của ông Tập và đường lối chính trị của ông, vốn ngày càng nghiêng về ý thức hệ hơn là hành động thiết thực cho kinh tế. Tuy nhiên, nhà độc tài Trung Quốc đã tạo ra một bầu không khí sợ hãi với các chiến dịch "thanh lọc" và chống tham nhũng thường xuyên của mình trong suốt 9 năm qua. Không ai công khai chỉ trích điều này, và cho đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy bất kỳ ai có thể tranh cử với Tập vào mùa thu.

Cai Xia, một cựu nhân viên của Trường Đảng Trung ương ở Bắc Kinh, đã tóm tắt suy nghĩ của một số người trong ĐCS về việc dỡ bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ đối với các bí thư. Vào năm 2018, bằng cách ra lệnh cho Ủy ban Trung ương đồng ý sửa đổi hiến pháp có liên quan, ông Tập đã buộc đảng này phải "nuốt phân chó" (nguyên văn: Hundescheisse zu schlucken), Cai Xia, hiện sống ở Hoa Kỳ, cho biết.

Hầu hết các lời xì xầm xuất phát từ Thượng Hải. Bất kể, là một công nhân bình thường hay một người quản lý có thu nhập cao, tất cả đều không giấu giếm sự tức giận của mình với ban chỉ đạo Corona. Trên internet tràn ngập các video phản đối và tuyên bố giận dữ của công dân Thượng Hải. Các cơ quan kiểm duyệt khó mà xóa hết được. Nhiều năm sau người ta vẫn có thể tìm thấy hàng loạt biểu hiện bất mãn trên mạng xã hội về một sự kiện độc nhất vô nhị này.

Sự bất bình của công chúng ở Thượng Hải

Yang Chaohui, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Bắc Kinh, cho biết: “Với số người từ mọi thành phần đã lên tiếng, thì đây là sự giận dữ lớn nhất của quần chúng được thể hiện công khai, kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012”. Tuy nhiên, điều này không chắc có thể dẫn đến một phong trào chính trị có khả năng gây nguy hiểm cho ông Tập. Yang tin rằng sự bất mãn của công chúng quá rời rạc để tạo ra động lực. Ngoài ra, không xuất hiện nhà lãnh đạo nào của phong trào như vậy.

Liệu ông Tập có phải nhượng bộ trước những diễn biến ngoài ý muốn hiện nay hay không, có thể được nhìn thấy trong thành phần của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị sau đại hội đảng vào mùa thu, chẳng hạn như, nếu cơ quan này bao gồm nhiều nhà kỹ trị hơn thay vì các nhà tư tưởng thuần túy. Một đồng minh thân cận của ông Tập thì không còn có cơ hội thăng tiến vào vị trí cao nhất trong đảng, đó là Lý Cường, Bí thư Đảng Cộng sản ở Thượng Hải. Cho đến gần đây ông ta được xem là một ứng cử viên an toàn và cũng sẽ kế nhiệm Thủ tướng Lý Khắc Cường. Tuy nhiên, có thể Tập sẽ phải hy sinh ông ta vì tình hình hỗn loạn xảy ra ở Thượng Hải.

Nếu nhiều yếu tố bất lợi cho ông Tập cùng xuất hiện, mọi thứ có thể trở nên náo nhiệt vào mùa thu. Đó là điều mà cựu Thủ tướng Úc, Kevin Rudd tin tưởng, ông được xem là một trong những chuyên gia giỏi nhất của phương Tây về Trung Quốc. "Nếu Trung Quốc tiếp tục tụt hậu về tốc độ tăng trưởng kinh tế, đại dịch vượt ngoài tầm kiểm soát và chính phủ vì quá thân cận với Putin mà ngày càng lúng túng trong chính sách đối ngoại trước những diễn biến ở Ukraine, thì kết quả của đại hội đảng có thể để ngỏ", Rudd cho biết vào dịp mới đây, tại một sự kiện của Hiệp hội Châu Á ở New York.

VTP-LTH dịch từ https://www.nzz.ch/.../xi-jinping-macht-zu-viele-fehler...

*

Chú thích:

(*) Địa chính trị, Geopolitik https://vi.wikipedia.org/.../%C4%90%E1%BB%8Ba_ch%C3%ADnh...

Nguồn: FB Lưu Thủy Hương

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn