Phản biện câu trả lời của bà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trước Quốc hội

Đỗ Ngà

Trong buổi chất vấn ngày 9/6, ông Trần Văn Lâm, đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi với bà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rằng: “Hai năm qua kinh tế tăng trưởng thấp kỷ lục, nhiều doanh nghiệp đổ vỡ, phá sản rút khỏi thị trường; người dân lao đao vì dịch dã; nhiều khoản nợ ngân hàng đến hạn không trả được. Nhưng hầu hết nhà băng vẫn lợi nhuận cao, chia lãi khủng?”.

Đây rõ ràng là nghịch lý. Bà Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã trả lời khá dài nhưng tôi xin tóm tắt lại như sau: Ý thứ nhất, là bởi Ngân hàng Nhà nước đồng hành cùng ngân hàng thương mại miễn giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Ý thứ nhì, là bởi Ngân hàng Nhà nước đã ra Thông tư cơ cấu lại thời hạn trả. Nói chung là Ngân hàng Nhà nước có chủ trương cho giãn nợ. Vì 2 lý do đó mà các ngân hàng thương mại “tháo ngòi bom nợ” chuyển thành “lãi khủng”. Ý của bà Hồng là thế.

Cách trả lời của bà Hồng trông có vẻ như Ngân hàng Nhà nước đã giải bài toán khó một cách nhẹ như lông hồng vậy? Nếu tuyệt như vậy thì chắc các Ngân hàng Trung ương các nước trên thế giới nên cử chuyên gia qua Việt Nam học tập.

Theo tôi, đây là cách trả lời đối phó hơn là lời giải thích thỏa đáng của bà Hồng. Vì sao? Vì bà Hồng chỉ nói cách bà triển khai chính sách chứ không hề nói về hiệu quả của chính sách đó. Hiệu quả chính sách mới là câu trả lời thỏa đáng cho câu chất vấn của ông Trần Văn Lâm thì bà Hồng lại né.

Những ngày qua, báo chí đã cho biết, các ngân hàng thương mại đang năn nỉ Ngân hàng Nhà nước nới lỏng room tín dụng để họ triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%. Tuy nhiên, vì đang thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ chống lạm phát nên Ngân hàng Nhà nước không nới room tín dụng nên gói hỗ trợ lãi suất 2% bị nghẽn (xin đọc lại bài “Ngân Hàng Nhà Nước Như Bị Trói”). Vậy nên, sự đồng hành của Ngân hàng Nhà nước với ngân hàng thương mại trong vấn đề miễn giảm lãi suất cho doanh nghiệp không thể làm được. Nói thẳng ra là ý thứ nhất trong chính sách không hiệu quả.

Ngân hàng Nhà nước cho giãn nợ cho doanh nghiệp nghĩa là các khoản nợ xấu lẽ ra đã đáo hạn năm nay thì nó lại trở thành chưa đáo hạn. Về bản chất, đã là nợ xấu thì trước sau gì ngân hàng cũng mất tiền (tức là khoản lỗ của ngân hàng). Bởi sự giãn nợ mà các khoản lỗ đó không tính vào năm nay mà thôi chứ nó vẫn tính vào cho các năm sau. Chính sách giãn nợ không phải là phép mầu biến khoản nợ xấu thành nợ tốt mà nó tạm thời che đi những khoản lỗ khủng của ngân hàng. Điều này tại sao bà Thống đốc không nói rõ?

Quả bom nợ ngân hàng vẫn còn đó. Ngân hàng Nhà nước đang tạm thời ghìm nó lại không cho nó nổ tung chứ không phải là Ngân hàng Nhà nước đã xử lý xong bom nợ này. Bước tiếp theo, Ngân hàng nhà nước sẽ xử lý quả bom này được hay không thì chưa biết. Cần phải chờ xem.

Đ.N.

Nguồn: Tiếng Dân

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn