“Tri thức hoá nông dân” cách nào là nhanh nhất?

Nguyễn Ngọc Chu

1. NHIỆM KỲ VÀ MỤC TIÊU

Nhiệm kỳ bộ trưởng ở nước ta là 5 năm. 5 năm là khoảng thời gian đủ để làm được một số việc lớn. Với hai nhiệm kỳ 10 năm là khoảng thời gian đủ để hoàn thành những việc rất lớn. Hai nhiệm kỳ là khoảng thời gian đủ để vét kiệt trí tuệ sáng tạo và sinh lực làm việc của một nhân vật lớn. Sau 10 năm chỉ theo lối mòn, bảo thủ và trì trệ.

Vì thế, khi đảm nhiệm chức vụ của nhiệm kỳ 5 năm, người lãnh đạo đặt ra các mục tiêu cụ thể có thể thực hiện được trong khung thời gian của nhiệm kỳ, chứ không đưa ra những “chủ thuyết”. Vì “chủ thuyết” là thứ mơ hồ kéo dài nhiều thập niên, không thể đo đếm bằng số liệu cụ thể. Người lãnh đạo hay nói về “chủ thuyết” không phải là người lãnh đạo hành động.

2. CÁCH NÀO ĐỂ “TRI THỨC HOÁ NÔNG DÂN” NHANH NHẤT?

Nông nghiệp Việt Nam đang hứng chịu những nghịch lý.

2.1. Là đất nước nông nghiệp nhưng Việt Nam phải nhập khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp đáng lý ra không phải nhập khẩu, hay nhập khẩu ở mức độ thấp. Chẳng hạn như, năm 2021 Việt Nam phải nhập khoảng 22,3 triệu tấn thức ăn chăn nuôi gia súc (chiếm hơn 60%), trị giá 10 tỷ USD. Trong 10 tỷ USD thức ăn chăn nuôi gia súc phải nhập khẩu, có 10 triệu tấn ngô, 5 triệu tấn khô dầu đậu tương. Phân bón cũng phải nhập khẩu đến hơn 40%, năm 2021 là 1,54 triệu tấn, trị giá 1,45 tỷ USD. “Giống cây trồng, vật nuôi cũng chủ yếu nhập khẩu” (https://vnexpress.net/viet-nam-nhap-10-ty-usd-nguyen-lieu...).

Trong khi đó xuất khẩu gạo năm 2021 (dù đứng thứ 2 thế giới), cũng chỉ được 6,2 triệu tấn, trị giá 3,3 tỷ USD (https://www.gso.gov.vn/.../phat-trien-lua-gao-theo.../...).

Tại sao nông nghiệp Việt Nam lại không thể sản xuất ra ngô, khô dầu đậu tương để phải nhập khẩu 10 tỷ USD thức ăn chăn nuôi gia súc?

Tại sao nông nghiệp Việt Nam lại không tự sản xuất được phân bón?

Tại sao nông nghiệp Việt Nam lại không đảm bảo được giống cây trồng và vật nuôi?

Những câu hỏi tại sao cũng nối đuôi nhau xếp hàng trong lĩnh vực phân phối. Vì trong lĩnh vực phân phối cũng đầy rẫy những nghịch lý. Sản phẩm làm ra không tiêu thụ kịp thời, bị ứ đọng, phải huỷ bỏ. Năm nào hàng hoá nông sản cũng phải chầu chực dãy dài hàng cây số suốt nhiều tuần lễ ở cửa khẩu biên giới. Trên phương diện chất lượng, nông sản Việt Nam đáp ứng được thị trường giá trị cao chưa nhiều, làm cho giá mua thấp, không chiếm lĩnh được thị trường. Kết quả là thu nhập của người nông dân rất thấp.

2.2. Một nghịch lý khác nằm trong lĩnh vực áp dụng khoa học, công nghệ và kỹ thuật vào nông nghiệp. Việt Nam có nhiều nhà khoa học nông nghiệp. Việt Nam có một số quỹ khoa học dành cho nông nghiệp. Nhưng cơ chế quản lý đã không phát huy được năng lực của các nhà khoa học nông nghiệp. Cơ chế quản lý cũng làm cho các quỹ khoa học dành cho nông nghiệp hoạt động không hiệu quả. Lãng phí sức sáng tạo của các nhà khoa học nông nghiệp là một vấn đề cấp bách mà người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải đưa ra lời giải.

Chỉ bằng con đường áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và kỹ thuật vào nông nghiệp thì nông nghiệp Việt Nam mới có năng suất cao, chất lượng tốt, mới có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế, mới phát triển nhanh và bền vững. Bởi thế, vấn đề xương sống của nông nghiệp Việt Nam là áp dụng hiệu quả tiến bộ khoa học, công nghệ và kỹ thuật vào nông nghiệp.

2.3. Nêu ra một số nghịch lý ở trên để thấy được những mục tiêu cụ thể phải làm. Mục tiêu cụ thể của nông nghiệp Việt Nam là xoá bỏ những nghịch lý, chứ không sa vào những lý luận mơ hồ.

Như ở chiến trường cần những chỉ huy ra mệnh lệnh tức thì, nông nghiệp Việt Nam đang cần những nhà lãnh đạo hành động giải quyết các vấn cụ thể, chứ không cần những nhà tuyên truyền “lý luận”.

Bởi thế:

- Áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và kỹ thuật là “tri thức hoá nông dân”.

- Chuyển đổi số là “tri thức hoá nông dân”.

- Điện tử hoá quá trình quản lý, sản xuất, lưu thông và thương mại là “tri thức hoá nông dân”.

- Giải quyết vấn đề thức ăn gia súc và phân bón để không phải nhập khẩu là “tri thức hoá nông dân”.

- Giải quyết vấn đề nông sản không ứ đọng là “tri thức hoá nông dân”.

- Giải quyết vấn đề giống cây trồng vật nuôi không phải nhập khẩu là “tri thức hoá nông dân”.

Nói đến nông nghiệp là nói đến cây trồng vật nuôi; là nói đến năng suất; là nói đến thuỷ lợi, phân bón, giống má; là nói đến chế biến, bảo quản, lưu thông, thương mại; là nói đến sở hữu đất đai. Nông nghiệp Việt Nam phải được áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ trong toàn bộ các quá trình sản xuất, chế biến, lưu thông và thương mại. Nông nghiệp Việt Nam cần phải tự chủ trong mọi lĩnh vực. Nếu tất cả đều nhập khẩu, người nông dân Việt Nam chỉ biết lấy công làm lời, thì muôn đời nông nghiệp Việt Nam không thoát khỏi nghèo khó.

3. CÓ PHẢI CỨ LÃNH ĐẠO THÌ PHẢI CÓ “CHỦ THUYẾT”? PHẢI CÓ “TÁC PHẨM LÝ LUẬN”?

Có phải cứ lên lãnh đạo là phải đưa ra “chủ thuyết”? Phải có “Tác phẩm lý luận”?

Chịu ảnh hưởng của các khẩu hiệu “Chủ nghĩa”, “Tư tưởng”, “Tác phong”… du nhập vào Việt Nam từ thập niên 1950, vào thập niên 1970 ở Việt Nam đã xuất hiện “chủ thuyết” “Làm chủ tập thể”. Nhưng “Làm chủ tập thể” là thứ mơ hồ nên đã nhanh chóng biến mất.

Đất nước cần những người hành động. Những điều chưa biết thì học theo nhân loại. Đừng tự mình xây dựng “chủ thuyết riêng” để chứng tỏ sáng tạo, khác biệt. Càng không thể vừa đi vừa hỏi: “Thời kỳ quá độ bao lâu? có mấy chặng đường cần tiếp tục làm rõ?” https://thanhnien.vn/qua-do-len-chu-nghia-xa-hoi-bao-lau...

Càng không thể chờ cho đến năm 2045 mới hoàn thành “chủ thuyết”.

Các vua chúa Việt Nam không ai để lại tuyển tập khi đương sống. Hoa Kỳ có bao nhiêu tổng thống vĩ đại cũng không có vị tổng thống nào để lại tuyển tập. Bảy thập niên gần đây ở Việt Nam mới xuất hiện trào lưu rằng cứ lãnh đạo là phải có “chủ thuyết” hoặc phải có “tác phẩm lý luận”. Căn bệnh phải có “lý luận” đang mang đến những tác hại vô cùng to lớn cho toàn bộ xã hội. Nó bắt các nhà lãnh đạo phải có “tác phẩm lý luận”. Nó bắt các nhà quản lý phải khoác áo giáo sư, tiến sĩ. Nguy hại nữa, nó bắt những người thực hành phải “lý luận” những điều mơ hồ mà mình không tường để đánh mất sở trường thực tiễn của mình.

“Tri thức hoá nông dân” là các biện pháp cụ thể chứ không phải là những chồng tài liệu “lý luận” nằm mọt mối trong tủ.

N.N.C.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn