Văn hóa súng

Trần Doãn Nho

Tháng 5 ở Hoa Kỳ, đáng lẽ là tháng gắn liền với mùa xuân qua những lễ hội như Ngày Của Mẹ, lễ ra trường của sinh viên học sinh, thì năm nay, lại được đánh dấu bằng một nghi lễ khác: tang lễ. Có đến trên 70 người đã chết qua nhiều vụ giết người hàng loạt bằng súng xảy ra liên tiếp, trong đó, người già nhất là một bà cụ 86 tuổi và trẻ nhất là một học sinh lớp 4, chín tuổi [1]. Đây không phải là các tai nạn, mà xuất phát từ một nguyên nhân thấy trước: quyền sử dụng súng. Quyền này dính líu đến một cung cách đặc trưng hầu như đã trở thành một nọa tính lịch sử trong xã hội Mỹ: văn hóa súng (gun culture). Theo Richard Hofstadter, qua bài “America as a Gun Culture” [2] (Hoa Kỳ như một nền văn hóa súng), so với các nước văn minh trên thế giới, “Hoa Kỳ là quốc gia đô thị kỹ nghệ hiện đại duy nhất vẫn còn duy trì nền văn hóa súng. Đó là quốc gia mà sự sở hữu súng dài, súng ngắn được luật pháp bảo vệ là hiện tượng phổ thông trong một số lượng lớn người dân.”

clip_image002

Những người Anh và Tây Ban Nha định cư trên vùng đất mới

(Hình: American Heritage)

Tại sao?

Văn hóa súng, trước hết, có tính cách thực tiễn, gắn liền với quá trình lập quốc của người Mỹ. Quá trình này đòi hỏi sự bành trướng liên tục vùng biên cương (frontier expansion) đi đôi với sự canh tác những khu đất hoang dã vốn tiềm ẩn vô số hiểm nguy rình rập: thú dữ và thổ dân. Trong hoàn cảnh như thế, tất cả mọi người đều cần có súng. Vào thời đó, đối với một đứa bé trai lên 12, 13 tuổi, học bắn súng và nhận được khẩu súng trường nhỏ và một túi đạn là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời, được xem như là một “nghi lễ vượt tuổi” (Rite of Passage).

Văn hóa súng còn dựa trên sự hiện hữu của một tín điều chính trị đã trở thành truyền thống: giữ gìn đạo đức công dân (civic virtue) và thành thạo kỹ năng quân sự của người làm chủ vùng đất mà mình khai phá và canh tác. Người dân có vũ trang đuợc tin là giải pháp duy nhất để chống lại chủ nghĩa quân phiệt (militarism) và bảo vệ tự do cá nhân. Điều này được thể hiện trong Tu Chính Án Thứ Hai của Hiến Pháp: “Một lực lượng Dân Quân vững mạnh, cần thiết cho nền an ninh của một đất nước tự do, quyền của người dân cầm giữ vũ khí là bất khả xâm phạm.” [3] Quyền sở hữu súng, do đó, được xem là một quyền thiêng liêng được tổ tiên nước Mỹ truyền lại.

Có lẽ chính vì thế mà hiện nay, dù cho những điều kiện lịch sử đã hoàn toàn thay đổi (chỉ khoảng 4% công nhân của đất nước kiếm sống bằng nghề nông, việc bành trướng biên cương chẳng còn là nhu cầu sinh tử và xã hội đã có kỷ cương), sự ủng hộ quyền sở hữu súng vẫn còn mạnh mẽ và nhiệt tình đến mức luật pháp, trong lúc duy trì sự ổn định và hùng mạnh của nước Mỹ, thì đồng thời lại có vẻ như tiếp tay cho những kẻ ám sát, những tội phạm chuyên nghiệp, những kẻ giết người điên cuồng và những kẻ khủng bố chính trị làm rối loạn xã hội, cũng theo Richard Hofstadter. Điều này dẫn đến một hệ luận khác: Mỹ là quốc gia duy nhất chịu đựng những đau khổ, mất mát vì những vụ giết người hàng loạt xảy ra liên tục trong những môi trường được xem là an toàn và an ninh nhất như chợ búa, trường học, bệnh viện và tiêu tốn một ngân sách lớn lao trong việc điều tra, truy lùng, xử án và giam giữ tội phạm.

Ấy thế mà, những vụ bắn giết liên tiếp xảy ra, thay vì giảm bớt, lại dường như càng củng cố thêm lập trường ủng hộ súng của những người yêu súng (pro-gun). Năm 2012, sau vụ thảm sát 20 học sinh và 6 người lớn tại trường tiểu học Sandy Hook (bang Connecticut), Wayne LaPierre, tổng giám đốc của Hội Súng Quốc Gia tuyên bố: “Điều duy nhất chận đứng hành vi của một kẻ xấu (bad guy) mang súng là một người tốt (good guy) mang súng.”[4] Năm 2021, thống đốc Texas Greg Abbott ký một dự luật cho phép người ta có quyền mang súng mà không cần giấy phép và không cần trải qua một khóa huấn luyện bắt buộc.[5] Sau vụ thảm sát vừa qua (5/2022) tại trường tiểu học Robb, Donald Trump Jr., con trai của cựu tổng thống Trump, cho rằng, để giết người, kẻ sát nhân không cần có súng. Theo ông, Salvador Ramos có thể đã phạm cùng một tội nếu hắn ta sử dụng một cây gậy đánh bóng chày (bat) hay một cái rựa.[6]

Tóm lại, đối với những người yêu súng, “Súng không giết người, chỉ có người giết người.” Khẩu hiệu này được triển khai thành một số “châm ngôn” như sau:

- Khi súng bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, thì chỉ có những kẻ sống ngoài vòng pháp luật có súng.

- Một xã hội có súng là một xã hội lịch sự.[7]

- Kiểm soát súng không có kết quả bởi vì tội phạm không tuân theo luật pháp.

- Kiểm soát súng sẽ dẫn đến cấm súng.

vân vân.

Súng hoàn toàn được giải tội!

*

Rõ ràng là ngụy biện!

Súng, cũng như con dao, cái cày, đôi đũa, cái bao tay, cây viết, điện thoại cầm tay, vân vân, là dụng cụ (tools). Khác với sinh vật trong tự nhiên, chúng không có dụng cụ hay nói cho đúng, chúng sử dụng cơ thể mình (da, răng, tay, chân, lông… chẳng hạn) như là dụng cụ, thì con người ngay từ thời xa xưa đã biết chế tạo ra dụng cụ, trước hết là để chống lại những mối hiểm nguy do thú vật hay thời tiết gây ra và sau đó là để trồng tỉa, canh tác hay giết thú vật làm đồ ăn. Vai trò của dụng cụ, như thế, là mở rộng khả năng của bản thân nhằm đối phó và khắc phục vô số trở ngại do tự nhiên hay hoàn cảnh tạo ra và áp đặt lên đời sống: cây sào giúp nối dài cánh tay, chiếc xe giúp nối dài đôi chân, cung tên giúp nối dài gươm giáo, cái loa giúp tăng âm giọng nói, vân vân. Với các dụng cụ mỗi ngày mỗi cải tiến, từ thô sơ đến hiện đại, con người tăng cường và nới rộng khả năng của mình mỗi ngày mỗi mạnh hơn, xa hơn, nhanh hơn, nhiều hơn và hữu hiệu hơn.

Như là dụng cụ, nếu mục đích của đôi đũa là gắp thức ăn hay của cây dao là cắt rau, thái thịt thì mục đích của khẩu súng không phải là cầm chơi hay để trang trí hay mang…đi dạo, mà là để bắn. Bắn gì? Tất nhiên không phải là bắn vào mây, bắn vào nước, bắn vào cây, hay bắn để thưởng thức tiếng nổ, mà là bắn vào một “sinh vật” với mục đích chính là biến nó thành một “tử vật”. Một con dao hay cái gậy đánh bóng chày, thậm chí một cây kim, cũng có thể thực hiện chức năng giết như thế, nhưng đòi hỏi thời gian và điều kiện thuận lợi mới tiếp cận và thanh toán được nạn nhân. Súng thì khác. Nó giúp cho việc giết dễ dàng hơn, nhanh hơn, gọn gàng hơn và hiệu quả hơn. Nhất là với súng tự động: chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, nó có thể bắn chết hàng chục hay hàng trăm người một cách nhậm lẹ và đơn giản.

Chính tính năng độc đáo đó, mà dù là hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa bóng, súng đạn luôn luôn đồng nghĩa với chiến tranh, máu lửa, chết chóc, tàn sát. Vì thế, trong một môi trường bình thường, nơi mà súng không đóng vai trò gì cần thiết, thì người có súng chắn chắn là người trở thành kẻ sát nhân (một cách hợp pháp hay bất hợp pháp) dễ dàng hơn rất nhiều lần so với những người không có súng. Chẳng hạn, một cậu bé bốn tuổi cầm khẩu súng của cha mẹ bất cẩn để gần bên, vô tình bóp cò, giết chết em mình; một cặp vợ chồng cãi nhau kịch liệt, giận quá mất khôn, sẵn có súng, chồng bèn mang ra bắn chết vợ mặc dầu không hề có ý định giết người; lái xe trên xa lộ, bị ép đường, giận quá, người này bèn rút súng ra bắn chết người kia, một kẻ chẳng hề quen biết; viên cảnh sát, trong lúc truy đuổi tội phạm, bắn chết một người không mang súng chỉ vì tưởng lầm người đó có vũ khí. Vân vân.

Nói cho cùng, hình ảnh của một khẩu súng bao giờ cũng là, hay cũng gợi đến, sự chết chóc. Và do đó, sở hữu một khẩu súng, dù ở trong tình trạng tinh thần tốt nhất - những good guys, nói theo ông chủ tịch Hội Súng Quốc Gia LaPierre -, một người nào đó cũng khó mà tránh khỏi ý nghĩ là chính mình sẽ bắn một ai đó lúc hữu sự. Đôi khi, chính súng sinh ra sự, nhất là đối với những người mà tinh thần không ổn định, những bad guys. Vả lại, không có một phương cách nào để thể xác định ai là một bad guy và thế nào là bad guy trước khi hắn thực hiện xong hành động của mình. Thủ phạm những vụ bắn giết hàng loạt như Adam Peter Lanza (vụ trường tiểu học Sandy Hook, Connecticut, 2012), Payton S. Gendron (vụ siêu thị Buffalo, New York, 2022) hay Salvador Ramos (vụ trường tiểu học Robb, Texas, 2022), nếu không là những good guys, thì cũng hoàn toàn là những thanh niên bình thường. Mới đây nhất, vào tối ngày 30/5/2022, một bé gái 10 tuổi đã bắn chết bà Lashun Denise Rodgers, 41 tuổi khi mẹ cô và bà này gây gổ đánh nhau bên ngoài một chung cư ở thành phố Orlando, Florida. Bắn xong, cô bé hét lên, “lẽ ra bà ấy không được đánh mẹ con.”[8] Chỉ trong phút chốc, một cô bé, chắc chắn là “good guy”, bỗng nhiên trở thành “bad guy”, vì một chuyện không đâu, do cô có khẩu súng, có lẽ là từ mẹ cô mang theo.

Chính quyền sở hữu súng là yếu tố chính, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, đã biến những người bình thường thành kẻ xấu. Hay nói đúng hơn, một người cho dù là kẻ xấu hiểu theo một định giá nào đó, nếu không có cơ hội tiếp cận súng, sẽ có thể chỉ là một “kẻ xấu bình thường” trong xã hội, chứ rất khó trở thành một tên sát nhân. Vì súng, như đã nói, trong bản chất, là một dụng cụ được chế tạo ra chỉ với một mục đích: sát thương. Văn hóa súng, rốt cuộc, là một nền văn hóa “tạo cơ hội” cho một hành vi hoàn toàn phi văn hóa: giết người!

Tước hẳn đi hay kiểm soát chặt chẽ việc dùng súng nhất định sẽ là yếu tố giúp hạn chế đến tối đa việc bắn giết bừa bãi.

T.D.N.

(6/2022)

[1] Xem: Jelani Cobb, The Atrocity of American Gun Culture, https://www.newyorker.com/magazine/2022/06/06/the-atrocity-of-american-gun-culture

[2] Richard Hofstadter, America as a Gun Culture, tạp chí American Heritage,

https://www.americanheritage.com/america-gun-culture

[3 Nguyên văn: A well regulated Militia, being necessary to the security of a free State, the right of the people to keep and bear Arms, shall not be infringed.”

[4] Nguyên văn: The only thing that stops a bad guy with a gun is a good guy with a gun. Xem:

The Newyorker: https://www.newyorker.com/magazine/2022/06/06/the-atrocity-of-american-gun-culture

[5] Jelani Cobb, The Atrocity of American Gun Culture,

https://www.newyorker.com/magazine/2022/06/06/the-atrocity-of-american-gun-culture

[6 Nguyên văn: He wouldn’t have done the exact same thing with a bat, or a bomb, or some sort of improvised device–or a machete? Xem:

https://newsone.com/4346491/donald-trump-jr-uvalde-shooter/

[7] Nguyên văn: An armed society is a polite society

[8] https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/be-gai-10-tuoi-o-florida-ban-chet-doi-thu-danh-nhau-voi-me/

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn