Chúng tôi có những ước ao… Shinzo Abe

Cách lèo lái quốc gia của ông khiến chúng tôi ao ước. Chúng tôi cũng có chính phủ và mọi thứ như đất nước của ông nhưng không ai chịu từ chức như ông mặc dù họ bị nhân dân chỉ ra những sai sót, bất cập thậm chí phản bội lại nhân dân...

***

“Tôi xin lỗi từ tận đáy lòng mình rằng mặc dù được sự ủng hộ của người dân Nhật Bản, nhưng tôi vẫn quyết định từ chức. Tôi không thể làm Thủ tướng nếu tôi không thể đưa ra những quyết định tốt nhất cho người dân. Tôi không muốn bệnh tật dẫn tới những sai lầm trong các quyết sách quan trọng” – Shinzo Abe

Kim Ngữ

9 tháng 7, 2022

.

Người Nhật bàng hoàng và thương tiếc ông Shinzo Abe (ảnh: Yuichi Yamazaki/Getty Images)

Các họa sĩ của trường nghệ thuật Gurukul ở Mumbai (Ấn Độ) vẽ tranh tưởng nhớ ông Shinzo Abe (ảnh: Ashish Vaishnav/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Họa sĩ tranh cát Sudarsan Pattnaik tạc tượng cát tưởng nhớ cố Thủ tướng Shinzo Abe trên bãi biển Puri thuộc Vịnh Bengal (ảnh: STR/NurPhoto via Getty Images)

Thật lạ lùng, trên thế giới đâu phải một mình ông biết từ chức nhưng tại sao khi nghe tin này thì rất nhiều người thương tiếc không muốn ông ra đi, bởi, với những người biết được giá trị của một chính khách nằm ở đâu đều thấy rằng ông xứng đáng được yêu mến mặc dù người yêu mến ông có những quốc tịch khác nhau, những nhận xét khác nhau và nhất là những chính kiến khác nhau. Ông được họ yêu mến vì điều ông làm khiến họ cảm phục, ông được biết tới như một vì sao trong bầu trời tối tăm khi thế giới nằm dưới áp lực của bạo quyền. Ông là Thủ tướng Shinzo Abe.

Cách lèo lái quốc gia của ông khiến chúng tôi ao ước. Chúng tôi cũng có chính phủ và mọi thứ như đất nước của ông nhưng không ai chịu từ chức như ông mặc dù họ bị nhân dân chỉ ra những sai sót, bất cập thậm chí phản bội lại nhân dân. Chúng tôi ao ước lãnh đạo của chúng tôi được như ông, can đảm từ bỏ quyền lực cho sự hưng thịnh của quốc gia.

Từ Việt Nam, ông nhìn về quê hương của ông và cảm thán thốt lên những cung từ thật hoa mỹ mà chân tình: “Dòng sông Hồng hùng vĩ chảy xuyên suốt qua Hà Nội, hướng ra Biển Đông, tới biển Hoa Đông rồi nối dòng với Vịnh Tokyo. Không gì có thể ngăn sự tự do qua lại trên dòng chảy này. Nhật Bản và Việt Nam là hai nước láng giềng được gắn kết bởi vùng biển tự do”.

Chúng tôi ao ước có những lãnh đạo phát ngôn được như ông, vừa trí thức vừa chân thành và nhất là hoa mỹ, sự hoa mỹ đáng trân trọng và ghi nhận. Không như lãnh đạo đất nước chúng tôi, nói ra bất cứ câu gì cũng ngây ngô, xuẩn ngốc và luôn luôn gây tranh cãi vì tính chất phản cảm của nó.

Ngày 27 Tháng Mười Hai 2016, tại Honohulu, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng tổ chức lễ tưởng niệm những binh sĩ đã chết trong trận Trân Châu Cảng. Ông Abe là Thủ tướng Nhật đầu tiên đến Trân Châu Cảng cùng một tổng thống Mỹ; và là người đầu tiên đến khu tưởng niệm USS Arizona Memorial (ảnh: Kent Nishimura/Getty Images)

Từ Trân Châu Cảng, nói với những người lính Mỹ đã hy sinh và chịu chết dưới làn đạn của lính Nhật, ông đã trịnh trọng tuyên bố:

“Hỡi những linh hồn, xin hãy ngủ yên! Tôi, với tư cách là đại diện cho quốc dân Nhật Bản đã thả hoa xuống biển nơi những người lính đang an nghỉ với cả tấm lòng thành.

Kính thưa Tổng thống Obama, toàn thể quốc dân nước Mỹ và người dân trên toàn thế giới!

Tôi, với tư cách là Thủ tướng Nhật Bản, xin được gửi lời chia buồn chân thành mãi mãi tới linh hồn của những người đã bỏ mạng ở mảnh đất này, tới tất cả những người dũng cảm đã bỏ mạng bởi cuộc chiến tranh bắt đầu từ đây và cả linh hồn của vô số người dân vô tội đã trở thành nạn nhân của cuộc chiến tranh.

Tấn thảm kịch của chiến tranh sẽ không bao giờ được lặp lại.”

Chúng tôi ao ước có những lãnh đạo như ông. Cuộc chiến tranh Việt Nam đã qua gần nửa thế kỷ nhưng đồng bào miền Nam sau khi chịu thiệt thòi nghiệt ngã đủ cách, tới hôm nay, vẫn bị nhìn dưới ánh mắt kỳ thị khinh thường. Không ai trong lãnh đạo đất nước chúng tôi có thiện ý hòa giải huống chi nói được lời gan ruột như ông.

Ông là người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam khi mở lòng ra bằng những ODA cho đất nước chúng tôi xây dựng những dự án phát triển kinh tế xã hội, không như người “bạn vàng” của chúng tôi, cũng mở hầu bao, nhưng để cho đám quan lại thân Tàu đục khoét rồi vơ vét lại bằng những cuộc đấu thầu gian lận. Chúng tôi ao ước được tiếp tục làm bạn với nước Nhật vĩ đại vì ông là Thủ tướng vĩ đại của họ.

Thủ tướng Shinzo Abe cùng Tổng thống George W. Bush trong chuyến công du Việt Nam cho Hội nghị thượng đỉnh APEC tổ chức tại Hà Nội ngày 18 Tháng Mười Một 2006 (ảnh: Brooks Kraft LLC/Corbis via Getty Images)

Ông xứng đáng là người bạn thân thiết của Đài Loan, đất nước luôn sống dưới sự đe dọa của Trung Cộng. Không là đồng bào của họ nhưng ông chia sẻ sự bất hạnh khi bị một đất nước lớn hơn và tàn bạo hơn lúc nào cũng lăm le tấn công và cưỡng chiếm. Ông bảo vệ họ bằng ý chí sắt đá của mình. Với vai trò Thủ tướng Nhật Bản, ông tuyên bố Mỹ và Nhật phải đứng sau lưng Đài Loan. Những phát ngôn này làm cho Trung Cộng căm hận ông và phát động cuộc chiến tranh ngoại giao bôi nhọ ông khắp nơi nhưng ông vẫn kiên trì cảnh báo thế giới về cái họa tiềm ẩn: Thế giới luôn phải cảnh giác với Trung Cộng!

Ông là nhà chiến lược không những về kinh tế mà còn địa chính trị. Chính sách kinh tế mang tên ông, Abenomics, đã vực dậy một nước Nhật trì trệ sau nhiều thập niên nằm yên trong tấm chăn hậu chiến. Abenomics đã kích thích tiền tệ, gia tăng chi tiêu chính phủ, và cải cách cơ cấu. Trọng tâm của lý thuyết là nhằm hồi sinh kinh tế Nhật, thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng và giới đầu tư.

Thủ tướng Shinzo Abe sau buổi diễn văn tưởng niệm sự kiện Hiroshima ngày 6 Tháng Tám 2020 (ảnh: Carl Court/Getty Images)

Chúng tôi ao ước lãnh đạo của chúng tôi cũng có tầm nhìn và tài năng như ông, mà rủi thay, chúng tôi được dẫn dắt trên con đường không bao giờ tới, kinh tế thì có cái đuôi Xã Hội Chủ Nghĩa và đất nước vẫn rồng rắn dắt nhau đi tìm thứ chủ nghĩa không ai biết nó là gì.

Về phương diện hợp tác chiến lược, ông là người đầu tiên đưa ra khái niệm Ấn Độ Thái Bình Dương trên mặt trận ngoại giao và vận dụng mọi khả năng để hình thành Bộ Tứ (QUAD) với mục đích hợp tác an ninh ngoại giao của bốn nước Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ; và từ đó Chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và rộng mở ra đời. QUAD đủ sức kéo Trung Cộng quay lại thực tế khi muốn gây chiến và hiếp đáp các nước trong khu vực.

Chính sách “Abenomics” phục hồi kinh tế quốc gia đến tận nay vẫn còn ảnh hưởng trên nước Nhật (ảnh: Zhang Peng/LightRocket via Getty Images)

Chúng tôi ao ước có một tập thể lãnh đạo có tầm nhìn như ông để mỗi lần Trung Cộng có áp lực lên đất nước chúng tôi thì luôn có những cánh tay đưa lên sẵn sàng cầm súng chứ không thể có những lập luận lạc hậu là “Việt Nam không liên minh với nước này để chống nước khác”.

Là Thủ tướng của một đất nước bị trói tay vì bản Hiến pháp không cho phép phát triển quân sự nhưng ông đã làm cho thế giới thấy sức mạnh của một nước Nhật hùng cường không bị trói tay chờ Trung Cộng làm thịt. Chính sách cải cách quốc phòng triệt để đã làm chùn chân những thế lực đen tối nằm sát vách nhà ông.

Trong thời gian đương chức, Shinzo Abe nỗ lực hết sức có thể để điều chỉnh chính sách quốc phòng Nhật và là nguyên thủ châu Á luôn công khai nhấn mạnh mối đe dọa nguy hiểm của Trung Quốc (ảnh: Tomohiro Ohsumi/Getty Images)

Chúng tôi ao ước có một lãnh đạo như ông để Trung Cộng khi nhìn vào thấy được lòng kiêu hãnh của toàn dân chứ không giả vờ “ngạo nghễ” lố bịch như hiện nay, sự ngạo nghễ chỉ chung quanh cái sân đá bóng.

Là một Thủ tướng xuất thân từ một gia tộc trâm anh thế phiệt nhưng ông luôn cởi áo chính khách ra ngồi thủ thỉ với người nghèo trong tấm áo bình thường dân dã. Ông lớn lên khi chấp nhận quỳ xuống bên cạnh người dân và hình ảnh này đã làm cho công dân của những quốc gia chậm tiến phơi phới trong lòng.

Thủ tướng Shinzo Abe, trong bộ quần áo xanh giản dị, trong một lần đến thăm hỏi người dân một vùng bị lũ lụt (Facebook Shinzo Abe)

Chúng tôi thật sự ao ước có một nguyên thủ như ông, nhưng hỡi ơi, nguyên thủ của chúng tôi trót xuất thân từ cùng đinh khố rách nhưng lại tưởng là hậu duệ của vua chúa phương nào, vì vậy thay vì cúi xuống, họ bình thản đứng trên cao nhìn xuống manh áo rách của người dân như một thứ ký sinh vào chế độ.

Bây giờ ông đã đi xa, trên đỉnh núi Phú Sĩ đẹp đẽ mờ ảo, chắc ông hài lòng với những gì đã làm được cho đất nước Phù Tang. Chúng tôi ao ước sau ông là những samurai tiếp bước bảo vệ nước Nhật như ông từng làm, để bọn bá quyền bỏ hẳn niềm tin chỉ có sức mạnh vũ khí là trường cửu.

K.N.

Nguồn: Saigon Nhỏ

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn