Chuyện ông Boris Johnson từ chức và người Việt không chịu lớn

Lâm Bình Duy Nhiên

clip_image002

Vậy là Boris Johnson, đã từ chức sau hơn 2 năm giữ chức Thủ tướng Anh.

Theo nhận định của giới quan sát thì ông có một sự nghiệp chính trị rất đặc biệt. Từ một nhà báo đến một chính khách nổi tiếng, ít ai thành công như ông.

Dưới bàn tay của ông, nhiều dự luật khi phải bỏ phiếu, đều được chấp thuận, trong đó nổi bật nhất là Brexit, đưa Anh quốc ra khỏi Liên minh Âu châu.

Boris Johnson nhiều cá tính. Tuyên bố thẳng thừng, đôi khi không như các chính khách truyền thống, phát ngôn kỹ lưỡng và cẩn trọng.

Ông cũng là vị lãnh đạo đầu tiên của G7 sang thăm Kyiv vào trung tuần tháng 4/2022 khi cuộc chiến tranh đang diễn ra khốc liệt. Ông tăng cường sự trợ giúp về quân sự cho Ukraine. Chính Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, gọi Boris Johnson là một “người bạn lớn của Ukraine”.

Boris Johnson còn quay lại thăm Kyiv một lần nữa vào ngày 17/6/2022 với những tuyên bố cứng rắn về phía Nga. Ông nhận định thẳng thắn rằng phía Nga đã gây ra “những tội ác chiến tranh không thể chối cãi”.

Ông cũng lặp lại sự hậu thuẫn về quân sự và sự đoàn kết với nhân dân Ukraine trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nga.

Thái độ cứng rắn của Boris Johnson trong vấn đề Ukraine đã đưa ông lên vai trò lãnh đạo trong giới chính khách phương Tây trong cuộc đối đầu với Putin.

Hôm nay, Boris Johnson đã tuyên bố từ chức. Ông không còn cách nào khác để tiếp tục đứng đầu Chính phủ. Phải đợi đến khi 57 nghị sĩ và bộ trưởng trong chính phủ của ông từ chức thì ông mới tuyên bố ra đi. Đảng Bảo thủ không còn muốn ông đứng đầu nữa, không còn muốn ông là Thủ tướng nữa. Trong bối cảnh ấy, trong một quốc gia dân chủ, Boris Johnson phải từ chức.

Boris Johnson từ chức. Chắc chắn không ít người Anh tiếc nuối và người dân Ukraine chắc cũng buồn và lo lắng.

Và cũng không ít người Việt xem đó là một thuyết âm mưu của đảng Dân chủ tại Mỹ nhằm hạ bệ Boris Johnson, chỉ vì ông muốn giúp Ukraine còn Biden và Obama thì không muốn…

Không ít người Việt đến giờ vẫn còn “hận” ông Obama lắm dẫu họ chỉ là công dân của nước CHXHCN Việt Nam xa xôi.

Hận Biden, hận Obama nên chụp mũ cái Chính phủ của nước Mỹ ngày nay là hèn nhát, là bỏ rơi Ukraine.

Chưa kể các thuyết âm mưu không kém phần ly kỳ và ngập mùi tình báo. Đó là Putin đã lũng đoạn chính trường Anh quốc. Mua chuộc các chính khách đảng Bảo thủ nhằm lật đổ Boris Johnson vì ông này dám đối đầu với Putin.

Và họ cũng không quên “đi guốc trong bụng” Tập Cận Bình để đưa ra những lý giải cho sự từ chức của ông Thủ tướng Boris Johnson.

Nhưng có một điều dường như họ cố tình quên và không chịu hiểu đó là sự khác biệt căn bản giữa một quốc gia độc tài và một quốc gia dân chủ như Anh quốc: không còn sự tín nhiệm thì dẫu có là ai, có khả năng như thế nào thì cũng phải ra đi. Qui luật khắc nghiệt của cuộc chơi dân chủ là thế.

Boris Johnson trong hơn 2 năm làm Thủ tướng đã để nhiều scandale xảy ra. Khi toàn nước Anh bị phong toả, đóng cửa để phòng ngừa Covid thì ông lại để cho các buổi tiệc diễn ra tại số 10 Downing Street vào dịp Noel 2020. Ông cũng tham gia và bỏ mặc những biện pháp nghiêm ngặt phòng ngừa đại dịch.

Không chỉ một lần mà là cả chục lần các buổi tiệc như thế đã diễn ra trong các trụ sở của các Bộ khác nhau.

“Partygate” đã khiến cho cái ghế của ông bị lung lay.

Boris Johnson còn bị tai tiếng bởi vụ Owen Paterson. Đây là một người bạn thuộc đường dây “vận động hành lang” của Boris Johnson. Owen Paterson đã chấp nhận những khoản tiền của giới tài phiệt về nông nghiệp để đổi lại những sự can thiệp hay giúp đỡ tại Quốc hội.

Rồi vụ bê bối về tài chính khi báo chí khui ra toà nhà của ông ở (số 11 Downing Street) được sửa chữa và ông đã không tự bỏ tiền túi để trang trải chi phí.

Khi Boris Johnson đi nghỉ hè vào năm 2019 cũng bị phanh phui khi ông chấp nhận sự đài thọ của một nhân vật giàu có và thân thiết với đảng Bảo thủ. Boris Johnson đã nhận không ít chỉ trích khi mất nhiều thời gian để làm sáng tỏ vụ việc này

Hai năm cầm quyền còn để lại những “dấu ấn” về những vụ bê bối tình dục. Có tất cả 7 nghị sĩ của đảng Bảo thủ bị tố cáo quấy rối tình dục đối với phụ nữ, nam giới và trẻ vị thành niên.

Và những lần như thế, Boris Johnson không dứt khoát lên án các vụ việc trên. Ông tìm cách chối bỏ mọi liên quan và khi ông lên tiếng lại là để tìm cách bảo vệ cho các vị nghị sĩ trên.

Tất cả các scandale trên khiến ông bị suy yếu nhưng ông luôn tìm ra được nguồn năng lượng để vượt qua mọi sự chỉ trích của phe đối lập và của chính đảng Bảo thủ nhằm bảo vệ cái ghế của mình. Ngay cả vụ “Partygate”, ông cũng “thoát chết” với 59% phiếu tín nhiệm của các nghị sĩ đảng Bảo thủ.

Tuy nhiên vụ scandale tình dục mới đây với nhân vật Chris Pincher là giọt nước tràn ly khiến Boris Johnson bị mất sự tín nhiệm hoàn toàn trong đảng Bảo thủ.

Chris Pincher, một nhân vật không tiếng tăm được Boris Johnson bổ nhiệm vào vai trò trợ tá, chịu trách nhiệm về kỷ luật Quốc hội cho các nghị sĩ đảng Bảo thủ. Nhưng ông này lại có nhiều tai tiếng về các vụ quấy rối tình dục. Khi bị báo chí lên tiếng, Chris Puncher đã phải từ chức.

Ban đầu, Boris Johnson chối bỏ khi cho rằng ông ta không biết gì về các tật xấu của Chris Pincher nên mới bổ nhiệm ông này. Tuy nhiên, sau đó ông thừa nhận có biết những tai tiếng ấy!

Vì vậy, chỉ trong vài ngày, vụ án Pincher đã trở thành tâm điểm cho những vụ bê bối lớn đánh dấu kỷ nguyên “BoJo”: bê bối tình dục, và một ông Thủ tướng nói dối về những gì ông ta biết hoặc không biết.

Boris Johnson “bị đẩy” ra khỏi ghế Thủ tướng chính là do những vụ bê bối trên chứ chẳng có thuyết âm mưu nào cả.

Không chịu nhìn và chấp nhận sự thật, tức đồng nghĩa với việc hạ thấp một xã hội dân chủ thuộc hàng gương mẫu như nước Anh với các chính quyền độc tài toàn trị như Trung Quốc, Bắc Hàn và Việt Nam hay so sánh nước Anh với một nền “dân chủ kiểu Putin” như nước Nga.

Dẫu có tài và có làm nên chuyện nhưng không gương mẫu và chuẩn mực trong tư cách và đạo đức thì cũng phải từ chức. Luật chơi của chính trị dân chủ là vậy. Sự minh bạch luôn phải được tôn trọng.

Nhiều người Việt, cả trong lẫn ngoài nước, vốn có thái độ, kiểu “ kệ mẹ nó, miễn làm được chuyện lớn thì cứ để nó làm!”

“Chuyện lớn” theo họ là làm giùm họ những gì họ ao ước hay mơ tưởng! Bất chấp tư cách, đạo đức hay những bê bối, hậu quả xấu gắn liền!

Nên mới có chuyện cứ để ông Boris Johnson làm vì ông ủng hộ Ukraine (điều không thể chối bỏ).

Nhưng người Anh, dân Anh, dân trí họ vốn cao hơn, họ sẽ không bao giờ chấp nhận những chuyện bê bối của ông Thủ tướng Boris Johnson.

Người Việt mình không chịu lớn. Nhìn đâu cũng thuyết âm mưu và sẵn sàng bảo vệ cái xấu, cái ác để đạt được mục tiêu.

“Cứu cánh biện minh cho phương tiện”, bất chấp đúng sai là thế!

(Tiêu đề do Đàn Chim Việt đặt)

L.B.D.N.

Nguồn: Đàn chim Việt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn