Lý lịch tư…túi

Nguyễn Huy Cường

clip_image002

Mãi đến hôm qua đi xe Grab tôi mới biết đến chuyện này. Đó là mỗi tài xế Grab phải có một bản LÝ LỊCH TƯ PHÁP do Sở Tư pháp cấp.

Mỗi bản lý lịch người xin phải mất một buổi đi xin và nửa tháng sau một buổi đi nhận (gửi bưu điện sợ thất lạc thì phiền).

Và mỗi bản Lý lịch Tư pháp thì chỉ dùng được trong một năm, tới hẹn phải làm lại!

Mỗi lần làm tốn 200.000 VNĐ.

Cả nước có nửa triệu tài xế Grab cả ô tô và xe gắn máy, mỗi năm tốn (hoặc ai đó mỗi năm nhận được 100 tỉ đồng).

Số tiền này làm được vài ngàn ngôi nhà tình nghĩa.

Có 10 câu hỏi đặt ra cho người sinh ra quy định này, cho báo chí và cho cộng đồng như sau:

1.Tấm thẻ Căn cước công dân (CCCD) đã có thể mở tài khoản hoặc ra ngân hàng giao dịch, gửi, nhận 1.000 tỉ đồng hoặc hơn. Nó cũng là cơ sở để thực hiện nhiều giao dịch pháp lý quan trọng khác, sao không dùng cho việc đăng ký chạy xe Grab, một nghề nằm ở tốp cuối của xã hội?

2.Kể cả vào đảng, sinh hoạt ở đó vài chục năm cũng chỉ cần một bản lí lịch có chứng thực, sao bên "ngành” Grab mỗi năm phải một lần?

3.Tấm giấy lý lịch này chứa nhiều thông tin cá nhân, mỗi năm dùng xong, để làm gì?

4.Một công dân khi vào Quốc hội công tác cũng chỉ cần một lý lịch bình thường, nộp một lần cho mỗi nhiệm kỳ bốn năm, sao “ngành Grap” nghiêm thế?

5.Ai ra quy định này, dựa trên cơ sở nào?

6.Trên đây với ước tính một năm, cái “nghề” chứng thực bản lý lịch tư pháp đã thu 100 tỉ đồng, nếu là 10 năm, lợi nhuận đã là một ngàn tỷ đồng, Quý Sở có phải nộp sắc thuế “thu nhập cao” không?

7.Cán bộ, nhân viên Sở Tư pháp đã ăn lương, phụ cấp từ nhân sách, việc chứng thực là chức năng, nhiệm vụ đương nhiên, sao phải thu thêm nhiều tiền thế?

8. “bó” người ta như vậy, khi anh em tài xế gặp khó khăn, Sở có hỗ trợ được gì không?

9.Anh chị em báo chí có biết chuyện này không mà thấy im ắng quá?

10. Có nên bỏ loại thủ tục rất giống Kit test này không khi cuộc sống của anh em làm nghề này đã chịu nhiều khốn khó hiện này?

Chưa hết, khi viết phần này đăng lên facebook trong 2 giờ tôi phải viết thêm vì một bức xúc.

Đọc ý kiến bình luận thấy có khoảng 5 người / 750 người thả một câu “vì liên quan đến an ninh nên phải có lý lịch tư pháp”. Kiểu giải thích khô không khốc, nhẹ như bấc đó vừa thiếu tri thức, vừa thiếu xây dựng, hầu như ông/bà này chưa đọc một chữ nào trong khi tôi viết khá kỹ, chỉ ra những cái phi lý ai cũng thấy.

Bây giờ tôi viết tiếp, coi như phần 2 của bài này.

Tôi đánh số từng mục cho các bạn tiện phản hồi.

1.Cái lý “vì lý do an ninh” nó rất đao to búa lớn, nó cũng giống Việt Á nói “vì bảo vệ sức khỏe con người”. Từ ý nghĩ đại đởn này nó thỏa sức lạm quyền và sinh sự.

Bạn hãy hình dung điều này cho sát sao:

Anh xe Grab chở người, anh tài xế xe khách nội địa, bà lái đò ngang, cũng chở người, sao đại đa số tài xế xe khách không cần Lý lịch Tư pháp?

2. Chúng ta hẳn còn nhớ, các cơ quan chức năng đã phải đuổi mấy hộ nuôi cá bè của “nước lạ” ở sát cửa cảng quân sự Cam Ranh mươi năm trước.Vụ này cho thấy việc nuôi cá bè cũng hàm chứa nhiều yếu tố mất an ninh nhưng chính phủ phải quy quản bằng nhiều cách khác mà không buộc ngư dân phải làm “Lý lịch Tư pháp”.

3. Giữa “Sở Tư pháp” và UBND phường, quận, ai “nắm” lý lịch công dân kỹ hơn ai? Lý lịch chứng thực ở phường, quận của hàng triệu trường hợp khác chẳng lẽvô dụng hay sao?

4. Trong quy định để tạo ra LLTP có nói rõ: Loại những người có tiền án tiền sự ra khỏi đội ngũ chạy Grab.

Đọc đến đây tôi phì cười nghĩ: Chẳng lẽ cộng đồng Grab quan trọng hơn bên …Đảng.

Lý lịch đảng viên làm kỹ hơn LLTP nhiều.

Chi bộ quản lí người sắp vào đảng cử người về tận địa phương anh kia thẩm tra, cán bộ đảng địa phương xác nhận đàng hoàng mà vừa rồi xuất hiện con số hàng chục ngàn đảng viên vi phạm pháp luật, phải xử lý, trong đó có nhiều người ở Trung ương.

Vậy cái LLTP có ngăn ngừa được những công dân hôm nay không có tiền án nay may phạm tôi hay không?

5.Trong cuộc sống, quyền được lao động là quyền tối thượng, cũng là nền móng cho người ta trở nên lương thiện. Theo quan điểm của Tư pháp thì hầu như tước bỏ khả năng , cơ hội hoàn lương của những người phạm pháp, dù chỉ một lần, được pháp luật ghi nhận, được cơ quan an ninh trả tự do.

Nghề Grab (chạy xe ôm) là nghề phổ dụng nhất, đầu tư thấp nhất và dễ làm nhất, giúp cho người ta sau khủng hoảng dễ hội nhập nhất mà BỊ TỪ CHỐI thì họ làm gì đây?

Nếu ai cũng từ chối thì họ đi ăn cướp để vào tù lại hay sao?

Chắc không mấy ai trong làng báo không biết, một vị tướng, cầm đầu một tờ báo mạnh, đã từng có “tiền án”. Nếu vị này không có nghề làm báo, chắc không thể chạy xe…Grab!

Thưa các bạn.

Viết tiếp lập tức bài này, chính là để đáp trả thẳng thừng diện mà tôi gọi bằng tên “Luật là Luật”.

Với tôi, luật là cái con người làm ra. Nếu hợp lý thì tồn tại. Nếu nó gây hệ lụy cho nhân dân thì dẹp đi là vừa.

Hiện nay, việc đăng ký xe ô tô, xe máy, làm CCCD và nhiều thủ tục khác quan trọng hơn cái Lý lịch Tư pháp cho người chạy xe Grab nhiều nhưng được thực hiện ở cấp huyện, thậm chí cấp xã.

Việc chối bỏ hiệu lực của các cấp hành chính này là phi lý và đi ngược lại khuynh hướng, chủ trương cải cách hành chính của đảng và nhà nước.

Ghi thêm:

Đoạn văn trên đây chỉ để cập nhật câu chuyện trước đó, là tấm LLTP với anh xe Grab.

Còn một tảng nặng vấn đề nữa thuộc “tip” này, nghĩa là những hệ lụy ghê gớm của quy định Lý lịch Tư pháp sẽ được cho lên thớt sắp tới.

Rất mong ý kiến bình luận cho đề tài này của giới Báo chí, Luật gia để làm sáng tỏ, làm sâu sắc hơn những vấn đề không nhỏ này ở những lĩnh vực khác Grab!

N.H.C.

Nguồn: FB Nguyễn Huy Cường

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn