Cập nhật chiến tranh tại Ukraine 27.8.2022–10AM

Cù Tuấn

Ukraine thông báo, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất châu Âu ở miền Nam nước này đã tái kết nối vào mạng lưới điện quốc gia sau thời gian ngắn gián đoạn. Energoatom, cơ quan quản lý hạt nhân quốc gia Ukraine ngày 26/8 ra tuyên bố cho biết: "Hôm nay, lúc 14h04, một trong những tổ máy phát điện của Zaporizhzhia từng bị ngưng hoạt động ngày hôm qua, đã được kết nối lại với lưới điện quốc gia và công suất đang được bổ sung. Các công nhân tại Zaporizhzhia là những anh hùng thực sự! Họ đã nỗ lực không mệt mỏi để giữ vững trọng trách đảm bảo an toàn bức xạ và hạt nhân của Ukraine cũng như toàn châu Âu. Họ đã làm việc quên mình để đất nước có nguồn điện cần thiết cho sự sống".

Theo Reuters, nhà máy Zaporizhzhia hôm 25/8 đã ngắt kết nối với mạng lưới điện quốc gia Ukraine lần đầu tiên trong 40 năm tồn tại. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc các lực lượng Moscow đã pháo kích, gây hỏa hoạn ở các hố tro của một nhà máy điện than gần đó, dẫn đến sự cố này.

Nga cáo buộc Ukraine hai lần pháo kích nhà máy Zaporizhzhia trong 24 giờ qua, tuyên bố đáp trả và phá hủy một lựu pháo M777 của đối phương. "Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye bị quân đội Ukraine tập kích hai lần bằng pháo cỡ lớn trong 24 giờ qua. 4 quả đạn phát nổ gần trạm oxi và nitơ, một quả khác phát nổ trong khu vực tòa nhà đặc biệt số 1", Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong thông cáo ngày 26/8. "Chúng tôi phát hiện vị trí pháo binh Ukraine tập kích nhà máy điện hạt nhân là ở phía tây thành phố Marganets thuộc tỉnh Dnepropetrovsk. Đòn tập kích trực tiếp với bom và đạn dẫn đường chính xác cao của Nga phá hủy một lựu pháo M777 do Mỹ sản xuất tại trận địa pháo này", thông cáo có đoạn.

Quân đội Ukraine thông báo đã gây tổn thất và buộc lực lượng Nga phải rút lui trên 5 mũi tiến công ở miền đông. Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng Vũ trang Ukraine hôm 25/8 thông báo quân đội Nga bị đẩy lùi ở các thành phố, thị trấn Kharkov, Kramatorsk, Bakhmut, Avdiivka và Nam Buh tại miền đông nước này. Ukraine cho biết tại Kharkov, quân đội Nga pháo kích một loạt mục tiêu và mở mũi tiến công vào Petrivka nhưng hứng chịu tổn thất và phải rút quân. Tại Kramatorsk và Bakhmut, Ukraine cũng nói rằng lực lượng Nga tìm cách tiến quân để cố củng cố vị trí chiến thuật, song không thành công. Ở Avdiivka, Ukraine cho hay lực lượng Nga tìm cách chiếm các cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự quan trọng trong khu vực. Nga cũng tập trung lực lượng đánh vào các đơn vị của quân đội Ukraine ở Nam Buh, song đều bị đẩy lùi.

Quan chức không quân Ukraine nói rằng Nga đang triển khai khoảng 760 tiêm kích, trực thăng gần biên giới và tuần tra nhiều khu vực trên bầu trời Ukraine. "Một nhóm hơn 400 chiến đấu cơ và 360 trực thăng của Nga, trong đó có khoảng 150 trực thăng vũ trang như Ka-52, đang hiện diện gần biên giới Ukraine", phát ngôn viên Bộ tư lệnh Không quân Ukraine Yurii Ihnat cho biết hôm 25/8. Ông Ihnat nói rằng Nga đang tích cực sử dụng không quân chiến thuật bằng cách triển khai tiêm kích tuần tra không phận Nga, Belarus cùng những vùng lãnh thổ nước này kiểm soát tại Ukraine, cũng như Biển Đen và biển Azov. Máy bay cảnh báo sớm A-50 cùng máy bay chuyển tiếp liên lạc Il-22 cũng liên tục quần thảo trên không.

Tổng thống Ukraine cho biết tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia vẫn "rất rủi ro" mặc dù 2 trong số 6 lò phản ứng đã được kết nối lại với lưới điện sau vụ pháo kích. "Tôi muốn nhấn mạnh rằng tình hình vẫn rất rủi ro và nguy hiểm", Tổng thống Volodymyr Zelensky nói trong bài phát biểu vào tối qua, đồng thời ca ngợi các chuyên gia Ukraine đang làm việc để "ngăn chặn tình huống xấu nhất". "Bất kỳ sự cố nào lặp lại như ngày hôm qua, nghĩa là bất kỳ sự ngắt kết nối nào với lưới điện, bất kỳ hành động nào của Nga khiến các lò phản ứng bị ngắt kết nối, sẽ một lần nữa đặt nhà máy này vào tình huống cách thảm họa hạt nhân một bước chân", ông Zelensky cảnh báo.

Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk hôm 26/8 đã thông báo kế hoạch mở rộng các lệnh sơ tán bắt buộc đối với dân thường sinh sống ở những khu vực tiền tuyến nước này. Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, bà Vereshchuk nói, việc sơ tán phụ nữ cùng con cái và người già sẽ là ưu tiên hàng đầu đối với một số quận thuộc vùng miền đông Kharkiv và các vùng Zaporizhzhia và Mykolaiv ở miền nam Ukraine. Bà Vereshchuk kêu gọi các cư dân địa phương không nên kháng lệnh, đồng thời cảnh báo họ sẽ phải đối mặt với mối đe dọa của sự chiếm đóng nếu ở lại. "Tôi biết rất rõ kẻ thù có thể làm gì để buộc mọi người phải cộng tác. Đó là lý do tại sao tôi kêu gọi mọi người đi sơ tán thường xuyên đến như vậy và không hy vọng kẻ thù thể hiện lòng thương xót", Phó thủ tướng Ukraine nói.

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Medvedev nói Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO là điều quan trọng, nhưng không đủ để chấm dứt chiến sự. "Ukraine từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO là điều sống còn, nhưng không đủ để thiết lập hòa bình. Nga sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt cho đến khi các mục tiêu được hoàn tất", Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Pháp hôm 26/8. Ông Medvedev khẳng định chiến dịch quân sự tại Ukraine được tiến hành nhằm đối phó mối đe dọa với các lợi ích cốt lõi của Moskva. "Không thể ngừng chiến dịch vào lúc này", quan chức Nga nói và thêm rằng Moskva sẵn sàng đàm phán với Kiev với một số điều kiện nhất định. "Các cuộc thảo luận sẽ phụ thuộc vào tình hình. Chúng tôi sẵn sàng gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky". Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga nói rằng những vũ khí hiện đại được Mỹ cung cấp cho Ukraine, trong đó có pháo phản lực HIMARS, chưa gây ra vấn đề nghiêm trọng, nhưng điều này có thể thay đổi nếu Washington chuyển cho Kiev những khí tài tầm xa hơn. "Quả đạn bay được 70 km là một chuyện, nhưng tên lửa với tầm bắn 300-400 km sẽ là mối đe dọa trực tiếp với lãnh thổ Nga", ông Mevedev nói.

Một nhóm nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz đang kêu gọi các cuộc đàm phán hòa bình với Nga và một thỏa thuận ngưng bắn ở Ukraine càng sớm càng tốt. Báo Der Spiegel đưa tin, trong một lá thư nhan đề "Tiếng súng cần phải chấm dứt", nhóm nghị sĩ đại diện cho phe cánh tả theo chủ nghĩa hòa bình của SPD đã hối thúc một chiến dịch ngoại giao tích cực nhằm nhanh chóng kết thúc chiến sự Nga - Ukraine. Họ kêu gọi một nỗ lực mới, trong đó các bên xung đột nhất trí cùng sống chung trong hòa bình. Nhóm nghị sĩ Đức này đề xuất Trung Quốc đóng vai trò trung gian hòa giải giữa hai nước láng giềng. Họ cũng phản đối các kế hoạch tái vũ trang và việc phương Tây chuyển giao khí tài hạng nặng cho Kiev, viện dẫn lí do điều đó có nguy cơ khiến chiến tranh hạt nhân xảy ra. "Với mỗi lần chuyển giao vũ khí, điều quan trọng là phải cân nhắc kỹ lưỡng và xem đâu là 'các lằn ranh đỏ', vì động thái có thể bị coi là tham gia vào cuộc xung đột và dẫn đến các phản ứng tương ứng", trích lá thư cảnh báo.

Tổng thống Lukanshenko nói rằng các máy bay Sukhoi của Belarus đã được chỉnh sửa để mang vũ khí hạt nhân, sẵn sàng đáp trả nếu phương Tây gây hấn. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 26/8 đề cập tới những mối đe dọa tiềm tàng từ quốc gia láng giềng Ba Lan, chỉ trích giới lãnh đạo nước này nhưng cho rằng quân đội Ba Lan hiểu rõ phản ứng cụ thể của Minsk nếu xảy ra leo thang xung đột. "Họ không được làm trầm trọng hóa quan hệ với Belarus, bởi điều đó đồng nghĩa với trầm trọng hóa quan hệ với Nhà nước Liên minh đang sở hữu vũ khí hạt nhân. Nếu họ bắt đầu gây chuyện, phản ứng của Belarus sẽ diễn ra trong chớp nhoáng", Tổng thống Lukashenko nói, đề cập tới mô hình Nhà nước Liên minh được Nga và Belarus thực hiện từ năm 2020 nhằm liên kết nền kinh tế và quân đội hai nước. "Phương Tây cần hiểu rằng máy bay hay trực thăng quân sự sẽ vô dụng nếu họ quyết định làm trầm trọng tình hình. Tôi và Tổng thống Vladimir Putin từng thống nhất nhiều vấn đề, trong đó có chỉnh sửa phi đội chiến đấu cơ Sukhoi của Belarus để chúng mang được vũ khí hạt nhân. Chúng tôi không nói suông, mọi thứ đã sẵn sàng", Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói.

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đưa ra kịch bản quân đội Ukraine tổ chức đảo chính ở Kiev để đàm phán hòa bình với Moskva. RT hôm 25/8 dẫn lời Medvedev, người từng giữ chức tổng thống Nga, cho hay ông tin hai kịch bản có thể xảy ra với Ukraine trong thời gian tới. Kịch bản đầu tiên mà ông Medvedev dự đoán là quân đội Ukraine có thể tổ chức đảo chính ở thủ đô Kiev để thực hiện điều mà chính phủ dân sự đã khước từ, đó là đàm phán hòa bình với Moskva. Kịch bản thứ hai là chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky thay đổi quan điểm và đồng ý với các đề nghị của Nga về việc "chấm dứt các hành động thù địch". "Dù bằng cách nào, Nga cũng sẽ đạt được những gì mình muốn từ Ukraine", Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Medvedev nhận định.

Tổng thư ký Stoltenberg cho biết Nga mở hàng trăm cơ sở quân sự tại vùng bắc cực, nhận định năng lực của họ tại đây thách thức cả NATO. "Khái niệm chiến lược mới của NATO xác định năng lực của Nga tại vùng cực bắc là thách thức chiến lược đối với cả liên minh", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói trong cuộc họp báo với Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại căn cứ không quân ở Cold Lake, Alberta ngày 26/8. "Nga đã mở hàng trăm cơ sở quân sự mới ở Bắc Cực cũng như tái vận hành cơ sở cũ từ thời Liên Xô, trong đó có các sân bay và cảng nước sâu. Nga cũng sử dụng khu vực này làm nơi thử nghiệm nhiều hệ thống vũ khí mới và tối tân của họ, trong đó có tên lửa siêu vượt âm", ông Stoltenberg cho biết. Tổng thư ký NATO cảnh báo tuyến đường ngắn nhất mà tên lửa và máy bay Nga có thể bay tới Bắc Mỹ là qua Bắc Cực. "Điều này làm vai trò của Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) trở nên quan trọng với khu vực và NATO", ông Stoltenberg nói. Ông Stoltenberg cũng bày tỏ lo ngại Trung Quốc có thể tiếp cận Bắc Cực để vận chuyển và thăm dò tài nguyên, khi nước này lên kế hoạch xây dựng hạm đội tàu phá băng lớn nhất thế giới. "Moskva và Bắc kinh đã cam kết tăng cường hợp tác ở Bắc Cực, là một phần của quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu rộng, thách thức các giá trị và lợi ích chung của chúng tôi", ông Stoltenberg đánh giá. Ông cũng lưu ý biến đổi khí hậu đặt ra những thách thức an ninh mới đòi hỏi phải tư duy lại về hiện diện của NATO tại Bắc Cực.

Công ty chuyên sản xuất máy bay không người lái quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không bán vũ khí cho Nga dù được trả giá cao cỡ nào đi nữa. Trong cuộc phỏng vấn với BBC, Haluk Bayraktar và Selcuk Bayraktar, giám đốc điều hành và giám đốc công nghệ của công ty Baykar, tuyên bố họ sẽ không bán bất kỳ vũ khí nào cho Nga. "Tình hữu nghị và hợp tác của chúng tôi với Ukraine đã được duy trì trong nhiều năm. Vì vậy, dù họ có đề xuất trả cho chúng tôi bao nhiêu tiền, chúng tôi vẫn không cung cấp vũ khí cho họ trong bối cảnh hiện tại", ông Haluk nói. Đại diện của Baykar, công ty sản xuất UAV tấn công TB2 Bayraktar, khẳng định sẽ ủng hộ Ukraine hoàn toàn. "Mọi sự ủng hộ của chúng tôi đều hoàn toàn đứng về phía Ukraine, bởi vì chúng tôi có mối liên hệ rất chặt chẽ và Ukraine đang phải hứng chịu các cuộc tấn công. Không gì có thể làm lu mờ sự hợp tác của chúng tôi với Ukraine, lập trường của chúng tôi về vấn đề này rất rõ ràng", ông Haluk nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng các doanh nghiệp nước này không nên lo ngại về việc Mỹ dọa trừng phạt nếu họ làm ăn với Nga. Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Nureddin Nebati hôm nay cho biết nước này "quyết tâm phát triển quan hệ thương mại với các quốc gia láng giềng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là du lịch, trong một khuôn khổ không bị trừng phạt". Tuyên bố được ông Nebati đưa ra sau khi Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo hôm 22/8 gửi thư tới các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, cảnh báo họ nguy cơ hứng chịu lệnh trừng phạt thứ cấp nếu hợp tác với những người Nga đang bị cấm vận. Theo ông Nebati, các doanh nghiệp không nên lo lắng về bức thư này, vì Thổ Nhĩ Kỳ "là một trong những trung tâm kinh tế và chính trị quan trọng nhất trên thế giới".

Đơn vị vận hành đường ống Nord Stream 1 dường như mỗi ngày đốt đi lượng khí trị giá 10 triệu USD, song chưa rõ lý do của việc đốt này. "Vệ tinh giám sát bức xạ nhiệt cho thấy từ ngày 11/7, Nga đốt một lượng lớn khí tự nhiên tại cơ sở Portovaya gần biên giới với Phần Lan. Số khí đốt này lẽ ra được cung cấp cho châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1 tới Đức", công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy cho biết trong báo cáo được công bố ngày 26/8. Báo cáo cho biết hoạt động trên được chú ý sau khi các công dân Phần Lan nhìn thấy một ngọn lửa lớn ở bên kia biên giới với Nga. Theo ước tính của Rystad Energy, lượng khí đốt mà Nga đốt mỗi ngày tại Portovaya là khoảng 4,38 triệu m3. Với mức giá hiện tại ở châu Âu, số khí đốt nói trên trị giá khoảng 10 triệu USD. Rystad Energy nhận định chưa rõ lý do Nga đốt số khí tự nhiên nói trên, đây có thể là một phần quy trình thử nghiệm tại cơ sở Portovaya, dự kiến khởi động vào cuối năm nay. Ngoài ra, các lý do khác được nêu trong báo cáo là thiếu sự phối hợp giữa các bộ phận hoặc vì vấn đề chính trị. "Ngọn lửa rất dễ thấy, có lẽ nhằm thể hiện khí đốt đã sẵn sàng và chờ đi sang châu Âu nếu các mối quan hệ chính trị hữu nghị được nối lại", báo cáo của Rystad Energy có đoạn.

Chính phủ Bulgaria đang xem xét tổ chức các cuộc đàm phán với tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom để nối lại việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga. Thông tin này được Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria Rosen Hristov nói với kênh Nova TV hôm 26/8. “Vẫn chưa có cuộc đàm phán tích cực nào với Gazprom… nhưng chúng tôi đã đưa ra dấu hiệu rằng chúng tôi muốn bắt đầu đàm phán, hay đúng hơn là tiếp tục làm rõ một số điều khoản gây tranh cãi của hợp đồng. Chúng tôi đã sẵn sàng đàm phán và yêu cầu họ nối lại liên lạc”, ông Rosen Hristov nói. Theo ông, Sofia mong nhận được phản hồi từ nhà cung cấp Nga vào hôm 26/8 hoặc muộn nhất là hôm 29/8. “Tôi đang đề cập về hợp đồng cũ, chúng tôi sẽ không tái ký hoặc đàm phán hợp đồng mới", ông Rosen Hristov nhấn mạnh.

Ngày 25 tháng 8, Gazprom của Nga cho biết không có tuabin nào được sử dụng cho đường ống dẫn khí Nord Stream 1 đang được bảo trì ở Canada, khẳng định này trái ngược với phát biểu của một bộ trưởng Canada. Bộ trưởng Ngoại giao Canada Melanie Joly, được CBC News trích dẫn, cho biết hôm thứ Tư rằng Canada đang xem xét trả lại 5 tuabin Nord Stream 1 cho Đức. "Không có tuabin nào tại trạm nén khí Portovaya đang được sửa chữa ở Canada", Gazprom cho biết trong một thông báo đăng trên Telegram. Gazprom có ​​kế hoạch thực hiện công việc bảo dưỡng tại trạm nén khí Portovaya từ ngày 31 tháng 8 đến ngày 2 tháng 9, điều này sẽ làm gián đoạn dòng chảy của đường ống dẫn khí Nord Stream 1, nối Nga và Đức qua Biển Baltic.

Giá điện châu Âu tăng lên mức kỷ lục mới ngày 26/8, báo hiệu một mùa đông khó khăn trên toàn châu lục. Giá điện giao vào năm tới của Đức giao dịch ở mức 995 USD mỗi megawatt giờ (MWh), trong khi giá điện này ở Pháp tăng lên 1.100 USD, gấp hơn 10 lần ở cả hai nước so với năm ngoái. Tại Anh, cơ quan chính phủ quản lý năng lượng Ofgem cho hay sẽ tăng giá trần điện và khí đốt lên gần gấp đôi kể từ ngày 1/10, lên mức trung bình 4.197 USD mỗi năm. Ofgem giải thích lý do tăng giá là giá khí đốt toàn cầu tăng vọt sau khi nhiều quốc gia dỡ hạn chế Covid-19 và Nga siết nguồn cung. Cộng hòa Czech, nước giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu, ngày 26/8 thông báo triệu tập hội nghị thượng đỉnh về khủng hoảng năng lượng EU "vào ngày sớm nhất có thể". 1/5 lượng điện của châu Âu sản xuất từ nhà máy điện chạy bằng khí đốt, do đó nguồn cung giảm chắc chắn khiến giá điện cao hơn. Giá khí đốt châu Âu ngày 26/8 lên mức 341 EUR/MWh, gần bằng mức kỷ lục 345 EUR hồi tháng 3.

clip_image002[4]

Ảnh 1: Ngọn lửa tại trạm khí đốt Portovaya của Nga được một người Phần Lan chụp tại vị trí cách đó 38 km ngày 24/7. Số khí đốt Nga đốt đi có thể sẽ dành cho châu Âu khi quan hệ được nối lại. Ảnh: BBC.

clip_image004

Ảnh 2: Máy bay không người lái Bayraktar TB2 phát huy hiệu quả trong các cuộc tác chiến đô thị ở Ukraine. Công ty sản xuất máy bay này nhất định không bán hàng cho Nga dù với bất kỳ giá nào. (Ảnh minh họa: Getty).

C.T.

Nguồn: Cù Tuấn

Xem thêm:

Bộ Tư Lệnh Dù trúng HIMARS, hơn 200 lính Nga tử trận. Tiệp tịch thu ngân hàng Nga

Kim Thúy-Thụy Khanh / VietCatholic News / 27/8/2022

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn