Cập nhật tin Nga xâm lược Ukraine 23/8/2022: Sáu tháng sau khi Nga xâm lược Ukraine, cả thế giới vẫn đang đi trên bờ vực chênh vênh

Cù Tuấn dịch từ Washington Post.

clip_image002

Tuần này đánh dấu mốc thời gian sáu tháng kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược mới nhất của Nga vào Ukraine. Kết quả là cuộc chiến đã thống trị các báo chí quốc tế, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và hun đúc một tinh thần đoàn kết mới ở phương Tây. Đối với nhiều người châu Âu, thời điểm này đánh dấu một “bước ngoặt trong lịch sử” - như Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tuyên bố trong những tuần đầu của cuộc xung đột.

Các khía cạnh đạo đức rõ ràng của cuộc chiến - cuộc tiến công trơ ​​trẽn, hủy diệt của Nga và phản ứng can đảm của người Ukraine - đã khiến cán cân nghiêng lệch trong giới tinh hoa châu Âu vốn tìm kiếm việc sống chung hòa bình với Nga. Cuộc chiến đã diễn ra trên một quy mô chưa từng thấy ở trung tâm của châu Âu trong nhiều thập kỷ. Và nó đã làm chấm dứt, như Jeremy Cliffe của New Statesman đã viết: “sự lạc quan dễ dàng của những năm hậu Chiến tranh Lạnh”. Tuy nhiên, Cliffe nói thêm, ngay cả khi chúng ta “hướng tới một cái gì đó mới”, các đường nét của nó vẫn còn khá “mơ hồ”.

Màn sương chiến tranh vẫn bao phủ dày đặc trên Ukraine. Ngoài những cảnh quan giờ đã trở thành mạng lưới chằng chịt các chiến hào của đất nước này và những thành phố ven biển bị phong tỏa và bị vùi dập, thì một cuộc xung đột của các hệ tư tưởng, thậm chí cả những tầm nhìn về lịch sử, vẫn đang diễn ra. Khi người dân Ukraine từ chối cúi đầu trước tham vọng tân đế quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin, họ đã tự nhận thấy mình đang ở tuyến đầu của cuộc chiến toàn cầu giữa dân chủ và chế độ chuyên quyền. Đó là tầm nhìn được những người ủng hộ họ ở phương Tây nhắc lại, bao gồm cả chính Tổng thống Biden, người đã tuyên bố vào tháng 3 rằng Ukraine đang tiến hành một "trận chiến lớn cho tự do... trận chiến giữa tự do và đàn áp, giữa một trật tự dựa trên luật pháp và một trật tự được điều hành bằng vũ lực."

Tất nhiên, Putin nhìn nhận tất cả mọi thứ theo cách khác. Quân đội Nga tràn qua biên giới của nước láng giềng Ukraine vào ngày 24 tháng 2 sau khi ông ta có một bài phát biểu nổi tiếng. Bài phát biểu này tràn ngập nỗi bất bình lịch sử và chủ nghĩa xét lại, và biến Ukraine thành một quốc gia nhân tạo có một chính quyền “phát xít” là bù nhìn của phương Tây. Putin nổi giận trước sự bành trướng của NATO sang Đông Âu và cảnh báo về một “phe chống Nga” đang nổi lên ở những vùng lãnh thổ vốn đã từng là “vùng đất lịch sử của chúng ta”. Điều này là không được phép, Putin nói, và việc đánh bại Ukraine không chỉ là để ngăn chặn ảnh hưởng của phương Tây, mà còn để cứu vãn bi kịch của sự sụp đổ của Liên Xô, mà theo ông Putin, đã phá vỡ “cán cân lực lượng trên thế giới”.

Sự tái cân bằng trong tưởng tượng của Putin đã không diễn ra như các nhà hoạch định ở Điện Kremlin nghĩ. Ukraine đã dũng cảm chống lại cuộc xâm lược và buộc quân đội Nga phải rút lui ô nhục sau một chiến dịch đánh chiếm Kyiv không thành công. Thay vì bị trừng phạt, NATO đã mở rộng thêm, đưa Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên của liên minh quân sự lớn của thế giới. Ở các nước Baltic, chính quyền địa phương đã bắt đầu tháo dỡ các tượng đài thời Liên Xô. Chiến tranh đã thúc đẩy một quá trình “phi thực dân hóa” bị trì hoãn từ lâu đối với Ukraine và một số nước láng giềng, và những quốc gia này hiện tại có vẻ mong muốn bác bỏ các tuyên bố áp đặt của Nga đối với quốc gia của họ bằng việc xóa đi các di sản của giai đoạn các quốc gia trên phải khuất phục trước Matxcơva.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với nền kinh tế Nga ngày càng căng thẳng: một nửa dự trữ ngoại hối của Nga bị đóng băng, hàng trăm công ty phương Tây rút khỏi thị trường Nga, và các mặt hàng xuất khẩu dầu khí chủ chốt hiện đang phải bán cho những quốc gia cơ hội với giá được chiết khấu. Các ước tính của tình báo Mỹ cho biết có tới 80.000 binh sĩ Nga có thể đã chết trong cuộc chiến. Các nhà phân tích phương Tây cũng tin rằng cỗ máy chiến tranh của Nga đang cạn kiệt nghiêm trọng, với lượng vũ khí dự trữ sắp hết.

Nhưng các thông tin trên đem lại sự thoải mái lạnh lùng cho những người Ukraine, những người đã phải trả một cái giá gần như không thể lường được để bảo vệ quyền tồn tại của quốc gia mình. Sáu tháng chiến tranh đã chứng kiến ​​hàng ngàn người thiệt mạng và hàng triệu người phải chạy trốn khỏi nhà ở của họ. Quân Nga đã thực hiện các hành động tàn bạo và đang bị cáo buộc những tội ác chiến tranh. Hiện họ đang cố thủ trên một vùng đất rộng lớn ở phía nam và đông nam Ukraine, với các nhà phân tích dự đoán một cuộc chiến tiêu hao gay gắt và lâu dài ở phía trước.

Sáu tháng sau cuộc chiến, thông điệp của Ukraine đối với giới tinh hoa phương Tây hầu như không thay đổi. “Mọi thứ chúng tôi cần là vũ khí, và nếu bạn có cơ hội, hãy buộc [Putin] ngồi xuống bàn đàm phán với chúng tôi”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với các phóng viên đồng nghiệp của tôi, nhắc lại yêu cầu thường xuyên của chính phủ ông về việc tăng cường cung cấp vũ khí và bom đạn. Các vũ khí này mang lại cho Ukraine nhiều đòn bẩy hơn trên chiến trường, và cũng giúp Ukraine tăng cường khả năng đàm phán trong các cuộc đàm phán trong tương lai.

Bất chấp sự chậm trễ và trở ngại về hậu cần, các khoản viện trợ - do Hoa Kỳ làm đầu tàu - đã đến với Ukraine. Chính quyền Biden cho đến nay đã cam kết hỗ trợ an ninh trị giá hơn 10 tỷ USD cho Kyiv, đồng thời phối hợp và huy động sự hỗ trợ rộng rãi hơn giữa các đối tác NATO và châu Âu. Từ Washington đến Warsaw, các nhà lập pháp tin rằng Ukraine nên được cung cấp vũ khí để giành một chiến thắng quân sự quyết định, ngay cả khi kết quả như vậy chỉ là một viễn cảnh xa vời.

Nhưng viễn cảnh Ukraine phản công như vậy có thể suy giảm: Ở châu Âu, mùa đông đang đến gần và sự chắc chắn tương lai ảm đạm về chi phí năng lượng tăng vọt đã đặt ra câu hỏi về việc liệu phương Tây có thể duy trì quyết tâm tương tự trong việc hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Ukraine trong sáu tháng tới như sáu tháng đã trôi qua hay không.

Vị trí trung tâm của Mỹ trong việc giúp đỡ Ukraine giữ vững đường lối là một lời nhắc nhở rằng, đối với tất cả những lời hùng biện về việc châu Âu bước vào một thời kỳ mới dũng cảm, các phương trình cũ của thế kỷ 20 vẫn được áp dụng: Khi nói đến địa chính trị của lục địa này, siêu cường Mỹ đóng một vai diễn quan trọng nhất.

Tuy nhiên, không một chính phủ đơn lẻ nào có thể xử lý được những cú sốc lớn hơn của cuộc chiến, bao gồm những chấn động đối với chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu khiến giá lương thực tăng vọt ở các khu vực châu Phi và chính phủ Sri Lanka bị lật đổ ở Nam Á. Kết quả là, các quan chức từ các quốc gia không phải phương Tây thường xuyên thấy tức cười khi chứng kiến sự nhiệt tình được thể hiện ở các thủ đô của phương Tây, và một thỏa hiệp hoặc nhượng bộ với Nga là điều không ai muốn nhắc đến. “Điều khó hiểu nhất đối với chúng tôi là ý tưởng rằng một cuộc xung đột như thế này về bản chất đang được khuyến khích kéo dài vô thời hạn”, một nhà ngoại giao cấp cao của châu Phi ở New York nói với Reuters.

Việc rất ít quan chức châu Phi cho rằng Nga sẽ rút quân khỏi lãnh thổ có chủ quyền của một quốc gia khác có thể làm thương tổn các quan chức ngoại giao Ukraine. Không rõ liệu sự cô lập của Nga sẽ mở rộng hay thu hẹp trong những tháng tới. Cả Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người cũng đang đối đầu leo ​​thang với Mỹ về vấn đề Đài Loan, đều đang lên kế hoạch tham dự hội nghị thượng đỉnh năm nay của Nhóm 20 nền kinh tế lớn ở Indonesia.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo hy vọng điều đó sẽ không ngăn cản các nhà lãnh đạo khác như Biden tham dự. "Sự cạnh tranh của các nước lớn thực sự đáng lo ngại", ông Widodo nói với Bloomberg News vào tuần trước. “Điều chúng tôi mong muốn là khu vực này ổn định, hòa bình, để chúng tôi xây dựng tăng trưởng kinh tế. Và tôi nghĩ không chỉ Indonesia: các nước châu Á cũng mong muốn như vậy”.

Tuy nhiên, sự ổn định có thể thấy là rất khó nắm bắt. Khi cuộc chiến ở Ukraine kéo dài, các chuyên gia lo ngại về một loạt rủi ro và tấn công trả đũa ngày càng mở rộng, từ các cuộc tấn công phá hoại vào các khu vực dân sự, các âm mưu ám sát và phá hoại xuyên biên giới, cho đến mối đe dọa chiến tranh hạt nhân luôn hiện hữu. Nhà bình luận địa chính trị Bruno Maçães trầm ngâm: “Sáu tháng chiến tranh đã trôi qua, và chúng ta vẫn cảm giác đó chỉ là phần mở đầu mà thôi”.

C.T. d.

Nguồn: FB Cù Tuấn

Xem thêm:

Tổng kho Nga trúng Himars sáng rực trời đêm. Nga đòi Estonia trao nữ sát thủ

Kim Thúy - Thụy Khanh / VietCatholic News / 23/8/2022

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn