Tránh rủi ro pháp lý trong ngành dữ liệu và phân tích dữ liệu

Đặng Thế Đức

(The LEADER)- Thực trạng thiếu vắng khuôn khổ pháp lý tại Việt Nam mang lại không ít khó khăn cho định hướng phát triển ngành công nghiệp dữ liệu và phân tích dữ liệu. Điều này cũng mang lại nhiều rủi ro pháp lý không lường trước cho các bên xử lý dữ liệu, mặt khác, cũng không đảm bảo được an toàn thông tin cho người dân trước những hoạt động lạm dụng, lừa đảo.

clip_image002

Thống kê của WebFX cho thấy, năm 2019, có hơn 4.000 công ty môi giới dữ liệu hoạt động trên thế giới.

Cách đây 15 năm, nhà toán học và kiến trúc người Anh Clive Humby từng cho rằng dữ liệu là một loại dầu mỏ mới. Nối tiếp đó, các “ông lớn công nghệ” như Facebook, Google… đã ra sức “đào” khối lượng dữ liệu thô khổng lồ, thu hút rất nhiều sự quan tâm trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ nghiên cứu và phát triển, dữ liệu thô cũng như dầu thô được đánh giá là không thể tối đa hoá lợi ích mà đôi khi còn khiến con người tốn nhiều thời gian, công sức để “lọc” và “chọn” ra các dữ liệu thật sự cần cho các mục đích và nhu cầu.

Do đó, thị trường dần nhận ra sự cần thiết và tầm quan trọng của những chủ thể cung cấp thông tin có thể mang đến chính xác loại dữ liệu đang cần. Từ đó, khái niệm và hoạt động trung gian dữ liệu ra đời, cùng với sự hình thành của các công ty dữ liệu/phân tích dữ liệu.

Nền kinh tế số đang bùng nổ tạo nên nhiều cơ hội và nhu cầu trong các ngành công nghiệp về dữ liệu và phân tích dữ liệu, song thực trạng về bảo vệ dữ liệu cá nhân của Việt Nam còn tồn đọng những hạn chế và bất cập nhất định cần được cải thiện để bắt kịp với môi trường dữ liệu đang thay đổi nhanh chóng. Các quốc gia, trong đó có Việt Nam, hiện đang đau đầu trong việc tìm kiếm một giải pháp để cân bằng giữa quyền riêng tư của chủ thể dữ liệu với việc khai thác nguồn tài nguyên này một cách tối đa và hiệu quả.

Còn nhiều vấn đề pháp lý

Nhìn chung, quy định về dữ liệu cá nhân trong pháp luật Việt Nam hiện chưa thống nhất và đang trong quá trình hoàn thiện. Tại Việt Nam, bảo vệ thông tin/dữ liệu cá nhân là một quyền đã được hiến định. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa có bất kỳ văn bản thống nhất và chuyên biệt nào để quy định về bảo vệ dữ liệu.

Các quy định liên quan hiện nay nằm rải rác trong các luật khác nhau, từ các luật khung như: Hiến pháp 2013, Bộ Luật Dân sự 2015, Luật Công nghệ Thông tin 2006, Luật Tiếp cận Thông tin 2016, Luật An toàn Thông tin mạng 2015, Luật Giao dịch Điện tử 2005, Luật An ninh Mạng 2018... đến các luật/quy định chuyên ngành như: Luật các Tổ chức Tín dụng 2010, Luật Bưu chính 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử…

Thực trạng trên dẫn đến việc thiếu vắng những định nghĩa thống nhất cho các đối tượng cốt lõi của hoạt động bảo vệ dữ liệu, mà phải kể đến như “dữ liệu cá nhân”, “thông tin cá nhân” hay “xử lý dữ liệu cá nhân”, “bên xử lý dữ liệu” như cách mà các nước có nền pháp lý tiên tiến đã làm, điển hình như trong Quy định Bảo vệ Dữ liệu chung (GDPR) (EU) 2016/679 của Liên minh châu Âu.

Từ đó, nhiều kẽ hở pháp lý xuất hiện như: dữ liệu cá nhân nhạy cảm, kiểm soát việc chuyển dữ liệu cá nhân xuyên biên giới, quy định về quyền được lãng quên, mức xử phạt vi phạm còn nhẹ so với thế giới…

Kẻ xấu có thể lợi dụng các kẽ hở này để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, mua bán, trao đổi dữ liệu cá nhân một cách trắng trợn và vô tội vạ.

Vô hình trung, điều này hình thành một sự e dè nhất định cho các cơ quan quản lý trong việc đón nhận các mô hình mới như trung gian dữ liệu, cũng như gây khó khăn cho các nhà lập pháp trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý về bảo vệ dữ liệu sao cho vừa phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, vừa không xa rời thực trạng nước nhà.

Tín hiệu tích cực

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, không thể phủ nhận Chính phủ Việt Nam đã có những động thái tích cực nhất định để hòa mình vào thời đại của công nghệ thông tin và dữ liệu, bắt đầu từ việc chuyển đổi từ chính phủ truyền thống sang xây dựng chính phủ điện tử và hướng đến xây dựng chính phủ số, trong đó có việc liên tiếp ban hành các văn bản liên quan như Nghị quyết số 17/NQ-CP, Quyết định số 749/QĐ-TTg, Quyết định số 942/QĐ-TTg.

Gần đây nhất, ngày 26/4/2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Chỉ thị số 02/CTTTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Trong công cuộc xây dựng chính phủ số, vai trò và tầm quan trọng của việc chia sẻ dữ liệu đã dần được nhận diện và đánh giá chính xác hơn, trong đó, việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý cả ở cấp trung ương và địa phương nhiều lần được nhấn mạnh. Bên cạnh đó, vai trò của big data (dữ liệu lớn) và các công nghệ tiên tiến như blockchain (chuỗi khối), Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường… và các ứng dụng phổ biến của các đối tượng này như vũ trụ ảo (metaverse), NFT cũng được nhận diện và đưa vào ứng dụng.

Không khó để nhận thấy rằng Chính phủ Việt Nam hiện đang có rất nhiều động thái và hoạt động nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin để đón nhận các nguồn thông tin khổng lồ từ metaverse cho mục đích xây dựng chính phủ số nói riêng, cũng như chuyển đổi số toàn diện trên toàn quốc gia nói chung.

Trong khi tiền mã hóa bị cấm sử dụng như tiền tệ hay phương tiện thanh toán một cách rõ ràng thì công nghệ đằng sau những đồng tiền mã hóa này lại nhận được rất nhiều sự quan tâm từ Chính phủ cũng như các phân khúc khác trong thị trường.

Trước những động thái tích cực của Chính phủ, chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi việc các công nghệ chính thống được bật đèn xanh để ứng dụng một cách hợp pháp và toàn diện vào ngành chia sẻ dữ liệu và phân tích dữ liệu tại Việt Nam.

Điển hình, vào cuối tháng 5/2022, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã được ra mắt tại Hà Nội. Đây là tổ chức đầu tiên của Việt Nam trong không gian tiền điện tử để cho phép các chuyên gia blockchain hợp tác thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam.

Hiệp hội này sau đó cũng đã tuyên bố hợp tác với Binance, một trong những “gã khổng lồ” trong thị trường blockchain trên thế giới, để hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ tiên tiến này.

Trước những động thái tích cực của Chính phủ, chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi việc các công nghệ chính thống được bật đèn xanh để ứng dụng một cách hợp pháp và toàn diện vào ngành chia sẻ dữ liệu và phân tích dữ liệu tại Việt Nam. Việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, ngược lại, có lẽ sẽ mất nhiều thời gian hơn vì các khái niệm này còn khá mới mẻ tại Việt Nam nhưng lại phát triển từng giờ từng phút.

Sớm nắm bắt xu thế là điều quan trọng nhưng việc lựa chọn những kỹ thuật đúng đắn để “lướt” trên con sóng xu thế đó cũng quan trọng không kém. Nhiều chủ thể đang lựa chọn việc thu thập, phân tích, chia sẻ và khai thác dữ liệu theo một cách không chính thống và không hợp pháp, minh chứng bằng các vụ lộ thông tin và mua bán thông tin cá nhân tràn lan trên Internet. Điều này khiến cho các nhà lập pháp càng khẩn trương hơn trong việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý, nhưng trên tâm thế dè chừng và siết chặt quản lý.

Về dài hạn, việc có một đạo luật riêng biệt, toàn diện và nhất quán điều chỉnh về bảo vệ dữ liệu cá nhân là một điều thiết yếu. Do đó, hy vọng rằng dự thảo nghị định về bảo vệ dự liệu cá nhân sẽ sớm được thông qua. Song song đó, các lĩnh vực mới liên quan đến trung gian dữ liệu cũng nên được xem xét để sớm có cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox). Ngoài ra, cũng cần sớm thông qua Nghị định về cơ chế thử nghiệm trong lĩnh vực fintech vì đây là một lĩnh vực thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Việc trao đổi/chia sẻ thông tin giữa các cơ quan công quyền cũng nên được thúc đẩy và hoàn thiện hơn để tiên phong trong việc chuyển đổi số trên phạm vi toàn quốc và toàn diện. Ngoài Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), nên đẩy mạnh việc cấp phép cho các công ty/doanh nghiệp thông tin tín dụng khác để mở rộng và hoàn thiện mạng lưới dữ liệu tín dụng/tài chính.

Đ.T.Đ.

Đặng Thế Đức, Luật sư Điều hành Công ty luật Indochine Counsel

Nguồn: The Leader

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn