Trung Quốc “tiến thoái lưỡng nan” khi giải quyết chuyện Đài Loan

Hoàng Vũ

Các nhà quan sát cảnh báo rằng phản ứng giận dữ của Bắc Kinh, gồm cả các cuộc tập trận bao vây Đài Loan, tạo nguy cơ khiến các nước xa lánh.

Phản ứng giận dữ của Trung Quốc đối với chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy giờ đây phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về việc có nên leo thang mọi thứ hơn nữa hay cố gắng giữ các nước láng giềng khác ở bên cạnh.

Sau chuyến công du của Chủ tịch Hạ viện Mỹ vào tuần trước, Bắc Kinh đã tăng cường đe dọa Đài Loan bằng các cuộc tập trận bắn đạn thật chưa từng có, trừng phạt bà Pelosi và gia đình bà, đồng thời đình chỉ các đường dây liên lạc với Washington về những vấn đề như an ninh hàng hải và biến đổi khí hậu.

Trung Quốc dự kiến sẽ đón Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin đến thăm lần đầu tiên vào ngày 8 tháng 8, vài ngày sau khi Tổng thống Yoon Suk-yeol từ chối gặp bà Pelosi khi bà đến Hàn Quốc. Không giống như Nhật Bản, Hàn Quốc cố hạn chế bình luận về Đài Loan và chuyến thăm của bà Pelosi, bất chấp lập trường ủng hộ Washington của Tổng thống Yoon.

Sourabh Gupta, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Trung - Mỹ ở Washington, đã chỉ ra tình thế khó xử đối với Bắc Kinh khi họ đang cố gắng cân bằng nhu cầu tăng cường răn đe quân sự đối với Đài Loan mà không khiến các nước láng giềng châu Á xa lánh.

“Con bài mạnh nhất mà Trung Quốc có đối với vấn đề Đài Loan là tình cảm của các nước châu Á. Không ai ở châu Á muốn thấy một giải pháp phi hòa bình cho vấn đề Đài Loan. Và hầu như không ai ở châu Á muốn thấy tình hình địa chính trị của châu Á - Thái Bình Dương bị mắc kẹt ở eo biển Đài Loan giữa lúc cuộc chiến tranh Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt”, Gupta nói.

“Sau khi đưa ra những lời chỉ trích gay gắt, cách tiếp cận khôn ngoan nhất của Trung Quốc trong tương lai sẽ là cử các quan chức ngoại giao đến mọi thủ đô lớn và nhỏ của châu Á và khẳng định lại nguyên tắc "một Trung Quốc" và tỉ tê với họ rằng Mỹ đã vi phạm tinh thần của chính sách ấy. Tuy nhiên, tôi cho rằng Trung Quốc quá kiêu ngạo khi lựa chọn đường lối hành động này”, Gupta cho biết thêm.

Ngoại trưởng Vương Nghị cũng đã hủy các cuộc hội đàm đã lên kế hoạch với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi tại Campuchia. Ông ta cũng không gặp người đồng cấp Mỹ Antony Blinken khi cả hai bên đều khẳng định cuộc gặp không nằm trong chương trình nghị sự. Bắc Kinh cũng đã triệu tập các đại sứ từ nhóm G7 để phản đối tuyên bố chung cáo buộc Trung Quốc cố gắng đơn phương thay đổi hiện trạng ở eo biển Đài Loan bằng vũ lực.

Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh triệu tập các đặc phái viên của G7 để giải quyết các tranh chấp ngoại giao, nhưng các nhà quan sát cho rằng hiếm khi nào Trung Quốc lại công khai những căng thẳng đó một cách quyết liệt như vậy.

Koh King Kee, Chủ tịch Trung tâm Châu Á hòa nhập mới, một tổ chức tư vấn tại Malaysia, cho biết việc ông Vương hủy bỏ cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên với người đồng cấp Nhật Bản không có khả năng "dẫn đến sự tự cô lập hoặc bất lợi ngoại giao đối với Bắc Kinh".

“Trung Quốc sẽ tập trung phản ứng đối với chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi bằng cách trừng phạt Đài Loan và phản đối Mỹ. Bắc Kinh sẽ không muốn gây bất lợi một cách không cần thiết cho các đồng minh khác của Mỹ để tránh tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với quan hệ thương mại với các nước này”, Koh cho hay.

Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ra tuyên bố chung hôm thứ Năm vừa rồi, kêu gọi tất cả các bên giảm leo thang căng thẳng đối với Đài Loan, đồng thời cảnh báo nguy cơ “tính toán sai lầm, đối đầu nghiêm trọng, xung đột mở và hậu quả khó lường giữa các cường quốc”.

Trong khi các quốc gia ASEAN từ chối đứng hẳn về phía nào, họ vẫn tái khẳng định sự ủng hộ đối với nguyên tắc một Trung Quốc sau chuyến công du châu Á của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

Lu Xiang, chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết các phản ứng từ Bắc Kinh cần thể hiện sự kiềm chế và cân nhắc đối với lợi ích an ninh của các nước láng giềng châu Á của Trung Quốc.

“Eo biển Đài Loan và Biển Đông là một con đường đi lại thiết yếu, do đó các cuộc tập trận sẽ kết thúc trong thời gian ngắn. Tôi tin rằng Bắc Kinh sẽ cố gắng hết sức để giảm thiểu tác động mà các nước khác phải chịu, bao gồm cả ảnh hưởng đến các chuyến bay thương mại”, Lu nhận định.

Li Mingjiang, Phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore, dự đoán Trung Quốc sẽ dần điều chỉnh mọi thứ vì “sự ổn định” là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh trước cuộc cải tổ lớn về lãnh đạo vào mùa thu này.

“Sau khi trút giận thông qua các cuộc tập trận quân sự, trừng phạt kinh tế và ngoại giao, Bắc Kinh cần phải từ bỏ căng thẳng leo thang, điều này phù hợp với lợi ích chung của Trung Quốc. Vào thời điểm Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực gia tăng trong nước về một danh sách dài các vấn đề kinh tế và xã hội, Bắc Kinh không còn lựa chọn nào khác là phải thận trọng hơn khi đối phó với các thách thức bên ngoài nhằm tránh làm gián đoạn sự ổn định nội bộ”, ông Li nói.

Nick Bisley, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học La Trobe ở Úc, cho biết phản ứng toàn diện của Trung Quốc đối với chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi đã “gây bất ổn cho khu vực”.

“Câu hỏi đặt ra là Mỹ và các nước khác đã chuẩn bị đến đâu để đối phó Trung Quốc. Nếu Mỹ cảm thấy sự cần thiết trong việc thể hiện ​​với thế giới thấy việc họ đang cố gắng đẩy lùi Trung Quốc thì mọi thứ có thể leo thang nhanh chóng và theo những cách rất nguy hiểm”, Bisley nhận định.

Trong khi đó, Tiến sĩ nghiên cứu quốc tế John Brake từ Đại học Cambridge nhận định việc Mỹ kiềm chế tránh leo thang căng thẳng với Trung Quốc xung quanh vấn đề Đài Loan có thể giúp củng cố vị thế của Washington cũng như đẩy lùi một cuộc khủng hoảng với Trung Quốc.

Khi đến thăm Đài Loan, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi dự định báo hiệu quyết tâm của Mỹ rằng ngay cả khi đối mặt với các mối đe dọa của Bắc Kinh, Washington “sẽ không từ bỏ cam kết của mình” đối với nền dân chủ trên đảo. Tuy nhiên, những đòn trả đũa của Bắc Kinh có thể tạo ra áp lực buộc Washington phải đưa ra một số biện pháp giải quyết bổ sung, vì sợ rằng nếu không hành động sẽ làm suy yếu các cam kết vừa được thực hiện ở Đài Bắc.

Nhà Trắng đã rõ ràng muốn đối phó với một cuộc khủng hoảng này. Nhưng mối bận tâm hiện nay là việc liệu chính quyền của Tổng thống Joe Biden có quyết tâm đáp trả hay lùi lại. Chắc chắn, nếu hai bên ăn miếng trả miếng với nhau sẽ dẫn đến việc leo thang tình trạng khủng hoảng.

Brake cho rằng cách tốt nhất để Washington giải quyết căng thẳng là kiềm chế. Việc từ chối đối đầu với những lời khiêu khích của đối thủ không phải là sự yếu kém. Nó thể hiện sự kiềm chế có đạo đức.

Theo ông, vị thế và uy tín quốc tế của các quốc gia được thể hiện trong việc kiềm chế chống lại những xung động hấp tấp hoặc liều lĩnh, thể hiện sự tự tin và khả năng kiểm soát. Sẽ là cần thiết khi áp dụng một chính sách hợp lý đối phó với đối thủ của mình hơn là thực hiện hành động hung hăng kết hợp vũ lực. Cựu Tổng thống Barack Obama đã từng đưa ra quan điểm tương tự đối với chính sách đối ngoại của Mỹ khi nói “một phần năng lực lãnh đạo của chúng ta có liên quan đến khả năng thể hiện sự kiềm chế”.

H.V.

Nguồn: 1thegioi

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn