Ấn Độ ngày càng tách rời Nga

Thanh Tâm (Theo Foreign Affairs)

Chiến dịch quân sự ở Ukraine đã trở thành chất xúc tác, khiến Ấn Độ đẩy nhanh tiến trình tách rời quan hệ đối tác lâu năm với Nga.

Sự miễn cưỡng của Ấn Độ trong lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã trở thành chủ đề cho nhiều cuộc tranh cãi và làn sóng chỉ trích ở phương Tây. Hồi tháng 3, thư ký báo chí Nhà Trắng khi đó là Jen Psaki đã kêu gọi Ấn Độ cân nhắc về "vị trí của New Delhi trong những cuốn sách lịch sử viết về thời điểm này".

Một số lãnh đạo và nhà ngoại giao phương Tây cảm thấy mất kiên nhẫn với Ấn Độ, khi nước này tiếp tục duy trì chính sách không can thiệp vào chương trình nghị sự của Nga. Một số nhà phân tích ở New Delhi cho rằng những lời chỉ trích đó là không công bằng, bởi Ấn Độ chỉ đơn thuần đang tìm cách cân bằng quan hệ để có thể tiếp tục là đối tác của hai cường quốc Nga và Mỹ.

Ấn Độ đã bỏ phiếu trắng trong các cuộc biểu quyết về xung đột Ukraine tại Liên Hợp Quốc, nhưng cũng đưa ra những tuyên bố cứng rắn chỉ trích các hành vi bạo lực nhắm vào dân thường và vi phạm chủ quyền quốc gia. New Delhi có những quan ngại riêng và không muốn làm tổn hại quan hệ của họ với Moskva hay Washington, theo giới quan sát.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp tại Samarkand, Uzbekistan hôm 16/9. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp tại Samarkand, Uzbekistan hôm 16/9. Ảnh: Reuters.

Happymon Jacob, Phó giáo sư về ngoại giao tại Đại học Jawaharlal Nehru kiêm người sáng lập Hội đồng Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng ở New Delhi, cho rằng có một "thực tế khác" khi nhìn nhận kỹ hơn các động thái của Ấn Độ.

"Ấn Độ không ủng hộ cuộc chiến của Nga không chỉ đơn giản là nhằm cân bằng giữa hai cường quốc. Thay vào đó, một thay đổi lớn nhưng tinh tế đang diễn ra: Ấn Độ không thể tránh khỏi việc tách rời Nga, dù quá trình này khá chậm chạp", Jacob nhận định.

Thay đổi này bắt đầu từ trước xung đột Ukraine, nhưng cuộc chiến có vai trò như chất xúc tác đẩy nhanh quá trình. Dù Nga là bên cung cấp thiết bị quân sự và năng lượng quan trọng, New Delhi đang dần giảm bớt phụ thuộc vào Moskva. Tâm lý chống Mỹ sâu sắc trong giới tinh hoa cũ của Ấn Độ cũng dần biến mất, đồng thời quan hệ Mỹ - Ấn đang gần gũi hơn bao giờ hết.

Quan hệ của Nga và Trung Quốc phát triển mạnh hơn ngay khi quan hệ của New Delhi và Bắc Kinh rạn nứt. Các cuộc đụng độ biên giới năm 2020 đã khiến chính phủ và cộng đồng chiến lược của Ấn Độ coi Trung Quốc là thách thức an ninh hiện hữu.

Hình thái quan hệ đã dần được xác định rõ ràng, khi Ấn Độ xích lại gần hơn với phương Tây và Mỹ để tăng cường ứng phó với Trung Quốc, theo ông Jacob. Trong quá trình này, New Delhi cũng dần rút khỏi quan hệ đối tác lâu năm với Nga.

"Quá trình tách rời sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều, giới chức Ấn Độ và Nga có thể sẽ nỗ lực để duy trì quan hệ. Nhưng áp lực địa chính trị sẽ luôn đẩy hai nước ra xa nhau", Phó giáo sư Jacob cho hay.

Quyết định tăng cường mua dầu Nga của Ấn Độ từ sau xung đột Ukraine đã khiến nhiều nhà bình luận phương Tây chỉ trích. Ngay trước khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine hồi tháng 2, số lượng dầu Ấn Độ mua từ Nga không đáng kể. Tuy nhiên, tới tháng 4, nước này đã tăng nhập khẩu dầu Nga lên 389.000 thùng mỗi ngày và đạt mốc một triệu thùng vào tháng 6.

Nhập khẩu dầu với giá ưu đãi từ Nga đã giúp Ấn Độ giảm bớt tình trạng suy thoái kinh tế do hậu quả của đại dịch và xung đột Ukraine. Giới chức Ấn Độ bất bình trước những lời chỉ trích về hoạt động mua dầu của họ, đặc biệt khi thấy hầu hết các nước châu Âu vẫn tiếp tục mua một lượng nhất định khí đốt Nga.

Tuy nhiên, trong các lĩnh vực khác, thay đổi lớn đang diễn ra. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Ấn Độ trong thập kỷ qua. Nhưng từ năm 2012 tới 2021, tỷ lệ vũ khí Nga trong biên chế quân đội Ấn Độ đã giảm một nửa.

Trong những năm qua, Ấn Độ đã cố gắng đa dạng hóa nguồn mua thiết bị quốc phòng, chuyển sang các nhà cung cấp thay thế như Mỹ và Pháp. Sau khi xung đột Ukraine nổ ra, New Delhi đã hoãn kế hoạch mua thêm vũ khí từ Moskva, trong đó có thỏa thuận mua 21 tiêm kích MiG-29 mới. Đồng thời, giới chức Ấn Độ cũng có những bước hỗ trợ sản xuất trong nước.

Xung đột Nga - Ukraine kéo dài làm dấy lên nhiều lo ngại ở New Delhi về năng lực sản xuất quân sự của Nga. Ấn Độ cho rằng Nga sẽ khó đảm bảo thời gian giao hàng, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp, theo giới quan sát.

Trên lĩnh vực ngoại giao, Ấn Độ cũng phát đi những tín hiệu quan trọng. Các thông điệp tương phản của New Delhi khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine càng cho thấy sự dịch chuyển trong quan điểm của quốc gia Nam Á. Năm 2014, Shivshankar Menon, cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ khi đó, cho rằng Nga có những "lợi ích hợp pháp" khi sáp nhập Crimea. Tuy nhiên, trong xung đột Ukraine, cụm từ "lợi ích hợp pháp" của Nga không xuất hiện trong các tuyên bố được Ấn Độ đưa ra gần đây.

Dù giới chức Ấn Độ không chỉ trích đích danh Nga, những tuyên bố từ tháng 3 của họ đã gián tiếp nhắm vào Moskva. Việc liên tục đề cập tới tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của các quốc gia cho thấy New Delhi thực tế không chấp nhận chiến dịch quân sự của Nga.

Hồi tháng 6, Ấn Độ "lên án mạnh mẽ cáo buộc sát hại dân thường ở Bucha và ủng hộ cuộc điều tra độc lập". New Delhi tiếp tục đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin tham gia hội đàm trực tiếp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nói rằng "sẽ không có bên nào chiến thắng trong cuộc chiến này bởi tất cả sẽ phải gánh chịu hậu quả".

Trong các tuyên bố chính thức, Ấn Độ cũng chỉ trích Nga vì đã đẩy an ninh lương thực và kinh tế của các nước đang phát triển vào tình thế nguy hiểm.

Hồi tháng 8, Ấn Độ lần đầu bỏ phiếu ngược với quan điểm của Nga trong vấn đề Ukraine tại Liên Hợp Quốc, khi ủng hộ đề xuất cho phép ông Zelensky phát biểu qua video trước Hội đồng Bảo an. Gần đây nhất, trong hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Samarkand tháng này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bày tỏ không hài lòng với Nga, khi nói rằng "ngày nay không phải kỷ nguyên chiến tranh".

"New Delhi không đưa ra lập trường chính thức về cuộc chiến, nhưng những tuyên bố của họ dường như cho thấy sự phản đối ngày càng tăng", Jacob cho hay.

Khi những thông điệp công khai về Nga trở nên cứng rắn, Ấn Độ cũng tìm cách thắt chặt quan hệ với các nước phương Tây. New Delhi đã tiếp đón Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vào tháng 4 và Thủ tướng Modi đã điện đàm với ông Putin hồi tháng 7, nhưng các cuộc trao đổi giữa phương Tây với Ấn Độ diễn ra thường xuyên và có kết quả hơn.

Hồi tháng 3, ông Modi tiếp đón Thủ tướng Anh Boris Johnson, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Nhật Kishida Fumio tại New Delhi. Ông tham dự hội nghị G7 tại Đức với các lãnh đạo Mỹ và châu Âu hồi tháng 6, cũng như dự hội nghị Bộ Tứ với Australia, Nhật Bản và Mỹ hồi tháng 5.

Những cuộc gặp cấp cao với các lãnh đạo hàng đầu thế giới diễn ra giữa lúc xung đột Ukraine vẫn tiếp tục, cho phép các bên có những cuộc thảo luận ý nghĩa về các vấn đề quan trọng.

"Chính sách ngoại giao này rõ ràng cho thấy khi quan hệ của Ấn Độ và Nga dần nguội lạnh, quốc gia này đã tăng cường xích lại gần phương Tây", Jacob nói.

Thủ tướng Modi (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng hồi tháng 9/2021. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Modi (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng hồi tháng 9/2021. Ảnh: Reuters.

Việc Ấn Độ dần tách khỏi Nga không khiến các nhà quan sát ngạc nhiên. Dù có lịch sử quan hệ lâu dài và hợp tác sâu rộng từ thời Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ và Nga đang rời xa nhau "không phải vì họ muốn mà bởi buộc phải làm như vậy", theo Jacob.

Năm 2021, kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và Nga trị giá khoảng 13 tỷ USD. Chưa đầy 30.000 người Ấn Độ sống ở Nga và hiện ít người Ấn nói tiếng Nga hơn so với thời kỳ đỉnh cao quan hệ trong Chiến tranh Lạnh. Trong khi đó, thương mại giữa Ấn Độ và Mỹ đạt 157 tỷ USD năm 2021 và 4,2 triệu người Ấn hiện cư trú tại Mỹ.

"Đối với ngày càng nhiều người Ấn Độ, Nga là một người bạn có lợi ích đang suy giảm. Khi người Ấn nghĩ về quan hệ đối tác chiến lược của họ, Nga được nhắc đến ở quá khứ và Mỹ ở tương lai", Jacob cho hay.

Sự phụ thuộc của nền quốc phòng Ấn Độ vào Nga suy yếu theo thời gian khi nước này hướng tới các bên cung cấp quân sự thay thế như Pháp, Israel và Mỹ. Dù vũ khí của Mỹ thường đi kèm các điều kiện, mức độ tín nhiệm ngoại giao ngày càng tăng giữa hai nước có khả năng dẫn tới quan hệ quốc phòng ngày càng chặt chẽ và các thỏa thuận mua bán cũng ngày một nhiều.

Một lĩnh vực quan trọng khác mà Nga đóng vai trò hữu ích với Ấn Độ là tại Hội đồng Bảo an LHQ, nơi Moskva thường hỗ trợ New Delhi chống lại việc thông qua các biện pháp trừng phạt hoặc nghị quyết khác. Nhưng nhiều nhà phân tích và hoạch định chính sách ở New Delhi ngày nay cho rằng Pháp hoặc Mỹ có thể giúp Ấn Độ theo đuổi lợi ích. Ngoài ra, Ấn Độ có thể lo ngại rằng Trung Quốc có thể tác động đến lá phiếu của Nga ở Hội đồng Bảo an, khi quan hệ hai nước ngày càng gần gũi.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định quan hệ Nga - Ấn sẽ không dễ dàng nguội lạnh hoàn toàn trong tương lai gần.

"Ấn Độ sẽ không vội vàng tạo ra một bước đột phá quyết định với Nga. Mối quan hệ sẽ tiếp tục kéo dài trong trạng thái không hoàn hảo với hiệu suất giảm dần trong một khoảng thời gian nhất định", Jacob nhận định.

T.T.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn