Bàn cờ Ukraine đang thay đổi

Trương Nhân Tuấn

Nga "lui binh chiến thuật" ở Ukraine, thực tế trên trận địa là "quân hồi vô phèng". Nhìn vũ khí họ bỏ lại ở các địa điểm đóng quân, hay rải rác trên đường rút lui. Ta có thể kết luận là quân Nga đang chạy trốn.

Muốn rút quân đâu có dễ? Gương còn sờ sờ là VNCH vì "di tản chiến thuật" miền Trung, bỏ cao nguyên Pleiku, Kontum… để "tái phối trí", là nguyên nhân đưa tới sụp đổ toàn diện năm 1975.

Nguyên tắc đánh giặc của lính Mỹ: 1 người ra trận 2 người hậu phương 1 người “nghỉ phép”. Lính Mỹ "xoay tua" chiến đấu. Không người lính nào chịu đựng liên tục nhiều tháng ngoài mặt trận hết cả. Cũng không có người lính nào giữ vững được tinh thần chiến đấu khi biết sau lưng mình trống trơn. Một đạo quân Mỹ rút lui (khỏi chiến trường) là có không quân, hải quân, pháo binh, thiết giáp… “chống lưng” bảo đảm an toàn con đường rút lui ở phía sau.

Nga làm gì còn quân để phối trí thế "ỷ giốc”, cánh quân bên này yểm trợ cánh bên kia?

Câu hỏi đặt ra: Chiến trường quân thiếu trầm trọng như vậy tại sao Putin không ban hành lệnh “tổng động viên”?

Bởi vì, nếu có đọc báo, ta thấy lính Mỹ hiện đang tập trận ở Alaska. Họ đang tập trận "đánh giặc mùa đông".

Nếu ta nhìn bản đồ thế giới, lấy trung tâm là Thái Bình Dương, ta sẽ thấy Mỹ là quốc gia kế cận bên Nga, chỉ cách nhau có eo biển Bering rộng khoảng 80 cây số. Mùa đông biển Bering đóng băng, lính Mỹ ở Alaska có thể dẫn xe tăng “đi bộ” qua Nga dạo chơi.

Nguyên nhân Nga không dám “tuyên bố chiến tranh” (hay tuyên bố tổng động viên), mà chỉ nói là họ mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” với Ukraine, tức là “chiến tranh có giới hạn”. Vì họ sợ không phòng thủ nổi mặt trận Viễn Đông (Siberia). Tuyên bố chiến tranh là có nguy cơ chiến tranh lan rộng (với NATO). Ở khu vực băng giá này quân Nga đối đầu với ba bên: Mỹ và Nhật ở phía Đông. Phía Nam họ đụng với Trung Quốc.

Xung đột với Ukraine, Nga hy vọng được TQ viện trợ quân sự. Ta thấy đến nay TQ vẫn ngồi yên, kiểu tọa sơn quan hổ đấu. Ngoại trưởng Ukraine chỉ trích tất cả các nước “yểm trợ” Nga, kể cả Ấn độ. Nhưng họ vẫn không chỉ trích TQ. Bởi vì TQ rất có thể sẽ ủng hộ Ukraine. Có lần tôi viết bài phân tích rằng TQ là bên có lợi nhất trong chiến tranh Ukraine.

Ngoài Iran và Bắc Hàn giúp vũ khí cho Nga thì không thấy có nước nào khác.

Nga có vài trăm ngàn quân (thậm chí vài triệu quân, vào thời kỳ chiến tranh lạnh) đóng thường trực trên vùng biên giới với TQ. Đặc biệt khu vực Hắc Long Giang. Hai hiệp ước mà TQ đời nhà Thanh đã ký với Nga hoàng, TQ nhượng cho Nga trên 1 triệu cây số vuông lãnh thổ. Mặc dầu hai bên TQ và Nga những năm gần đây đã ký hiệp định phân định biên giới. TQ nhìn nhận thuộc về Nga vĩnh viễn vùng lãnh thổ đã nhượng, nhưng TQ có thể bất cứ lúc nào hủy bỏ các hiệp ước này và mở chiến dịch thâu hồi lãnh thổ.

Ngoài ra Nga còn có tranh chấp với Nhật vùng “Lãnh thổ phía Bắc”, tức chủ quyền 4 đảo thuộc quần đảo Kurils. Trên nguyên tắc Nga và Nhật vẫn còn trong tình trạng chiến tranh. Nga tuyên bố chiến tranh với Nhật tháng 8 năm 1945, chỉ vài ngày trước khi Nhật đầu hàng. Nhật đã ký hòa ước với tất cả các quốc gia có tuyên bố chiến tranh với Nhật (trên trăm nước), ngoại trừ Nga. Bởi vì Nhật cho rằng Nga đã chiếm các “Lãnh thổ phía Bắc” của Nhật mà không thông qua nội dung kết ước nào.

Tức là Nhật có thể trở thành “một bên” để đánh Nga, mục tiêu dành lại lãnh thổ đã bị Nga chiếm đóng, nếu chiến tranh mở rộng.

Vì vậy quân Nga ở Viễn Đông (Siberia) không thể rút đi tiếp viện cho mặt trận Ukraine.

Vùng đất này rất quan trọng cho Nga, vì nó rất giàu. Dầu mỏ, khí đốt, quặng mỏ, gỗ… những tài nguyên quí giá của Nga đều bắt nguồn từ đây.

TQ và Nhật có lý do để tuyên chiến với Nga, nếu thấy quân Nga suy yếu. Mục đích thâu hồi lãnh thổ. Mỹ cũng có lý do mở mặt trận Siberia, nếu một quốc gia nào đó thuộc NATO bị Nga tấn công.

Nên biết, việc “cấm vận nguồn nhiên liệu” cũng là một hình thức tuyên bố chiến tranh. Nga hiện đang “khóa” các ống dẫn khí đốt cung cấp cho các quốc gia EU. Putin vịn đủ thứ lý do, nào là máy nén bị hư, phải bảo trì. Đến nay Putin vẫn không dám nói đến việc “cấm vận khí đốt” để trả đũa các vụ “trừng phạt kinh tế” của EU và Mỹ đối với Nga.

Tình hình Viễn Đông của Nga hiện rất căng thẳng. Thử xét thái độ “ngồi phải cọc” của Bắc Hàn ta nhận thấy ngay điều này.

Chiến tranh xảy ra giữa Nga với TQ, Mỹ và Nhật sẽ có thể đưa tới việc Nam Hàn thống nhất Bắc Hàn.

T.N.T.

Nguồn: FB Nhân Tuấn Trương

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn