Cập nhật chiến tranh tại Ukraine 6.9.2022 10AM

Cù Tuấn

Quân đội Ukraine tuyên bố đẩy lùi nhiều cuộc tiến công của Nga trong khi giao tranh vẫn nổ ra ở mặt trận miền Đông và miền Nam. "Quân phòng vệ của chúng tôi đã đẩy lùi thành công các nỗ lực tấn công của đối phương ở các khu định cư Bilohorivka, Hryhorivka, Pokrovske, Bakhmutske, Lozove, Spartak, Soledar, Zaitseve và Semihiria. Ở hướng Kramatorsk (miền Đông Ukraine), lực lượng Ukraine đã thành công về chiến thuật và đánh bật đối phương ra khỏi các vị trí mà họ đã chiếm trước đó", thông báo của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết hôm 5/9. Theo Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine, chiến dịch thành công của lực lượng Ukraine "đã dẫn đến việc vô hiệu hóa các giao lộ ở Kherson và một lần nữa chặn đứng nỗ lực của đối phương nhằm tiếp tục chuyển quân qua sông Dnipro". Quân đội Ukraine hôm 5/9 cũng thông báo, sau khi các lực lượng Ukraine nã pháo dữ dội vào các cụm quân Nga ở địa phương nay, phía Nga đã cấm hoạt động di chuyển của các cư dân tại đây.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh - một tổ chức nghiên cứu và tư vấn có trụ sở ở thủ đô Washington (Mỹ) nhận định: “Cuộc phản công của Ukraine đang đạt được những bước tiến có thể kiểm chứng được ở miền Nam và miền Đông. Nhịp độ cuộc phản công có thể sẽ thay đổi đáng kể từ ngày này sang ngày khác, khi các lực lượng Ukraine nỗ lực gây chết đói cho phía Nga bằng cách làm cho họ thiếu các đồ cung ứng cần thiết, phá rối hệ thống kiểm soát và chỉ huy, và làm suy yếu tinh thần chiến đấu của họ”.

Trong bối cảnh quân đội Ukraine nỗ lực tăng tốc độ chiến dịch phản công giành lại vùng lãnh thổ phía Nam, Nga dường như đang tăng tốc để nhanh chóng giành quyền kiểm soát vùng Donbass. Trong một báo cáo cập nhật tình hình chiến sự ngày 5/9, Cơ quan tình báo quốc phòng Anh nhận định, việc giành quyền kiểm soát vùng Donbass, miền Đông Ukraine hiện vẫn đang là ưu tiên chiến lược của quân đội Nga. Theo đó, các mũi tiến công của Nga vẫn đang đạt được những bước tiến khả quan ở mặt trận Avdiivka và Bakhmut gần thành phố Bakhmut. Nhà chức trách Ukraine tiết lộ các lực lượng Nga đã nhận được lệnh giành quyền kiểm soát toàn bộ vùng Donbass trước ngày 15/9. Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS cho hay toàn bộ tỉnh Kherson hiện không còn nằm trong vòng kiểm soát của Kiev và "cuộc sống yên bình ở đây đang dần được khôi phục".

IAEA sắp công bố tóm tắt về tình hình nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết hôm nay (6-9), cơ quan này sẽ công bố một báo cáo về an ninh, an toàn hạt nhân và tình hình bảo đảm an toàn ở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine. Theo IAEA, pháo kích tại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ngày 1-9 trước đó đã làm hỏng bồn dầu chứa dầu bôi trơn tua bin và ngày 5-9 cũng lại có pháo kích.

Quan chức Ukraine kêu gọi người dân ở các vùng lãnh thổ "bị chiếm đóng", bao gồm Crimea, chuẩn bị nơi trú ẩn và tích trữ nguồn cung. "Người dân các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, bao gồm bán đảo Crimea, cần tuân theo khuyến nghị của quan chức trong thời gian tiến hành các biện pháp giải phóng", Mikhail Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, thông báo trên Twitter hôm 5/9. "Hơn nữa, mọi người nên chuẩn bị nơi trú bom, tích trữ đủ nước và sạc dự phòng điện ngay bây giờ", Podolyak nêu thêm. "Mọi thứ sẽ là của Ukraine".

Quan chức thân Moskva tại tỉnh Kherson cho biết cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập Nga sẽ được hoãn vì "các diễn biến đang xảy ra". "Chúng tôi đã chuẩn bị và muốn tổ chức trưng cầu dân ý trong tương lai gần, nhưng tôi cho rằng sự kiện này sẽ được hoãn vì các diễn biến đang xảy ra. Đây là lý do dễ hiểu, chúng tôi không vội vàng tổ chức bỏ phiếu và vẫn tập trung vào các nhiệm vụ chính như bảo đảm đời sống và an ninh cho cư dân", Kirill Stremousov, phó lãnh đạo tỉnh Kherson do Nga bổ nhiệm, cho biết hôm nay. Ông Stremousov cũng tuyên bố những cảnh báo do Phó thủ tướng Ukraine Irina Vereshchuk đưa ra trước đó không thể ngăn cuộc trưng cầu dân ý tại Kherson. "Tôi muốn gửi lời đến Irina Vereshchuk rằng bà ấy không liên quan gì đến vùng Kherson. Đây là lãnh thổ được giải phóng, mọi lời đe dọa của bà chỉ là những tiếng nói vô nghĩa", ông cho hay. Phó thủ tướng Vereshchuk hôm 4/9 gọi những cuộc trưng cầu dân ý do Nga tổ chức là "trò hề" và cảnh báo công dân Ukraine tham gia hoạt động này có thể đối mặt án tù 12 năm. Bà cũng hối thúc công dân Ukraine sơ tán khỏi những vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát và không tham gia hoạt động bỏ phiếu.

Công ty vận hành Energoatom thông báo lò phản ứng cuối cùng còn hoạt động tại nhà máy Zaporizhzhia bị ngắt khỏi lưới điện do các đợt pháo kích. "Pháo kích gây hỏa hoạn khiến đường dây truyền tải điện cuối cùng đã bị đứt. Lò phản ứng số 6, vốn đang vận hành để cấp điện cho nhà máy, cũng bị dỡ tải và ngắt kết nối khỏi lưới điện", Energoatom, doanh nghiệp nhà nước điều hành các nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine, thông báo hôm 5/9. Nhà máy Zaporizhzhia có 6 lò phản ứng hạt nhân, trong đó 4 lò đã ngừng hoạt động sau nhiều cuộc pháo kích. Lò số 5 ngừng chạy hôm 3/9, theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Bộ trưởng Quốc phòng Anh nói Nga mất hàng chục nghìn quân và chưa đạt bất cứ mục tiêu chiến lược nào sau hơn nửa năm chiến sự tại Ukraine. "Ước tính đến nay hơn 25.000 quân nhân Nga thiệt mạng. Nếu tính số lượng quân nhân thiệt mạng, bị thương, bị bắt hoặc đào ngũ, con số lên tới 80.000 người", Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace nói trước các nghị sĩ tại Hạ viện Anh. Ông Wallace cho rằng những tổn thất trên sẽ gây ra tác động lâu dài đến quân đội Nga và hiệu quả chiến đấu của lực lượng này trong tương lai. "Nga vẫn chưa đạt được bất cứ mục tiêu chiến lược nào. Chúng ta đang ở ngày thứ 194 của những gì từng được dự kiến là chiến dịch kéo dài một tháng", ông Wallace nói. Bộ trưởng Quốc phòng Anh cũng chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin "vũ khí hóa năng lượng", đồng thời kêu gọi các thành viên quốc hội Anh giải thích với các cử tri rằng "một số thời điểm vô cùng khó chịu chúng ta phải đối mặt là do Nga cố tình gây hại và tìm cách thử xem liệu chúng ta có hy sinh những giá trị của mình vì giá năng lượng hay không".

Điện Kremlin đổ lỗi cho các biện pháp trừng phạt gây ảnh hưởng đến việc bảo trì đường ống Nord Stream 1. Trong khi đó, châu Âu nói Nga có thể chuyển khí đốt sang các đường ống khác để bù lại nhưng không làm và muốn đẩy giá khí đốt lên. Trả lời báo giới ngày 5-9, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng chính châu Âu khiến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) bị gián đoạn. "Các vấn đề về nguồn cung cấp khí đốt đã nảy sinh do lệnh trừng phạt của các quốc gia phương Tây, bao gồm cả Đức và Anh. Không có lý do nào khác dẫn đến vấn đề với nguồn cung cấp", Đài RT dẫn lời ông Peskov nói và phủ nhận khóa đường ống này vì động cơ chính trị. Ông Peskov nói rằng nếu phương Tây gỡ bỏ các lệnh trừng phạt, đường ống sẽ được sửa chữa và có thể tiếp tục hoạt động. Người phát ngôn của Điện Kremlin cũng tuyên bố rằng, không phải lỗi của Gazprom khi "người châu Âu đưa ra quyết định từ chối bảo dưỡng thiết bị của họ một cách vô lý", điều mà họ có nghĩa vụ phải làm theo như hợp đồng. Ngày 5-9, Hãng tin Reuters dẫn lời một người phát ngôn Cao ủy châu Âu tiếp tục cáo buộc Nga có thể chuyển khí đốt cho châu Âu qua các đường ống khác nhưng quyết định không làm vậy. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cảnh báo, nước này sẽ phải đối diện với tối đa 10 mùa đông khó khăn.

Bình luận về quyết định áp trần giá dầu Nga của các nước G7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning kêu gọi các bên hãy nỗ lực xây dựng để hạ nhiệt tình hình thông qua đối thoại. "Chúng tôi hy vọng rằng các quốc gia liên quan sẽ nỗ lực xây dựng để giảm bớt căng thẳng thông qua đối thoại và tham vấn, chứ không phải ngược lại", nữ phát ngôn viên phát biểu tại cuộc họp thường kỳ hôm 5/9. Bà Mao Ning đồng thời khẳng định dầu mỏ là một trong những hàng hóa quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu. Nữ phát ngôn viên đã không trực tiếp trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc có đang cân nhắc tham gia vào sáng kiến của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hay không.

Ông Biden cho rằng Nga không nên bị coi là nước tài trợ khủng bố, trong khi Moskva cảnh báo động thái này sẽ cắt đứt quan hệ song phương. "Không", Tổng thống Mỹ Joe Biden trả lời ngày 5/9 khi được phóng viên tại Nhà Trắng hỏi có nên coi Nga là quốc gia tài trợ chủ nghĩa khủng bố hay không. Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ cuối tháng 2 với mục tiêu "phi quân sự hóa, phi phát xít hóa". Washington và phương Tây lên án chiến dịch quân sự này và đã áp loạt biện pháp trừng phạt trên diện rộng với Moskva. Ukraine nhiều lần kêu gọi các nước liệt Nga vào danh sách "nhà nước tài trợ khủng bố".

Ngày 5-9, Tổng thống Vladimir Putin đã thông qua học thuyết chính sách đối ngoại mới dựa trên khái niệm "Thế giới Nga" - một khái niệm mà phe bảo thủ sử dụng để giải thích cho sự can thiệp của Nga ở nước ngoài để ủng hộ những người nói tiếng Nga. Học thuyết dài 31 trang, được phổ biến hơn sáu tháng sau khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Ukraine, nói rằng Nga phải "canh giữ, bảo vệ và thúc đẩy các truyền thống và lý tưởng của Thế giới Nga". Học thuyết ghi: "Liên bang Nga hỗ trợ đồng bào của mình ở nước ngoài trong việc thực hiện các quyền của họ, để bảo vệ lợi ích của họ và bảo tồn bản sắc văn hóa Nga của họ". Mối quan hệ của Nga với đồng bào của mình ở nước ngoài cho phép nước này "củng cố hình ảnh trên trường quốc tế như một quốc gia dân chủ đang phấn đấu cho việc tạo ra một thế giới đa cực". Nga tiếp tục coi không gian của Liên Xô trước đây, từ Baltic đến Trung Á, là phạm vi ảnh hưởng hợp pháp của mình - một quan điểm bị nhiều nước phản đối.

Moskva cho rằng quan hệ với London sẽ diễn biến theo chiều hướng xấu, do các ứng viên thủ tướng Anh đều có quan điểm chống Nga. "Tôi không muốn nói rằng mọi thứ có thể thay đổi theo chiều hướng xấu đi, bởi khó mà tưởng tượng còn điều gì tệ hơn nữa", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời khi được hỏi Moskva có kỳ vọng về sự thay đổi trong quan hệ với London không khi Anh có thủ tướng mới. "Thật không may, kịch bản đó không thể loại trừ, bởi các ứng viên thủ tướng Anh cạnh tranh bằng những luận điệu bài Nga, đe dọa có những bước đi nhằm vào đất nước của chúng tôi. Vì vậy, tôi không nghĩ chúng tôi có thể hy vọng về điều gì tích cực", ông Peskov bổ sung.

Ngày 5-9, trong cuộc gặp với Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) - ông Josep Borrell, Thủ tướng Ukraine - ông Denys Shmyhal đề xuất khả năng Ukraine sẽ cung cấp khí đốt cho EU để giúp khối này xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng, theo tờ The Guardian. Theo Thủ tướng Shmigal, Ukraine sẵn sàng cung cấp tới 30 tỉ mét khối khí đốt dự trữ cho các nước thành viên EU. Ông Shmigal cho biết: “Ukraine có thể giúp các đối tác châu Âu xây dựng nguồn dự trữ khí đốt trong bối cảnh họ đang đối mặt nguồn cung khí đốt không ổn định từ Nga".

Tổng thống Pháp tuyên bố sẵn sàng cung cấp khí đốt cho Đức, còn Đức có thể chuyển điện cho Pháp để giúp nhau đối mặt khủng hoảng năng lượng. "Đức cần khí đốt của chúng tôi, còn chúng tôi cần điện từ những nước còn lại ở châu Âu, đặc biệt là Đức", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm nay. Ông Macron cho hay kết nối cần thiết để Pháp chuyển khí đốt cho Đức sẽ được thống nhất trong những tháng tới, thêm rằng Đức cũng đồng ý chia sẻ nguồn điện cho Pháp nếu cần.

Kho vũ khí của các nước châu Âu đang cạn kiệt dần sau hơn 6 tháng viện trợ cho Ukraine. "Kho dự trữ quân sự của hầu hết các nước thành viên đã cạn kiệt bởi vì chúng ta đã cung cấp một lượng lớn khí tài cho Ukraine. Chúng ta phải bù đắp lại. Cách tốt nhất để bù đắp là phối hợp với nhau, khi đó chi phí sẽ thấp hơn", Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell nói. Ông Borrell cho rằng, nếu các nước EU tiếp tục mở rộng năng lực quân sự như nhau sẽ rất lãng phí. Ông Borrell thừa nhận, EU lẽ ra nên bắt đầu huấn luyện cho quân đội Ukraine cách đây 1 năm, nghĩa là vài tháng trước khi Nga tấn công quốc gia láng giềng. "Đáng buồn là chúng ta đã không làm vậy và bây giờ chúng ta cảm thấy tiếc nuối, tiếc bởi tháng 8 năm ngoái chúng ta không chấp thuận đề nghị của một số nước thành viên", quan chức EU cho biết.

Cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Podolyak nói phái đoàn IAEA tới nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia dường như làm việc "không hiệu quả". "Chúng tôi không hiểu liệu mọi thứ ở đó có diễn ra bình thường hay không, như mức độ an toàn, làm mát lò phản ứng. Còn đối với các nhân viên, liệu họ có hiểu các thuật toán đang vận hành hay không. Chúng tôi không thấy những điều này trong báo cáo và nó chứng tỏ rằng phái đoàn quốc tế hoàn toàn không hiệu quả", cố vấn của Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak phát biểu trên truyền hình hôm nay. Cố vấn Tổng thống Ukraine cho rằng cần có cuộc kiểm tra hạt nhân với nhà máy Zaporizhzhia, trong đó có "những người hiểu về vật lý hạt nhân và công nghệ kỹ thuật" làm việc cùng các nhân viên Ukraine.

Đức quyết định giữ lại hai nhà máy điện hạt nhân và đưa vào trạng thái chờ nhằm đề phòng nguy cơ xảy ra khủng hoảng năng lượng. Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck ngày 5/9 thông báo hai trong số ba nhà máy điện hạt nhân còn lại của Đức "sẽ được duy trì đến giữa tháng 4/2023 để đề phòng trường hợp cần thiết". Các nhà máy này sẽ được đưa vào trạng thái chờ nhằm "sẵn sàng đóng góp thêm sản lượng cho lưới điện ở miền nam nước Đức", nơi tiến trình phát triển năng lượng tái tạo chậm hơn so với miền bắc. Quyết định được đưa ra sau khi các đơn vị vận hành lưới điện Đức thực hiện kiểm tra áp lực trên hệ thống, cho thấy có thể xảy ra nhiều giờ khủng hoảng cấp điện trong mùa đông do châu Âu thắt chặt thị trường năng lượng. Bộ trưởng Habeck khẳng định cuộc khủng hoảng cấp điện "cực kỳ khó xảy ra" và Đức có nguồn cung đảm bảo. "Tuy nhiên, tôi phải làm mọi thứ cần thiết để đảm bảo đầy đủ nguồn cung", ông Habeck giải thích về quyết định duy trì hai nhà máy hạt nhân.

clip_image002

Bức tranh mang tên Hòa bình vẽ hai người lính Nga và Ukraine ôm nhau trên bức tường ở Melbourne, Australia. Ảnh: CTOart.

Nghệ sĩ Seaton xin lỗi vì bức tranh tường vẽ lính Nga và Ukraine ôm nhau, song khẳng định không từ bỏ ý tưởng về tình đoàn kết giữa mọi người. "Tôi rất xin lỗi người dân Ukraine nếu tôi xúc phạm họ, đó không phải chủ ý của tôi. Ý định của tôi là thúc đẩy hòa bình", Peter Seaton, nghệ danh CTO, ngày 4/9 ra thông báo về bức tranh hai người lính Nga và Ukraine ôm nhau được ông vẽ trên bức tường ở thành phố Melbourne, Australia. Nghệ sĩ Seaton cho hay ông luôn tin vào tình đoàn kết giữa mọi người. "Nếu bạn muốn ghét tôi vì điều đó thì cứ làm như vậy. Đến lúc chết tôi cũng không từ bỏ ý tưởng rằng chúng ta về cơ bản có nhiều điểm chung hơn là sự khác biệt", nghệ sĩ này nói. Bình luận được Seaton đưa ra sau khi bức tranh mang tên Hòa bình của ông bị giới chức và dân chúng Ukraine chỉ trích. Đại sứ Ukraine tại Australia Vasyl Myroshnychenko cho rằng bức tranh "xúc phạm toàn bộ dân Ukraine" và kêu gọi loại bỏ tác phẩm ngay lập tức. Ông Myroshnychenko cho rằng bức tranh "tạo cảm giác bình đẳng giả tạo" giữa Ukraine, bên đang trải qua chiến sự, và Nga, nước phát động chiến dịch quân sự.

C.T.

Nguồn: FB Cù Tuấn

Xem thêm bản tin đặc biệt:

Cả trung đoàn Nga đầu hàng trong ngày đầu tấn công. Trung đoàn khác đang đến đường cùng

Kim Thúy-Thụy Khanh VietCatholic News / 6/9/2022

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn