Cập nhật chiến tranh tại Ukraine 8.9.2022 9AM

Cù Tuấn

Tập và Putin sẽ gặp nhau vào tuần tới

clip_image002

Tập và Putin sẽ gặp mặt trực tiếp tại Hội nghị thượng đỉnh ở Uzbekistan vào tuần tới, hãng thông tấn nhà nước Tass của Nga đưa tin.

Cả hai sẽ có một cuộc họp bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Samarkand, Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov cho biết hôm thứ Tư.

Đối với Putin, cuộc họp có thể là cơ hội để chứng tỏ rằng Nga vẫn có một đồng minh hùng mạnh.

Đối với Tập, đây là thời cơ đến trước thềm đại hội đảng để chứng tỏ rằng ông ta đang trở thành một đối tác đàn anh của Putin.

Người Đà Lạt Xưa

Cố vấn Tổng thống Ukraine thông báo mở thêm hai mũi phản công ở miền đông và đông bắc, dồn ép lực lượng Nga trên toàn chiến tuyến. "Chúng tôi đang tiến công và gây sức ép gần như dọc toàn bộ chiến tuyến. Trong những tháng tới, chúng ta có thể chứng kiến thất bại của quân đội Nga ở bờ tây sông Dnieper thuộc tỉnh Kherson và bước tiến đáng kể của Ukraine ở miền đông", Oleksiy Arestovych, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, thông báo trên Telegram đêm 6/9. Với thông báo này, quân đội Ukraine đang tiến hành ba mũi phản công lực lượng Nga ở miền nam, miền đông và đông bắc. Arestovych không cho biết thêm chi tiết về địa điểm diễn ra các cuộc phản công, nói rằng những thông tin đó sẽ do Bộ Tổng tham mưu công bố. Theo ông, chiến dịch phản công nhiều mũi được tiến hành đồng thời, nhằm trói chân lực lượng dự bị Nga và ngăn quân đội Nga củng cố cho tiền tuyến. Nga chưa bình luận về thông tin này.

 

Truyền hình Nga trước đó đưa tin thị trấn Balakliya ở tỉnh Kharkov, đông bắc Ukraine, bị quân đội Ukraine tấn công hôm 6/9. Theo nhà phân tích quân sự Oleh Zhdanov ở Kiev, giành quyền kiểm soát Balakliia có thể tạo điều kiện cho Ukraine tìm cách bao vây Izyum, thành phố có mạng lưới đường sắt lớn được Moskva sử dụng để vận chuyển hàng tiếp tế cho chiến trường.

"Chúng tôi hiểu rằng thời gian sẽ đứng về phía Nga. Do đó, chúng tôi, cùng với các đồng minh và đối tác của mình, cần cố gắng hết sức để chấm dứt cuộc chiến này càng sớm càng tốt" - Thủ tướng Denys Shmyhal của Ukraine trả lời phỏng vấn Hãng tin Bloomberg tại Brussels (Bỉ) đầu tuần này. Theo ông Shmyhal, Nga muốn đi đường dài và lâu hơn. Đó là "một thách thức đối với tất cả chúng tôi", ông Shmyhal nói.

Phát biểu của ông Denys Shmyhal cho thấy cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài là điều mà Kiev không hề mong muốn. Trước hết, việc dồn nguồn lực cho cuộc chiến sẽ không chỉ gây thêm thiệt hại về người và của cho Ukraine mà còn ảnh hưởng tới công cuộc tái thiết của nước này. Thứ hai, theo trang Politico, thách thức phía trước với Ukraine là mùa đông khi thời tiết xấu sẽ bất lợi cho các hoạt động quân sự của họ. Thứ ba, một số nhà phân tích cho rằng tình trạng thiếu hụt năng lượng và chi phí sinh hoạt tăng ở châu Âu khi mùa đông đến có nguy cơ làm giảm hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine.

Ngày 7-9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo "tin tốt" từ khu vực Kharkov phía đông Kiev, cho biết Ukraine tái chiếm một số khu định cư từ lực lượng Nga. Trong video phát biểu vào tối 7-9, ông Zelensky cảm ơn lực lượng pháo binh Ukraine vì đã tấn công thành công các lực lượng của Matxcơva ở miền nam Ukraine.

Ông Zelensky nói ngân sách Ukraine năm 2023 sẽ tập trung cho quân sự và an ninh, trong đó chi tiêu quốc phòng tăng gấp hơn hai lần năm 2022. "Rõ ràng đây sẽ là ngân sách của một đất nước thời chiến. Hơn 1.000 tỷ hryvnia (27,4 tỷ USD) sẽ được dành cho chi tiêu trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Đây sẽ là ưu tiên số một trong năm tới", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trong bài phát biểu đêm 7/9. Tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp giữa ông Zelensky với Bộ trưởng Tài chính Serhiy Marchenko và nhiều quan chức chính phủ Ukraine. Con số này tăng gấp gần hai lần ngân sách quốc phòng 11,87 tỷ USD được quốc hội Ukraine phê duyệt cho năm 2022. Tổng thống Ukraine cam kết duy trì đầy đủ ngân sách cho những nghĩa vụ xã hội như lương hưu, trong khi các khoản chi tiêu không thiết yếu sẽ bị cắt giảm tối đa. Chính phủ Ukraine sẽ công bố kế hoạch giảm ngân sách cho các doanh nghiệp và tổ chức nhà nước được xem là không thiết yếu. Một khoản chi đặc biệt cho tái thiết sẽ được thành lập, lấy một phần nguồn tiền từ việc bán các tài sản của Nga bị tịch thu ở nước ngoài.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine Zaluzhnyy tuyên bố nhận trách nhiệm về loạt cuộc tập kích vào các căn cứ Nga trên bán đảo Crimea. Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Ukraine Valeriy Zaluzhny và nghị sĩ Mykhailo Zabrodskyi hôm nay có bài viết chung đăng trên hãng thông tấn nhà nước Ukrinform, đề cập "những nỗ lực thành công của lực lượng vũ trang Ukraine trong việc chuyển các hành động thù địch đến Crimea." "Chúng tôi đang nói về loạt cuộc tấn công bằng rocket thành công nhằm vào các căn cứ không quân ở Crimea của kẻ thù, trước hết là căn cứ Saki", bài viết có đoạn. Phần chú thích trong bài viết làm rõ rằng cuộc tấn công ở căn cứ Saki mà ông Zaluzhny nhắc tới là sự kiện diễn ra hôm 9/8, khiến 10 chiến đấu cơ của Nga bị vô hiệu hóa.

Litva, Latvia và Estonia, ba nước thành viên EU, thống nhất cấm công dân Nga nhập cảnh từ Nga và Belarus. Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics ngày 7/9 thông báo ba quốc gia vùng Baltic gồm Latvia, Litva và Estonia dự kiến thực thi lệnh cấm nhập cảnh với công dân Nga từ giữa tháng 9, sau khi chính phủ các nước phê duyệt kế hoạch. "Trong vài tuần và vài tháng qua, lượng công dân Nga có visa Schengen qua biên giới đã tăng đáng kể. Điều này đang trở thành vấn đề an ninh công cộng, cũng là vấn đề mang tính chất đạo đức và chính trị", ông Rinkevics nói trong cuộc họp báo ở Litva. Theo kế hoạch, ba nước Baltic sẽ từ chối mọi công dân Nga có visa Schengen. Trường hợp ngoại lệ gồm những người nhập cảnh vì mục đích nhân đạo, thăm thân, tài xế xe tải và quan chức ngoại giao.

Tổng thống Putin cho hay Nga đang thảo luận dự án lớn nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng cung cấp khí đốt cho Trung Quốc qua Mông Cổ. "Chúng tôi đang thảo luận về khả năng thực hiện dự án cơ sở hạ tầng lớn, cung cấp khí đốt của Nga cho Trung Quốc thông qua Mông Cổ", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói sau cuộc họp với Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrai Oyun-Erdene ngày 7/9. Phát biểu được đưa ra khi hai lãnh đạo đang tham gia Diễn đàn Kinh tế Phương Đông do Moskva tổ chức tại thành phố Vladivostok. Ông Putin trước đó cảnh báo cắt nguồn cung năng lượng nếu phương Tây áp giá trần với dầu mỏ và khí đốt xuất khẩu của Nga.

Đảng Nước Nga Thống nhất đề xuất tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý về sáp nhập những vùng lãnh thổ Ukraine do Moskva kiểm soát vào tháng 11. "Sẽ là điều đúng đắn và có ý nghĩa biểu tượng nếu tổ chức các cuộc bỏ phiếu vào ngày 4/11, Ngày Thống nhất Dân tộc Nga", Thư ký Hội đồng đảng Nước Nga Thống nhất Andrey Turchak hôm nay ra tuyên bố trên trang web của đảng. Ông Turchak nói thêm sau khi kết thúc các cuộc trưng cầu dân ý, "Donestk, Lugansk và nhiều thành phố khác cuối cùng sẽ trở về nhà. Thế giới Nga, đang bị chia cắt bởi các đường biên giới, sẽ lấy lại sự toàn vẹn". "Chúng tôi sẽ chuẩn bị cho ngày này, thậm chí chúng tôi đã sẵn sàng tổ chức trưng cầu dân ý ngay lúc này", Kirill Stremousov, phó lãnh đạo tỉnh Kherson mà Moskva bổ nhiệm, nói với truyền thông Nga sau tuyên bố của ông Turchak.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đỉnh điểm của những tác động tiêu cực vì các lệnh trừng phạt của phương Tây đã qua và mọi thứ đang dần bình thường. Ông cũng tuyên bố không ai có thể cô lập được nước Nga rộng lớn. "Thời kỳ khó khăn đỉnh điểm nhất, theo như tôi nghĩ, đã qua rồi. Mọi thứ đang bình thường dần dần", Tổng thống Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok ngày 7-9. Ông cho biết "tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất" (khoảng 3,9%) và "lạm phát đang giảm dần". Lạm phát ở Nga tăng lên mức cao nhất trong hai thập kỷ vào tháng 4-2022. Tỉ lệ lạm phát sau đó giảm đều, nhưng vẫn đứng ở mức 15,1% trong tháng 7 vừa qua. "Việc tăng giá vẫn đặt ra một mối đe dọa nhất định", ông Putin thừa nhận và cho rằng giá cả mọi thứ cao sẽ ảnh hưởng đến mức sống của nhân dân và nền kinh tế nói chung. Tổng thống Vladimir Putin cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã thay thế đại dịch COVID-19 'trở thành mối đe dọa chính đối với nền kinh tế toàn cầu'. "Trong nỗ lực chống lại dòng chảy lịch sử, các nước phương Tây đang phá hoại các trụ cột quan trọng của hệ thống kinh tế thế giới được xây dựng qua nhiều thế kỷ", nhà lãnh đạo Nga nêu và nói thêm rằng niềm tin vào đồng USD, đồng euro và đồng bảng Anh đang giảm sút. Theo tổng thống Nga, phương Tây đang cố gắng áp đặt ý chí của mình lên thế giới, nhưng sức mạnh của họ đã suy giảm vì yếu tố then chốt của tăng trưởng toàn cầu hiện nay nằm ở châu Á. "Những thay đổi không thể đảo ngược và có tác động lớn đã diễn ra xuyên suốt trong các mối quan hệ quốc tế. Vai trò của các quốc gia và khu vực năng động, đầy triển vọng trên thế giới đã tăng lên đáng kể, chủ yếu là khu vực châu Á - Thái Bình Dương". Theo Hãng tin Reuters, ông Putin chỉ trích lời kêu gọi áp giá trần đối với dầu Nga của châu Âu là "ngớ ngẩn", và khẳng định Matxcơva sẽ quay lưng với các hợp đồng cung cấp cho phương Tây nếu hàng xuất khẩu của họ bị giới hạn giá. "Đây là một giải pháp phi thị trường không khả thi. Tất cả các hạn chế hành chính trong thương mại toàn cầu chỉ dẫn đến sự mất cân bằng và giá cả cao hơn. Những gì đang diễn ra tại các thị trường châu Âu là kết quả từ việc làm của các chuyên gia châu Âu và Ủy ban châu Âu", ông Putin nói.

Ủy ban châu Âu đề xuất loạt biện pháp kiểm soát giá năng lượng tăng vọt ở châu Âu và áp giá trần với khí đốt Nga để siết trừng phạt. "Chúng ta đang đối mặt với tình huống bất thường do Nga là nhà cung cấp không đáng tin và đang thao túng thị trường năng lượng. Sự đoàn kết và đồng lòng sẽ đảm bảo chúng ta có thể giành ưu thế", Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp của EU, cho biết hôm 7/9, Bà von der Leyen kêu gọi các nước thành viên EU đồng ý áp giá trần với khí đốt Nga, biện pháp đã bị Tổng thống Putin cảnh báo là "quyết định ngu ngốc". "Mục tiêu đã rõ. Chúng ta phải cắt giảm nguồn thu của Nga được dùng cho chiến dịch quân sự ở Ukraine", bà von der Leyen nói. Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết thêm một số công ty điện lực châu Âu đang hưởng lợi từ giá điện cao sẽ bị đánh thuế vào doanh thu và lợi nhuận của họ. Các công ty bà đề cập tới là những nhà sản xuất điện với chi phí thấp, như doanh nghiệp năng lượng gió hoặc năng lượng hạt nhân. Cơ quan điều hành EU cũng dự kiến đề nghị các nước thành viên nhắm tới lợi nhuận của các công ty nhiên liệu hóa thạch đang hưởng doanh thu cao nhờ vào khủng hoảng năng lượng từ chiến sự Ukraine.

Tổng thống Putin gọi thỏa thuận ngũ cốc Ukraine là "trò lừa bịp trơ tráo", khi phần lớn lương thực được chuyển tới EU, thay vì các nước nghèo nhất. "Gần như tất cả ngũ cốc xuất khẩu từ Ukraine không được chuyển tới các quốc gia đang phát triển, thay vào đó đến những nước thuộc Liên minh châu Âu (EU)", Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7/9 phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok. Xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua các cảng ven Biển Đen được nối lại sau thỏa thuận ngày 22/7 do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc làm trung gian. Thỏa thuận này nhằm giải phóng hàng triệu tấn ngũ cốc Ukraine mắc kẹt sau khi chiến sự tại quốc gia này bùng phát. "Chúng tôi đã làm mọi điều để đảm bảo rằng ngũ cốc của Ukraine được xuất khẩu, chúng tôi đã phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ", ông Putin nói, cảnh báo Nga có thể đề nghị hạn chế xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine sang EU. "Tôi chắc chắn sẽ tham vấn về vấn đề này với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Nga sẽ tiếp tục làm việc trong khuôn khổ thỏa thuận để đảm bảo đạt được các mục tiêu", ông Putin cho biết.

Theo một báo cáo nội bộ được chuẩn bị cho chính phủ Nga, Nga có thể đối mặt với cơn suy thoái dài hơn và sâu hơn khi tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu lan rộng, làm cản trở các lĩnh vực mà nước này đã dựa vào trong nhiều năm để xây dựng sức mạnh kinh tế. Báo cáo này là kết quả của nhiều tháng làm việc của các quan chức và chuyên gia, những người đã cố gắng đánh giá tác động thực sự của việc Nga bị phương Tây cô lập về kinh tế để trừng phạt cho cuộc chiến mà Nga phát động ở Ukraine. Báo cáo vẽ một bức tranh bi đát hơn nhiều so với những tuyên bố lạc quan hơn mà quan chức Nga thường đưa ra trước công chúng.

Hôm 5-9, Bloomberg xác nhận đã xem một bản sao của báo cáo, được soạn thảo cho cuộc họp kín của các quan chức hàng đầu Nga vào ngày 30-8 vừa qua. Các nguồn tin nắm rõ thông tin cuộc họp khẳng định tính xác thực của báo cáo. Hai trong số ba kịch bản trong báo cáo cho thấy mức suy giảm của nền kinh tế Nga sẽ gia tăng trong năm tới, với GDP chỉ trở lại mức trước chiến tranh vào cuối thập niên này hoặc muộn hơn. Trong kịch bản trung dung (giả định tình hình diễn biến bình thường như hiện nay và không có nhiều thay đổi thêm), kinh tế Nga sẽ chạm đáy vào năm tới với GDP giảm 8,3% so với mức năm 2021, trong khi đó, theo kịch bản “căng thẳng”, GDP của Nga vào năm 2024 sẽ ở mức thấp hơn 11,9% so với mức của năm ngoái. Tất cả ba kịch bản đều cho thấy sức ép của các lệnh trừng sẽ ngày càng gia tăng, với nhiều nước khác có khả năng sẽ tham gia. Báo cáo cho biết việc châu Âu quay lưng lại với dầu và khí đốt của Nga cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng của Điện Kremlin trong việc cung cấp các nhiên liệu này cho thị trường của chính mình.

Ngoài những hạn chế thương mại, đang tác động đến khoảng 1/4 kim ngạch xuất nhập khẩu của Nga, báo cáo nêu chi tiết sự phong tỏa của phương Tây đối với Nga đã ảnh hưởng thực tế đến tất cả “các hình thức vận tải” như thế nào và tiếp tục cắt đứt nền kinh tế của đất nước với thế giới bên ngoài. Những hạn chế về công nghệ và tài chính mà phương Tây giáng vào Nga càng làm tăng thêm áp lực. Báo cáo ước tính sẽ có đến 200.000 chuyên gia công nghệ thông tin có thể rời đất nước vào năm 2025. Đây là dự báo chính thức đầu tiên của Nga về rủi ro chảy máu chất xám.

Trong các phát biểu công khai, giới chức trách của Nga nói rằng tác động của các lệnh trừng phạt không quá lớn như lo ngại, với mức suy giảm GDP có thể chưa đến 3% trong năm nay và thậm chí ít hơn vào năm 2023. Các nhà kinh tế bên ngoài cũng đã điều chỉnh triển vọng kinh tế Nga trong năm nay, rút lại những dự báo ban đầu về một cơn suy thoái sâu của Nga sau khi chứng kiến nền kinh tế Nga chống đỡ lệnh trừng phạt tốt hơn những gì họ hình dung.

Báo cáo kêu gọi chính phủ triển khai một loạt các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế và giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt nhằm đưa nền kinh tế phục hồi về mức trước chiến tranh vào năm 2024 và tăng trưởng ổn định sau đó. Trong một hoặc hai năm tới, báo cáo cảnh báo khối lượng sản xuất sẽ giảm trong một loạt lĩnh vực mà Nga định hướng xuất khẩu, từ dầu khí đến kim loại, hóa chất và các sản phẩm gỗ. Dù một số lĩnh vực có khả năng phục hồi sau đó, chúng sẽ không còn là động lực của nền kinh tế, báo cáo nhận định.

Theo báo cáo, nếu Nga cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt sang châu Âu, thị trường xuất khẩu năng lượng chủ chốt của Nga trước chiến tranh, động thái này có thể gây thiệt hại tới 400 tỉ rúp (6,6 tỉ đô la) doanh thu thuế mỗi năm. Ngoài ra, Nga sẽ không thể bù đắp hoàn toàn doanh thu khí đốt mất mát bằng cách chuyển hướng sang thị trường xuất khẩu mới ngay cả trong trung hạn. Vì vậy, sản lượng khí đốt của Nga sẽ suy giảm, đe dọa các mục tiêu mở rộng cung cấp nhiên liệu này cho thị trường nội địa. Báo cáo nhận định việc thiếu các công nghệ cần thiết cho các nhà máy sản xuất khí đốt hóa lỏng (LNG) là rất nguy cấp và có thể cản trở nỗ lực xây dựng các nhà máy LNG mới. Kế hoạch của châu Âu về việc dừng nhập khẩu hoàn toàn các sản phẩm dầu của Nga, với khoảng 55% doanh số xuất khẩu nhận được từ khu vực này vào năm ngoái, có thể khiến sản lượng dầu của Nga giảm sâu đến mức ngay cả thị trường trong nước cũng thiếu nhiên liệu này.

Báo cáo ước tính các nhà sản xuất kim loại của Nga sẽ tổn thất khoảng 5,7 tỉ đô la mỗi năm vì các hạn chế thương mại của phương Tây. Báo cáo cảnh báo, nếu nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, Nga có thể chứng kiến xuất khẩu năng lượng giảm sâu hơn nữa. Điều đó có thể kích hoạt đồng rúp lao dốc và lạm phát tăng vọt. Về phía nhập khẩu, “rủi ro lớn trong ngắn hạn là việc ngừng sản xuất do thiếu nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu”. Báo cáo cho biết về lâu dài, việc mất khả năng sửa chữa, bảo trì các thiết bị nhập khẩu có thể hạn chế vĩnh viễn khả năng tăng trưởng của Nga. “Không có nhà cung cấp thay thế nào cho một số mặt hàng nhập khẩu quan trọng”, báo cáo cho biết.

Ngay cả trong lĩnh vực nông nghiệp, nơi Điện Kremlin tự tin với nỗ lực thay thế nguồn cung nước ngoài, sự phụ thuộc vào các vật tư đầu vào quan trọng có thể buộc người Nga phải giảm tiêu thụ thực phẩm do nguồn cung ngày càng cạn kiệt, theo báo cáo. Những hạn chế về khả năng tiếp cận công nghệ phương Tây có thể khiến Nga tụt hậu một hoặc hai thế hệ so với các tiêu chuẩn hiện tại vì nước này buộc phải dựa vào các giải pháp thay thế kém tiên tiến hơn từ Trung Quốc và Đông Nam Á.

Báo cáo cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt cũng sẽ buộc chính phủ phải điều chỉnh một loạt các mục tiêu phát triển mà Tổng thống Vladimir Putin đã đặt ra trước chiến tranh, bao gồm cả mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng dân số và tuổi thọ.

Báo cáo cũng nêu ra những rủi ro lớn từ lệnh trừng phạt của phương Tây đối với các ngành nghề. Chẳng hạn, trong lĩnh vực nông nghiệp, 99% sản lượng gia cầm và 30% sản lượng bò sữa Hà Lan phụ thuộc vào nhập khẩu. Nga cũng nhập khẩu phần lớn thức ăn cho cá, các hạt giống của một số loại cây trồng quan trọng như củ cải đường, khoai tây và phân bón aminoacids.

Về lĩnh vực hàng không, 95% số lượng hành khách được vận chuyển trên các dòng máy bay do nước ngoài sản xuất và việc mất khả năng tiếp cận các phụ tùng thay thế từ nguồn nhập khẩu có thể khiến đội máy bay chở khách của Nga bị thu hẹp khi nhiều máy bay buộc phải dừng khai thác.

Về chế tạo máy, chỉ 30% công cụ máy móc là do Nga sản xuất và ngành công nghiệp trong nước sẽ không có khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Đối với lĩnh vực dược phẩm, khoảng 80% sản lượng trong nước dựa vào nguyên liệu thô nhập khẩu. Về vận tải, lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa trung chuyển của Nga qua lãnh thổ của EU sẽ khiến chi phí vận tải đường bộ của Nga tăng gấp 3.

Về truyền thông và công nghệ thông tin, các hạn chế cung cấp SIM card của phương Tây sang Nga có thể khiến Nga thiếu SIM card vào năm 2025. Lĩnh vực viễn thông của Nga có thể tụt hậu 5 năm so với các nước dẫn đầu trên thế giới trong năm 2022.

Nhà kinh tế Alexander Isakov ở Bloomberg Economics nhận định: “Với khả năng tiếp cận công nghệ phương Tây ngày càng thu hẹp, làn sóng thoái vốn của các công ty nước ngoài và những bất lợi về nhân khẩu học trong tương lai, tăng trưởng tiềm năng của Nga sẽ giảm xuống còn 0,5-1 %/năm trong thập niên tới. Sau đó, tăng trưởng của Nga tiếp tục co lại, xuống chỉ còn trên 0% vào năm 2050. Nga cũng sẽ ngày càng dễ bị tổn thương do giá hàng hóa toàn cầu giảm hoặc dự trữ ngoại hối không đủ dồi dào để cung cấp vùng đệm tài chính nữa”.

C.T.

Nguồn: FB Cù Tuấn

Xem thêm trang tin đặc biệt:

TT Zelenskiy vinh danh lính Dù và Biệt Động Quân chiến thắng ở Kharkiv. Kherson rơi vào hỗn loạn

Thảo Ly-Thụy Khanh-Phương Thảo VietCatholic 8/9/2022

 

Binh biến trong quân Nga: Cả Trung Đoàn từ chối chiến đấu. Nga kiệt quệ, tháo chạy cả ở Donetsk

Lan Vy-Thụy Khanh VietCatholic News 8/9/2022

Quân dù và Biệt động quân Ukraine bất ngờ tấn công miền Bắc. Tướng Nga thừa nhận thất thủ và bị vây

Thảo Ly-Lan Vy VietCatholic News 8/9/2022

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn