PGS.TS Vũ Trọng Khải: Làm thế nào để thể chế hoá nội dung của các nghị quyết 18, 19, 20 của Hội Nghị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ 5, khoá 13

22/07/2022 13:35

Quá trình phát triển của loài người, của mỗi quốc gia, của mỗi tổ chức và của mỗi con người là một chuỗi hoạt động giải quyết các vấn đề mới phát sinh. Sau mỗi lần giải quyết được các vấn đề mới, người ta đạt thêm được một bước tiến, dù dài, dù ngắn, để rồi sau đó một thời gian lại phát sinh nhũng vấn đề mới khác.

Nhưng để giải quyết những vấn đề mới đang hiện hữu, người ta không thể dựa vào chính những tư duy đã tạo ra các vấn đề đó. Do vậy, phải đổi mới tư duy. Con người tư duy bằng những khái niệm với tư cách là kết quả của việc khái quát hoá từ thực tiễn cuộc sống. Các khái niệm được thể hiện bằng các thuật ngữ khoa học. Tư duy logic khiến người ta liên kết các khái niệm thành một hệ quan điểm để nhận biết vấn đề, xác định nguyên nhân của nó, để rồi từ đó tìm ra giải pháp khắc phục các vấn đề đang hiện hữu. Vì vậy, việc thể chế hoá các nội dung của nghị quyết 18, 19, 20 về sửa đổi Luật đất đai, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và phát triển kinh tế tập thể, đương nhiên phải dựa trên tư duy mới, những khái niệm khoa học chuẩn xác và phương pháp tư duy logic.

rr2-1658471593.jpg

1. Các nghị quyết 18,19 và 20 đã chỉ ra khá rõ và tương đối đầy đủ những   hiện trạng yếu kém trong lĩnh vực quản lí đất đai, trong xây dựng nông thôn mới và  trong quản lí HTX , đang cản trở sự phát triển của đất nước nói chung và của nông nghiệp, nông thôn nói riêng. 2. Thừa nhận sự tồn tại và phát triển của thị trường mua-bán quyền sử dụng đất của người dân và các tổ chức thì nhà nước không thể có quyền thu hồi đất, dù có bồi thường, để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế- xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, cũng như không thể quyết định giá đất.

Quy định nhà nước có quyền thu hồi quyền sử dụng đất và đền bù theo khung giá được xác định một cách tuỳ tiện đã tạo ra biết bao dân oan, biết bao quan chức từ trung ương đến xã, phường rơi vào vòng lao lý; khiếu kiện về đất đai chiếm hơn 70% các vụ khiếu kiện của người dân. Giá mua bán quyền sử dụng đất đai nhất thiết phải do quan hệ cung-cầu quyết định. Khi cần có đất để phục vụ nhu cầu an ninh quốc phòng, nhà nước phải trưng mua theo giá thị trường;  Đồng thời nhà nước phải tái định cư, tạo lập sinh kế mới cho người dân, bảo đảm mức sống của họ chí ít bằng mức sống trước khi bị trưng mua đất.

Nhà nước chi có thể thu hồi quyền sử dụng đất đối với đất cho thuê đã hết hạn ghi trong hợp đồng, và khi chủ thể sử dụng đất vi phạm pháp luật, như sử dụng sai mục đích, để hoang hoá nhiều năm liền, gây ô nhiễm môi trường sinh thái, làm giảm độ phì nhiêu của đất nông nghiệp…

rr3-1658471655.jpg

Vì theo hiến pháp hiện hành, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lí, nên luật pháp cần quy định thời hạn sử dụng đất nông nghiệp đủ dài, khoảng 99 năm, để khuyến khích chủ thể có quyền sử dụng đất  đầu tư thâm canh,cải tạo đất, xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, thúc đẩy sự hình thành và phát triển thị trường mua bán quyền sử dụng đất, dẫn đến việc tích tụ ruộng đất diễn ra thuận lợi, minh bạch,hình thành các trang trại quy mô lớn, đủ khả năng ứng dụng công nghệ cao và gia tăng sức cạnh tranh trên thương trường trong nước và quốc tế.3.

Nhà nước cần xác định đất rừng tự nhiên là một bộ phận trọng yếu không thể thay thế được của kết cấu hạ tầng sinh thái, nên cần được bảo vệ nghiêm ngặt và khôi phục, tái sinh rừng tự nhiên trên cả đất rừng tự nhiên nhưng thực tế không có rừng. Rừng trồng (rừng sản xuất hay kinh tế) không có vai trò bảo vệ môi trường sinh thái nên không được tính vào diện tích rừng che phủ như hiện nay. 4.

Đối với đất nông nghiệp, người dân có quyền tự do chuyển đổi từ cây trồng này sang cây trồng khác, từ trồng trọt đơn thuần sang hệ sinh thái VAC theo tín hiệu của thị trường, thông qua việc tham gia chuỗi giá trị nông sản. Không nên quy định cứng nhắc diện tích trồng lúa là 3,5 triệu hectare và 1 triệu hectare trồng lúa chất lượng cao để xuất khẩu như hiện nay.

Việc đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm bao gồm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm quốc gia không chỉ phụ thuộc vào diện tích đất trồng lúa mà phụ thuộc vào sự đa dạng hoá của các hệ thống sản xuất. Chỉ quy hoạch các vùng trồng lúa ở những nơi có ưu thế nhất về điều kiện tự nhiên và được đầu tư thoả đáng để trồng lúa  có hiệu quả tương đương với các cây trồng khác, khuyến khích trồng lúa theo các thực hành sinh thái như lúa- cá, lúa-tôm, lúa -rươi, thậm chí VAC trên đất trồng lúa như Nông trường Sông Hậu trước đây. Đó chính là kinh tế tuần hoàn, đa giá trị trong nông nghiệp, mang lại hiệu quả cao cả về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Sản xuất lúa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn vệ an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc trước hết phục vụ tiêu dùng của gần 100 triệu dân Việt Nam. Việc xuất khẩu gạo không phải là mục tiêu phát triển. Vì xuất khẩu gạo là xuất khẩu tài nguyên nước vốn đã rất có hạn; tăng sản xuất lúa gạo là gia tăng ô nhiễm môi trường đất và nước. Việt Nam không có nghĩa vụ bảo đảm an ninh lương thực thế giới. 5.

Nhà nước cần ban hành luật thuế lũy tiến đối với đất phi nông nghiệp và bất động sản để chống đầu cơ, tạo giá đất ảo cao ngất ngưởng, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế- xã hội, nhất là đối với các đề án phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp. 6. Việc quy hoạch sử dụng đất thuộc thẩm quyền của nhà nước trung ương, nên không thể để nhà đầu tư lập dự án rồi đệ trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, làm phá vỡ quy hoạch, tuỳ tiện chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp “bờ xôi ruộng mật” thành khu công nghiệp, sân golf vv...

Tình trạng này cũng là một trong những nguyên nhân của việc tuỳ tiện điều chỉnh quy hoạch của chính quyền địa phương theo yêu cầu của nhà đầu tư bất động sản. 7. Thừa nhận thị trường mua bán quyền sử dụng đất, bỏ khung giá đất thì không thể thiết lập cơ quan nhà nước có nhiệm vụ xác định giá đất, xây dựng bảng giá đất ở các cấp chính quyền địa phương.Việc thẩm định giá  mua bán quyền sử dụng đất thuộc chức năng của tổ chức độc lập,không thuộc nhà nước; không thể ngăn chặn người dân chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau khi được nhà nước giao đất không thu tiền. Mặt khác, không thể giới hạn quy mô tích tụ ruông đất của các trang trại theo cơ chế kinh tế thị trường, thuận mua, vừa bán. Chỉ có khả năng quản lý hiệu quả việc sử dụng đất đai mới là giới hạn quy mô tích tụ của mỗi chủ thể sử dụng đất. 8. “Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt” nên nông nghiệp không bao giờ là trụ đỡ của nền kinh tế.

Theo số liệu thống kê, năm 2021 nông nghiệp chỉ chiếm 12,79% GDP của cả nền kinh tế và sử dụng 28,1% lực lượng lao động xã hội. Theo số liệu thống kê năm 2020, số hộ sản xuât nông, lâm nghiệp và thủy sản là 9.108.129. Nếu bình quân mỗi hộ có 3,73 nhân khẩu (theo số bình quân nhân khẩu của hộ dân cư nông thôn,nói chung), thì tổng số nhân khẩu nông, lâm nghiệp, thủy sản là 33.973.298, chiếm gần 35% dân số cả nước. Như vậy, có thể nói 12,79% GDP nông, lâm nghiệp, thủy sản phải nuôi 35% dân số cả nước. Thu nhập bình quân đầu người ở thành thị gấp hơn 1,5 lần nông thôn. Điều này còn thể hiện rõ trong đại dịch Covid 19 vừa qua, hàng triệu người lao động từ thành phố, các khu công nghiệp buộc phải ồ ạt vượt hàng ngàn cây số trở về quê hương bằng mọi phương tiện, từ xe máy, xe đạp, kể cả đi bộ. 

Điều đó đã gia tăng gánh nặng cho nông thôn vốn đang rất nghèo với một nền nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún và lạc hậu, giá trị gia tăng thấp, rủi ro cao trước các biến động của điều kiện tự nhiên và thị trường. Còn ngành công nghiệp, dịch vụ và thương mại  mang lại giá trị gia tăng cao, phải tài trợ cho ngành nông nghiệp vượt qua khủng hoảng, bằng cách trích một phần lợi nhuận của các ngành này để lập quỹ bảo hiểm nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp là một hoạt động kinh tế nên không thể nói đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Nếu theo logic này thì phải chuyển tư duy sản xuất xe hơi, sản xuất thép sang tư duy kinh tế xe hơi, kinh tế thép… 9. Phát triển nông nghiệp, nông dân nông thôn toàn diện, bền vững là một tiến trình không có điểm kết thúc, bao gồm 3 nội dung kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

Do vậy, không thể coi xây dựng “nông thôn mới” là một danh hiệu th i đua với 19 tiêu chí do nhà nước quy định. Điều đó đã cào bằng trình độ phát triển, điều kiện tự nhiên, kinh tế- xã hội, văn hoá giữa các vùng miền, giữa các làng xã. Làng xã nông thôn mới là so với chính nó ngày hôm qua. Dân làng tự quyết định thứ tự ưu tiên giải quyết từng vấn đề của họ. Làng, bản nào cũng phải xây nhà văn hoá rồi không sử dụng trong khi mọi sinh hoạt cộng đồng đều diễn ra ở đình làng, nhà rông. Dân đang thiếu ăn, thiếu mặc thì vấn đề cần được ưu tiên giải quyết là tìm kiếm sinh kế mới, người dân đang phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm thi phải ưu tiên xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch cho đời sống và sản xuất, chứ không phải cùng một lúc phải đạt 19 tiêu chí. Chỉ tiêu phấn đấu sỗ xã, huyện, tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới với 19 tiêu chí là đã đánh đồng mục tiêu và giải pháp phát triển, là mảnh đất màu mỡ cho bệnh thành tích và” văn hoá phong bì” nảy sinh, phát triển. 10.

Phát triển kinh tế nông nghiệp là phát triển trang trại, vì trang trại là tế bào của nền nông nghiệp. Nền kinh tế trang trại đồng nghĩa với nền kinh tế nông nghiệp. Trang trại là tổ chức kinh doanh nông nghiệp, chủ yếu thực hiện các khâu sản xuất mang tính sinh học, lấy cây trồng vật, nuôi làm đối tượng sản xuất. Trang trại cũng như các tổ chức kinh doanh trong công nghiệp, dịch vụ, thương mại, bao gồm các hình thức tổ chức khác nhau: trang trại gia đình chính là kinh tế hộ nông dân, trang trại cá nhân (một chủ sở hữu), trang trại hợp danh, trang trại nhà nước, trang trại tránh niệm hữu hạn và trang trại cổ phần. Nói cách khác, doanh nghiệp nông nghiệp chính là trang trại sản xuất nông sản hàng hoá vì mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận. Khái niệm “gia trại” không có trong bảng phân loại trang trại theo bản chất kinh tế- xã hội và chế độ sở hữu. 11. Quy hoạch phát triển công nghiệp và đô thị ở nông thôn không được sử dụng đất nông nghiệp “bờ xôi ruộng mật”, không được phá vỡ kết cấu hạ tầng thuỷ lợi, giao thông trên phần diện tích đất nông nghiệp còn lại. 12.

Kinh tế tập thể là một bộ phận của nền kinh tế quốc gia không chỉ vì mục đích riêng tư, tối đa hoá lợi nhuận trên vốn của người chủ sở hữu mà chủ yếu phục vụ trực tiếp lợi ích chung của cộng đồng trong hệ thống phúc lợi quốc gia. Kinh tế tập thể bao gồm các hình thức tổ chức là hợp tác xã và dịch vụ công trên phạm vi địa phương, quốc gia và quốc tế. Các tổ chức này có tư cách pháp nhân, có tài sản riêng và quyền định đoạt các tài sản đó. Hợp tác xã là một tổ chức kinh tế -xã hội không có mục đích lợi nhuận tự thân mà nhằm mục đích thoả mãn nhu cầu của xã viên, thông qua việc cung ứng dịch vụ đầu vào và đầu ra cho hoạt động kinh tế và đời sống của họ. Thặng dư (surplus) thu được từ hoạt động dịch vụ cho xã viên được phân phối theo mức độ sử dụng dịch vụ của họ và gia tăng quỹ không chia của hợp tác xã.

Hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận bên ngoài thì đương nhiên phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng lợi nhuận thu được của hợp tác xã dùng để gia tăng tài sản không chia nhằm nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu của xã viên, không nên chia theo vốn góp của họ. Vì hợp tác xã là một tổ chức đối nhân, mỗi xã viên dù góp vốn nhiều hay ít khác nhau, cũng đều có một là phiếu biểu quyết các vấn đề của hợp tác xã.  Nếu chia lợi nhuận theo vốn góp thì HTX chẳng khác gì Công ty. Việc phát triển hợp tác xã trước hết là phải gia tăng số lượng xã viên, nhờ đó hợp tác xã mới có thể gia tăng quy mô hoạt động dịch vụ, khả năng tài chính để thuê giám đốc điều hành và chuyên gia phục vụ hoạt động của mình. Trong nông nghiệp, các chủ trang trại gia đình có quy mô kinh doanh lớn, nhờ tích tụ ruộng đất bằng cơ chế thị trường, phải là nòng cốt trong lực lượng sáng lập và quản trị hợp tác xã, xây dựng mối liên kết theo chiều ngang giữa các xã viên cùng sản xuất một số loại nông sản hàng hoá, có nhu cầu chung trong việc sử dụng dịch vụ đầu vào và đầu ra. Nhờ đó, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh mới hình thành và phát triển bền vững, tạo nguồn nguyên liệu ổn định có chất lượng cao cho công nghiệp chế biến và thương mại nông sản. Sự thất bại của việc xây dựng cánh đồng lớn “liền đồng, cùng trà giống, khác chủ” là do các chủ thể (nông dân) tham gia có quy mô sản xuất nhỏ, nên dễ sinh ra bội tín và tuỳ tiện, không tuân theo hợp đồng sản xuất đã ký kết. HTX không thực hiện các khâu sản xuất mang tính sinh học như trang trại, nên không có nhu cầu tích tụ ruộng đất. Còn kinh tế hợp tác là sự liên kết giữa các chủ thể kinh doanh một cách tự nguyện vì lợi ích của mỗi thành viên. Kinh tế hợp tác tồn tại dưới hai hình thức tổ chức có tư cách pháp nhân và tổ chức không có tư cách pháp nhân. Hợp tác xã, liên hiệp các hợp tác xã, các loại hình công ty là các tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, có tài sản chung và quyền định đoạn tài sản đó trong hoạt động. Tổ hợp tác sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản là các hình thức kinh tế hợp tác không có tư cách pháp nhân, hoạt động theo Luật dân sự và luật hợp đồng kinh tế, nên không cần có luật riêng cho hình thức kinh tế hợp tác này, mà chỉ cần có chính sách khuyến khích phát triển.13.

Các tổ chức kinh doanh dưới mọi hình thức theo luật doanh nghiệp và luật hợp tác xã đều bình đẳng trước pháp luật, vì thế, quan điểm kinh tế tập thể cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân, đồng thời lại xác lập kinh tế tư nhân là động lực phát triển, không thể cùng tồn tại trên thực tế. 14. Để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhà nước cần có chính sách đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, hình thành đội ngũ nông dân-những chủ trang trại và nhà quản lý hợp tác xã chuyên nghiệp, có trình độ và kỹ năng kinh doanh theo cơ chế thị trường, chủ động tham gia xây dựng và phát triển hợp tác xã, liên kết sản xuất-tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và đầu ra.

Thanh niên nông dân tốt nghiệp trung học cơ sở nếu có nguyện vọng đều được tham gia các khoá đào tạo miễn phí ở các trường cao đẳng và đại học nông nghiệp công lập. Nhà nước không đánh thuế đối với hoạt động dịch vụ của hợp tác xã, đáp ứng đầu vào và đầu ra của xã viên. Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, như tài trợ kinh phí kiểm toán độc lập hàng năm cho hợp tác xã mới thành lập trong thời gian 3-5 năm, không thu tiền sử dụng đất xây dựng văn phòng, nhà xưởng chế biến nông sản.

Mặt khác, nhà nước nên có chính sách tài trợ một phần lãi suất tín dụng cho các HTX, liên hiệp HTX và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản ứng dụng công nghệ cao, đóng vai trò lãnh đạo chuỗi giá trị nông sản trong 3-5 năm đầu. Nhà nước nên tin tưởng HTX và trao quyền cung cấp các dịch vụ tín dụng nội bộ, bảo hiểm tương tế…để phục vụ các hộ thành viên. Chính sách tín dụng cho HTX cũng cần chuyển từ thế chấp tài sản (chủ yếu là đất đai) do HTX không có quyền sử dụng đất, sang tín chấp theo dự án dịch vụ nông nghiệp khả thi. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng phương thức này.

PGS Vũ Trọng Khải gửi BVN. Bài đã đăng trên Nông thôn phát triển

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn