Liên tục vỡ phòng tuyến ở Ukraine, quân đội Nga gây hoài nghi cho đồng minh [như… ]và hoảng hốt cho cả thầy lẫn tớ trong nội bộ nước Nga (*)

Thanh Danh (Theo Economist, AP, CNN)

Những tuyên bố của quân đội Nga về thành quả ở Ukraine gây hoài nghi trong dư luận nước này, khi phòng tuyến ở Ukraine liên tục sụp đổ.

Ngày 3/10 đáng lẽ được xem là cột mốc "thắng lợi" của chiến dịch tại Ukraine đối với giới lãnh đạo quân sự, chính trị ở Moskva. Các hiệp ước sáp nhập 4 tỉnh Ukraine đã được Tòa án Hiến pháp Nga công nhận tính hợp hiến, vài giờ sau khi được Hạ viện thông qua.

Trong khi quân đội Nga thông báo chiến dịch quân sự vẫn "diễn ra theo kế hoạch" ở Ukraine, lộ trình phê duyệt hiệp ước sáp nhập 4 tỉnh cũng diễn ra thuận lợi, khi được phê duyệt rất nhanh chóng, với tỷ lệ nhất trí tuyệt đối tại Hạ viện. Chúng chỉ còn chờ được gửi đến Thượng viện Nga rồi sẽ nằm trên bàn làm việc của Tổng thống Vladimir Putin, chờ ký thông qua và chính thức có hiệu lực.

Thế nhưng, trên chiến trường, quân đội Ukraine không mấy quan tâm đến những thủ tục ở Moskva. Khi các nghị sĩ Hạ viện Nga đứng dậy vỗ tay mừng kết quả bỏ phiếu cũng là lúc xe tăng Ukraine tiến vào Lyman, thành phố chiến lược ở Donetsk, một trong 4 tỉnh nằm trong hiệp ước sáp nhập của Nga.

Lực lượng Nga khi đó đã hối hả rút khỏi thành phố mà họ đã kiểm soát nhiều tháng qua. Rút khỏi Lyman, quân đội Nga mất một phòng tuyến quan trọng, cũng như một nút hậu cần trọng yếu phục vụ hoạt động tác chiến ở vùng Donbass.

Quân nhân Ukraine ngồi trên nóc xe thiết giáp, hành quân tại tỉnh Kharkov ngày 9/9. Ảnh: AFP.

Quân nhân Ukraine ngồi trên nóc xe thiết giáp, hành quân tại tỉnh Kharkov ngày 9/9. Ảnh: AFP.

Trong đêm 3/10, khi các chỉ huy Nga chưa hết bối rối với thất bại ở Lyman, 6 tiểu đoàn Ukraine chọc thủng phòng tuyến đối phương ở Kherson, cũng là một trong 4 tỉnh Nga sáp nhập.

Lúc lính Nga gửi thông điệp yêu cầu không quân chi viện hỏa lực, các tiểu đoàn Ukraine đã tiến sâu gần 20 km tính từ phòng tuyến ban đầu. Bộ tư lệnh quân khu miền nam Ukraine hôm sau tuyên bố đã hạ 44 xe tăng và 370 binh sĩ đối phương trong mũi tấn công thọc sâu này.

Hai mũi tiến công đồng loạt của Ukraine đến nay chưa có dấu hiệu dừng lại, ngay cả khi Tổng thống Putin ký văn kiện sáp nhập 4 tỉnh. Các phòng tuyến của lực lượng Nga ở miền đông lẫn miền nam, từ Kharkov đến Donetsk và Kherson, lần lượt vỡ vụn.

Giới quan sát nhận định thực tế này đang tạo ra sức ép chính trị rất lớn với giới lãnh đạo quân đội Nga. Ngày càng nhiều học giả, nghị sĩ, nhà bình luận ủng hộ Điện Kremlin bày tỏ nỗi thất vọng với giới chỉ huy quân đội Nga và hoài nghi những báo cáo kết quả chiến trường của họ.

Andrey Kartapolov, chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga, ngày 5/10 công khai chỉ trích Bộ Quốc phòng "phải chấm dứt dối trá", báo cáo đầy đủ diễn biến chiến trường Ukraine.

Andrey Gurulyov, nghị sĩ Hạ viện Nga và cựu tư lệnh Quân khu miền Nam, cũng thể hiện nỗi thất vọng ngay trên sóng truyền hình. Ông thừa nhận "không thể hiểu được" vì sao các đơn vị phòng thủ Lyman quyết định rút lui, hay vì sao quyết định chi viện lực lượng cho thành phố này không được triển khai cấp tốc như thông báo.

Khi quân đội Ukraine bắt đầu khép vòng vây quanh Lyman, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đang điều lực lượng tới giải vây. Nhưng khi Lyman thất thủ, quân đội Nga không còn đề cập gì đến "lực lượng giải vây" này nữa.

T.D.

Nguồn: vnexpress.net

(*) Đầu đề BVN bổ sung cho rõ nghĩa.

Người Nga thất vọng với bước lùi của quân đội ở Ukraine

Thanh Tâm (theo Guardian)

Ngay cả những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho chiến dịch quân sự của Nga cũng tỏ ra thất vọng với thất bại liên tiếp ở chiến trường Ukraine.

Sau những cuộc rút quân của lực lượng Nga ở phòng tuyến Kherson, chưa đầy một tuần sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố sáp nhập tỉnh này cùng ba khu vực khác của Ukraine vào lãnh thổ Nga, Kirill Stremousov, thống đốc Kherson do Moskva bổ nhiệm, đã cố gắng xoa dịu tâm trạng của người dân.

Stremousov hôm 5/10 tuyên bố đây là chiến thuật lui quân để "tái tập hợp" lực lượng của Nga trước khi "giáng đòn trả đũa" vào quân đội Ukraine, chứ không phải một cuộc tháo chạy hỗn loạn.

Nhưng bình luận của Stremousov cũng là lời thừa nhận rằng lực lượng Nga đang phải liên tục rút lui ở Kherson. Nhiều học giả, nhà bình luận ủng hộ Điện Kremlin ở Nga cũng ngày càng thừa nhận thực tế rằng lực lượng Nga đang đối mặt với tình huống khó khăn nhất kể từ khi phát động chiến dịch quân sự cách đây hơn 7 tháng.

"Tôi biết các bạn chờ đợi bình luận của tôi về tình hình hiện nay. Nhưng tôi thực sự không biết phải nói gì với các bạn. Cuộc rút quân là một thảm họa", Roman Saponkov, phóng viên chiến trường nổi tiếng của Nga, viết trên Telegram, mô tả nỗi thất vọng của ông về đợt rút lui ở Kherson.

Xe tăng Nga và xe quân sự bị phá hủy ở thành phố Lyman, vùng Donetsk, miền đông Ukraine hôm 5/10. Ảnh: Reuters.

Xe tăng Nga và xe quân sự bị phá hủy ở thành phố Lyman, vùng Donetsk, miền đông Ukraine hôm 5/10. Ảnh: Reuters.

Quy mô đợt lui quân của Nga ở Kherson chưa rõ ràng. Trong bài phát biểu đêm 4/10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết "quân đội Ukraine đang thực hiện các cuộc phản công nhanh và mạnh mẽ ở miền nam đất nước". Ông nêu tên 8 thị trấn nhỏ ở Kherson mà lực lượng Ukraine đã giành lại gần đây.

Khi được hỏi liệu có sự mâu thuẫn giữa tuyên bố sáp nhập của Nga và tình hình trên thực địa hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 5/10 khẳng định là không. Các vùng lãnh thổ "sẽ mãi là của Nga và sẽ được lấy lại", ông nói thêm.

Tuy nhiên, nhiều blogger và nhà báo quân sự Nga ủng hộ cuộc chiến không thể hiện sự tự tin như vậy. Họ phác họa một bức tranh ảm đạm về tình trạng giảm sút tinh thần chiến đấu của binh sĩ Nga, cho rằng những thất bại ở miền nam Ukraine là do các binh sĩ bị kiệt sức sau nhiều tháng chiến đấu liên miên mà không được đổi quân.

"Tôi bị chỉ trích vì khiến mọi người chán nản với những bản tin mà tôi cung cấp. Nhưng thực tế là vậy, sẽ không có tin tốt trong tương lai gần", Aleksandr Kots, nhà báo ủng hộ Điện Kremlin hành quân cùng lực lượng Nga để đưa tin từ chiến trường, nói ngày 4/10. "Chúng tôi không có đủ người, mệt mỏi và không còn sức để giữ các vùng lãnh thổ đã giành được".

Vào ngày Tổng thống Putin phát lệnh động viên một phần hôm 21/9, hợp đồng phục vụ của những người lính chiến đấu ở Ukraine cũng được tự động chuyển thành vô thời hạn. Quyết định đó đã khiến nhiều quân nhân chuyên nghiệp không thể rời Ukraine, ngay cả khi thời hạn phục vụ theo hợp đồng sắp hết.

"Chúng tôi nhận được hàng trăm yêu cầu mỗi ngày từ những người lính muốn hủy hợp đồng", một luật sư quân sự giấu tên nói. "Hầu hết quân nhân chuyên nghiệp khi ký hợp đồng phục vụ với quân đội không biết họ sẽ được điều đến Ukraine khi chiến dịch bắt đầu. Họ từng hy vọng sẽ được về nhà sau khi hợp đồng hết hạn. Bây giờ điều đó không thể thực hiện được nữa".

Việc lực lượng Nga rút khỏi Lyman, thành phố chiến lược ở miền bắc Donetsk, đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích công khai của các quan chức, nghị sĩ Nga đối với chỉ huy cấp cao của quân đội.

"Tôi không biết Bộ Quốc phòng báo cáo điều gì với Tổng thống Putin, nhưng tôi thấy rằng họ phải có những biện pháp quyết liệt hơn", lãnh đạo Cộng hòa Chechnya Ramzan Kadyrov nói.

Lính Ukraine khai hỏa về phía quân Nga ở vùng Kharkov hôm 5/10. Ảnh: Reuters.

Lính Ukraine khai hỏa về phía quân Nga ở vùng Kharkov hôm 5/10. Ảnh: Reuters.

Quân đội Nga cho rằng rút quân khỏi Lyman chỉ là "một thất bại nhỏ", tuyên bố họ đã khiến quân đội Ukraine phải chịu thương vong nặng nề khi tấn công thành phố này.

Nhưng theo điều tra của BBC tiếng Nga, một trong những đơn vị tình báo quân sự tinh nhuệ nhất của Nga đã chịu thương vong cao trong đợt rút lui khỏi Lyman. Lữ đoàn Spetsnaz Cận vệ số 3 được cho là đã mất khoảng 3/4 lực lượng trinh sát kể từ khi xung đột Ukraine bắt đầu.

Các kênh truyền hình Nga giờ đây cũng bắt đầu đề cập thất bại quân sự trên chiến trường Ukraine.

"Tại sao chúng ta chỉ tiến được từng mét, trong khi họ giành được từng ngôi làng một", Olga Skabeyeva, một MC hàng đầu Nga, đặt câu hỏi với Andrei Marochko, quan chức được Nga bổ nhiệm ở Lugansk, trong chương trình gần đây.

Trước nỗi thất vọng ngày càng lớn trong dư luận, Điện Kremlin dường như hy vọng lệnh động viên lực lượng dự bị sẽ sớm giúp bù đắp tổn thất ở Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu hôm 4/10 nói rằng 200.000 lính dự bị đã được huy động trong vòng hai tuần và hiện được đào tạo tại 80 thao trường và 6 trung tâm trên khắp nước Nga.

Bộ Quốc phòng Nga cũng đăng các video tân binh được huấn luyện, hay cảnh họ được chuyển đến các khu vực ở Lugansk do Nga kiểm soát và được dân địa phương chào đón.

Đà thọc sâu của quân đội Ukraine ở Lugansk sau khi chiếm được Lyman. Đồ họa: Guardian.

Đà thọc sâu của quân đội Ukraine ở Lugansk sau khi chiếm được Lyman. Đồ họa: Guardian.

Tuy nhiên, những bất cập trong quá trình thực thi lệnh động viên đã gây ra nhiều hỗn loạn và bất bình trong dư luận Nga, đặc biệt là sau khi các video trên mạng xã hội cho thấy nhiều tân binh phải sống trong điều kiện tồi tệ ở trung tâm huấn luyện trong khi chờ triển khai tới Ukraine.

Một nhóm binh sĩ từ thành phố Omsk của vùng Siberia đã đăng video lên mạng, yêu cầu giới chức trả số tiền mà họ được hứa hẹn khi đăng ký nhập ngũ theo lệnh động viên. "Chúng tôi sẵn sàng lên đường. Nhưng làm ơn hãy giúp đỡ chúng tôi và gia đình", một người lính trong số họ nói.

T.T.

Nguồn:  vnexpress.net

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn