Nổ cháy sập cầu Kerch và hệ luỵ

Kim Văn Chinh

Có thể là hình ảnh về ngoài trời và văn bản

1. Cầu Kerch bị đánh nổ, cháy, sập một phần là sự kiện lớn của cuộc chiến, có thể tạo ra bước ngoặt của chiến tranh Nga – Ukraina.

Cần nhớ, cuộc chiến đã có 3 bước ngoặt:

- Trận thắng của Ukraina tiêu diệt quân Nga, giải phóng Sân bay Antonov và vùng phụ cận đã tạo bước ngoặt cuộc chiến, theo đó, Nga buộc phải rút quân khỏi Kiev, Sumi để tập trung nguồn lực vào các tỉnh miền Đông và Nam Ukraina với tham vọng chiếm hành lang từ Kharkiv đến Odessa…;

- Trận đánh chìm soái hạm Moskva làm cho Nga phải từ bỏ vũ khí dùng các chiến hạm, tàu ngầm để bắn các tên lửa đạn đạo uy hiếp sâu trong đất liền. Hạm đội Biển Đen còn lại phải điều chuyển co cụm về tận vùng biển thuộc Nga vùng Sochi;

- Trận gần đây gồm chuỗi chiến thắng Kupiansk – Izium buộc Nga phải tổng động viên để cứu vãn tình trạng thiếu hụt nhân lực ngoài chiến trường, đồng thời một lần nữa đe dọa vũ khí hạt nhân. Trận bồi thêm và cũng là hệ quả là Nga buộc phải rút quân đổ đầu máu ở Lyman làm cho nội bộ lãnh đạo Nga lục đục và phân rẽ rõ rệt, giờ chỉ lo đối phó và chống đỡ, không có bước đi mang màu sắc chiến lược trong cuộc chiến.

Chưa hoàn hồn về trận Lyman và tình trạng bị bao vây, tấn công vùng Kherson thì cầu Kerch bị đánh nổ. Có những vấn đề sau đây sẽ còn tốn rất nhiều tâm sức, giấy mực của các bên tham gia và liên quan cũng như các nhà bình luận bên ngoài.

2.Thực sự thì cầu Kerch bị đánh hay chỉ là một “tai nạn” ngẫu nhiên?

Câu hỏi này chắc chắn sẽ nhanh chóng được khẳng định là có bàn tay chủ đích của con người. Rất khó có thể xảy ra các yếu tố ngẫu nhiên để có một vụ nổ, cháy gây sập cầu ngoạn mục, hy hữu đến như vậy. Quan sát kỹ vụ nổ ta thấy nhiều khả năng có một vụ nổ ở một bên của 1 tuyến cầu đoạn cầu dẫn, ngay chỗ có cái xe tải container đi qua (không phải đoạn cầu chính có các nhịp vòm sắt). Sau một số giây thì sức nổ trùm lên chiếc xe tải và cháy nổ to hơn. Giữa lúc đó, ở phía trên cao là cầu đường sắt lại có 1 đoàn tàu vận tải đang chạy qua có 7 toa chở xăng dầu, gây cháy luôn các toa xăng kéo dài mấy tiếng đồng hồ cho đến khi lực lượng cứu hỏa dùng máy bay trực thăng dập được đám cháy… Cháy nổ như vậy khó có thể kết luận là ngẫu nhiên hoặc do bất cẩn hút thuốc, đun nấu gì đó…

3.Cầu thiệt hại như thế nào?

Cầu Kerch được làm có 2 tuyến đường 2 chiều cạnh nhau nhưng độc lập nhau trên mặt cầu, mỗi tuyến cầu có 2 làn xe hơi; bên cạnh có cầu đường sắt với 2 tuyến đường ray chạy 2 chiều.

Vụ nổ làm sập 2 đoạn ở 2 nhịp khác nhau. Mặt cầu bị đứt gãy rời khỏi trụ sập toàn bộ mặt cầu và hệ dầm đỡ xuống biển.

Thiệt hại về người được biết có 3 người bị chết: 1 cặp nam nữ trên 1 xe hơi và 1 lái xe tải (đang nghi là xe tải này chở thuốc nổ). Trên cầu đường sắt, cháy các toa xăng làm cho hệ lan can và các cấu kiện thép bị cháy cong keo biến dạng và biến mầu các cấu kiện trên cầu và lan can một đoạn dài cả trăm mét…

Mức độ thiệt hại như vậy là lớn.

Tuy nhiên, do cầu đường sắt kết cấu hầu như không bị ảnh hưởng nhiều, cầu xe hơi thì vụ nổ cũng chỉ làm sập 1 tuyến đường và hư hại bề mặt tuyến thứ hai, không gây gãy trụ bê tông dự ứng lực, do vậy cầu cũng không khó khôi phục một phần về vận tải.

Nga đã khắc phục, khôi phục cầu như thế nào?

Phải nói cây cầu đúng là niềm tự hào của Nga cũng như Putin là ông chủ Kremlin quyết đinh chi 4 tỷ $ cho làm cầu.

Các kỹ sư và lực lượng Nga đã rất giỏi trong việc nhanh chóng đánh giá tình hình và tiến hành các biện pháp khôi phục năng lực vận tải cho cầu.

Trong vòng chưa đầy 15 tiếng sau vụ nổ, cầu đã được dọn dẹp các rơi vãi, tổ chức ngăn phân luồng, mốc dầu ban đầu cho 1 luồng xe đi lại được trên mặt cầu của tuyến đường chưa bị sập.

Năng lực vận tải xe hơi như vậy giảm đi hơn 3/4 vì với một làn như vậy, phải tổ chức chia lượt để xe qua lại rất phiền toái và chậm. Chắc chắn Nga sẽ phải

tăng cường các phà chở ô tô để phục vụ lưu thông đường bộ.

Đường sắt đã được thông đường nhưng chắc chắn phải đi tốc độ chậm khi qua đoạn này.

Việc phục hồi cầu (nếu đủ nguồn lực và điều kiện an toàn), chắc chắn phải mất vài tháng. Dù phục hồi gác lại dầm cầu trên các trụ chưa bị hư hại, cầu cũng đã bị trọng thương không được nguyên vẹn như trước.

4.Tìm thủ phạm vụ nổ cầu?

Phía Nga rơi vào tình huống rất khổ (giống như hồi Soái hạm Moskva bị chìm). Nếu tìm được bằng chứng hoặc tạo bằng chứng để quy kết ngay cho lực lượng vũ trang Ukraina đánh cầu thì cũng rất khó xử: Uy tín nước Nga và uy tín Putin và quân đôi sẽ bị sập trước hết là trước dân Nga do Nga đã bố trí và tuyên bố cầu là niềm tự hào của Nga, được bảo vệ tận kẽ tóc không một con ruồi bay lọt.

Hơn nữa, nhiều lãnh đạo nga (Medvedev) đã từng tuyên bố là nếu Ukraina đụng đến cầu Kerch thì ngay lập tức sẽ bị trừng phạt không thương tiếc bằng các vũ khí hủy diệt (ám chỉ hạt nhân). Nhưng giờ cầu đã bị đánh (bởi Ukraina), nhưng chính Nga giờ cũng chưa biết trừng phạt bằng gì, làm gì… Theo các tư liệu kiểm soát cầu, Nga đang nghi vấn chiếc xe tải container đầu đỏ do một lái xe (không phải quân đội), là người Nga ở Krasnodar lái, Nga nghi là chính xe này chở chất nổ theo cách nào đó và gây nổ chủ đích (đánh cảm tử) hoặc bị biệt động Ukraina lợi dụng đặt chất nổ và kích nổ từ xa… Nga đã xác định lộ trình chiếc xa tải từ nơi xuất phát, đi lấy hàng hóa và lên cầu.

Việc qua cầu được kiểm tra rất nghiêm ngặt: các xe dân sự phải chạy qua một máy dò tìm chất nổ, vũ khí, chưa nói còn được lính gác kiểm tra bằng mắt mở thùng xe…

Do vậy, giả thiết xe tải chở đầy thuốc nổ khó tính thuyết phục.

Chúng ta phải chờ các tư liệu điều tra của Nga.

Cũng có thể do tình huống há miệng mắc quai buộc phải lúng búng hột thị mà nguyên nhân vụ nổ cầu sẽ chỉ được Nga công bố như kiểu soái hạm Moskva, rằng vụ nổ là do tai nạn ngẫu nhiên, thiệt hại không đáng kể, cầu đã được khôi phục…

Về logic, như trên đã nói, vụ này chắc chắn là đánh có chủ đích.

Tuy nhiên, cũng giống vụ Tàu Moskva và các vụ bắn pháo khác, Ukraina vẫn lấp lửng không công nhận chính thức mình là người tổ chức đánh và chịu trách nhiệm (dẫu sau Ukraina cũng không muốn chiến tranh leo thang, thực hiện chiến lược luộc ếch Putin để không giãy giụa mạnh làm hỏng bát canh đang chín ngon).

Nếu đúng là Ukraina đánh, thì có thể vụ đánh cầu này là một trận đánh trên cả thiên tài, kết tinh các vũ khí, phương tiện, con người với các tính toán, điều phối tinh vi nhất, chỉ có thể so sánh với vụ Khủng bố 11- 9 của Bill Laden.

Chúng ta chờ các nhà “bình loạn” giỏi thuyết âm mưu đưa ra các giả thiết trong những ngày tới.

5. Tác động (hệ lụy) vụ nổ sập cầu?

Thứ nhất, hệ lụy trực tiếp làm cho Nga đang khó khăn lại càng khó khăn, đang suy sụp tinh thần lại càng suy sụp, đặc biệt là đối với dân và lính Nga ở Crimea, Kherson…

Thứ hai, tác động đến nội tình nước Nga rất mạnh vì nó đánh vào tâm thức của người Nga vẫn tự hào về cây cầu như biểu tượng của sức mạnh Nga. Uy tín Putin và quân đội sụt mạnh.

Thứ ba, Ukraina được tăng uy tín và thuận lợi trong cuộc chiến.

Loài người tiến bộ ở nhiều nước vui mừng trước thiệt hại của Nga, tin hơn vào sự thua cuộc tất yếu của Nga trong cuộc chiến.

K.V.C.

Nguồn: FB Kim Van Chinh

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn