Lại luận án cầu lông

Nguyễn Văn Tuấn

Mấy hôm nay, báo chí (kể cả đài RFA) lại ồn ào về chuyện luận án tiến sĩ nhân một luận án về cầu lông mới được công bố. Tôi thử đọc qua luận án này, nhưng phải nói là rất khó đọc.

Khó đọc một phần là do cách dùng chữ rất khó hiểu (chứ không hẳn là thuật ngữ). Chẳng hạn như tác giả dùng chữ 'Khách thể nghiên cứu' (trang 50). Thú thiệt, tôi không rõ 'khách thể' là gì, nên phải tra từ điển tiếng Việt của Ban Tu Thư (NXB Khai Trí, Saigon 1973). Theo Từ điển này thì 'khách thể' là 'đối tượng'. Ah há! Đối tượng thì tiếng Anh là 'Object'. Vậy sao không dùng chữ 'Đối tượng' cho dễ hiểu?

Mà, ngay cả cách dùng chữ 'khách thể' để đề cập đến 'đối tượng' cũng không đúng. Trong luận án, tác giả dùng chữ 'khách thể' để mô tả những so sánh số liệu trước và sau can thiệp. Đó không phải là đối tượng. Mà, cần gì phải phức tạp hoá vấn đề nhỉ? Sao không nói thẳng là đánh giá hiệu quả của can thiệp.

Cũng trong luận án, tác giả dùng chữ 'Đối tượng nghiên cứu' và được mô tả là 'các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động CLB cầu lông của Trường ĐHSP Hà Nội 2'. Tôi nghĩ đó cũng không phải là đối tượng nghiên cứu.

Trong nghiên cứu khoa học, chữ 'đối tượng' (subject) thường dùng để chỉ người, động vật (như chuột, cá, trừu), tế bào, v.v. Xin nói thêm là sau này, trong y văn người ta không dùng chữ Subject cho con người nữa. Cách mà tác giả mô tả 'đối tượng' chẳng có liên quan gì đến đối tượng nghiên cứu cả.

Luận án còn trình bày 'Phương pháp toán học thống kê' (trang 56). Đọc qua thì thấy là những công thức tính toán rất căn bản trong thống kê học, như trung bình, phương sai, độ lệch chuẩn, kiểm định Ki bình phương, kiểm định t, v.v. Điều đáng nói là cách dùng kí hiệu và một vài công thức không đúng chuẩn mực.

Chẳng hạn như công thức phương sai (trang 56) là sai, vì mẫu số đáng lí ra là n-1, chứ không phải n. Hay như công thức kiểm định Ki bình phương cũng viết sai. Còn công thức kiểm định t thì không hẳn là sai, nhưng cách ghi chú "n > 30" là không đúng.

Tuy nhiên, việc viết sai công thức không quan trọng bằng kết quả dùng các công thức đó. Chẳng hạn như tôi làm một tính toán nhanh trên dữ liệu trong bảng 3.3 (trang 62) thì có được kết quả như sau X^2 = 19.8, P = 0.00018. Thế nhưng tác giả báo cáo X^2 = 49.38! Tôi không hiểu tại sao có sự khác biệt như vậy.

Những vấn đề nhỏ như vậy có thể chẳng làm thay đổi kết luận của luận án, nhưng nếu chỉnh sửa cho đúng hơn thì có thể nâng cao chất lượng của luận án.

TB: Mấy năm nay, tôi và vài bạn cố gắng nâng cao năng lực khoa học cho các bạn trong nước qua những khoá học về phương pháp nghiên cứu khoa học và cách viết bài báo khoa học. Tôi đoán rằng nếu tác giả luận án có tham dự các lớp do chúng tôi hướng dẫn thì chắc chắn không thể có những vấn đề như nêu trên. Cuối năm nay, chúng tôi có một khoá học 7 ngày bàn về phương pháp hồi qui và công bố khoa học ở ĐH Văn Lang. Ghi danh ở đây: http://bit.ly/dangky-DHVL

N.V.T.

Nguồn: FB Nguyễn Tuấn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn