Việt Nam khó xử: Hiện đại hoá quân đội như thế nào hậu chiến tranh Ukraine

Carlyle A. Thayer trả lời ngắn gọn các câu hỏi

1 tháng 2 năm 2023

Vietnam’s Conundrum: How to Modernise its Military under the Shadow of the Ukraine War,” Thayer Consultancy Background Brief, February 1, 2023.

Bauxite Việt Nam dịch

Câu hỏi 1. Việt Nam hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung vũ khí quân sự từ Nga. Cuộc chiến Nga-Ukraine ảnh hưởng như thế nào đến quân đội Việt Nam và Việt Nam sẽ khắc phục điều đó như thế nào?

TRẢ LỜI: Việc mua sắm vũ khí của Việt Nam nói chung và việc mua từ Liên bang Nga, nhà cung cấp lớn nhất của Việt Nam, nói riêng, đã giảm mạnh kể từ năm 2014 khi Nga sáp nhập Crimea. Các thương vụ VN mua vũ khí từ Nga đã giảm từ hơn một tỷ đô la Mỹ vào năm 2014 xuống còn dưới 200 triệu đô la Mỹ giai đoạn 2019-2021. Khoản chi lớn nhất của Việt Nam là để mua 64 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90SK vào năm 2017. Trong cuộc chiến ở Ukraine xe tăng T-90 gặp nhiều thất bại.

Một trong những nguyên nhân của việc Việt Nam giảm nhanh chóng việc mua vũ khí Nga sau năm 2014 là việc Quốc hội Hoa Kỳ năm 2017 thông qua Đạo luật Chống lại kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA). CAATA đe dọa trừng phạt các quốc gia mua vũ khí từ Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ khi đó là Jim Mattis ủng hộ việc miễn trừ cho Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia, với lý do họ không thể đột ngột ngừng phụ thuộc vào vũ khí và công nghệ quân sự của Nga. Một quốc gia không đủ điều kiện để được miễn trừ nếu bất kỳ tổ chức chính phủ nào của quốc gia đó có liên quan các tin tặc Nga đã can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ. Ngoài ra, sự miễn trừ chỉ có giá trị trong một khoảng thời gian giới hạn. Nó chỉ có thể được gia hạn nếu quốc gia tiếp nhận có thể chứng minh rằng họ đang thực hiện các bước để chấm dứt sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga.

Năm 2018, các thành viên cấp cao của Chính quyền Trump được cho là đã vận động Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào Nga và thay vào đó mua hàng của Mỹ. Vào tháng 9 năm 2018, khi kết thúc Đối thoại Chính sách Quốc phòng Hoa Kỳ-Việt Nam hàng năm, đã xảy ra một sự cố ít được công khai là Việt Nam đã thông báo cho các vị khách của mình rằng họ sẽ hủy bỏ 15 hoạt động giao lưu quốc phòng đã được lên kế hoạch cho năm 2019 liên quan đến các cuộc giao lưu giữa lục quân, hải quân và không quân mà không giải thích tại sao.

Sau khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2021, Việt Nam có nguy cơ bị trừng phạt nếu tiếp tục mua vũ khí lớn từ Nga. Ngoài ra, hoàn cảnh đã thay đổi, và Nga có thể không còn khả năng bán vũ khí giá trị cao cho các khách hàng nước ngoài do nhu cầu cho cuộc chiến ở Ukraine. Thật vậy, Nga dường như đang tiếp cận để mua lại những vũ khí mà nước này đã bán để cung cấp gấp cho chiến trường Ukraine. Ví dụ, Lào gần đây đã trả lại 30 xe tăng T-34.

Tóm lại, Việt Nam đã không tiến thêm bao nhiêu trong việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình kể từ năm 2014. Vào cuối năm 2020, trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, Việt Nam đã công bố chương trình hiện đại hóa quân sự lớn nhất trong lịch sử của mình nhằm “Xây dựng một Quân đội Tinh gọn và Mạnh mẽ vào năm 2025 và xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tiên tiến, hiện đại vào năm 2030”.

Chương trình này dường như đã bị đình trệ, mặc dù tăng trưởng kinh tế đã bắt đầu hồi phục sau suy thoái trong đại dịch COVID-19.

Câu hỏi 2. Liệu Việt Nam có khả năng mua vũ khí không phải của Nga trong tương lai gần?

TRẢ LỜI: Việt Nam đã có mua vũ khí và công nghệ quân sự từ các nguồn không phải của Nga. Từ năm 1995 đến năm 2021, ngoài Nga, có 16 quốc gia đã bán vũ khí cho Việt Nam. Trong số mười nhà cung cấp hàng đầu, Nga đứng đầu danh sách, tiếp theo là Israel, Ukraine, Belarus, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Séc, Hà Lan, Bắc Triều Tiên và Tây Ban Nha.

Kể từ năm 2014, các nhà cung cấp hàng đầu tiếp sau Nga là Belarus, Ukraine, Israel, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Ukraine, nơi cung cấp tua-bin cho tàu khu trục Gepard của Nga, hiện không còn là nhà xuất khẩu vũ khí nữa.

Có hai hạn chế đối với việc Việt Nam mua vũ khí không phải của Nga. Đầu tiên là hệ quả của sự phụ thuộc vào Nga về phụ tùng, dịch vụ, hỗ trợ bảo trì và ngôn ngữ. Hạn chế thứ hai là chi phí và thời gian. Vũ khí của Mỹ và châu Âu đắt và Việt Nam cần phải phát triển một mạng lưới hỗ trợ hậu cần thích hợp cùng với các kỹ thuật viên được đào tạo bằng ngôn ngữ phù hợp. Quá trình phát triển này cần có một thời gian dài đáng kể.

Việt Nam có truyền thống phân bổ khoảng 2% Tổng sản phẩm quốc nội cho ngân sách quốc phòng. Khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi tốc độ tăng trưởng trước COVID, Việt Nam sẽ có thêm nguồn vốn để tiếp tục mua sắm vũ khí. Nếu đi theo hướng này, Việt Nam sẽ phải đối mặt với trở ngại thứ ba – chi phí cho việc kết hợp, phối hợp các hệ thống và công nghệ vũ khí khác nhau.

C.A.T.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn