Giáo dục bằng bắt nạt

Giáp Văn Dương

Khoảng mười năm trước, khi chúng tôi mới về nước, trong một lần trò chuyện, nhà giáo Phạm Toàn nói đến “một nền giáo dục không bắt nạt trẻ con”.

Lúc đó, tôi chỉ cười vì nghĩ chuyện chưa đến mức nghiêm trọng thế. Thầy cô nhà mình được tiếng thương học trò, làm gì có chuyện bắt nạt trẻ con.

Nhưng rất nhanh sau đó, tôi thấm thía điều nhà giáo Phạm Toàn nói. Nhiều ngày đi học về, kể chuyện trường lớp, mà nước mắt con tôi rơi lã chã.

Bắt nạt trẻ con là một hiện tượng có thật trong giáo dục gia đình và nhà trường hiện nay. Có điều, người lớn không nhận ra hoặc không thừa nhận thực tế đó. Chỉ có con trẻ, với tư cách nạn nhân, là thấm thía và đau khổ, nhiều khi đến mức trầm cảm.

Tại sao người lớn, cha mẹ và thầy cô lại bỗng chốc trở thành người bắt nạt?

Lý do đầu tiên là người lớn, cả ở nhà và ở trường, đã không thực sự hiểu rằng, trẻ em không phải là một người lớn thu nhỏ. Vì thế, người lớn mang tất cả tiêu chuẩn và nhận thức của mình để áp đặt cho trẻ: yêu cầu trẻ nghĩ như mình, làm như mình, sống như mình. Trẻ phải hành xử như người lớn nghĩ mới xứng danh con ngoan trò giỏi. Và thế nào là ngoan giỏi, cũng phải theo tiêu chuẩn người lớn áp cho, chứ không phải theo hình dung và hiểu biết của trẻ nhỏ.

Nhưng trẻ em là một thực thể đang phát triển, đang học hỏi, đang thử và sai, đang thay đổi từng ngày. Những điều người lớn cho là hiển nhiên, biết trước hậu quả, thì với con trẻ, đó còn là điều phải khám phá và xác nhận.

Lý do thứ hai là người lớn thiếu hiểu biết về chính công việc giáo dục mình đang thực hiện. Người lớn bắt trẻ tuân phục để tiện cho công việc và sự quản lý của mình, vì lợi ích của mình, chứ không thực sự vì lợi ích của trẻ.

Với con trẻ, lợi ích lớn nhất là được trao quyền, trao cơ hội để trải nghiệm và trưởng thành. Thay vì áp đặt, trẻ cần được tham gia vào quá trình giáo dục bản thân, vì chỉ có như thế, trẻ mới luôn được là chính mình, mới có được hạnh phúc trong quá trình học tập.

Nhưng người lớn không đủ kiên nhẫn để giải thích, thảo luận, chờ đợi hoặc đồng hành cùng con trẻ, vì sợ mất công và thời gian. Khi việc bắt trẻ tuân phục lại nhân danh giáo dục, nhân danh những mục đích tốt đẹp, thì không có lý do gì để do dự.

Lý do thứ ba là các khâu tranh tra, kiểm soát và các quy định hành chính giáo dục đã trở nên quá hình thức và nặng nề, gây ra nỗi sợ phải đối mặt với trách nhiệm. Trẻ muốn chạy nhảy ngoài sân ư? Không nên, chẳng may ngã thì sao. Vậy tốt nhất là ngồi chơi trong lớp cho yên. Muốn học khác, nghĩ khác đi ư? Không được, hãy làm theo mẫutập trung vào thi cử. Sáng tạo, thử nghiệm, khám phá, dự án cá nhân... tất cả chỉ là chuyện viển vông mơ hồ, vừa mất thời gian lại vừa nguy hiểm, tất nhiên là cho các thầy cô và nhà trường.

Với tác động của mạng xã hội, bất cứ sơ suất dù nhỏ nào của giáo viên và nhà trường đều có thể phải trả giá rất đắt, nên cẩn thận vẫn hơn, cứ phải áp cho thật sát, ràng cho thật chặt, nhiều khi đến ngộp thở.

Những điều này làm cho con trẻ, dù ở nhà hay ở trường, không có cách nào thoát ra khỏi đường ray đã định trước của người lớn, được gia cố bằng trải nghiệm quá khứ và lo lắng mơ hồ của tương lai, dù đường ray đó có thể được tạo ra từ hàng chục năm về trước.

Thứ tư là quán tính văn hóa và các thực hành giáo dục trong quá khứ đã ăn sâu vào tiềm thức của cả cha mẹ và thầy cô. Người lớn áp đặt trẻ nhỏ vì người lớn từng bị như thế, và coi đó là chuyện bình thường. Thương cho roi cho vọt, trừng phạt để nên người, từng là một thực tế mà phần lớn chúng ta đã đi qua. Kết quả là nhiều người thậm chí còn không biết cách nào khác để dạy con ngoài quát mắng và trừng phạt. Nên không có gì phải băn khoăn, không có gì phải tự vấn.

Những ẩn ức trong công việc, trong vị thế xã hội, trong quan hệ với các cơ quan công quyền cũng làm cho ta thấy sự bắt nạt, áp đặt hay đàn áp ngầm là một thực tế phổ biến. Ta đã mang thực tế đó về gia đình, vào trường học, và sử dụng nó cho những người yếu thế hơn mình.

Những điều này, và cộng hưởng với nhiều lý do khác nữa, bày ra một thực tế đau lòng rằng, người lớn, tức cha mẹ trong nhà và thầy cô ở trường, đã hình thành và duy trì một nền giáo dục bắt nạt trẻ con. Sự bắt nạt nhiều khi trầm trọng đến mức vi phạm pháp luật, vi phạm nhân quyền, vi phạm quyền trẻ em, mà chính những người làm giáo dục cũng không nhận ra, cho đến khi có hậu quả đau lòng, hoặc bị dư luận phản đối gay gắt.

Nhân danh những điều tốt đẹp, người lớn sẵn sàng sử dụng những phương tiện không tốt đẹp. Nhân danh giáo dục, ta trở thành người bắt nạt trẻ con mà không hề hay biết.

Vì thế, vì một nền giáo dục không bắt nạt trẻ con vẫn là lời nhắc thời sự với cha mẹ, thầy cô và cả ngành giáo dục.

G.V.D.

Nguồn: Vnexpress

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn