Ai là trọc phú?

Hoàng Tuấn Công

10-6-2023

1- Trọc phú trong tiếng Hán

Trọc phú 濁富 là một từ Việt gốc Hán, vốn chỉ kẻ làm điều bất chính mà giàu có (chữ trọc 濁 đây có nghĩa là tham lam, ti tiện, bẩn thỉu)[1]; trái nghĩa với trọc phú là thanh bần 清貧 (nghèo mà trong sạch, lương thiện):

Hán ngữ đại từ điển (La Trúc Phong chủ biên – Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã – 1993) giảng “trọc phú: bất nghĩa nhi phú. Dữ “thanh bần” tương đối”, nghĩa là: “trọc phú: bất nghĩa mà giàu, đối nghĩa với “thanh bần” [濁富: 不義而富. 與 “清貧” 相對].

“Bất nghĩa” trong cách giảng của Hán ngữ đại từ điển được hiểu là những việc làm không chính đáng, không hợp nghĩa lý nói chung. Ví dụ “bất nghĩa chi tài” 不義之財 chỉ của cải có nguồn gốc bất nghĩa mà có. Từ điển này trích dẫn ngữ liệu:

– Trọc phú chẳng bằng thanh bần [Trọc phú mạc như thanh bần – 濁富莫如清貧]. Câu này được diễn giải rõ nghĩa là: Giàu mà bất nghĩa chẳng bằng nghèo mà thanh sạch.

– Thà thanh bần mà an vui, còn hơn trọc phú mà chịu nhiều lo lắng. [Ninh khả thanh bần tự lạc, bất tố trọc phú đa ưu – 寧可清貧自樂,不做濁富多憂].

2- Trọc phú trong tiếng Việt

Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức) xuất bản 1931, và Hán Việt từ điển (Đào Duy Anh) xuất bản 1932, giảng như sau (trích lần lượt):

– “trọc-phú • Nói người giàu mà không có vẻ thanh-nhã <>Bọn trọc phú.”.

– “trọc phú: Người giàu mà tính khí đê tiện”.

Theo nghĩa hiện thời, thì sau gần 100 năm, “trọc phú” trong tiếng Việt hầu như không có gì thay đổi. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê – Vietlex. Bản có chú chữ Hán cho những từ Hán Việt) giảng: “trọc phú • 濁富 d. người giàu có mà dốt nát, bần tiện. gã trọc phú ~ “Một bên biết việc, dám làm, lại nghèo; một bên trọc phú văn dốt vũ rát …” (Đào Vũ).

Ở một vài cuốn từ điển tiếng Việt khác, ngoài nghĩa “Việt dụng”, chúng ta hãy còn thấy rơi rớt nghĩa vốn có của “trọc phú” trong tiếng Hán:

Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức – Sài Gòn 1970): “trọc phú • tt. Giàu mà nhơ-bẩn. • dt. (thth) Người giàu mà dốt, ít hiểu biết : Tay trọc-phú”.

Từ điển Việt Nam phổ thông (Đào Văn Tập – Sài Gòn 1951): “trọc-phú • Kẻ giầu có mà không trong sạch; thường chỉ kẻ giầu mà thất-học <> hạng trọc-phú”.

Nghĩa “giàu mà nhơ-bẩn” và “kẻ giầu có mà không trong sạch” mà hai cuốn từ điển trên đây giảng có nghĩa tương tự như “bất nghĩa nhi phú” (giàu mà không trong sạch; làm điều bất nghĩa mà giàu) trong tiếng Hán.

3- Ai là trọc phú?

Với nghĩa gốc trong tiếng Hán, thì tham quan ô lại, dù có học thức đến đâu, giàu sang thế nào, thì vẫn có thể bị gọi là “trọc phú”, bởi nguồn gốc tài sản bất minh, do làm điều bất chính mà có. Trong tiếng Việt hiện thời, nghĩa này không tồn tại.

Vậy lí do nào khiến “trọc phú” vốn chỉ kẻ “bất nghĩa mà giàu”, lại trở thành “giàu có mà ti tiện, bẩn thỉu, dốt nát” trong tiếng Việt? Điều này có nguyên nhân là kẻ bất tài, dốt nát, ti tiện thường chọn, và tất phải chọn con đường bất chính, để trở nên/mới trở nên giàu có. Và khi kẻ “trọc phú” trở nên giàu có một cách nhanh chóng, trong khi không kịp bù lấp sự thiếu hụt về văn hoá, thì thường phô phang cái sự giàu một cách thô thiển; phú mà không quý, giàu mà không sang.

Trong thực tế, cái sự “trọc phú” hay “thanh lịch”, không căn cứ vào nguồn gốc xuất thân, dốt nát, hay giỏi giang, địa vị hay bằng cấp, mà là biểu hiện cụ thể của “cách chơi”, cách sống. Từ nhà cửa, bài trí nội thất, nói năng, giao tiếp, cho đến quần áo, trang sức, cách tiêu tiền, mua sắm… đều có thể toát lên cái chất “trọc phú” của chủ nhân.

Lắm khi “trọc phú” hay không, còn phụ thuộc vào sự quan sát, nhận xét ấy đến từ đâu. Với kẻ này, thì việc treo hàng ngàn giò lan trên tầng thượng của toà lâu đài là đẹp, nhưng với người khác, đó là lối chơi của kẻ trọc phú. Với người này, chủ nhân ngồi lút trong một bộ bàn ghế to tổ chảng, đục đủ 12 con giáp, có giá tới cả tỉ đồng, là sang, nhưng trong mắt kẻ khác, anh ta chỉ là kẻ trọc phú không hơn không kém…

Bằng cấp, trình độ học vấn có khi không tỉ lệ thuận với trình độ thẩm mĩ, học thức. Thế nên, với hai chữ “trọc phú”, thì dù là giáo sư, tiến sĩ, nghệ sĩ, hay kẻ quyền cao chức trọng, nhà nọ nhà kia, quan văn hay quan võ… đều có thể trở thành “nạn nhân của chính mình”. Theo đây, trong thực tế, có vô vàn những cách chơi, cách thể hiện mà chủ nhân dù giàu có, nhưng thiếu cái nền văn hoá cơ bản và kiến thức thẩm mĩ nói chung, nên đã vô tình tiết lộ cái chất “trọc phú” ra trước bàn dân thiên hạ một cách say sưa, hãnh diện, mà không hề hay biết.

Như vậy, nếu như trong tiếng Hán, “trọc phú” nói lên con đường làm giàu bất chính, nguồn gốc tài sản bất minh của chủ nhân, thì trong tiếng Việt, trọc phú lại ám chỉ tính cách, trình độ kẻ giàu mà dốt nát, thiếu văn hoá.

4- “Phú” mà không “Trọc”

Vậy, muốn làm thế nào để thoát nghèo, và thoát luôn được hai chữ “trọc phú”?

Có lẽ không gì bằng thực hiện theo lời của cụ Phan Châu Trinh: “CHI BẰNG HỌC”! Mà học ở đây là để làm giàu chính đáng, mở mang kiến thức, hiểu biết cho chính mình, chứ không phải học để lấy bằng cấp. Điều này không dùng tiền để mua được.

Và điều cuối cùng cần nói thêm. Có lẽ căn cứ những gì diễn ra trong thực tế, ngoài giữ nguyên nghĩa Việt dụng, thì nghĩa gốc Hán của “trọc phú” sẽ dần dần được “sống lại”, để đảm đương nhiệm vụ cũ trong thời kì mới chăng?

_____

Chú thích: Trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam, GS Nguyễn Lân đã sai khi giải thích chữ “trọc” trong “trọc phú” có nghĩa là “đục” (Lỗi này chưa được nêu ra trong cuốn Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và Khảo cứu – Hoàng Tuấn Công – NXB Hội Nhà văn, 2017).

(*) H.TC.

Nguồn: FB Hoàng Tuấn Công

   

(*) Theo chúng tôi, chữ "trọc" 濁 trong nguyên tiếng Hán vốn có nghĩa gốc là đục, trái với "thanh" 清 là trong, nhưng trong nghĩa dẫn thân chỉ đạo đức con người thì "trọc" có nghĩa là nhơ bẩn và “thanh” có nghĩa là trong sạch. Bởi vậy nếu nhà nghiên cứu Nguyễn Lân giải thích "trọc" trong trọc phú là "đục" thì cũng không hẳn sai nhưng rõ ràng là chưa đủ – Bauxite Việt Nam.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn