Từ trường hợp cô giáo Lê Thị Dung – muốn các vụ án được ‘Thần công lý’ chấp nhận là thỏa đáng thì phải cải cách tư pháp và cũng cần đến cả sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo

Nguyễn Ngọc Chu

Áp dụng AI vào ngành tư pháp ở Việt Nam ư? Ý tưởng quả là hay, nhưng mà… coi chừng đấy. Bởi vì, chưa nói đến những chuyện phải biết xoay xở vì lợi ích nhóm này khác, hãy nói đến một điều sơ đẳng: không biết AI có chịu tuân lệnh cấp trên đi học lấy cái bằng chính trị trung cấp và cao cấp hay không? Mà không có bằng ấy thì làm sao mà tham gia vào bộ máy công quyền để xử lý mọi việc được cơ chứ! Không biết rằng ở một nước như Việt Nam từ lâu “chính trị là thống soái” sao? Cứ chờ đấy mà xem. Dẫu AI có giỏi bằng trời cũng bị bắn ra rìa thôi, chẳng ai dùng được đâu.

Bauxite Việt Nam

Vốn dĩ chỉ dựa trên dữ liệu khoa học, không gieo quẻ để quyết định đi hay ở, lành hay dữ. Nhưng trong trường hợp cô giáo Lê Thị Dung, từ các dữ liệu đã biết, “tương tự Hội thoại máy”, dự báo kết quả của phiên toà 12/6: Cô giáo Lê Thị Dung được trả tự do ngay sau phiên toà.

Kết quả này về cơ bản chấp nhận được cho ba phía: Toà án, cô giáo Lê Thị Dung và Công luận. Phía thứ tư chưa thoả đáng là ‘Thần công lý’. Muốn ‘Thần công lý’ thoả đáng thì phải cải cách tư pháp và cần đến sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo. Khi ngành toà án Việt Nam đưa được trí tuệ nhân tạo vào quá trình xử án, thì xét xử tư pháp sẽ có những tiến bộ bước ngoặt. Trước hết là giảm bớt án oan sai.

TRÍ TUỆ NHÂN TẠO VÀ MỘT SỐ ỨNG DỤNG TRONG XÉT XỬ TƯ PHÁP

Vụ án cô giáo Lê Thị Dung (cựu Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên) bị TAND huyện Hưng Nguyên tuyên phạt 5 năm tù giam (hôm 24/4/2023), với cáo buộc làm thiệt hại cho Nhà nước gần 45 triệu đồng trong các năm 2012-2017, đang gây ra nhiều ý kiến không đồng tình trong xã hội. Đến mức, TAND tỉnh Nghệ An đã phải yêu cầu TAND huyện Hưng Nguyên báo cáo cụ thể về vụ án ([1],

https://plo.vn/tand-tinh-nghe-an-yeu-cau-bao-cao-vu-co...). Điều gây ra sự không đồng tình sâu sắc trong xã hội ở bản án cô giáo Lê Thị Dung chính là cách áp dụng các điều luật để buộc tội. Nhiều ý kiến chuyên gia pháp lý cho rằng việc vận dụng các điều luật để kết tội cô giáo Lê Thị Dung chưa thoả đáng ([2], https://laodong.vn/.../giam-doc-so-gddt-nghe-an-len-tieng...); [3], https://lsvn.vn/thay-gi-tu-nhan-thuc-cua-gioi-am-hieu...). Việc vận dụng các điều luật trong xét xử phụ thuộc vào cách đánh giá của thẩm phán. Mặc dù những năm gần đây, ngành toà án đã cố gắng đưa ra những biện pháp để cải thiện chất lượng xét xử, nhưng vẫn không đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc chậm án, huỷ án, sửa án, và án oan sai là do chất lượng yếu kém của thẩm phán.

Cách đây 17 năm, ngày 27/11/2005, đăng đàn giải trình trước Quốc hội (QH), Chánh án Toà án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Văn Hiện đã dũng cảm cho biết một sự thật làm rung động QH và cử tri cả nước:

“Năm 2005, toàn ngành tòa án thiếu đến 1.116 thẩm phán, do đó ngành đã “vơ vét”, tận dụng lực lượng đã có và bổ nhiệm thêm các thẩm phán chưa đạt yêu cầu.

Tuy nhiên, dù đã “vơ vét”, song do số lượng vụ án thụ lý tăng nên đến nay vẫn còn thiếu 900 thẩm phán!”([4], https://tuoitre.vn/vo-vet-de-co-du-tham-phan-174877.htm).

Gần 11 năm sau, ngày 14/1/2017, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình cho biết một sự thật sợ hãi khác:

“Nhiều trường hợp viết bản án cũng có lỗi về chính tả thậm chí viết một đằng tuyên một nẻo. Hoặc có trường hợp 2 bản án cùng số, cùng ngày nhưng khác nội dung khiến dư luận đặt câu hỏi về thẩm phán: “Ok thì nhẹ, không ok thì nặng”.

“trong năm 2017, ngành tòa án sẽ mở lớp tập huấn để viết bản án theo mẫu định sẵn. Lớp học này sẽ mời các giáo viên dạy văn đến dạy về chính tả, ngữ pháp và từng dấu chấm, dấu phẩy” ([5], https://tienphong.vn/nganh-toa-an-se-moi-giao-vien-den...).

Hậu quả của chất lượng thẩm phán yếu kém là hàng năm có hàng chục ngàn vụ huỷ án, sửa án, cùng hàng trăm ngàn vụ án thụ lý mà chưa kịp xử án. Thí dụ như năm 2005, theo báo cáo chính thức, có 9 000 vụ hủy án, sửa án. Con số này chắc chắn sai với thực tế. Bởi như ĐB Nguyễn Thị Hồng Xinh (Bà Rịa - Vũng Tàu) đoán “chắc số vụ án hủy, sửa không dừng lại ở con số 9.000, vì có rất nhiều người do không đủ tiền hầu tòa nên đã bỏ cuộc” [4].

Còn năm 2019, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình đã báo cáo trước QH rằng “Từ ngày 01/10/2018 đến ngày 30/9/2019, các Tòa án đã thụ lý 625.979 vụ việc, đã giải quyết được 500.361 vụ việc (đạt tỷ lệ 80%). Tức là trong một năm có ít nhất là 125 618 vụ việc chưa được giải quyết ([6], https://quochoi.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/News&ItemID=42663).

Nhưng hậu quả to lớn nhất từ chất lượng thẩm phán yếu kém không nằm ở chậm án, sửa án, huỷ án mà nằm ở án oan sai, khiến cho bao nhiêu số phận phải chịu tù đày oan ức, và chắc không tránh khỏi không ít số phận phải chịu án tử hình, chết mà chưa được minh oan. Có thể nêu ra một số vụ án oan điển hình làm kinh hoàng cả xã hội, như Huỳnh Văn Nén (17 năm 5 tháng tù oan vì bị quy tội giết người), Trần Văn Chiến (16 năm 3 tháng tù oan với tội danh giết người), Nguyễn Thanh Chấn (10 năm ngồi tù oan vì bị quy tội giết người), Nguyễn Minh Hùng (2 lần tuyên án từ hình dù không buôn ma tuý ([7], https://toplist.vn/.../vu-an-oan-noi-tieng-nhat-cua-viet...). Có những vụ án oan kéo dài hàng chục năm chưa kết thúc như Hồ Duy Hải, Thủ Thiêm.

Có nhiều biện pháp bù đắp các yếu kém của thầm phán, trợ giúp cho các thẩm phán trong quá trình xét xử, nhằm giảm bớt oan sai, đẩy nhanh quá trình xử lý vụ án. Một trong số đó, rất hữu hiệu, là sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Nếu trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trong xét xử tư pháp ở Việt Nam thì quá trình xét xử được rút ngắn, oan sai được giảm bớt, và vụ án cô giáo Lê Thị Dung đã không ở trong trạng thái như hiện nay. Nhưng trước khi bàn đến việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xét xử tư pháp, hãy thử điểm qua những lĩnh vực mà trí tuệ nhân tạo đang thể hiện uy lực nổi trội.

I. MỘT SỐ LĨNH VỰC ỨNG DỤNG CỦA CỦA TRÍ TUỆ NHÂN TẠO

Trí tuệ nhân tạo có một vai trò ngày càng quan trọng, “đáng sợ” và “nguy hiểm”, làm thay đổi toàn bộ diện mạo và chất lượng cuộc sống của loài người. Quan trọng đến mức AI sẽ thay thế phần lớn vai trò con người ở hầu hết tất cả mọi lĩnh vực. “Đáng sợ” bởi AI vượt trội xa khả năng con người ở nhiều lĩnh vực. “Nguy hiểm” bởi nếu không có biện pháp kiểm soát tốt, kẻ xấu có thể sử dụng AI để đưa đến các thảm hoạ khó lường cho nhân loại.

Do tính vượt trội “đáng sợ” của AI, cho nên dù “nguy hiểm” loài người cũng sẽ không ngừng phát triển AI vì mục đích phục vụ con người, vì tiến bộ khoa học và tiến bộ nhân loại. AI là sản phẩm của con người, nên con người sẽ có cách để khống chế sự nguy hiểm của AI. Các lĩnh vực ứng dụng AI vô cùng rộng lớn, hầu như ở tất cả mọi lĩnh vực của đời sống loài người. Nhưng dưới đây chỉ nêu ra một số lĩnh vực chính. Do khuôn khổ bài viết, các tính năng của AI trong mỗi lĩnh vực cũng chỉ được đề cập ở mức sơ lược.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Statista, doanh thu thị trường phần mềm AI năm 2022 đạt 51,27 tỷ USD, và dự báo sẽ đạt 126 tỷ USD vào 2025 . Theo thống kê của Garner 37% tổ chức triển khai AI dưới một hình thức nào đó, tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng AI tăng 270% trong 4 năm gần đây ([8], https://www.statista.com/.../worldwide-artificial.../). Dưới đây là một số lĩnh vực có ứng ụng AI thành công.

1. Ứng dụng AI trong lĩnh vực người máy. Trong sản xuất, trong thương mại, dịch vụ, giao thông và ở nhiều ngành nghề, người máy sử dụng công nghệ AI đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi và tương lai sẽ ngày càng mở rộng.

2. Ứng dụng AI trong thương mại điện tử. Ứng dụng AI trong thương mại điện tử mang lại hiệu quả vô cùng to lớn cho hoạt động thương mại của con người.

3. Ứng dụng AI trong lĩnh vực giáo dục. Đây là lĩnh vực mà AI đã tỏ rõ sự “lợi hại” vượt trội của mình. Từ học tập, dạy học, dịch thuật, cho đến nghiên cứu, AI đang là một công cụ rất hữu hiệu và ngày càng trở nên uy lực hơn.

4. Ứng dụng AI trong hội thoại người máy Chatbot. Sự ra đời của ChatGPT –4 đang làm chấn động thế giới. Các hội thoại người máy dạng ChatGPT và những biến thể mạnh hơn sẽ đưa đến cho con người những công cụ uy lực, phục vụ cho đời sống và sáng tạo. Hội thoại người máy chatbot là một lĩnh vực rất thành công của AI.

5. Ứng dụng AI trong y tế. Chúng ta đang chứng kiến sự can thiệp ngày càng lớn hơn của AI trong chuẩn đoán bệnh, phân tích và can thiệp cả vào quá trình mổ xẻ, cũng như điều chế các loại thuốc mới. Mỗi ngày, ngành chăm sóc sức khỏe tạo ra khoảng 44 ngàn tỷ gigabyte dữ liệu. Chỉ có công nghệ AI mới kịp xử lý những khối lượng lớn dữ liệu như vậy.

6. Ứng dụng AI trong sản xuất. Nhiều quá trình sản xuất được tự động hoá ở tất cả các khâu nhờ công nghệ AI. Và các quá trình tự động hoá, toàn phần hay một phần nhờ công nghệ AI đang mỗi ngày một mở rộng.

7. Ứng dụng AI trong công nghệ ô tô. Công nghiệp ô tô là ngành mà AI tỏ rõ thị phần ưu thế so với các ngành sản xuất khác. Không chỉ tự động hoá quá trình sản xuất, những ô tô tự động lái đang đưa đến cho đời sống con người những tiện lợi không thể dự báo trước.

8. Ứng dụng AI trong công nghiệp quốc phòng. Đây là lĩnh vực mà AI tỏ rõ sự uy lực với thị trường hàng trăm tỷ USD. Cuộc chiến tranh của Nga tại Ukraine đang là nơi các cường quốc phô trương khả năng sở hữu công nghệ AI. Các loại máy bay, tàu thuỷ không người lái, các tên lửa và bom thông minh… đang chứng tỏ AI là lĩnh vực mà các cường quốc phải đầu tư rất lớn để có được ưu thế trước đối thủ.

9. Ứng dụng AI trong giao thông và điều hướng. Trong đời sống hàng ngày, nhờ công nghệ GPS và AI, ngành giao thông đang được cải thiện mang đến cho con người nhiều tiện lợi trong di chuyển, như chọn tuyến đường ngắn nhất, ít ách tắc giao thông nhất… AI giúp tạo ra các hệ thống giao thông thông minh, các tuyến vận tải hiệu quả, và quản lý giao thông tối ưu.

10. Ứng dụng AI trong vũ trụ và thiên văn học. AI có thể dùng để tìm hiểu các hệ phức tạp trong vũ trụ, giúp phân tích cơ chế hoạt động của vũ trụ, trong đó có sự hợp nhất hay tách xa của các thiên hà, các vụ nổ, các va chạm…

11. Ứng dụng AI trong tài chính và ngân hàng. Ngành tài chính đang triển khai AI trong các hoạt động của mình. Trong đó có tự động hoá, chatbot, học máy… được ứng dụng trong các quá trình tài chính. AI có thể giúp cho khách hàng các giải pháp quản lý tài sản, tránh các rủi ro, và tổn thất.

12. Ứng dụng AI trong nông nghiệp. AI giúp cho quá trình sản xuất và thu hoạch trong nông nghiệp đạt hiệu quả cao, giảm giá thành, đưa đến lợi thế trong cạnh tranh.

13. Ứng dụng AI trong bảo mật dữ liệu. Đây cũng là một lĩnh vực mà AI thể hiện được sự “nguy hiểm”. AI giúp phát hiện các lỗ hổng, các mối nguy hiểm, các truy cập bất hợp pháp… và đề xuất các lược đồ bảo mật an toàn cho dữ liệu, loại trừ sự lợi dụng các lỗ hổng trong hệ thống.

14. Các lĩnh vực ứng dụng khác của AI: - Marketing; - Nhân sự; - Lối sống; - Trò chơi; - Truyền thông xã hội; - Thể thao và nghệ thuật; - Nhận dạng; - Luật pháp và các dịch vụ liên quan.

Và còn rất nhiều các lĩnh vực khác nữa. Về ứng dụng của AI có thể tham khảo thêm ở các tài liệu [9], https://www.simplilearn.com/.../artificial-intelligence..., và [10], https://www.javatpoint.com/application-of-ai.

II. MỘT SỐ ỨNG DỤNG CỦA TRÍ TUỆ NHÂN TẠO TRONG XÉT XỬ TƯ PHÁP

Ứng dụng AI trong xét xử tư pháp, được lưu ý phía trên trong nhóm ứng dụng mục 14: Luật pháp và các dịch vụ liên quan. Một cách sòng phẳng, ở nước ta, ngành toà án hoàn toàn bỏ trống vai trò của trí tuệ nhân tạo.

Trong khi đó thì chỉ riêng UNESCO cũng đã tổ chức những khoá học về ứng dụng AI cho các chuyên gia thuộc hệ thống tư pháp. Gần đây nhất là khoá học trực tuyến: Trí tuệ Nhân tạo và pháp quyền: Xây dựng năng lực cho hệ thống tư pháp (AI and the Rule of Law: Capacity Building for Judicial Systems) ([11], https://www.unesco.org/.../artificia.../rule-law/mooc-judges).

Không tính các nước thành viên, Uỷ ban châu Âu cũng thành lập một Uỷ ban riêng cho tư pháp là CEPEJ (European Commission for the Efficiency of Justice – Uỷ ban châu Âu về Hiệu quả Tư pháp). CEPEJ đã xuất bản nhiều ấn phẩm về AI dành cho tư pháp, mà mới đây nhất là Bản tin 16 về chủ đề: “Tư pháp dự đoán và trí tuệ nhân tạo (AI)" ("Predictive justice and artificial intelligence (AI)”). Bản tin cung cấp một tổng quan về ứng dụng AI trong lĩnh vực tư pháp. Trước đó CEPEJ cũng đã cho ra Bản tin với chủ đề: “Công lý của tương lai: công lý và trí tuệ nhân tạo”(Justice of the future: justice and artificial intelligence). CEPEJ cũng đã tổ chức khoá học “Trí tuệ nhân tạo và hệ thống tư pháp” ("Artificial Intelligence and Judicial Systems", 27/6/2018) [12], (https://www.coe.int/.../justice-of-the-future-justice-and...)).

AI có rất nhiều ứng ụng trong ngành tư pháp. Dưới đây là một số ứng dụng cơ bản.

1. Quản lý hành chính. AI giúp cho việc quản lý hệ thống tư pháp một cách tối ưu, nhanh gọn, tiết kiệm thời gian và nhân lực ([13], https://globallitigationnews.bakermckenzie.com/.../artif.../).

2. Trợ giúp tìm kiếm thông tin. Ngành tư pháp chứa đựng một lượng thông tin đồ sộ. Với trợ giúp của AI, mọi thông tin được tìm kiếm nhanh chóng. Giúp cho quá trình xử lý các vụ án được tiến hành nhanh với các thông tin chính xác.

3. AI trợ giúp hiệu quả cho quá trình điều tra. Về vai trò này của AI có thể tham khảo thêm trong tài liệu [14], Using artificial intellegence to address criminal justice, Christopher R. N (“Sử dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết nhu cầu tư pháp hình sự, (https://www.ojp.gov/pdffiles1/nij/252038.pdf).

4. AI trợ giúp tốt trong soạn thảo cáo trạng, tự động hoá quy trình ra quyết định. Công nghệ AI không chỉ giúp cung cấp thông tin, đưa ra các phương án phân tích khi áp dụng các điều khoản trong xét xử, mà còn là người soạn thảo văn bản xuất sắc và giúp tự động hoá quy trình ra quyết định, tránh được các sai sót.

5. AI trợ giúp hiệu quả cho quá trình áp dụng các điều khoản của luật pháp để kết án. Các bộ luật rất phức tạp với nhiều điều luật. Cùng với đó là sự đa dạng và phức tạp của các khung hình phạt. Áp dụng điều khoản nào cần có sự sàng lọc, phân tích kỹ lưỡng. AI chính là công cụ hữu hiệu để giúp cho các thẩm phán có đầy đủ thông tin, có các phân tích kỹ lưỡng khi áp dụng các điều khoản, tránh được sai sót. AI giúp cho tránh sai sót trong quá trình xử án.

Rõ ràng, có sự trợ giúp của AI, mọi thông tin sẽ được cung cấp, mọi điều khoản sẽ được phân tích, mọi phương án kết tội sẽ được xem xét. Như vậy, sẽ tránh được các sai sót từ sơ đẳng đến phức tạp. Chẳng hạn như đối với vụ án cô giáo Lê Thị Dung thì việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ giúp tránh được các tình huống mà các chuyên gia pháp lý đang đề cập đến. Cụ thể là giúp cho có quyết định đúng trong các tình huống sau:

- 5.1. Quy chế chi tiêu nội bộ (QCCTNB) đã ban hành đúng quy định của pháp luật. QCCTNB không phải trình cho Lãnh đạo Sở GD&ĐT. Đây là lý do để TAND huyện Hưng Nguyên kết án cô giáo Lê Thị Dung vào “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” của Điều 356. Bộ luật hình sự (BLHS) 2015.

- 5.2. Đối chiếu với các quy định, cũng như QCCTNB của các Trung tâm giáo dục thường xuyên, và các trường học đã thực thi thực tế trên toàn quốc, AI sẽ không đưa ra một kết luận khẳng định về sự vi phạm của cô giáo Lê Thị Dung.

- 5.3. Ngay cả nếu cho là cô giáo Lê Thị Dung vi phạm, làm Nhà nước thiệt hại gần 45 triệu đồng, thì cũng thuộc trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng, và đã hết hạn truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 27. BLHS 2015:

"Điều 27. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;

c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng".

- 5.4. Khoản 1 Điều 173. Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về thời hạn tạm giam để điều tra chắc chắn sẽ được tham chiếu cho vụ án:

“1. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”

Nghĩa là AI sẽ trình bày hết các trường hợp có thể, và chọn ra giải pháp đúng để thẩm phán quyết định.

6. AI giúp giải quyết vấn đề thiếu thẩm phán có chất lượng, và rút ngắn thời gian xử án. Rõ ràng AI giúp xử lý các vụ việc nhanh, giúp giải quyết vấn đề thiếu thẩm phán. Đối với nước ta, ngoài tránh sai sót, oan sai, thì vai trò AI lấp chỗ trống cho sự thiếu hụt các thẩm phán có chất lượng là vô cùng quan trọng. Tránh phải “vơ vét” thẩm phán không đạt chất lượng, tránh phải huỷ án, sửa án, và tránh chậm án.

7. AI tránh được các tác động bên ngoài như: quyền lực, tiền bạc, quan hệ. AI giúp cho quá trình xét xử tránh được thiên vị, chủ quan và vì các mục đích không chính đáng. Đây là một ưu thế vượt trội của trí tuệ nhân tạo trong xét xử tư pháp.

Không chỉ các nước Âu Mỹ, mà ngay cả Trung Quốc cũng đã sử dụng trí tuệ nhân tạo trong xét xử tư pháp. Từ năm 2017, Nhà nước Trung Quốc đã ban bố pháp luật về lập kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo cho ngành tư pháp. Trong đó có thiết lập “Hệ thống toà án thông minh”, “Mạng tài liệu phán quyết Trung Quốc”, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thu thập chứng cứ, phân tích vụ việc, giám sát, bảo đảm sự công bằng trong xử án. “Mạng tài liệu phán quyết Trung Quốc” tuy mới xây dựng nhưng đã trở thành mạng tài liệu phán quyết lớn nhất thế giới, liên quan đến 210 quốc gia và khu vực, với số lượng truy cập trong năm 2019 đạt 20 tỷ lượt. “Hệ thống toà án thông minh” của Trung Quốc trong năm 2017 đã bao phủ 31 tỉnh thành với hơn 1500 toà án, thời gian xét xử giảm 30%. (xem [15], [16], [17]). Trung Quốc là nước có hệ thống tư pháp, ở một số bình diện, tương đồng với Việt Nam. Nhưng mức độ ứng dụng AI trong xét xử tư pháp ở Trung Quốc vượt rất xa so với Việt Nam (đang ở mức zero).

Ngành toà án Việt Nam đang hoàn toàn lạ lẫm với trí tuệ nhân tạo. Khi ngành toà án Việt Nam đưa được trí tuệ nhân tạo vào quá trình xử án, thì xét xử tư pháp sẽ có những tiến bộ bước ngoặt. Trước hết là giảm được sự sai sót. Tiếp nữa là đẩy nhanh quá trình xét xử. Giải quyết một cách cơ bản các khó khăn mà các Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Hiện và Nguyễn Hoà Bình đã đề cập ở trên. Và quan trọng hơn cả, là giảm bớt được các án oan sai.

TƯ LIỆU DẪN

[1] TAND tỉnh Nghệ An yêu cầu báo cáo vụ cô giáo lãnh 5 năm tù ‘vì thanh toán sai gần 45 triệu đồng’(https://plo.vn/tand-tinh-nghe-an-yeu-cau-bao-cao-vu-co...).

[2] Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An lên tiếng về vụ án bà Lê Thị Dung (https://laodong.vn/.../giam-doc-so-gddt-nghe-an-len-tieng...).

[3] Thấy gì từ nhận thức của giới am hiểu pháp luật về ‘Vụ án cô giáo Dung’?(https://lsvn.vn/thay-gi-tu-nhan-thuc-cua-gioi-am-hieu...).

[4] "Vơ vét" để có đủ thẩm phán!(https://tuoitre.vn/vo-vet-de-co-du-tham-phan-174877.htm).

[5] Ngành tòa án sẽ mời giáo viên đến dạy… câu chữ, chính tả (https://tienphong.vn/nganh-toa-an-se-moi-giao-vien-den...).

[6] Quốc hội nghe báo cáo công tác năm 2019 của chánh án toà án nhân dân tối cao (https://quochoi.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/News&ItemID=42663)).

[7] Top 11 vụ án oan nổi tiếng nhất Việt Nam (https://toplist.vn/.../vu-an-oan-noi-tieng-nhat-cua-viet...).

[8] Revenues from the artificial intelligence (AI) software market worldwide from 2018 to 2025 (https://www.statista.com/.../worldwide-artificial.../).

[9] AI Applications: Top 18 Artificial Intelligence Applications in 2023 (https://www.simplilearn.com/.../artificial-intelligence...).

[10] Application of AI (https://www.javatpoint.com/application-of-ai).

[11] AI and the Rule of Law: Capacity Building for Judicial Systems https://www.unesco.org/.../artificia.../rule-law/mooc-judges).

[12] Justice of the future: justice and artificial intelligence (https://www.coe.int/.../justice-of-the-future-justice-and...).

[13] Artìicial intelligence in the administration of justice (https://globallitigationnews.bakermckenzie.com/.../artif.../).

[14] Christopher R. N. Using artificial intellegence to address criminal justice (https://www.ojp.gov/pdffiles1/nij/252038.pdf).

[15] Yifeng Liu, Yuqing Zhong. On the Application of Artificial Intelligence Technology in the Field of Judicial Adjudication (https://dl.acm.org/doi/fullHtml/10.1145/3495018.3495327).

[16] Chen Mingtsung and Li Shuling. Research on the application of artificial intelligence technology in the field of Justice, 2020 J. Phys.: Conf. Ser. 1570 01204 (https://iopscience.iop.org/.../1742-6596/1570/1/012047/pdf).

[17]. Gulimila Aini. A Summary of the Research on the Judicial Application of Artificial Intelligence, Beijing Normal University Law School, Beijing, China (https://www.scirp.org/journal/paperinformation.aspx...).

Có thể là hình ảnh về Cổng Brandenburg

N.N.C.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn