Tổng thống Putin có linh cảm gì về nguy cơ 'đại loạn' hay 'smuta' ở Nga?

BBC tiếng Việt 7 tháng 7 2023

A black and white picture of a large group of demonstrators gathered in Palace Square, Moscow in May 1917

ẢNH: GETTY IMAGES. Biểu tình ở Moscow tháng 5/1917

Trong diễn văn gửi đến cả nước sau cuộc binh biến của Yevgeny Prigozhin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo về nguy cơ "huynh đệ tương tàn" và thời hỗn loạn (smuta) như năm 1917.

'Smuta' (смута) thường được dịch sang các tiếng châu Âu là 'turmoil', 'strife' (Anh), 'tourmente' (Pháp), 'aufruhr' (Đức)... có nghĩa là hỗn loạn.

Nhưng các báo châu Âu còn nói 'smuta' qua lời Putin còn là tiếng chuông báo động không phải về một vài sự kiện lộn xộn mà về cả một thời 'dark age' (kỷ nguyên bóng tối) hay 'times of troubles' (rối ren) của Nga. Từ điển tiếng Trung gọi đây là thời 'động loạn'.

Có hai giai đoạn rối ren đẫm máu nổi bật trong lịch sử Nga: thế kỷ 16-17 và hai cuộc cách mạng 1917.

Triều đại Rurik không người nối ngôi

Ivan IV chết năm 1584 mà không có người nối dõi vì đã đâm chết con trai duy nhất. Ai tìm hiểu về Nga đều nhớ cặp mắt điên dại của vua Nga được Ilya Repin vẽ lại trong bức 'Ivan Hung bạo và con trai'.

Đại công quốc Moscow rơi vào tình trạng chém giết lẫn nhau, với Boris Godunov (ngoại thích) tiếm ngôi, ba giả vương (False) Dmitry thay nhau xuất hiện, các vụ ám sát trong cung đình xảy ra liên miên.

Moscow ngày càng yếu, dần dần mất chủ quyền, Sa hoàng Dmitry nghe theo vợ Maria Mniszek người Ba Lan muốn nghiêng về Công giáo La Mã khiến quý tộc và thần dân theo Chính thống giáo nổi loạn.

Quân Ba Lan-Lithuania và các chiến binh Cossack tấn công, chiếm đóng, đốt phá Moscow trong cuộc chiến 1605-18.

Mikhail Romanov lên ngôi Sa hoàng năm 1613 nhưng phải mấy năm sau mới thực sự kiểm soát cả nước. Hơn ba thế kỷ sau đó, triều đại này rơi vào khủng hoảng.

Giai đoạn 1917, các phe phái ở Nga chém giết nhau tàn bạo khi Đế chế Nga xuống dốc.

Vào tháng 2 năm 1917 (theo lịch Julian) Đế quốc Nga đang tham gia Thế Chiến I thì khủng hoảng nội bộ bùng nổ. Cách mạng tháng Hai buộc Sa hoàng Nicholas II thoái vị. Em trai ông, Hoàng thân Mikhail Romanov từ chối lên ngai vàng. Một chính phủ lâm thời ra đời do Hoàng thân Lvov lãnh đạo không kiểm soát nổi tình hình.

Tháng 4/1917, Lenin được Đức hỗ trợ, đi một chuyến tàu đặc biệt từ Thụy Sĩ qua Đức, Phần Lan để về Nga. Đức tin rằng một cuộc cách mạng nữa sẽ phá hủy nỗ lực chiến tranh của đối thủ là Nga.

Trong các tháng sau đó, chính phủ lâm thời chấp nhận để phái Cách mạng XHCN tham gia nội các, và Bộ trưởng chiến tranh Aleksandr Kerensky tuyên bố Nga tiếp tục các cam kết với quân Đồng minh để chống lại Đức và Áo-Hung. Chiến dịch Galicia được tung ra nhằm giành lại thế chủ động cho quân Nga nhưng không đạt kết quả. Phe Bolshekvik chủ trương rút Nga khỏi cuộc chiến và đề cao khẩu hiệu "thất bại là cách mạng".

Tháng 7/1917, phe Bolshevik tổ chức biểu tình ở Petrograd và bị đàn áp. Kerensky lên làm thủ tướng, ra lệnh truy nã Lenin.

Tháng 9/1917, Tư lệnh quân Nga ở Galicia (thuộc đế quốc Áo-Hung nay là Tây Nam Ukraine, Đông Ba Lan), Tướng Lavr Kornilov kéo quân về thủ đô Petrograd để chặn đánh quân Bolshevik nhưng bị nghi là làm binh biến cho phe hữu.

Kerensky tước quân hàm của Kornilov và mời các phái cách mạng ôn hòa hơn Bolshevik tham gia chính phủ. Cùng tháng, Nga tuyên bố trở thành nước cộng hòa, xóa bỏ 500 năm triều đại Romanov.

Tháng 10, phe Bolshevik làm cuộc Cách mạng Tháng 10, dùng lính thủy và công nhân tấn công các trụ sở chính quyền. Sang tháng 12, chính phủ cách mạng ký với Đức và Áo-Hung, rút khỏi cuộc chiến.

Phe hữu theo Lavr Kornilov và cựu Tổng tư lệnh quân Nga Mikhail Alekseyev tổ chức quân Bạch Vệ chống lại Hồng quân Nga do Lenin và Trotsky lãnh đạo. Nội chiến Nga bắt đầu.

Điều thứ nhì cần nói là mâu thuẫn sâu sắc không chỉ có giữa hai phe Đỏ và Trắng mà tồn tại ngay trong hàng ngũ cách mạng.

Ngày 30/08/1918, nữ đảng viên Cách mạng XHCN Fannie Kaplan bắn trọng thương Lenin ở tân thủ đô Moscow. Cùng ngày, lãnh đạo an ninh Cheka ở Petrograd, Moisei Uritsky (gốc Do Thái Ukraine) bị một đảng viên Cách mạng XHCN khác bắn chết.

Chính phủ tung ra làn sóng Khủng bố đỏ truy sát nội thù. Kaplan bị xử tử ngày 4/09. Sức khoẻ của Lenin yếu dần và ông qua đời đầu năm 1924. Không còn Lenin, Stalin ra tay thanh trừng phái Trotsky.

Trong Nội chiến Nga 1918-1923, các cường quốc Âu-Mỹ và cả quân Nhật lợi dụng cơ hội đã can thiệp mạnh vào nội tình Nga. Nội chiến chấm dứt, làm chết ít nhất 10 triệu người, đa số là thường dân thuộc mọi dân tộc trong nước Nga rộng lớn.

Khác với ngộ nhận ở Việt Nam, ông Putin không hề thích phái Bolshevik của Lenin và cuộc Cách mạng tháng 10. Từ khi làm tổng thống, ông cho phục hồi tất cả các nhân vật thuộc phe Bạch Vệ cũ. Quan điểm Đại Nga bảo thủ của họ gần với nhãn quan của Putin hơn là "tình đồng chí vô sản" một thời.

Năm 2005, chính quyền Nga và Giáo hội Chính thống làm lễ trọng thể, rước hài cốt của Đại tướng Anton Denikin, tổng tư lệnh quân Bạch Vệ, từ Mỹ về chôn cất tại Moscow.

Tướng Denikin bị thua trong Nội chiến Nga sau khi suýt chiếm được Moscow từ tay phe cộng sản, đã chạy sang Mỹ tỵ nạn và chết ở Michigan. Ông để lại cuốn hồi ký, nói về thời "smuta" 1917 tàn phá tổ quốc ông ra sao.

'Smuta' trong cái nhìn ngày nay

Đây Vladimir Putin không phải người đầu tiên dùng từ 'smuta' và cũng không phải ông nói ra lần đầu.

Trong một số lần tranh cử trước, Putin đã bóng gió nhắc tới việc nếu không tăng cường sức mạnh nhà nước - hiểu theo nghĩa để quyền lực tập trung vào tay của ông - thì Nga bị đe dọa rơi vào hỗn loạn.

Nhưng mấy thập niên cầm quyền của Putin có vẻ chỉ khiến các vấn đề đến nhanh hơn. Thậm chí, các nhân vật cực hữu, dân tộc chủ nghĩa của Nga nói đến 'smuta' như điều tất yếu.

Statue of Ivan the Terrible in Alexandrov

ẢNH: GAZETA NOVY GOROD ALEXANDROV

Năm 2015, Zakhar Prilepin, thành viên Duma Quốc gia, một người phát ngôn cho phái Đại Nga, đã kêu gọi "đừng sợ hỗn loạn, hãy tin vào Chúa Trời, hãy bước vào xoáy của hỗn loạn" để thanh tẩy dân tộc (Ne chuzhaia smuta. Odin den' - odin' god).

Không ai rõ quan điểm chủ chiến của ông Prilepin có gián tiếp giúp Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine hay không, nhưng bản thân ông vừa trở thành nạn nhân của âm mưu ám sát.

Prilepin bị trúng bom hồi tháng 5 cụt hai chân nhưng thoát chết. Ai muốn ám sát Prilepin? Đặc vụ từ bên ngoài hay một phái nào trong lòng nước Nga?

Xung khắc nội bộ Nga đã lớn tới mức để xảy ra cuộc binh biến của phe Wagner, đội quân đánh thuê kiêm công ty hậu cần quân đội vốn được cho là đã xâm nhập sâu rộng vào bộ máy quân sự Nga.

Vào thời điểm hiện nay, như trang Telegraph ở Anh hôm 01/07 điểm ra vài gương mặt có "tiềm năng" chiếm quyền tại Nga.

Bài 'Russian power players who could take down Putin' nêu ra Tổng thống CH Chechnya Ramzan Kadyrov, Tư lệnh Vệ binh Quốc gia Viktor Zolotov, Đại tướng Sergei Shoigu, lãnh đạo an ninh FSB Aleksandr Bortnikov...

Cảnh báo, hay linh cảm về thời 'smuta' của Vladimir Putin được Phương Tây hết sức lo ngại.

Hoa Kỳ không hề muốn Putin sụp đổ và lãnh đạo CIA đã gọi điện ngay cho bên tương nhiệm của Nga, khẳng định Mỹ không liên quan gì đến vụ việc Prigozhin.

Lý do là tình hình Nga cho thấy "những kẻ như Prigozhin hay Kadyrov vốn luôn miệng nói về vũ khí hạt nhân mà lên thay thì còn nguy hiểm hơn", theo trang Politico.

William Pomeranz, Giám đốc Trung tâm Kennan, Viện Wilson Center ở Hoa Kỳ còn nói, "ở Nga đang có cả nghìn kẻ đang nghĩ mình mới xứng đáng làm tổng thống và thời cơ đã đến..."

Ảnh chụp gia đình hoàng gia năm 1906. Từ trái sang phải xung quanh Sa Hoàng Nicolas 2 và Hoàng hậu Alexandra, các con Anastasia, Alexis, Marie, Olga và Tatiana. Tất cả đều bị thủ tiêu ngày 17/7/1918

ẢNH: OTHER. Ảnh chụp gia đình hoàng gia Nga năm 1906. Từ trái sang phải xung quanh Sa Hoàng Nicolas đệ nhị và Hoàng hậu Alexandra, các con Anastasia, Alexis, Marie, Olga và Tatiana. Tất cả đều bị chính quyền cách mạng Nga thủ tiêu ngày 17/7/1918

Thời Liên Xô, ám ảnh về sự hỗn loạn lịch sử vẫn được tìm hiểu.

Trong bài "Smuta: cyclical visions of history in contemporary Russian thought and the question of hegemony" (2018) tác giả Kare Johan Mjor nhìn lại tư duy Nga qua từ khóa nổi tiếng.

Theo đó, ngay thời Liên Xô nhà nghiên cứu Aleksandr Yanov đã bác bỏ quan điểm chính thống cho rằng Nga sẽ dẫn dắt các nước cộng hòa trong Liên bang tiến lên chủ nghĩa cộng sản.

Yanov cho rằng cứ 70 năm, Nga lại rơi vào một thời 'smuta'.

Dù không (kịp) đề cập tới giai đoạn sau 1991, Yanov vào năm 1978 đã mô tả các cuộc khủng hoảng bảy thập niên một lần từ thời Ivan Bạo chúa, tới thời Stalin.

Ông chia ra các chu kỳ của lịch sử Nga, thường gồm ba giai đoạn:

1. Thời của độc đoán giả trá (pseudodespotism): Ivan Bạo chúa, các giả vương Dmitry trong thế kỷ 16-17, Stalin ở thế kỷ 20.

2. Thời smuta với các dự án cải cách thất bại, dẫn tới hỗn loạn (cải cách của Sa hoàng Aleksandr II năm 1861 xóa chế độ Nông nô, cải cách Kerensky 1917…). Ngày nay đa số người Nga cũng đổ lỗi cho thời Yeltsin như vậy.

3. Thời suy tàn, trì trệ.

Điểm đáng chú ý là trong rất nhiều các thời kỳ bất ổn của Nga, yếu tố dân tộc phía Tây Nam (Ukraine, Cossacks, Ba Lan) luôn có vai trò quan trọng.

Các cuộc tấn công trong nội chiến thường từ phía Nam đến, mà lần cuối cùng là chiến dịch của các binh đoàn Cossack sông Đông thuộc Lực lượng Vũ trang miền Nam Nga (AFSR) tiến về Moscow tháng 9/1018.

Nguyên soát Hồng quân Semyon Budyonny đã đập tan một cánh của quân miền Nam tại Voronezh - chính là nơi hôm trước đoàn quân Wagner kéo qua không ai chống cự.

Các trận thắng của phe Đỏ ở Kastonoye, Kursk đã bẻ gẫy gọng kìm Tây Nam của phe Trắng, dẫn tới thắng lợi cuối cùng.

Người Nga và ám ảnh Đại Loạn

Chủ đề "hỗn loạn" được nhiều trí thức Nga tiếp tục phân tích sau khi Liên Xô sụp đổ.

Năm 2006, nhà kinh tế, triết gia Aleksandr Akhiezer viết rằng sự củng cố quyền lực của TT Putin báo hiệu Nga bước vào thời Trì Trệ lặp lại.

Theo ông, nước Nga về cơ bản luôn có cơ chế quyền lực độc đoán, đôi khi bị hạ bệ bởi các cuộc vùng lên hỗn loạn, vô chính phủ (anarchist protest from below), nhưng cải tổ để Tây Âu hóa đều bất thành.

Vladislav Zubov, tác giả cuốn sách nổi tiếng về cuộc cải cách thất bại của Gorbachev đã khiến Liên Xô tan rã (Collapse: The Fall of the Soviet Union) thì nêu ra các đánh giá về sai lầm của ông Putin.

A picture of Vladimir Lenin behind a standard showing the communist symbol

ẢNH: GETTY IMAGES

Vladislav Zubov cho rằng dư âm của sự kiện Liên Xô sụp đổ năm 1991 còn vang dội ở Nga nhiều thập niên.

Zubov cho rằng Putin đã lầm khi tưởng mình là Peter Đại đế (Putin's folly) mà đúng ra, ông ta chỉ là một nhà lãnh đạo của tình thế, cố gắng cứu vãn tình hình Nga, một di sản Liên Xô tan rã.

Sự kiện Liên Xô sụp đổ vẫn để lại "dư âm tàn khốc" cho Nga trong hàng chục năm và Putin khó vượt qua được các thách thức hiện nay, Vladislav Zubov nêu ý kiến khi Nga đánh Ukraine tháng 2/2022.

Nguồn: bbc.com/vietnamese

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn