Vụ án Nguyễn Văn Chưởng và bức màn bí mật về việc thi hành án tử ở Việt Nam

BBC Tiếng Việt 

Tử tù Nguyễn Văn Chưởng sắp bị đưa ra hành hình khiến dư luận dậy sóng vì vụ việc có những dấu hiệu oan sai. Gần 5.000 người đã ký kiến nghị gửi đến Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng xin hoãn thi hành án đối với ông Chưởng.

Bên cạnh việc kêu gọi Chủ tịch nước ân xá, xem xét lại án tử hình như trường hợp ông Nguyễn Văn Chưởng, nhiều người, đặc biệt là các luật sư cũng lên tiếng chính phủ Việt Nam nên cân nhắc bỏ án tử hình.

Bà Nguyễn Thị Loan mẹ của Hồ Duy Hải, ông Nguyễn Trường Chinh bố của Nguyễn Văn Chưởng. Cả hai người đều đã kêu oan cho con trai mình liên tục trong những năm qua

Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, tính đến cuối năm 2022, có tổng cộng 144 nước xoá bỏ hình phạt tử hình trong pháp luật và trong thực tế. Hiện chỉ còn 55 nước vẫn đang duy trì hình phạt tử hình, trong đó có Việt Nam.

Trong năm 2022, Việt Nam có thêm 102 bản án tử hình và tổng cộng có hơn 1.200 án tử.

Bí mật quốc gia

Việt Nam cùng Trung Quốc và Bắc Hàn là ba quốc gia luôn che giấu thông tin về số vụ hành quyết với lý do "bí mật quốc gia", theo một báo cáo hồi tháng 5 của Ân xá Quốc tế.

Bà Chiara Sangiorgio, chuyên gia về vấn đề án tử hình từ Ân xá Quốc tế nói với BBC hôm 8/8 rằng, việc thực hiện án tử hình tại Việt Nam là vấn đề cực kỳ đáng lo ngại, xét cả về những điều được giữ bí mật lẫn những gì chúng ta biết được từ thông tin ít ỏi có sẵn.

"Sự tiếp diễn của bức màn bí mật này khiến cho việc hiểu được những gì xảy ra sau bức tường nhà tù là điều không thể, từ thời điểm thi hành án, đến tội danh bị tuyên án tử, đến số lượng bao nhiêu án được thi hành. Các con số t lệ phần trăm tăng hoặc giảm các vụ thi hành án tử mà thỉnh thoảng nhà chức trách chia sẻ thực ra không cho thấy sự bắt đầu trong việc giải quyết vấn đề minh bạch hóa việc thực thi án tử hình tại nước này.

"Thông tin không chỉ quan trọng cho việc theo dõi xu hướng, mà nó còn cần thiết để công chúng được biết về thực tế án tử hình tại Việt Nam và tác động của nó đối với quyền con người", bà Sangiorgio phân tích.

Hôm 4/8, gia đình ông Nguyễn Văn Chưởng nhận được văn bản của Tòa án Thành phố Hải Phòng về việc nhận thi thể ông mà không được thông tin thêm gì về thời gian, địa điểm thi hành án.

Ngay sau đó, cha mẹ của tử tù Nguyễn Văn Chưởng đã gửi đơn kiến nghị, thỉnh cầu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tạm hoãn thi hành án tử hình đối với trường hợp của ông Chưởng nhưng vẫn chưa có được phản hồi từ người đứng đầu nhà nước Việt Nam.

Gần 5.000 người khác cũng đã ký vào một đơn kiến nghị với yêu cầu tương tự. Nhiều người đã đổi ảnh đại diện trên Facebook hình những con hươu được chính tay ông Nguyễn Văn Chưởng dùng tăm đan từ những chiếc túi nilon gói hàng để có thể bí mật gửi thư kêu oan ra ngoài trong suốt 17 năm trời ròng rã.

Trong ngày 4/8, nhà báo Nguyễn Đức, biên tập viên Báo Pháp luật TP.HCM đăng trên Facebook việc ông đã nhắn tin cho Chủ tịch nước và nhận được phản hồi. Đồng thời, ông Đức cũng viết trên Facebook rằng ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó trưởng ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ĐBQH khóa 14 cũng đã nhắn tin đến Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào sáng 5/8/2023.

Tuy dư luận xôn xao nhưng điều kỳ lạ là ngoài trang Dân Việt, báo trong nước như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VnExpress... đều không đưa tin về vụ việc này dù trước đó vào năm 2014, 2015, họ từng đưa tin rất mạnh mẽ về những khúc mắc trong vụ án của ông Nguyễn Văn Chưởng.

Phân tích với BBC trường hợp của ông Nguyễn Văn Chưởng, bà Chiara Sangiorgio nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhà chức trách Việt Nam phải ngay lập tức ban lệnh đình chỉ tất cả các vụ thi hành án tử.

Theo bà, các vụ án gây chú ý dư luận này đã giúp cung cấp cái nhìn về việc các cơ quan chính quyền sẵn sàng và tùy tiện lấy đi mạng sống của con người một cách bất lương sau các phiên xử bất công, dựa trên bằng chứng có được từ tra tấn và bất chấp yêu cầu xem xét lại các vụ án từ Viện trưởng Viện kiểm sát hoặc các ủy ban của Quốc hội.

"Rõ ràng chúng cũng đã phơi bày các tác động mà án tử hình và sự bí mật gây ra cho gia đình của những người đối mặt với nguy cơ bị hành quyết – gia đình của Nguyễn Văn Chưởng chỉ biết về việc án tử hình của anh ta sắp diễn ra vì họ được yêu cầu sắp xếp cho việc an táng, nhưng họ không được thông báo về thời điểm thi hành án.

"Họ đã không ngừng gửi đơn thỉnh cầu cho anh ta suốt nhiều năm, khó có thể tưởng tượng được họ phải trải qua những ngày đáng sợ này thế nào đối, trong mối đe dọa của bản án tử hình", chuyên gia từ Ân xá Quốc tế ý kiến.

Trong khối ASEAN, chỉ còn Việt Nam, Myanmar và Singapore là ba quốc gia vẫn thực thi án tử hình trong năm 2022 và nằm trong số 19 quốc gia trên tổng số 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc áp dụng hình phạt này.

Dựa trên những tiết lộ một phần từ các cơ quan chính quyền và thông tin về các án tử hình mà công chúng có thể theo dõi hàng năm, có thể thấy có vẻ án tử hình vẫn được sử dụng rộng rãi, bao gồm cả các tội danh không đến mức "những tội phạm nghiêm trọng nhất" – cái ngưỡng mà việc sử dụng hình phạt này phải bị hạn chế theo các luật và tiêu chuẩn quốc tế.

Các tội danh này bao gồm các tội liên quan đến ma túy và các tội phạm kinh tế. Là một bên tham gia Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, Việt Nam có nghĩa vụ tuân thủ những hạn chế này, thế nhưng thay vào đó, điều chúng ta thấy là việc vi phạm thường xuyên, dẫn lời bà Chiara Sangiorgio.

Trong báo cáo gửi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội từ ngày 1 tháng 10 năm 2020 đến ngày 31 tháng 7 năm 2021, chính phủ nhấn mạnh: số người bị kết án tử hình tăng nhanh, gần 30%; và 11 cơ sở thi hành án bằng tiêm thuốc độc đã được đưa vào sử dụng, với những người từ các địa điểm khác được chuyển đến đó để thi hành án tử hình.

Đáng chú ý, Đại học Cornell (Mỹ) nói họ đã không tìm thấy "bất kỳ thông tin gì về các loại thuốc độc được sản xuất trong nước [Việt Nam] đã được sử dụng, hay chất lượng, độ tin cậy và hiệu quả". Vì vậy, không có bằng chứng nào cho việc tiêm thuốc độc sẽ có tính nhân đạo hơn đối với tử tù.

Hành hình là việc 'không thể đảo ngược'

Các vụ án oan của ông Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn và nhiều vụ nhức nhối khác khiến cho dư luận tin rằng, những sự vụ có dấu hiệu oan sai càng cần được cân nhắc trước khi các tử tù bị đưa ra hành hình.

Đối với trường hợp của ông Nguyễn Văn Chưởng, luật sư Lê Văn Hòa - nguyên Tổ trưởng Kiểm tra án oan của Ban Nội chính Trung ương đã chỉ ra nhiều tình tiết còn nghi vấn, cho thấy ông Chưởng có dấu hiệu bị oan.

Nổi bật nhất là việc ông Chưởng có chứng cứ ngoại phạm, nhưng không được điều tra làm rõ. Cụ thể, nhiều nhân chứng xác nhận thời điểm xảy ra vụ án, Chưởng có mặt ở quê Hải Dương nhưng không được điều tra, đối chất một cách khách quan.

Ông Nguyễn Trọng Đoàn (em trai Chưởng) nộp các xác nhận ngoại phạm đó lại bị CQĐT bắt khẩn cấp về tội "che giấu tội phạm" và bị xử hai năm tù.

Luật sư Hòa cũng phân tích trên Facebook cá nhân rằng, căn cứ vào diễn biến vụ án do chính các cơ quan tiến hành tố tụng kết luận, thì trong suốt quá trình chuẩn bị phạm tội cũng như quá trình “phạm tội” của nhóm Chưởng, Hoàng, Trung không có sự bàn bạc, phân công vai trò của từng người, không có sự phân công việc chuẩn bị hung khí, không có sự bàn bạc về cách thức sẽ đi cướp.

Đặc biệt, không bàn đến việc sẽ giết người để cướp tài sản, nhưng Chưởng bị quy kết vai trò chủ mưu tội giết người. Trong hồ sơ thể hiện, chứng cứ kết tội Chưởng là chủ mưu và tham gia chém nạn nhân chỉ là chứng cứ gián tiếp, lời khai của các bị cáo có nhiều mâu thuẫn, chưa đủ cơ sở kết luận Chưởng là chủ mưu, nhưng không được làm rõ.

Trong đơn kêu oan của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, ông nói rằng mình bị tra tấn, nhục hình. Luật sư Hoàng Văn Quánh (Ðoàn luật sư TP Hà Nội), người bảo vệ cho Nguyễn Văn Chưởng ở phiên phúc thẩm, cùng từng thông tin rằng, tại tòa cả hai anh em Chưởng khai bị đánh đập nên phải nhận tội. Các bản cung phía dưới chữ ký Chưởng đều viết chữ "EC" (tức bị ép cung).

Năm 2011, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Tòa án Nhân dân Tối cao hủy bản án hình sự phúc thẩm. Theo đó, vụ án có một số vấn đề cần phải làm rõ, đề nghị xem xét về phần hình phạt theo hướng giảm nhẹ cho Nguyễn Văn Chưởng từ tử hình xuống chung thân.

Tuy nhiên tháng 12/2011, Tòa án Nhân dân Tối cao có quyết định giám đốc thẩm, không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao, giữ nguyên án phúc thẩm.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) khu vực châu Á nói với BBC có rất nhiều bằng chứng cho thấy cảnh sát đã sử dụng tra tấn để thẩm vấn các nghi phạm hình sự, vì vậy không thể dễ dàng bác bỏ những cáo buộc này.

Đại diện HRW cho rằng cần có các điều tra viên độc lập, những người có thể đảm bảo những cáo buộc này được điều tra kỹ lưỡng và công bằng và phải cho những nhân chứng cung cấp lời khai các bằng chứng ngoại phạm của Nguyễn Văn Chưởng.

"Trong một vụ án không chắc chắn như thế này, tốt hơn là nên tiến hành một cách thận trọng hơn là vội vàng và có khả năng phạm phải một hành động bất công nghiêm trọng không thể đảo ngược", ông Robertson nói.

Việt Nam đã từng có những trường hợp như của Hồ Duy Hải, người được hoãn thi hành án vào giờ chót hồi tháng 12/2014. Việc có những đại biểu quốc hội, đảng viên, người dân lên tiếng về trường hợp của ông Nguyễn Văn Chưởng phần nào cho thấy niềm mong mỏi về công lý trong lòng công chúng.

Một nhà hoạt động ẩn danh từ Sài Gòn nói với BBC rằng, việc dư luận quan tâm liên tục về vụ của ông Nguyễn Văn Chưởng là một tín hiệu tích cực, cho thấy tinh thần xem trọng mạng sống con người và niềm hy vọng vào giới chức Việt Nam.

"Tôi nghĩ với lòng dân hiện tại thì có thể không ai dám ký lệnh tiêm thuốc nếu vẫn thi hành án tử. Ngược lại, tôi cũng không chắc Chủ tịch nước có dám ký lệnh ân xá hay hoãn thi hành án không vì với nền tư pháp Việt Nam, tòa án không được độc lập làm công việc của tòa án mà làm theo ý chí của đảng và Bộ Chính trị, các quyết định của tòa trong những vụ án như vầy không dựa trên pháp luật.

"Một số quan chức nhúng tay vào vụ ông Chưởng như ông Đỗ Hữu Ca, khi đó là Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hải Phòng và cấp phó là Đại tá Dương Tự Trọng đều đã ngã ngựa. Nhưng vấn đề là chính phủ Việt Nam sẽ không bao giờ nhận sai nên sẽ rất khó có bước ngoặt nào", nhà hoạt động này nói.

Luật sư Đặng Đình Mạnh bình luận với BBC rằng, quyết định xử tử một người là đến từ chính con người, mà con người thì không hoàn hảo và có thể có sai lầm.

"Do đó, nếu một quốc gia tôn trọng sinh mạnh người dân, thì luật pháp phải luôn luôn dự liệu sẵn quy định để sửa sai. Nếu luật pháp của một quốc gia không dự liệu sẵn quy định sửa sai, chứng tỏ quốc gia đó không tôn trọng sinh mạng người dân.

"Hơn nữa, bên cạnh luật pháp, thì công chúng đã từng chứng kiến tiền lệ hoãn thi hành án tử hình với em Hồ Duy Hải bằng sự can thiệp của một ông chủ tịch nước. Điều đó có thể lập lại lần nữa với em Nguyễn Văn Chưởng mà bất chấp có quy định luật pháp hay không. Điều cần là họ có thực hiện hay không mà thôi", luật sư Mạnh nói.

Chưa phải dấu chấm hết

Báo Tuổi Trẻ năm 2015 có bài viết "Vụ tử tù Nguyễn Văn Chưởng đã "hết đường" kháng nghị, có đoạn dẫn lời Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện:

"Theo quy định của pháp luật hiện hành thì vụ này nếu có sai cũng hết đường kháng nghị, bởi quyết định của pháp luật về tố tụng hình sự thì quyết định của Hội đồng thẩm phán là quyết định cuối cùng".

Tuy nhiên, luật sư Đặng Đình Mạnh lý giải rằng, trái với sự hiểu nhầm của nhiều người, thì bản án của Hội đồng thẩm phán đối với ông Nguyễn Văn Chưởng vẫn chưa phải là dấu chấm hết.

"Vì lẽ, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, thì hai cơ quan của quốc hội, gồm Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp và hai chức danh tư pháp gồm Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vẫn có quyền yêu cầu hoặc kiến nghị Hội đồng Thẩm phán xem xét lại quyết định của mình.

"Chỉ khi nào Hội đồng Thẩm phán đã có quyết định giải quyết các yêu cầu hoặc kiến nghị đó, thì đó mới là dấu chấm hết sự việc", theo luật sư Mạnh.

Ngoài ra, ở điều 404 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 quy định về yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao có viết:

"Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó."

Vấn đề đặt ra là, năm 2011, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao bác kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao mà không suy xét những tình tiết còn đầy uẩn khúc mà các luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Văn Chưởng đã nêu, như vậy những tình tiết này đến nay có được xem là "là tình tiết quan trọng mới" hay không.

Câu trả lời một lần nữa phụ thuộc vào ý chí chính trị của những người cầm quyền. Luật sư Lê Văn Hòa viết trên Facebook ngày 9/8:

"Dừng thi hành án Nguyễn Văn Chưởng để kiểm tra oan sai không chỉ cứu nền Tư pháp, cao hơn là cứu Niềm tin của Nhân dân vào Chế độ".

Luật sư Đặng Đình Mạnh thì nói với BBC, từ lâu công chúng đã hoàn toàn mất lòng tin vào hệ thống tư pháp Việt Nam.

"Cho nên, nếu chính quyền có chủ trương mang vụ án ông Nguyễn Văn Chưởng ra thực hiện hình phạt tử hình, bất chấp công luận có lên tiếng phản đối thì cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên. Nhưng nếu chính quyền tạm hoãn việc thi hành, thì điều đó mới đáng lạ.

"Cho dù điều đó [tạm hoãn thi hành án] có xảy ra, mang ý nghĩa tích cực, thì cũng chưa đáng lạc quan. Vì lẽ, công chúng mất lòng tin về hệ thống tư pháp từ lâu, thất vọng quá nhiều, thì một hiện tượng chưa đủ hồi phục được lòng tin của họ", luật sư Mạnh phân tích.

Pháp luật Việt Nam hiện nay không có quy định rõ ràng về thời hạn thi hành hình phạt tử hình. Theo luật sư Mạnh, điều này còn lệ thuộc và nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố có điều kiện thi hành án hay không.

"Như đã biết, đã có quyết định thay đổi hình thức tử hình, từ xử bắn sang tiêm thuốc độc. Đã có lúc, cơ quan thi hành án không có thuốc độc để tiêm tử tù, thực hiện hình phạt".

Ông Nguyễn Trường Chinh, cha của tử tù Nguyễn Văn Chưởng đã cùng vợ hơn 16 năm nay lặn lội đi đòi công lý cho con trai mình. Ông đổi từ việc cầm băng rôn sang mặc áo thêu lời tố cáo để khi bị kéo đi, bị xô đẩy thì chiếc áo với những lời kêu cầu công lý đanh thép không bị giật khỏi ổng như các băng rôn mỏng manh kia. Để tìm kiếm tự do cho con trai mình, vợ chồng ông đã không còn tự do vì liên tục bị canh chừng.

Ông Chinh nói với BBC News Tiếng Việt rằng về tinh thần, gia đình ông rơi xuống đáy của xã hội:

"Nếu giết một người không có tội, thì làm sao sửa sai?" ông nói.

 

Nguồn: BBC Tiếng Việt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn