Kinh tế Việt Nam từ 2010 đến 2023 và con đường phía trước (Phần A)

Vũ Quang Việt

Phần A. Sự khác biệt giữa số liệu GDP mới và cũ của Việt Nam

Phần B Những nét lớn trong chính sách công nghiệp hóa ở Việt Nam

Phần C Những vấn đề lớn cần giải quyết để phát triển

Tóm tắt

Bài viết này nhằm đánh giá lại kinh tế Việt Nam dựa trên số liệu mới về GDP từ 2010-2022 do Tổng cục Thống kê Việt Nam tính lại và đã công bố chính thức trên mạng.  Bài viết tiếng Việt này dựa vào bài viết tiếng Anh đã xuất bản [1], nhưng đã điều chỉnh lại dựa vào số liệu về GDP chỉnh lại cao hơn khoảng 30% trước đây. Các tỷ lệ có thay đổi, thấp hơn trước, nhưng tốc độ phát triển dù có thay đổi không làm thay đổi các kết luận của bài viết trước đây.  Bài cũng ghi lại toàn bộ số liệu mới và cũ dùng trong phân tích, với mục đích giúp giới nghiên cứu nắm rõ hơn tình hình số liệu kinh tế Việt Nam.

Có thể tóm tắt một số điểm sau: (a) GDP trong khoảng thời gian trên cao hơn trước từ 24-28%, điều này sẽ làm các chỉ số nói chung tính theo tỷ lệ GDP thay đổi như giảm các tỷ lệ nợ, thiếu hụt ngân sách, năng suất lao động, v.v. điều này có ảnh hưởng lớn khi so sánh với nước khác; (b) Tỷ lệ của khu vực doanh nghiệp tư nhân lớn hơn trước đây rất nhiều trong khi đó  doanh nghiệp  nhà nước cũng như hộ gia đình phi chính thức  giảm; (c) Tuy thế tốc độ tăng trưởng của các chỉ số cơ bản trong GDP không thay đổi đáng kể.  Những tác động của việc chỉnh sửa trên cũng chỉ cho phép phân tích hạn chế một số vấn đề kinh tế liên quan đến thể chế vì Tổng cục Thống kê chưa tách biệt rõ ràng từng năm khu vực nhà nước thành doanh nghiệp nhà nước và dịch vụ nhà nước, cũng như chưa tách biệt khu vực tư nhân thành khu vực doanh nghiệp tư nhân và khu vực hộ gia đình, đồng thời cũng chưa tách biệt doanh nghiệp thành hai loại: doanh nghiệp tài chính và phi tài chính.

Dù với những hạn chế trên vẫn có thể thấy là nền kinh tế Việt Nam hiện nay dựa chính vào đầu tư nước ngoài, tập trung vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ và châu Âu cho các nước thứ ba, dù là may mặc hay máy móc, linh kiện điện tử với lao động tay nghề thấp và năng suất thấp. Trong 10 năm qua, tốc độ tăng GDP bình quân dù cao, nhưng giảm so với trước đây và tính từ thời đổi mới năm 1989 thì chỉ đạt được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân năm trên 7% một thập kỷ rồi giảm, so với 4 thập kỷ ở Hàn Quốc và 5 thập kỷ ở Trung Quốc.  Vào năm 2022,  được là nợ nước ngoài tương đối thấp, vào năm 2022, chỉ khoảng 34%, và dự trữ ngoại tệ tương đối mỏng cũng đạt mức an toàn là 4 tháng nhập khẩu (2021).

Nhưng nợ của doanh nghiệp phi tài chính nói chung (tức là không kể ngân hàng và doanh nghiệp tài chính – khu vực trung gian tạo nợ) hiện nay là quá lớn, đang trở thành quả tạ ngăn cản phát triển. Tỷ lệ nợ lên tới 237% GDP vào cuối năm 2020, vượt xa tỷ lệ 150% của TQ và 100% của Mỹ, sẽ dễ dàng đưa đến khủng hoảng kinh tế do doanh nghiệp mất khả năng trả nợ khi lãi suất thật lên cao (có lẽ đây là lý do nhiều doanh nghiệp đã mất khả năng trả nợ khi lãi suất thật là 6% vào cuối năm 2021. Thông tin mới nhất vào tháng 6 năm 2023, lãi suất cho vay bình quân là 8.9% so với lạm phát 2% là quá cao, tức là lãi suất thật lên cao tới gần 75. Nếu tiếp tục kinh tế Việt Nam khó có khả năng tăng cao, thậm chí khu vực xây dựng sẽ suy thoái nặng và mất khả năng trả nợ.

Nợ lớn như thế cho thấy kinh tế Việt Nam nếu muốn trở lại mức phát triển bình thường sau suy thoái do Covid (2020-2022) cần phải có giải pháp đúng đắn. Sau khi GDP năm 2022 đạt tốc độ tăng 8.1% sau Covid, hai quý đầu 2023 cho thấy GDP đã giảm xuống mức rất thấp là 3.7%.

Nếu không cải cách, Việt Nam khó trở thành  con rồng con cọp như nhiều người mơ ước.

Bài viết gồm 2 phần: Phần A trình bày sơ qua về điều chỉnh thống kê của TCTK. Phần B trình bày những nét lớn trong kinh tế Việt Nam từ sau năm 2010 đến nay.

Chú thích phần Tóm tắt: 

[1] Vu Quang Viet, “A comparative statistical View of the Vietnamese economy”  in The Dragon’s Underbelly, Dynamics and Dilemmas in Vietnam’s Economy and Politics, edited by Nhu Truong and Tuong Vu, ISEAS Yusof Ishak Institute, Singapore, 2023.

A. Sự khác biệt giữa số liệu GDP mới và cũ của Việt Nam

1. Vấn đề điều chỉnh thống kê cơ sở

Việc điều chỉnh thống kê là chuyện thường xuyên ở mọi nước và thường theo một qui hoạch nhất định. Tổng điều tra kinh tế (census) trên nguyên tắc phải điều tra mọi đơn vị sản xuất và hộ gia đình trong nền kinh tế nên rất tốn kém và chỉ thực hiện 5 năm một lần, ngay cả ở các nước giầu có. Nó cho ta bức tranh hoàn chỉnh bằng số liệu của nền kinh tế. Trên cơ sở của tổng điều tra, điều tra hàng năm và hàng quý chỉ mang tính điều tra chọn mẫu, với mẫu lớn hơn cho năm và mẫu nhỏ hơn cho quý để vừa giảm chi phí vừa lấy được kết quả nhanh chóng nhằm giúp doanh nghiệp và chính phủ làm chính sách. Sau mỗi năm, khi có GDP năm, GDP các quý trong năm phải được tính lại, và sau 5 năm khi kết quả của Tổng điều tra mới nhất và bảng cân đối liên ngành (SUT) xây dựng hoàn thành, GDP các năm giữa kỳ Tổng điều tra trước và Tổng điều tra mới nhất phải được tính lại để phù hợp với sự chuyển biến giữa hai cuộc tổng điều tra. Cũng thế, toàn bộ số liệu thống kê quý giữa 2 kỳ Tổng điều tra cũng đều được tính lại để phù hợp với số liệu cuối cùng của từng năm.  Tổng điều tra cũng là cơ hội cho phép đánh giá lại phương pháp thống kê và nhất là phương pháp và qui trình chọn mẫu điều tra quý và năm.

Ở Mỹ, số liệu GDP trải qua 4 lần điều chỉnh, khác biệt trung bình tính từ 1996-2021 giữa lần cuối cùng dựa vào bảng SUT xây dựng trên số liệu tổng điều tra và lần ước đầu là 1.2 percentage point (bỏ qua dấu âm hay dương, thí dụ với 1.2 percentage point, GDP có thể không phải 3% mà là nằm giữa 4.2% hay 1.8%). Sự khác biệt này có vẻ lớn, nhưng đó là vì tính cả kết quả khi Mỹ chuyển hệ thống Mỹ sang hệ thống SNA2008 của Liên Hợp Quốc với những thay đổi về ý niệm và phương pháp luận, thí dụ việc áp dụng chain indexing (lập chỉ mục liên kết hàng năm) thường đưa đến tốc độ tămg cao hơn vì nó phản ánh thay đổi cơ cấu kinh tế năm trước thay vì năm gốc; [1] hay việc áp dụng phương pháp mới trong việc tính bổ chi phí ngân hàng cho người sử dụng đã làm GDP tăng lên từ 1-3% tùy từng nước, như ở Anh là 2%. Ở Mỹ, những năm gần đây sự điều chỉnh chỉ khoảng 0.1 percentage point. [2]

Cuộc điều chỉnh vừa qua cho thấy tính theo giá thực tế năm 2010, GDP mới mỗi năm cao hơn GDP cũ trung bình 24-28% (coi B4). Như thế cuộc điều chỉnh vừa qua đưa đến sự thay đổi rất lớn về qui mô nền kinh tế, mà các điều tra chỉ dựa vào điều tra chọn mẫu đã không phản ánh đúng. Chúng tăng GDP, mức GDP đầu người, đồng thời giảm các tỷ lệ như nợ quốc gia, thiếu hụt ngân sách và do đó tạo sự nghi ngờ về sự chân thật của thống kê chính thức.  Cuộc điều chỉnh giữa các năm trong hai cuộc Tổng điều tra, dựa vào tổng thể tốc độ tăng 5 năm của hai kỳ và trên cơ sở đó điều chỉnh từng năm trước đây cho thấy sự khác biệt giữa tốc độ tăng GDP bình quân năm không đáng kể, tăng bình quân năm mới là 6.2%, so với bình quân năm cũ là 6.0% (coi 5). Tuy nhiên, sự điều chỉnh đưa đến sự khác biệt lớn trong cơ cấu thành phần kinh tế trong nền kinh tế. Tỷ trọng kinh tế khu vực đầu tư nước ngoài không thay đổi (20%) nhưng tỷ lệ khu vực tư nhân tăng từ 43% lên 51% và khu vực nhà nước giảm từ 27% xuống 21%.  Tất nhiên là các hệ số như nợ nước ngoài, thiếu hụt ngân sách quốc gia đều giảm.

Nhưng tại sao lại có điều chỉnh lớn như vừa nói gây ra nghi ngờ? Trước đây, Việt Nam đã không dùng Tổng điều tra năm 2012 để điều chỉnh những năm trước đó và cũng không dùng kết quả tổng điều tra để tính cho những năm sau đó nên việc điều chỉnh mới đây (xuất bản năm 2021) là điều chỉnh kép, tạo nên sự thay đổi rất lớn. Do vậy, số liệu trước năm 2010 cũng sẽ phải điều chỉnh lại trong tương lai để phù hợp với kết quả Tổng điều tra năm 2012 và Tổng điều tra năm 20017 nhằm có số liệu phân tích đúng đắn về phát triển kinh tế ở Việt Nam từ năm 1975. Hiện nay Tổng cục Thống kê chưa điều chỉnh trên cơ sở của bảng cân đối liên ngành (supply and use tables) như trước đây nên có thể phải điều chỉnh lại một lần nữa trong tương lai, dù sự điều chỉnh đưa đến sai số nhỏ hơn.

B1. Số liệu điều chỉnh lần đầu nhưng chưa hoàn chỉnh cho năm 2016 trước và sau Tổng điều tra 2017

Sau tổng điều tra 

Trước tổng điều tra 

Tăng giảm

Khu vực doanh nghiệp nhà nước

Số đơn vị

2,698

2,835

-5%

Lao động

1,286,288

1,371,669

-6%

Doanh thu

2,865,500

2,722,246

5%

GDP

751,480

1,171,875

-36%

Khu vực doanh nghiệp tư nhân

Số đơn vị

500,654

427,710

17%

Lao động

8,627,766

7,712,499

12%

Doanh thu

9,762,148

8,075,154

21%

GDP

1,496,153

369,434

305%

Khu vực FDI

Số đơn vị

14,572

11,940

22%

Lao động

4,167,273

3,772,688

10%

Doanh thu

4,808,782

4,151,782

16%

GDP

1,065,506

837,093

27%

Khu vực Hộ gia đình (phi chính thức)

 

Số đơn vị

5,142,878

4,837,066

6%

Lao động

8,701,319

7,780,524

12%

Doanh thu

2,524,270

2,551,539

-1%

GDP

1,306,400

1,370,319

-5%

Khu vực hợp tác xã

Số đơn vị

13,556

12,865

5%

Lao động

205,081

212,938

-4%

Doanh thu

63,797

74,979

-15%

GDP

21,647

176,510

-88%

Khu vực dịch vụ nhà nước

Số đơn vị

143,723

Lao động

3,789,442

Doanh thu

944,778

GDP

321,891

Nguồn: Số liệu trên do Tổng cục Thống kê cung cấp.

Dù sao, có thế thấy rõ trong bảng B1-B3  tóm lược kết quả của Tổng điều tra năm 2017 về năm 2016 là việc điều chỉnh GDP cao hơn không phải là do nền kinh tế phi chính thức (thành phần hộ gia đình) không được đếm đầy đủ, thậm chí kết quả cho thấy là ước GDP của khu vực phi chính thức quá cao trước đây đã phải điều chỉnh thấp xuống (-5%). Khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng đếm quá cao do đó phải điều chỉnh GDP từ khu vực này thấp xuống (-36%). Còn khu vực doanh nghiệp tư nhân rõ ràng là đếm thiếu, GDP từ khu vực này điều chỉnh tăng lên 3 lần khi đếm đủ.  Cũng có thể thấy rõ là số đơn vị, doanh thu và GDP không được điều chỉnh theo cùng một nhịp, nhất là GDP vì hệ số chi phí trên giá trị sản lượng dùng để ước tính GDP trước đó đã quá lỗi thời. Số liệu trong B2 và B3 cho thấy đây là lần độc nhất có thể thấy khu vực doanh nghiệp nhà nước đã được tách khỏi doanh nghiệp tư nhân, và khu vực dịch vụ nhà nước cũng được tách riêng. Sự tách bạch này không được Tổng cục Thống kê xuất bản chính thức.  Với thông tin đầy đủ hơn so với các năm khác, năm 2016 cho thấy doanh nghiệp tư nhân chưa có vai trò gì đáng kể, với năng suất vượt trội so với hộ gia đình.

2. Kết quả tổng thể điều chỉnh GDP theo phương pháp sản xuất

Để phân tích sự khác biệt giữa thống kê GDP sau điều chỉnh và trước điều chỉnh đã được công bố chính thức, ta có thể xem các bảng B4-B9:

·       Về giá trị, GDP theo giá cố định (hay giá thực tế cũng thế) cao hơn trước từ 27-30% (B7).

·       Về cơ cấu thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước nhỏ đi, kinh tế ngoài nhà nước tăng lên. Kinh tế FDI gần như cũ (xem xét năm 2016, B8).

·       Về cơ cấu ngành kinh tế, nông nghiệp giảm xuống và công nghiệp chế biến tăng vọt lên(xem xét năm 2016, B9).

·       Tốc độ tăng trưởng GDP không thay đổi đáng kể (B5).

B7. So sánh giá trị GDP mới và cũ (% mới cao hơn cũ)

2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

Giá thực tế

27.0

27.3

25.5

24.8

25.4

23.8

25.2

25.7

26.5

27.7

27.8

Giá cố định

27.0

27.2

27.5

27.6

28.2

28.5

29.1

29.3

29.8

30.2

30.1

B8. So sánh GDP cũ và mới trên  cơ sở cơ cấu thành phần kinh tế 2016 (% GDP)

Mới

Kinh tế nhà nước

28.8

22.8

Kinh tế ngoài nhà nước

               42.6

50.2

Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài

                18.6

17.8

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp

                 10.0

9.2

Tổng

100.0

100.0

B9. So sánh GDP cũ và mới trên cơ sở cơ cấu ngành kinh tế năm 2016 (% GDP)

Mới

Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

16.3

13.8

Khai khoáng

8.1

3.3

Công nghiệp chế biến, chế tạo

14.3

21.5

Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí

4.7

3.8

Xây dựng

5.6

5.5

Dịch vụ bán buôn bán lẻ, vận tải, khách sạn nhà hàng

17.0

17.2

Dịch vụ khác

23.9

25.7

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp

10.0

9.2

Tổng

100.0

100.0

3. Cơ cấu nền kinh tế sau điều chỉnh về lao động

Kinh tế nhà nước đang giảm tỷ lệ đóng góp vào GDP, năm 2010 chiếm 24.2% GDP, vào năm 2020 chỉ còn 20.7%. Nhưng đáng để ý là kinh tế nhà nước không phải là khu vực tạo công ăn việc làm. Tổng lao động ở khu vực này năm giảm từ 10.2% xuống 7.6% (B11). Thành phần tăng là đầu tư nước ngoài (FDI),  từ 3.5%  lên 8.8% trong cùng khoảng thời gian trên.  Khoảng 84% lao động là từ khu vực tư nhân, chủ yếu là lao động hộ gia đình. Thống kê hiện nay rất tiếc không cho thấy rõ hơn về vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nước trong việc tạo ra GDP và lao động.

Lao động trong các thành phần kinh tế chi tiết nhất là trong các loại doanh nghiệp vẫn là con số chưa công bố chính thức, tuy nhiên đây là số liệu được biên soạn dựa vào một số thông tin vừa chính thức vừa phi chính thức.[3] Gần 70% lao động ở Việt Nam vẫn là lao động hộ gia đình, phi chính thức, mà phi chính thức ở đây chỉ có nghĩa là chưa đăng ký thành doanh nghiệp.

B12. Lao động trong các khu vực thành phần kinh tế, 2020 

Lao động  (ngàn người)

2020

Tỷ lệ trong doanh nghiệp

Tỷ lệ trong nền kinh tế

a) Lao động trong doanh nghiệp 

           14,702 

100.0

27.4

DNNN

             1,005

6.8

1.9

DN tư nhân trong nước

             8,607

58.5

16.1

DN FDI

             5,090

34.6

9.5

b) Lao động trong khu vực sự nghiệp nhà nước

             2,396 

 

4.5

c) Lao động trong hợp tác xã

                   76 

 

0.1

Lao động chính thức

           17,174

32.0

 Lao động phi chính thức

           36,436

68.0

Tổng lao động trong nền kinh tế

           53,610 

 

100.0

Vấn đề rõ ràng là cần phát huy các hoạt động kinh tế nhằm nâng hoạt động sản xuất hộ gia đình thành doanh nghiệp để có điều kiện nâng cao kỹ thuật sản xuất cũng như vay mượn vốn từ ngân hàng. Hiện nay các điều tra kinh tế đặc biệt là điều tra doanh nghiệp đều không thu thập thông tin về các hoạt động kinh tế của các thành phần kinh tế khác nhau nên khó đánh giá đâu là tập trung sản xuất của các loại thành phần kinh tế khác nhau này.

Ghi chú về phương pháp thống kê lao độngĐiều cần nói thêm cho rõ là do phương pháp điều tra thống kê hiện nay ở Việt Nam không theo chuẩn quốc tế là lực lượng lao động là bất cứ lao động nào không phải là quân nhân thường xuyên trong căn cứ, không phải là người nằm thường trực trong bệnh viện, viện tỉnh dưỡng. Thống kê Việt Nam đã đưa  một bộ  phận khá lớn lao động ra khỏi lực lượng lao động thống kê: đó là lao động không chuyên trách trong khu vực nhà nước. Lao động không chuyên trách được định nghĩa là lao động không được trả lương mà chỉ được trả phụ cấp. Do thế, trong bảng danh sách cơ quan nhà nước chỉ bao gồm cấp huyện, cấp cán bộ phường xã dù có con dấu riêng nếu chỉ hưởng phụ cấp sẽ bị loại bỏ.[4] Con số cán bộ phường xã theo một nghiên cứu trước đây của tác giả, có thể lên tới 1 triệu lao động. [5] Đây là điều cần quan tâm nếu như cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu quả và lòng tin của người dân vào chính quyền được đặt ra.

4. GDP bình quân đầu người sau điều chỉnh 

Với số liệu mới, GDP bình quân đầu người có cao hơn so với số liệu trước đây gần 30%, nhưng vẫn còn rất thấp so với các nước khác trong khu vực. Việt Nam tương đương với Phi nhưng còn thấp xa đối với Thái Lan, và nhất là Mã Lai. Điều đáng ngạc nhiên là GDP đầu người Trung Quốc năm 1978 cũng chỉ tương đương với Việt Nam, nhưng hiện nay họ đã đạt 12.5 ngàn US, gấp hơn 3 lần Việt Nam, và tổng GDP vượt qua khối EU, và có lẽ sẽ bắt kịp hay vượt Mỹ trong vòng dưới 10 năm sắp tới.

B13. GDP bình quân đầu người theo năm 2021               

 

GDP (tỷ US)

GDP đầu người (USD)

Singapore

345

72,749

Mỹ

23,315

70,249

EU

15,350

42,450

Trung Quốc

17,734

12,556

Nga

1,779

12,195

Mã Lai

337

10,161

Thái Lan

506

7,066

Indonesia

1186

4,333

Việt Nam

366

3,756

Philippines

394

3,461

 

NguồnWorld Bank.

Chú thích: GDP đầu người tính theo USD giá thị trường nói lên sức mạnh kinh tế của lao động một nước, chứ không phản ánh mức sống của người dân. Trường hợp Singapore có lẽ hơi đặc biệt, đứng số một nhưng là phản ánh sức mạnh kinh tế của Singapore, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài, và lao động người nước ngoài ở đó, vì GDP bao gồm cả lợi nhuận doanh nghiệp, và dân nước ngoài ngụ cư chiếm gần 37% dân số. Ngoài ra, lương lao động người Singapore thấp hơn rất nhiều lao động người nước ngoài trong cùng ngành nghề. Ở đây, số liệu của Việt Nam hơi khác World Bank. GDP đầu người tính từ số liệu của Tổng cục Thống kê là 3,717 $US.

Chú thích

[1] US BEA, Comparisons of Revisions to Real GDP: https://apps.bea.gov/national/pdf/revision_information/relia.pdf

[2] GDP Revision Information: https://www.bea.gov/gdp-revision-information.

[3] Nguồn:

1) Sách trắng Doanh nghiệp 2022: https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2022/11/Sach-trang-DN-2022.pdf.

2) Lao động không chính thức ở Việt Nam, Lê Duy Bình, Hà Nội, 2022: http://economica.vn/Content/files/PUBL%20%26%20REP/Lao%20dong%20Khong%20Chinh%20thuc%20o%20Vietnam.pdf

[4] Về việc điều chỉnh Phương án Điều tra cơ sở hành chính năm 2021:

https://snv.kiengiang.gov.vn/Lists/QuanLyVanBan/Attachments/346/Quy%E1%BA%BFt%20%C4%91%E1%BB%8Bnh%2088.pdf

hay Quyết định 909/QĐ-TCTK về Phương án điều tra lao động việc làm năm 2022:  https://luatvietnam.vn/lao-dong/quyet-dinh-909-qd-tctk-208201-d1.html.

[5] Vũ Quang Việt, Từ phân tích lao động và ngân sách, tìm hiểu về thể chế Việt Nam và khả năng thay đổi, Thời Đại Mới, số 35, 2016:  https://www.tapchithoidai.org/ThoiDai35/201635_VuQuangViet.pdf.

V.Q.V.

Nguồn: https://usvietnam.uoregon.edu/kinh-te-viet-nam-va-nang-suat-lao-dong-tu-2010-den-2023/#_ftn1

 

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn