Mỹ nên đặt mục tiêu chung sống cạnh tranh với Trung Quốc

Joseph Nye, “America should aim for competitive coexistence with China,” Financial Times, 16/11/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Quan hệ giữa hai siêu cường đang gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn có thể quản lý được nếu Mỹ đi đúng nước cờ.

Bất chấp cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình ở California tuần này, nơi hai nhà lãnh đạo đã đồng ý nối lại đối thoại quân sự, quan hệ Mỹ – Trung vẫn còn nhiều khó khăn. Một số người Mỹ từng gợi ý về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, nhưng Trung Quốc khác với Liên Xô. Bởi vì Mỹ không có sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế với Liên Xô, nhưng lại có trao đổi thương mại trị giá 500 tỷ đô la với Trung Quốc.

Dù phân tách một phần (hay “giảm thiểu rủi ro”) về các vấn đề an ninh là một biện pháp hữu ích, việc phân tách toàn bộ nền kinh tế sẽ khiến Mỹ phải trả giá đắt, và rất ít đồng minh sẽ làm theo. Nhiều quốc gia hiện đang xem Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của họ, chứ không phải Mỹ. Do đó, việc giải quyết thách thức từ Trung Quốc sẽ đòi hỏi một chiến lược phức tạp hơn.

Các khía cạnh khác của sự phụ thuộc lẫn nhau, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và đại dịch, tuân theo các định luật vật lý và sinh học, và vì thế cũng khiến cho việc phân tách hoàn toàn là không thể. Không một quốc gia nào có thể một mình giải quyết được những vấn đề xuyên quốc gia này. Dù tốt hay xấu, Mỹ vẫn bị mắc kẹt trong một cuộc “cạnh tranh có tính hợp tác” với Trung Quốc. Điều này không giống như chính sách ngăn chặn thời Chiến tranh Lạnh. Các đồng minh và đối tác như Ấn Độ là những đồng minh mà Trung Quốc thiếu, và tổng tài sản của các đồng minh dân chủ sẽ vượt xa Trung Quốc (cộng với Nga) trong thế kỷ này.

Nếu Mỹ kỳ vọng sẽ biến đổi Trung Quốc theo cách tương tự như sự sụp đổ của chế độ Xô-viết vào cuối Chiến tranh Lạnh, thì có khả năng họ sẽ phải thất vọng. Trung Quốc quá lớn để Mỹ có thể xâm chiếm hoặc tạo ra thay đổi trong nước, và điều ngược lại cũng đúng. Cả Trung Quốc và Mỹ đều không gây ra mối đe dọa sống còn cho nhau, trừ phi họ phạm sai lầm bước vào một cuộc chiến lớn.

Phép so sánh phù hợp nhất trong lịch sử không phải là châu Âu sau Thế chiến II, mà là châu Âu trước Thế chiến I. Đài Loan có thể là một điểm nóng giống như vùng Balkan khi đó. Mỹ nên giúp Đài Loan tự vệ, nhưng là trong bối cảnh sự thành công của chính sách “Một Trung Quốc” mà Richard Nixon và Henry Kissinger đã tạo ra vào đầu những năm 1970. Có thể sẽ có xung đột kinh tế và xung đột ở cường độ thấp, nhưng mục tiêu chiến lược của Mỹ phải là tránh leo thang.

Một chiến lược như vậy là khả thi vì Mỹ có lợi thế địa chính trị lớn, và Trung Quốc khó có thể thay thế nước này trở thành cường quốc hàng đầu. Về mặt địa lý, Mỹ nằm tiếp giáp hai đại dương và có các láng giềng thân thiện, trong khi Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, và Việt Nam.

Lợi thế thứ hai của Mỹ là năng lượng: cuộc cách mạng dầu khí đá phiến đã biến Mỹ từ nước nhập khẩu thành nước xuất khẩu dầu. Trong khi đó, Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào năng lượng nhập khẩu đi qua vùng Vịnh và Ấn Độ Dương. Mỹ cũng có lợi thế về nhân khẩu học với lực lượng lao động có khả năng tăng trưởng trong thập niên tới, trong khi dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đã đạt đỉnh vào năm 2015. Thêm nữa, dù Trung Quốc vượt trội ở một số lĩnh vực phụ, Mỹ vẫn dẫn đầu trong các lĩnh vực then chốt như công nghệ sinh học, công nghệ nano, và công nghệ thông tin.

Trung Quốc có những điểm mạnh ấn tượng nhưng cũng có những điểm yếu nghiêm trọng. Ví dụ, giải pháp cho tình trạng suy giảm nhân khẩu học là tăng năng suất, nhưng năng suất tổng hợp của Trung Quốc lại giảm và sự kiểm soát gắt gao của Đảng Cộng sản đối với nền kinh tế đang bóp nghẹt tinh thần kinh doanh trong khu vực tư nhân.

Đúng là Mỹ nắm trong tay những quân cờ tốt, nhưng một chiến lược sai lầm vẫn có thể khiến nước này thất bại. Ví dụ, một chính quyền Trump trong tương lai có thể loại bỏ các át chủ bài trong các liên minh và thể chế quốc tế, hoặc hạn chế nghiêm ngặt vấn đề nhập cư. Cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nói với tôi rằng ông không nghĩ Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ, vì Mỹ có khả năng thu hút nhân tài trên toàn thế giới. Xét đến chủ nghĩa dân tộc sắc tộc và nhà nước độc đảng của Trung Quốc, kiểu cởi mở này sẽ không thể xảy ra ở nước này.

Chiến lược của Washington đối với Bắc Kinh nên là tránh cả chiến tranh nóng lẫn chiến tranh lạnh, hợp tác khi có thể, và huy động nguồn lực của mình để định hình hành vi đối ngoại của Trung Quốc. Chiến lược này có thể được thực hiện thông qua việc ngăn chặn và tăng cường các liên minh và thể chế quốc tế.

Chìa khóa để bảo vệ chuỗi đảo đầu tiên ngoài khơi Trung Quốc là Nhật Bản, đồng minh thân cận của Mỹ, nơi Mỹ đang có quân đồn trú. Đồng thời, Mỹ nên cung cấp viện trợ cho các nước nghèo hiện đang được Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc lôi kéo. Trên hết, Mỹ phải duy trì sự cởi mở trong nước và bảo vệ các giá trị dân chủ. Các cuộc thăm dò quốc tế cho thấy Mỹ có sức mạnh “mềm” lớn hơn nhiều so với Trung Quốc. Và sức mạnh răn đe quân sự của Mỹ cũng được hoan nghênh bởi nhiều quốc gia muốn duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc nhưng không muốn bị nước này thống trị. Tóm lại, Mỹ nên tập trung vào một chiến lược mang lại nhiều hứa hẹn cho chúng ta hơn là tái diễn Chiến tranh Lạnh.

Joseph Nye là giáo sư hưu trí tại Đại học Harvard và là tác giả của cuốn hồi ký sắp xuất bản, ‘A Life in the American Century.’

Nguồn: nghiencuuquocte.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn