Trần Văn Bang, Y Wô Niê, Lê Trọng Hùng được trao Giải Nhân quyền Việt Nam 2023

November 18, 2023

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Ba nhà tranh đấu gồm ông Trần Văn Bang, ông Y Wô Niê và ông Lê Trọng Hùng được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam chọn trao Giải Nhân Quyền Việt Nam 2023.

Ba khôi nguyên Giải Nhân quyền Việt Nam 2023, từ trái, ông Trần Văn Bang, ông Y Wô Niê, và ông Lê Trọng Hùng. (Hình: Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam cung cấp)

Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam công bố Kết quả Giải Nhân quyền Việt Nam 2023 và Báo cáo Nhân quyền tại Việt Nam vào sáng Thứ Bảy, 18 Tháng Mười một, tại TBC & VIETLIFE TV, Westminster.

Đây là ba khôi nguyên được bình chọn trong số 15 người được đề cử năm nay.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, Trưởng ban Điều hành Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, cho biết Giải Nhân quyền Việt Nam 2023 sẽ được trao ngày 10 Tháng Mười hai tại Toronto, Canada.

Ông Trần Văn Bang

Ông Trần Văn Bang có tên thường gọi là Trần Bang, sinh năm 1961 tại tỉnh Hải Dương, tốt nghiệp Học viện Thủy lợi năm 1982. Vì là sinh viên giỏi ông được giữ lại trường để đào tạo thành giảng viên nhưng ông từ chối và xin nhập ngũ. Thời gian trong quân đội, ông từng tham gia chiến trận Vị Xuyên ở biên giới Việt-Trung. Sau khi xuất ngũ năm 1985, ông xung phong vào công trình thủy điện Trị An với tâm nguyện làm cho đất nước sớm thoát khỏi nghèo đói.

Từ năm 2007, việc Trung Quốc tuyên bố sáp nhập quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa vào tỉnh Hải Nam đã dấy lên một phong trào chống đối mạnh mẽ của nhân dân trên cả nước.

Ông Trần Bang bắt đầu dấn thân vào cuộc chiến đấu cho vẹn toàn lãnh thổ chống lại sự hèn yếu của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng Mười một, 2015, trong một cuộc biểu tình tại Sài Gòn phản đối chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc, ông Trần Bang đã bị công an hành hung đến chấn thương, máu đổ.

Ngoài ra, ông cũng tham gia các cuộc biểu tình chống ô nhiễm môi trường do nhà máy Formosa, phản đối Luật An ninh mạng, Dự Luật Đặc khu của Việt Nam hồi 2018, và đòi hỏi công bằng cho những tù nhân lương tâm.

Tháng Mười hai, 2020, ông tuyệt thực một ngày để ủng hộ ông Trần Huỳnh Duy Thức, một tù nhân lương tâm đang thụ án 16 năm tù. Ông cũng đã tổ chức gây quỹ để hỗ trợ các nhà hoạt động gặp khó khăn như Đinh Văn Hải và Vũ Tiến Chi, những người bị lực lượng an ninh hành hung vào Tháng Sáu, 2018.

Ông tham gia Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, một nhóm trí thức phần lớn là những đảng viên Cộng sản phản tỉnh, lên tiếng về các vấn đề của đất nước, phản biện lại chủ trương độc tài đảng trị của Cộng sản.

Tuy nhiên hoạt động chính của ông là chuyển tải suy tư, quan điểm và lập trường về tình hình đất nước qua ba trang Facebook của mình và được rất nhiều người truy cập.

Năm 2019 ông được bầu chọn vào vòng chung kết của giải Cống hiến, do một số người trong giới hoạt động dân chủ nhân quyền ở Sài Gòn lập ra để ghi nhận những đóng góp cho phong trào vận động dân chủ hóa Việt Nam.

Ngày 1 Tháng Ba, 2022, ông Trần Bang bị bắt với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự. Trước khi bị bắt ông Bang đã viết trên Facebook rằng “Nếu Chúa đã chọn tôi là người tiếp theo phải gánh thập giá để bảo vệ sự thật và sự công chính thì tôi xin vâng theo ý Chúa.”

Ông bị giam tại nhà tù Chí Hòa, Sài Gòn. Tháng Hai, 2023, gần một năm sau khi bị giam giữ, ông mới được gặp luật sư.

Ngày 12 Tháng Năm, 2023, sau phiên xử kéo dài chưa đầy ba giờ, ông bị tuyên án tám năm tù giam và ba năm quản chế.

Hiện nay ông đang bị giam tại Bố Lá (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương). Sức khỏe của ông bị suy giảm nghiêm trọng vì điều kiện giam giữ hà khắc của nhà tù.

Ngày 12 Tháng Năm, 2023, ông bị kết án tám năm tù giam và ba năm quản chế.

Ông Trần Văn Bang công khai bày tỏ sự ủng hộ nhiều tù nhân và những người bị giam giữ vì lý do chính trị, trong đó có Nguyễn Thúy Hạnh, Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Lê Đình Lượng, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Dũng, Lê Hữu Minh Tuấn, Nguyễn Văn Hóa, Phạm Chí Thành, và Nguyễn Năng Tĩnh.

Ông Y Wô Niê

Ông Y Wô Niê còn có tên gọi khác là Ama Quynh, sinh năm 1970, ở buôn Pưk Prông, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.

Được sinh ra trong một gia đình người sắc tộc Ê-đê và được giáo dục theo truyền thống Thiên chúa giáo, ông Y Wô Niê sớm ý thức về phẩm giá và quyền bình đẳng của con người thuộc mọi sắc tộc.

Năm 2000 ông đã cùng một số bạn dân tộc Ê-đê lên tiếng đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam thay đổi chính sách bất bình đẳng đối với các sắc dân thiểu số, chấm dứt đàn áp tôn giáo, trả lại đất tổ tiên bị lấn chiếm, và thả tù nhân chính trị người dân tộc thiểu số.

Ngày 10 Tháng Tư, 2004, đúng vào vào dịp lễ Phục Sinh, ông cùng với hàng chục ngàn người các sắc dân thiểu số Tây Nguyên đứng lên đấu tranh cho quyền của họ trong biến cố được gọi là “Biểu tình Tây Nguyên 2004.”

Nhà cầm quyền Việt Nam đã thẳng tay đàn áp và nhiều người dân đã bỏ mạng. Ông Y Wô Niê bị bắt ngày 4 Tháng Bảy, 2005, và lãnh chín năm tù giam.

Cuối năm 2011, được trả tự do, ông trở về địa phương và trong vai trò một chấp sự của Hội Thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam), tiếp tục con đường đấu tranh bất bạo động cho quyền của người thiểu số, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo.

Thành viên Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam trong buổi công bố báo cáo tình hình nhân quyền tại Việt Nam 2022-2023, từ trái, ông Nguyễn Kim Bình, ông Đỗ Như Điện, ông Nguyễn Bá Tùng, Giáo Sư Nguyễn Bá Lộc và ông Vũ Hoàng Hải (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Trong năm 2020, ông đã tự tay viết ba bản báo cáo về tình trạng vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Cộng sản đối với người sắc tộc Ê-đê ở Tây Nguyên và về tình hình tự do tôn giáo nói chung và đối với người sắc tộc cao nguyên Trung phần nói riêng. Ông chụp hình các báo cáo này và gửi qua ứng dụng WhatsApp đến Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và Ủy ban Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế.

Ngày 20 Tháng Chín, 2021, Công an Huyện Cư Kuin đã truy tố và bắt giữ ông với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự.

Theo bản cáo trạng được truyền thông trong nước thì “hành vi của bị can Y Wô Niê đã gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hoạt động bình thường của các cơ quan hành chính nhà nước, làm giảm niềm tin của quần chúng nhân dân đối với chính quyền, ảnh hưởng đến hình ảnh của nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quan hệ ngoại giao quốc tế.”

Trong phiên xử phúc thẩm, ông Y Wô Niê không xin giảm nhẹ hình phạt mà khẳng định mình vô tội. Ông nói rằng ông không vi phạm theo Điều 331 của Bộ Luật Hình sự như cáo buộc, mà chỉ hành xử quyền tự do ngôn luận và thông tin của ông.
Ông đang bị giam tại Xuân Phước, tỉnh Phú Yên.

Ông Lê Trọng Hùng

Ông Lê Trọng Hùng sinh năm 1979 tại xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.
Từ năm 2000 đến 2015, ông dạy học ở một số trường thuộc tỉnh Lào Cai, cao nguyên Tây Bắc Việt Nam. Trong thời gian này, ông ghi danh học luật và tốt nghiệp Cử nhân Luật ở Viện Đại học Mở Hà Nội.

Tháng Mười, 2015, ông yêu cầu nhà trường cải cách giáo dục và đòi hỏi những lợi ích chính đáng cho học sinh. Bị từ chối. ông nghỉ dạy và tham gia vào lĩnh vực báo chí tự do với tâm nguyện thay đổi nhận thức người dân hướng tới một xã hội dân chủ.

Ông đi sâu vào các vấn đề xây dựng pháp luật trong một nhà nước pháp quyền.

Năm 2016, ông tham gia cùng ông Vũ Quang Thuận trong chương trình truyền hình “Phong trào Chấn hưng nước Việt” trên Facebook để khai dân trí bằng cách phanh phui những sai phạm của tầng lớp lãnh đạo trên cơ sở pháp luật và giải ảo thần tượng mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã dày công xây dựng.

Sau khi ông Thuận bị bắt vào đầu năm 2017, ông Hùng cùng với một số bạn lập kênh Chấn hưng TV trên Facebook để phổ biến kiến thức pháp luật trong đó trọng tâm là Hiến pháp, thu hút hàng triệu người.

Song song với Chấn Hưng TV, ông Hùng tự bỏ tiền túi và quyên góp thêm từ bạn bè trong và ngoài nước, mua bản in Hiến Pháp tặng cho người dân với mong muốn mỗi công dân Việt Nam đều hiểu rõ về những quyền cơ bản của mình.

Ông còn giúp hàng ngàn dân oan soạn thảo đơn gửi các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết những sai phạm trong việc giải tỏa, đền bù đất đai theo quy định của pháp luật.

Ông Hùng còn tham gia các hoạt động biểu tình phản đối tập đoàn Formosa xả thải gây ô nhiễm nặng nề môi trường biển của các tỉnh miền Trung Việt Nam.

Đầu Tháng Ba, 2021, ông Lê Trọng Hùng nộp hồ sơ tự ứng cử vào Quốc hội Việt Nam với mong muốn cải tổ cơ quan lập pháp.

Ngày 27 Tháng Ba, 2021, ông Lê Trọng Hùng bị bắt với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự 2015.

Trước tòa án Cộng sản Việt Nam, ông Lê Trọng Hùng không những không nhận tội, mà còn mạnh mẽ tố cáo trại giam đã vi phạm những quyền căn bản của ông.

Hiện nay ông đang bị giam tại Trại giam số 6, tỉnh Nghệ An, một trại giam nổi tiếng khắt khe. Nhiều tù nhân lương tâm đã qua đời một cách đột ngột, như Mục sư Đinh Diêm năm 2023, nhà báo công dân Đỗ Công Đương năm 2022, và cựu giáo chức Đào Quang Thực năm 2019.

Nhân quyền tại Việt Nam ngày càng tồi tệ

Trong phần báo cáo tình trạng nhân quyền tại Việt Nam từ năm 2022 đến 2023 của các thành viên Mạng lưới Nhân quyền là ông Nguyễn Kim Bình, ông Đỗ Như Điện, Giáo sư Nguyễn Bá Lộc và ông Vũ Hoàng Hải cho biết theo báo cáo, mặc dù Việt Nam hiện là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhưng tình hình nhân quyền trong nước không những không được cải thiện mà còn tồi tệ hơn trong mọi lĩnh vực.

Đáng chú ý, nhà cầm quyền Việt Nam gia tăng trấn áp những người bất đồng chính kiến.
Số lượng người bị bắt bớ, truy tố, và bỏ tù vì lý do tôn giáo và chính trị gia tăng. Những số liệu ghi nhận được cho thấy trong hai năm 2022 và 2023 (tính đến ngày 15 Tháng Mười, 2023) , nhà cầm quyền Việt Nam đã truy tố 123 người và kết án tù 98 người vì lý do chính trị và tôn giáo; 25 người còn tạm giam.

Mức độ án phạt cho những “tội phạm” tương đương so với những năm trước cũng gia tăng bội phần.

Báo cáo bao gồm tám chương; mỗi chương xác định các vi phạm và các hình thức vi phạm khác nhau dựa theo những tiêu chí của Luật Nhân quyền Quốc tế.

Báo cáo cũng đưa ra nhiều đề nghị cụ thể và khả thi gởi đến nhà cầm quyền Việt Nam với mục đích thúc đẩy việc tôn trọng và cải thiện nhân quyền đối với nhân dân Việt Nam.
Ngoài ra, bản báo cáo còn có ba phụ lục.

Cựu tù nhân lương tâm, quan khách, đồng hương tham dự buổi công bố báo cáo. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Phụ lục I là danh sách các tù nhân chính trị và tôn giáo bị bắt và truy tố trong năm 2022-2023 (tính đến 15 Tháng Mười, 2023).

Phụ lục II là danh sách các tù nhân chính trị và tôn giáo hiện còn bị giam cầm trong các nhà tù tại Việt Nam.

Phụ lục III trình bày Giải Nhân quyền Việt Nam năm 2022, vinh danh các nhà đấu tranh nhân quyền hiện đang bị cầm tù gồm nhà thơ Trần Đức Thạch, nhà báo Nguyễn Tường Thụy, và nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh cùng với các bạn trong Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết. [qd]

—–
Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com

Đ.G.

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/tran-van-bang-y-wo-nie-le-trong-hung-duoc-trao-giai-nhan-quyen-viet-nam-2023/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn