Trà ngọt, tình có chát…

Kim Dung - Kỳ Duyên 

Sam Nguyen

Có một thứ Kiên trì mà nhân dân VN đòi hỏi lão Tập phải huỷ bỏ... đó là Kiên trì âm mưu chiếm Hoàng Sa và Biển Đông của VN.

Có lẽ mối quan hệ giữa hai nhà nước Việt Nam - Trung Quốc là mối quan hệ “đặc biệt nhất” – khó nhất, nhạy cảm nhất, không bình thường nhất trong tất cả mối bang giao giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.

Thế nên, khỏi phải nói, một trong những điểm nhấn được xã hội hết sức chú ý trong chuyến thăm VN mới đây của ông Tập Cận Bình, TBT, CTN Trung Quốc là Tiệc trà của TBT Nguyễn Phú Trọng tiếp đãi.

Người Việt có câu thành ngữ dân gian “miếng trầu đầu câu chuyện”.

Thì tiệc trà đãi khách của TBT Nguyễn Phú Trọng – cũng chính là miếng trầu chính khách đãi chính khách

Một sự “giao đãi” đặc sắc. Đặc sắc bởi có tới 03 loại trà nổi tiếng, do nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn (người đoạt giải Ấn tượng thế giới tại Cuộc thi Trà quốc tế lần thứ 5 tại Paris, Pháp năm 2022) pha chế.

- Đó là trà mạn sen Đầm Trị Tây Hồ. Gồm Bạch trà shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh, Hà Giang kết hợp với gạo sen Đầm Trị Tây Hồ, Hà Nội ướp hương qua 3 năm. Để có được loại trà trứ danh này, phải cần tới 1.300 bông hoa sen mới cho ra được 1 kg trà mạn sen thượng phẩm.

- Đó là trà Olong lão từ cao nguyên Mộc Châu (Sơn La). Đây là loại trà đoạt giải vàng Cuộc thi Trà quốc tế Paris năm 2019 tại Cộng hòa Pháp.

- Đó là Bạch trà chốt đỉnh 2000 shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh (Hà Giang), loại trà đoạt giải vàng thế giới Cuộc thi Trà quốc tế (AVPA). Trà được thu hái trước tiết thanh minh tháng 3 âm lịch hằng năm, nên còn được gọi là Bạch trà chốt tiền Thanh minh.

Tiệc trà đặc biệt TBT Nguyễn Phú Trọng mời khách khiến người ta nhớ, ngược thời gian, ngày 31/10/2022, tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, TBT, CTN Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã mời TBT Nguyễn Phú Trọng dự tiệc trà đặc sắc. Trong số 4 loại danh trà trên bàn tiệc hôm đó, có Đại hồng bào – loại trà quý hiếm bậc nhất, được mệnh danh là “Quốc bảo” của TQ (có giá 1,2 triệu USD/kg), bởi mỗi năm chỉ thu hái được 600 gram.

Theo các chuyên gia, trà Đại Hồng Bào là một loại của trà Ô Long có xuất xứ từ núi Vũ Di, Phúc Kiến (TQ), chất lượng tuyệt hảo thượng thặng, hương thơm như mùi hoa lan, vị thơm và ngọt để lại rất lâu. Sở dĩ Đại Hồng Bào còn được gọi là Nham Trà Vũ Di Sơn, bởi sự quý hiếm đặc biệt trong thiên nhiên – chúng chỉ mọc trên những vách đá (nham thạch) cheo leo trên đỉnh Vũ Di. Loại trà này còn mang nghĩa “tấm áo bào màu đỏ”, gắn với truyền thuyết về một vị quan huyện đã từng dâng lên thần linh để tạ ơn khi được khỏi bệnh.

Đủ hiểu, “miếng trầu” của cả hai phía đều thượng thặng và nghiêng ngả thiên hạ.

Còn câu chuyện của VN và TQ ra sao?

Mới đây, xã hội cũng xôn xao trước hình ảnh ở một clip – TBT, CTN Tập Cận Bình đứng lên chuốc rượu trong khi TBT Nguyễn Phú Trọng vẫn ngồi tại chỗ. Thật ra, nếu nhìn vào bản chất của hiện tượng có thể hiểu được. Chắc chắn, phải có sự thỏa thuận trước giữa ngoại giao hai NN, bởi phía chủ nhà – TBT Nguyễn Phú Trọng, do tuổi cao, sức yếu hơn, nên xin phép được ngồi, còn phía khách, TBT, CHN Tập Cận Bình trẻ hơn, sức khỏe bình thường nên đứng lên chạm cốc – một sự thấu hiểu rất con người.

Chỉ có những Lợi ích quốc gia mỗi bên liệu có sự thấu hiểu như tiệc rượu mới đây?

Theo VnExpress ngày 12/12, trong bài viết trên báo Nhân dân cùng ngày, trước thềm chuyến thăm VN, ông Tập Cận Bình đưa ra '4 kiên trì' trong quan hệ Việt - Trung. Đó là: (1) Kiên trì tin cậy lẫn nhau; (2) Kiên trì hài hòa lợi ích; (3) Kiên trì hữu nghị, thân thiết, và (4) Kiên trì đối xử chân thành.

Trong thế giới đa cực, đa phương ngày nay với những lợi ích quốc gia chằng chéo, thì “không có bạn bè hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia vĩnh viễn” là tuyên ngôn khôn ngoan của những quốc gia tỉnh táo và hiện đại, tư duy và đầu óc thực tiễn. Và khái niệm “kiên trì” trong bài viết rõ ràng là khái niệm của lý trí, của sự cố gắng để thực hiện, đòi hỏi cả thời gian. Sự giao thương kinh tế, khoa học công nghệ và các lĩnh vực khác, khiến VN – với vị trí địa chính trị đặc biệt, cạnh TQ vốn mạnh, giỏi và mưu đồ, mưu lược hơn rất nhiều, luôn dính với TQ, cũng là quy luật nhưng đầy khắc nghiệt.

Cả 4 kiên trì đó, đều hữu hảo trên lý thuyết, trong ngôn từ ngoại giao. Nhưng còn trong thực tế? 

Nếu hài hòa lợi ích – vụ việc “Đường lưỡi bò 9 đoạn”, hay quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa sẽ phải “hài hòa lợi ích, tin cậy, thân thiết và đối xử chân thành” như thế nào??? Khi mà hai quốc gia cùng “chung vận mệnh” hay “chia sẻ tương lai”?

Thế giới đa phương, và đa cực ngày nay cũng cho thấy, sự làm bạn chân thành và thân thiết phải trên cơ sở bình đẳng cả nội lực và vị thế. Và người ta chỉ nhìn vào việc làm thực tiễn, ít ai dám tin ở chót lưỡi đầu môi.

Câu trả lời cuối cùng – hóa ra vẫn ở nội lực nước Việt phải ra sao, ở quan hệ đa phương với thế giới văn minh thế nào, để không phải trông chờ ở sự “kiên trì”, hay lo lắng ở tương lai do… láng giềng xếp đặt.

Trà thì ngọt. Mà tình thì có chát???

Chợt muốn mượn giai điệu ví dặm xưa: Ngọt thì ngọt mà chát thì chát ...

Có thể là hình ảnh về 2 người, cái bục, Phòng Bầu dục và văn bản

P.K.D.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn