Hãy nói

Trần Trung Đạo

06.01.2024

Rockport là một trong những thị trấn du lịch đẹp của tiểu bang Massachusetts, cách Boston khoảng một giờ lái xe. Thị trấn có một con đường chính dẫn ra biển. Trên đường nhiều tiệm bày bán quà kỷ niệm dành cho khách du lịch. Trong số đó có một tiệm bán tượng Phật đúc bằng xi măng hay bằng đồng. Tôi dừng lại để chụp một số hình. Trước khi chụp, tôi đứng thẳng, nhìn các tượng Phật chắp tay vái một vái như một cách đảnh lễ và xin phép Đức Phật được chụp hình Ngài. Du khách tấp nập và hình như có ai đó đang nhìn tôi. 

Tượng Phật trong tiệm bán hàng trang trí ở Rockport.

Du khách, trong đó có cả những người Á Châu, có thể nghĩ tôi quá mê tín khi vái một món hàng trang trí. Ở Mỹ tượng Phật được trưng bày nhiều nơi, kể cả trong nhà hàng ăn uống. Tượng Phật trong tiệm không phải dành cho các chùa tới thỉnh. Các chùa thường đúc tượng Phật bằng đồng, bằng xi măng hay đẽo từ đá khối.

Rất nhiều người nghĩ chỉ có Phật được đặt trên chánh điện trầm hương nghi ngút hay được an vị trên bàn thờ đặt nghiêm trang trong nhà mới là Phật, còn Phật ở các cửa tiệm, ở những phòng trưng bày nghệ thuật, viện bảo tàng thì không phải. Không. Hình tượng dù đặt ở đâu cũng chỉ nhắc nhở. Phật trong tâm, trong suy nghĩ có tánh thiện, trong nhận thức, và vì thế, Phật ở mọi nơi. Khoảnh khắc ta nghĩ đến Phật là lúc Phật hiện ra trong ta. Bất cứ nơi nào, bất cứ hoàn cảnh nào. Đạo Phật là đạo sống chứ không phải đạo chết. 

Nhưng nếu ở đâu cũng có Phật vậy cần gì phải tới chùa. Chúng ta vẫn nên đến chùa. Như một lần tôi viết, đến chùa không phải để tìm Phật mà tìm lại chính mình. Chúng ta mải mê theo đuổi những giá trị vật chất cần phải nắm bắt được trong tay, những ham muốn thường tình cần phải có, hay nói theo ngôn ngữ Đạo Phật là thất tình lục dục, và cứ thế chúng ta đi xa dần. 

Chúng ta là những con người yếu đuối cần một không gian lắng đọng của ngôi chùa để ngồi yên lặng, nghe một bài pháp, niệm một câu kinh. Chuyện một anh chàng mua bán chứng khoán căng thẳng suốt ngày ở thị trường chứng khoán New York mỗi chiều trên đường về nhà thường ghé lại một thiền viện Phật giáo Nhật Bản để ngồi thiền là một ví dụ. Chuyện của tử tù Phật tử Jarvis Jay Masters, tác giả của hai tác phẩm Finding Freedom và That Bird Has My Wings cũng đáng đọc. Đạo Phật không cứu thể xác anh ra khỏi nhà tù San Quentin, tiểu bang California nhưng giúp cho anh niềm an ủi tinh thần suốt mấy mươi năm trong ‘death row’ (tù chờ xử tử).

Tác phẩm Finding Freedom: Writings from Death Row của Jarvis Jay Masters.

Những ngày ở Đại học Vạn Hạnh, chúng tôi, sinh viên Khoa học Xã hội học các môn kinh tế, chính trị, xã hội, thương mại rất sôi động. Ngoài việc học ở lớp còn đọc thêm nhiều sách vở. Bước sang năm thứ hai, chương trình học có thêm một môn học mới không bắt buộc là Thiền học do chính Hòa thượng Viện trưởng Thích Minh Châu dạy. Sinh viên nào muốn học ghi danh học. Mỗi tuần học một giờ. Học xong nếu bạn nào thích thì lên Thiền Viện trên sân thượng để Ôn Minh Châu dạy cách ngồi thiền. Như Hòa thượng Viện trưởng giải thích, học thiền là để cân bằng và lắng đọng tâm hồn sau khi học những môn học khác đầy vọng động. Cũng trong thời gian đó, đầu thập niên 1970, Hòa thượng Viện trưởng viết nhiều tiểu luận dễ hiểu dành cho thế hệ chúng tôi đọc và sau đó được in thành tác phẩm Đức Phật Nhà Đại Giáo Dục. Đến chùa cũng vậy. Chúng ta đến chùa để tìm lại sự cân bằng và lắng đọng sau những tháng ngày bị cuốn vào thất tình và lục dục. Không ai, dĩ nhiên kể cả người viết bài này, có thể thay đổi tâm tính một sớm một chiều nhưng tu là sửa và sửa là một tiến trình dài mà người học đạo phải bước từng bước một.

Khi vái tượng Phật ở Rockport tôi biết một cách chính xác bức tượng chỉ dùng để trang trí. Nhưng thái độ “biết mà vẫn vái Phật” đó không phải tự nhiên mà đến. Đó là kết quả của cả một hành trình dài học hỏi, chiêm nghiệm của bản thân và sự chỉ dạy của nhiều bậc tôn túc như Hòa thượng Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh hay đọc Tạp chí Tư Tưởng do Hòa thượng Tuệ Sỹ chăm sóc. Nhờ “biết” nên tôi không thấy sự khác biệt nào giữa một Đức Phật trong tiệm và Đức Phật trong chùa. Tôi không vái tượng Phật trước mặt mà vái Đức Phật trong tâm hồn tôi. 

Khác tôi, hàng triệu người Việt trong nước không có hai nguồn may mắn đó. Họ không thể tự học và không có các bậc minh sư chỉ giáo. Họ mò mẫm đi tìm một tia sáng trong đường hầm tối đen nên bị các ma tăng dẫn dắt dễ dàng. 

Bị lừa gạt vật chất không tổn hại bằng bị lừa gạt tinh thần. Vết thương do sự lừa gạt tinh thần gây ra đau nhức hơn và kéo dài hơn, có khi nạn nhân không còn đứng lên được nữa. Đọc lại lịch sử Việt Nam và nhìn thực trạng Việt Nam sẽ thấy nhiều nạn nhân bị lừa gạt tinh thần mang vết thương trong trái tim cho đến cuối đời. Của cải có thể gầy dựng lại nhưng niềm tin rất khó. Nạn nhân nói được nhưng phải đành câm nín. Nạn nhân không điên dại nhưng mỗi ngày phải cười tươi trên sự bất hạnh của chính mình.

Vở kịch “sợi tóc của Đức Phật” do Trúc Thái Minh biên soạn kiêm đạo diễn vượt qua mọi giới hạn của hoang đường, buồn cười, lố lăng, vô lý, phi khoa học, tàn nhẫn, bất nhân và độc ác. Thế nhưng vẫn có hàng ngàn người đứng trước “sợi tóc có thể tự chuyển động” mà nước mắt chảy dài. Họ tìm đến Phật để mong được cứu rỗi sau nhiều năm bị giam hãm trong bóng tối vô thần. Họ tin một cách chân thành “sợi tóc” đó là của Đức Phật, bậc toàn năng có thể giúp cho cuộc đời họ từ nay tốt đẹp hơn, mạnh khỏe hơn, giàu có hơn. 

Trúc Thái Minh xem “luật pháp”, “giáo hội” và dư luận như cỏ rác. Ông ta không cần giấu mặt sau màn để giật dây đám đệ tử mà ngồi ngay tại chỗ đó dửng dưng nhìn những người vào tuổi cha mẹ mình xúc động nhìn “sợi tóc Phật” đong đưa trong khoảng cách chỉ hơn một gang tay. 

Những đồng bạc họ “cúng dường” cho Trúc Thái Minh cũng không phải do thu nhập dễ dàng như tiền của Đinh La Thăng, Nguyễn Đức Chung… mà chắt chiu từng đồng bằng mồ hôi nước mắt, thức khuya dậy sớm. 

Lợi dụng lòng tin để trục lợi là chuyện có thể xảy ra ở mọi nơi nhưng có lẽ chưa bao giờ sự xúc phạm con người vượt qua mọi giới hạn của đạo đức và luân lý như cách lợi dụng của Trúc Thái Minh. 

Chúng ta nghe nhiều lần tính từ “băng hoại đạo đức” trong xã hội Việt Nam để chỉ một tình trạng trong đó các nền tảng đạo đức đã bị làm hư hỏng, mất đi các giá trị cao đẹp vốn có. Thế nhưng, tính từ này quá chung chung không nói rõ băng hoại như thế nào, mức độ nào, lấy tiêu chuẩn gì để đo lường. Nhờ câu chuyện “sợi tóc Phật” ở chùa Ba Vàng mà từ nay sẽ có một tiêu chuẩn để chứng minh một cách cụ thể thế nào là “băng hoại đạo đức tận cùng”. Thành ngữ “băng hoại như Trúc Thái Minh” từ đó ra đời. 

Chúng ta nghe động từ “táng tận lương tâm” để chỉ một người mất hết lương tri, nhân tính, hành động như loài dã thú chỉ biết ăn thịt đồng loại không phân biệt già, trẻ, lớn, bé. Thế nhưng tìm đâu ra một mẫu người mang đủ thú tính chỉ cần nhắc tên là biết đúng là kẻ “táng tận lương lâm”. Nhờ biến cố “sợi tóc Phật” ở chùa Ba Vàng, từ nay sẽ có một tiêu chuẩn để chứng minh một cách cụ thể thế nào là “táng tận lương tâm”. Thành ngữ “táng tận lương tâm như Trúc Thái Minh” cũng từ đó ra đời.

Đừng trách những người dân mê muội. Mọi việc trên đời đều có nguyên nhân. Nhận thức của con người mang tính lịch sử và thời đại. Họ sinh ra và lớn lên trong một môi trường kín, không biết gì khác. Họ như bầy nai khát nước đi tìm một dòng suối giữa rừng già, một bên bờ là đám thợ săn và bên kia là bầy thú dữ đang rình. Không có lối thoát nào, sớm hay muộn họ cũng bị ăn thịt, nếu không rơi vào tay thợ săn cỡ Đinh La Thăng cũng sẽ gặp ác thú cỡ Trúc Thái Minh.

Làm gì? 

Hãy nói.

Nói để thay đổi nhận thức của người dân. Câu nói của họa sĩ Maurizio Nannucci “thay đổi nhận thức, thay đổi tương lai” đúng nhất đối với tình trạng Việt Nam và trong vài tuần qua đã cho thấy có thay đổi. Hàng trăm bài viết dài, hàng ngàn ‘status’ ngắn, hàng vạn lời bình luận đã tiếp sức nhau dồn dập như sóng triều dâng để vạch trần bản chất của con người Trúc Thái Minh. Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa sự thật và giả dối còn rất dài nhưng rõ ràng lẽ phải đang giành phần thắng. Trong “thế giới mở” ngày nay yếu tố không gian hay thời gian, quen biết hay xa lạ không còn quan trọng nữa. Một chiếc cầu nhận thức đã được bắt qua sông để nối lại hai bờ ngăn cách. Dù ở xa như người viết hay ở gần như các bạn trong nước nếu làm hết sức mình, thay đổi sẽ đến.

Nếu không có tiếng nói của hàng ngàn người Việt trên khắp không gian mạng, Trúc Thái Minh hôm nay vẫn rung đùi nhìn đoàn người sắp hàng trước mặt và tổ chức có danh xưng “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn xem chuyện “Xá lợi tóc Đức Phật” là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Hòa thượng Tuệ Sỹ viên tịch chiều ngày 24 tháng 11, 2023 nhưng tiếng chuông cảnh tỉnh Ngài gióng lên mười năm trước vẫn còn vang vọng. 

Hôm đó là ngày 20 tháng 9 năm 2013, Hòa thượng Tuệ Sỹ viết lá thư để cám ơn đồng bào Việt Nam đã tích cực vận động ủng hộ khi Ngài bị kết án tử hình và trong dịp này Hòa thượng đã nhắc đến sự thối nát không chỉ trong xã hội mà cả trong tôn giáo. 

Hòa thượng Tuệ Sỹ viết: “Việt Nam đang là một đống rác khổng lồ. Đó không phải là ý nghĩ riêng của tôi, mà là nhận xét của nhân vật cao cấp nhất của đảng Cộng sản Việt Nam. Đây không phải là ý nghĩa kinh tế. Nó bao trùm tất cả mọi khía cạnh đời sống: văn hóa, chính trị, và cả tôn giáo”.

Một trong những nguyên nhân gây ra thảm họa là tham nhũng. Hòa thượng viết tiếp: “Tham nhũng là gốc rễ của các tệ nạn xã hội khác. Vì nó tổ chức bao che và nuôi dưỡng chung. Nó xói mòn mọi giá trị đạo đức truyền thống. Bảo vệ hay phát huy văn hóa dân tộc trên cơ sở đó chỉ là lá chắn cho tệ nạn tràn lan mà thôi”.

Hòa thượng chấm dứt lá thư bằng niềm hy vọng: “Hoàn cảnh đất nước Việt Nam như thế cho nên dân ta phải chịu quá nhiều đau thương và tủi nhục. Đối với giới trí thức nói riêng, mà xã hội Việt Nam truyền thống rất tôn trọng, điều tủi nhục lớn nhất là họ không thể thay những người dân thấp cổ bé miệng nói lên một cách trung thực tất cả những uất ức, những khổ nhục mà họ phải chịu. Bởi vì, tại Việt Nam ngày nay những người có thể nói thì ngòi bút đã bị cong; những người muốn nói thì ngòi bút đã bị bẻ gãy. Nhưng tôi biết rõ một điều, và điều đó đã được ghi chép trong lịch sử: Trí thức chân chính của Việt Nam không bao giờ khiếp nhược. (Trí thức phải nói, HT Tuệ Sỹ, Thứ Sáu, ngày 20 tháng 9 năm 2013, đăng trên website TueSy.net)

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ

Đúng vậy, bạch Hòa thượng, “Trí thức chân chính của Việt Nam không bao giờ khiếp nhược”.

Thị Nghĩa Trần Trung Đạo

NguồnFB Trần Trung Đạo

 

 

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn