Đã đến lúc tính tiền cho di sản?

Phạm Minh Quân - Phó Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa

Chúng ta biết Paris (Pháp) là thành phố di sản thế giới, nhưng có thể ít để ý tháp Eiffel của nó được định giá 545 tỷ USD, hoặc Rome – thành phố di sản thế giới này có đấu trường La Mã trị giá 114 tỷ USD… Tất nhiên không phải thành phố di sản nào cũng có công trình di sản được tính thành tiền, nhưng quy mô tiền bạc đã giúp tăng “sức nặng” nhiều mặt cho thành phố.

Tòa nhà Postef Hà Nội, ban đầu phải nhường chỗ cho một tòa nhà thương mại nhiều tầng, bị tạm dừng tháo dỡ. Ảnh: Báo Giao thông

Ta vẫn thường nghĩ rằng di sản, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể, là những giá trị không thể định lượng, thậm chí vô hình và trừu tượng. Hẳn bởi chúng là sản phẩm sáng tạo tinh thần của con người, tùy thời điểm và theo thời gian càng trở nên khó đong đếm hơn. Nhưng từ cách tiếp cận mới của kinh tế học di sản và lượng giá, có thể “quy chúng ra tiền” một cách hợp thức và có cơ sở. 

Vì sao lượng giá?

Hãy bắt đầu bằng những câu chuyện đáng tiếc. Ngay giữa lòng TP.HCM, có một di tích ghi dấu thời hoàng kim của nghề gốm có từ cuối thế kỷ XVII, đã bị san bằng chỉ sau một đêm, rồi nay trở thành bãi đất hoang và đồng thời là nơi… đốt rác. Đó là Lò gốm Hưng Lợi (phường 16, quận 8), không những vậy, đây là di tích khảo cổ học cấp quốc gia được công nhận từ tháng 4.1998 thuộc diện được bảo vệ nghiêm ngặt. Hiển nhiên, sự hủy hoại di sản phải bị xử lý. Chế tài xử phạt hành vi xâm phạm di sản, theo quy định về bảo vệ di sản văn hóa, cao nhất là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức, và còn có thể cấu thành tội hình sự theo Luật Hình sự năm 2015. Song, làm sao để tính toán giá trị di sản đã mất đi để quy đổi sang cái giá phải đền bù? 

Lò gốm cổ Hưng Lợi lúc mới khai quật và sau khi bị san phẳng. Ảnh tư liệu.

Hay ở Hà Nội, một nửa trong số 185 di sản công nghiệp có giá trị của Hà Nội đã bị phá hủy, khi còn chưa kịp được nhận diện, bảo tồn và khai thác tiềm năng (1). Và muôn kiểu xâm hại di sản khác ở nhiều địa phương theo kiểu “xây không phép, phá không tắc” đến mức không thể vãn hồi. Câu hỏi đặt ra là liệu ta đã đánh mất đi những gì lẽ ra được hưởng từ di sản? 

Còn đối với một quần thể di tích, công trình lịch sử hoặc danh lam thắng cảnh đã tồn tại và đưa vào hoạt động, thì câu hỏi đặt ra hướng đến nhận thức của chúng ta về giá trị: liệu đã khai thác được tối ưu tiềm năng của nó chưa, hay có phải ta đang khai thác nó quá mức? Những câu hỏi như trên, đều có thể được trả lời bằng một phương pháp của kinh tế học được gọi là lượng giá (valuation), cụ thể ở đây là lượng giá di sản (heritage valuation). 

Lượng giá khác với những thuật ngữ khác mang tính ước định như “đánh giá”, “ước tính”, “ước lượng”. Kết quả do lượng giá mang lại hoàn toàn hữu hình, cụ thể ở đây là giá trị của đối tượng được lượng giá thành tiền. Tiêu biểu, một nghiên cứu gây chú ý năm 2012 của Phòng Thương mại Monza và Brianza - Ý đã xác định tháp Eiffel là công trình giá trị nhất châu Âu và được định giá 545 tỷ USD đối với nền kinh tế Pháp(2). Đứng thứ hai và thứ tư là đấu trường La Mã và nhà thờ chính tòa Milan đều ở Ý, lần lượt trị giá 114 và 103 tỷ USD. Vương cung thánh đường Sagrada Família, Barcelona - Tây Ban Nha, bất chấp chưa hoàn thiện, nhưng cũng được định giá cao thứ ba với giá trị 113 tỷ USD. Tháp London ở Anh được ước tính trị giá 89 tỷ USD, tiếp sau là bãi đá cổ Stonehenge với trị giá 13 tỷ USD. 

Khi được công bố, thì điều đầu tiên những con số trên mang lại là niềm tự hào đối với người Pháp. Họ đã nhận ra rằng mình sở hữu một trong những công trình có giá trị lớn nhất thế giới. Và điều quan trọng hơn, con số 545 tỷ USD đại diện cho một mối lợi to lớn hơn nhiều mà tháp Eiffel mang lại cho đất nước Pháp – lợi nhuận kinh tế khổng lồ đến từ hiệu quả du lịch, hình ảnh thương hiệu. Không những vậy, nó đem đến những chỉ báo cho biết chính quyền lẫn các doanh nghiệp có thể làm gì tốt hơn để cải thiện và nâng cao giá trị này. Bởi, giá trị di sản cực kỳ lớn, chưa nói là vô biên, do sự tích lũy trải qua thời gian lịch sử, nên nếu định giá được giá trị sẽ biết được phải bỏ ra bao nhiêu tiền để bảo tồn duy tu một cách có cơ sở và thiết thực, hoặc đánh giá sức chịu tải của di sản là bao nhiêu.

Như vậy có thể thấy, người ta tiến hành lượng giá, một mặt nhằm vận dụng kết quả làm cơ sở khoa học cho việc ra quyết định, hoạch định chính sách, phân tích chi phí - lợi ích kinh tế hay đảm bảo lợi ích khai thác tối ưu, nhưng mặt khác, cũng đem đến hiệu ứng về mặt tinh thần - nhận thức và lòng tự hào - có tác động lâu dài. Đây cũng là một mấu chốt khi xem xét lượng giá di sản, vốn mang tính chất đặc thù hơn rất nhiều so với một đối tượng lượng giá thông thường, như sản phẩm sản xuất chẳng hạn. Khi xác định được giá trị di sản sẽ nâng lên thái độ tự hào của người dân, khiến người dân trước đây chưa để ý, giờ đây trở nên có nhận thức và toàn tâm toàn ý bảo tồn.

Nhận thức mới về giá trị di sản

Trên thế giới, lượng giá và lượng giá di sản không còn là mới. Lượng giá đã được đề xuất và ứng dụng vào những năm 1920 thế kỷ trước với tư cách là một chuyên ngành sâu của kinh tế học phúc lợi, ban đầu nhằm phục vụ cho việc ra quyết định chiến lược sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp lớn. Từ đó đến nay, đã có hơn chục nghìn công trình lượng giá, và đáng chú ý là phần lớn đều về di sản. 

Theo Công ước Di sản thế giới được UNESCO thông qua, di sản thế giới được phân loại thành ba nhóm: di sản văn hóa (di tích, di chỉ); di sản thiên nhiên (khu vực có đặc điểm vật lý, sinh học, địa chất, địa lý tự nhiên được phân định rõ ràng, có giá trị nổi bật toàn cầu về mặt khoa học, bảo tồn hoặc thẩm mỹ); di sản hỗn hợp (phải thỏa mãn ít nhất là một tiêu chí về di sản văn hóa và một tiêu chí về di sản thiên nhiên).

Có hai tiêu chí rất quan trọng liên quan đến đô thị trong việc công nhận di sản thế giới (3), đó là: thể hiện một sự giao lưu quan trọng giữa các giá trị của nhân loại, trong một khoảng thời gian hoặc trong phạm vi một vùng văn hóa của thế giới, về các bước phát triển trong kiến trúc hoặc công nghệ, nghệ thuật tạo hình, quy hoạch đô thị hoặc thiết kế cảnh quan; và là một ví dụ tiêu biểu về sự định cư của con người hoặc một sự chiếm đóng lãnh thổ mang tính truyền thống và tiêu biểu cho một hoặc nhiều nền văn hóa, nhất là khi nó trở nên dễ bị tổn thương dưới tác động của những biến động không thể đảo ngược.

Vì vậy, để được công nhận là một thành phố di sản thế giới, bản thân đô thị đó phải sở hữu các công trình di sản mang tính biểu tượng lịch sử và có giá trị văn hóa lớn, như Bắc Kinh và Tô Châu ở Trung Quốc, Kyoto ở Nhật Bản, Huế và Hội An ở Việt Nam. Chương trình Thành phố Di sản Thế giới là một trong sáu chương trình chuyên đề được Ủy ban Di sản Thế giới thuộc UNESCO chính thức phê duyệt và giám sát, với hơn 300 thành phố di sản thuộc 101 quốc gia thành viên (xấp xỉ cứ 3 di sản thế giới thì có một là đô thị di sản).

Di sản khó định giá ở chỗ, ngoài giá trị kinh tế, nó còn bao hàm những giá trị văn hóa tương đối mơ hồ và khó định lượng như giá trị thẩm mỹ, giá trị biểu tượng, giá trị tinh thần, giá trị xã hội, giá trị lịch sử, giá trị chân xác và giá trị khoa học. Nhiều công trình di sản hay di tích có giá trị văn hóa rất cao nhưng giá trị kinh tế lại tương đối thấp, dẫn đến những quyết định thực dụng sai lầm, như câu chuyện các di sản đô thị phải nhường chỗ cho những dự án bất động sản có tính sinh lời cao. 

Dưới góc độ của lượng giá, giá trị của sự vật hiện tượng được định giá sẽ bao gồm giá trị sử dụng và phi sử dụng. Trong khi giá trị sử dụng có thể mua và bán, thì giá trị phi sử dụng không thể mua bán được. Đây chính là giá trị “trừu tượng” khi ta đề cập đến di sản. Du khách viếng thăm có thể đến mua vé, sử dụng các dịch vụ lưu trú, di chuyển, vui chơi giải trí để đóng góp trực tiếp vào giá trị sử dụng của di sản. Tuy nhiên các du khách này sẽ chẳng phải bỏ một xu hay thực sự sử dụng những giá trị được coi là phi sử dụng, ví dụ như giá trị tồn tại – bản thân sự tồn tại của di sản đã là một giá trị, hoặc giá trị lưu truyền – niềm tự hào để lại cho những thế hệ sau. 

Giả sử trên một trục chi phí - lợi ích, thì lượng giá di sản thay vì nghiêng về phía cán cân lợi nhuận như lãi suất của hoạt động du lịch - dịch vụ, vốn bỏ ra và thu lại sau một chu kỳ kinh doanh, sẽ hướng tới lợi ích như là một giá trị bền vững sau khi cân đối được giữa sự còn và mất. Đồng nghĩa, giá trị ở đây không phải là giá trị tức thời, mà là giá trị tiềm năng trong tương lai và dành cho mai sau. 

Lượng giá di sản ở Việt Nam

Song, ở Việt Nam thì lượng giá di sản vẫn là một cách tiếp cận tương đối mới. Hiện nay có ba công trình lượng giá (các công trình khác chỉ là ước tính): tổn thất môi trường do tràn dầu ở Cù Lao Chàm, giá trị đa dạng sinh học rừng ngập mặn Nam Định, lượng giá di sản tại Hội An (4).

Sở dĩ Phòng Thương mại Monza và Brianza có những kết quả trên là dựa vào những phát hiện về “hình ảnh, thương hiệu và độ hiển thị” của di sản, được tổ chức nghiên cứu tính toán bằng cách đối chiếu tham khảo 10 thông số khác nhau từ các nhà phân tích và cơ quan thống kê khác nhau. Các tiêu chí bao gồm “chỉ số du lịch”, trong đó tính đến “giá trị kinh tế của địa điểm, danh tiếng của di sản, lượng du khách đến lãnh thổ và di sản” và “chỉ số hấp dẫn kinh tế”, bao gồm các yếu tố như số lượng việc làm mà nó tạo ra và giá trị xuất khẩu của nó.

Di sản thế giới tại Việt Nam, tiêu biểu có thể kể đến như Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Tràng An (Ninh Bình), cố đô Huế là một hợp quần của rất nhiều thành tố khác nhau, không riêng gì lịch sử - văn hóa mà còn có sự hiện diện của sinh thái tự nhiên, địa chất thủy văn, định cư - nhân khẩu, sự tham gia của nhiều đơn vị công - tư, và do đó, lượng giá di sản là một bài toán đa nghiệm đòi hỏi phương pháp liên ngành. 

Trong nghiên cứu lượng giá Hội An, với quan niệm di sản là một hàng hóa công, nhóm tác giả đã sử dụng phương pháp chi phí du lịch (travel cost method) theo khu vực và cá nhân. Nhưng ở một phạm vi địa bàn nghiên cứu lớn hơn, với nhiều thành tố và độ biến thiên lớn hơn, đòi hỏi sẽ phải tích hợp sử dụng thêm các phương pháp khác như phương pháp định giá ngẫu nhiên (contingent valuation method), đánh giá hưởng thụ (hedonic price method) nhằm định giá giá trị phi sử dụng, tính toán giá trị dịch vụ hệ sinh thái…

Lượng giá di sản ngoài giá trị cảnh quan, vật chất, thiên nhiên, một số làng nghề, vẫn phải quan tâm tới các giá trị di sản văn hóa phi vật thể song hành. Phần lớn chúng là giá trị không trực tiếp, tồn tại cùng với đời sống tinh thần và xã hội, rất khó đo lường vì phụ thuộc vào thẩm mỹ, không gian, thời gian khác nhau. 

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa giá trị công và giá trị tư, lợi ích công và lợi ích tư cần được xem xét đến khi lượng giá di sản. Chúng ta phải thừa nhận rằng, trong một tiến trình di sản hóa, chắc chắn có sự tham gia tinh chỉnh và kiến tạo của rất nhiều bên, cũng như không tránh khỏi sự xung đột. Quá trình này có sự tham gia của chính quyền, doanh nghiệp lẫn cộng đồng, và tạo ra giá trị đôi khi cũng đồng nghĩa với việc làm biến đổi nó, tác động đến sự độc lập khách quan của thao tác lượng giá. 

Lượng giá đã cho phép chúng ta làm một điều tưởng như trước giờ bất khả thi: biến di sản từ một giá trị định tính trở nên có thể định lượng được bằng con số cụ thể. Nhờ vậy, chúng ta có thêm một nhận thức mới về giá trị của di sản, cách nhận diện đô thị di sản, và một chứng lý khoa học vững chắc lẫn xác thực để bảo tồn và phát triển di sản, một cách bền vững hướng đến tương lai. 

P.M.Q.

______________

(1)  Đọc thêm bài Di sản công nghiệp ở Việt Nam: Xóa sổ trước khi được gọi tên!https://nguoidothi.net.vn/di-san-cong-nghiep-o-viet-nam-xoa-so-truoc-khi-duoc-goi-ten-37169.html
(2) Dẫn theo Henry Samuel, tờ 
The Daily Telegraph, Anh, https://www.telegraph.co.uk/news/worldnews/europe/france/9492500/Eiffel-Tower-worth-344-billion-to-French-economy-or-six-Towers-of-London.html
(3) Tiêu chí lựa chọn di sản thế giới của UNESCO, https://whc.unesco.org/en/criteria/
(4) Công trình này đã được giới thiệu sơ lược trên 
Người Đô Thị bởi chính tác giả vốn là một trong những chuyên gia lượng giá hàng đầu Việt Nam: TS. Bùi Đại Dũng, xem https://nguoidothi.net.vn/di-san-hoi-an-con-ga-de-trung-vang-24731.html

Nguồn: Nguoidothi.net.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn