Hàm ý đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Australia

Nguyễn Quang Dy

Quan hệ Việt Nam-Australia đã có những bước tiến dài trong năm thập kỷ qua. Năm ngoái, hai nước đã kỷ niệm 50 năm thành lập quan hệ ngoại giao (1973-2023). Năm nay, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện (CSP). Trong vòng nửa năm, Việt Nam đã nâng cấp lên CSP với ba nước là Mỹ (9/2023), Nhật (11/2023), và Australia (7/3/2024). Theo Đại sứ John McCarthy, đây là “một thắng lợi ngoại giao” (Australia’s Relationship Upgrade with Vietnam: a Diplomatic Win, John McCarthy, Asialink, 8 March 2024).

 Thắng lợi ngoại giao

Theo McCarthy, khi xúc tiến một bước quan trọng như vậy, “Việt Nam đã suy nghĩ và chuẩn bị kỹ càng”. Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là đối tác ngoại giao “khéo léo nhất Đông Nam Á”. Việt Nam là “bậc thầy về nghệ thuật dàn xếp chính trị và giữ cân bằng về ngoại giao.” Australia đang hợp tác với “một đất nước quan trọng”, biết rõ yếu tố lịch sử và địa lý, nên khéo léo và thận trọng khi đối phó với nước láng giềng phương Bắc.

Năm ngoái, Australia đã khai trương “Trung Tâm Việt Nam-Australia” tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Australia là “nước duy nhất mở một trung tâm để nghiên cứu, đào tạo, và đối thoại”. Cộng đồng người Việt tại Australia đứng thứ sáu, và sinh viên Việt Nam du học tại Australia có khoảng 30.000 người. Triển vọng hợp tác về thương mại và đầu tư rất tiềm năng, nhất là về năng lượng sạch, nông nghiệp và kinh tế số.

Theo McCarthy, một là khi nâng cấp quan hệ với Mỹ, Việt Nam phải xoa dịu Trung Quốc, nên sau khi đón Tổng thống Biden (tháng 9) Hà Nội đón Chủ tịch Tập Cận Bình (tháng 12). Hai là kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào làn sóng đầu tư nước ngoài mới, nên Hà Nội phải cải cách mạnh hơn. Ba là từ nay đến 2026, đấu tranh quyền lực trong nội bộ lãnh đạo Hà Nội có thể gia tăng, tuy vẫn duy trì truyền thống “lãnh đạo tập thể”. Bốn là các giá trị dân chủ tuy quan trọng đối với Australia, nhưng không nên áp đặt vì không hiệu quả.

Trong 5 năm (2019-2023), thương mại song phương giữa Việt Nam và Australia là 58,1 tỷ USD, trong đó Australia xuất siêu 14,4 tỷ USD. Hàng Việt Nam xuất sang Australia chủ yếu là điện thoại, máy tính, dầu thô, hàng may mặc, trong khi Việt Nam nhập của Australia than, khoáng sản, kim loại, bông, bột mỳ, và rượu vang. Đến cuối 2/2023, Australia đã đầu tư 590 dự án tại Việt Nam (khoảng 2 tỷ USD). Australia có thể giúp Việt Nam chuyển sang năng lượng tái tạo như gió và mặt trời, phát triển hạ tầng số như cáp quang.

Việt Nam đang nổi lên như một địa chỉ thu hút đầu tư nước ngoài. Đó là một thị trường tiềm năng có các điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất ở nước ngoài (offshore manufacturing). Nhưng nếu không đối phó kịp thời với các thách thức mới, Việt Nam có nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Australia có thể hợp tác giúp Việt Nam khắc phục các thách thức đó, nhưng lãnh đạo Việt Nam tại mọi cấp chính quyền phải cam kết theo chiến lược quản trị số để nâng cao vốn con người và cải thiện hạ tầng thiết yếu.

Thứ nhất, bộ máy nhà nước còn cồng kềnh. Thứ hai, việc đào tạo kỹ năng cho nguồn nhân lực còn chậm, nhất là trong thời đại công nghệ số. Thứ ba, tính hiệu quả của chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp. Theo các chuyên gia, một khi tháo gỡ được các vấn đề về quản trị thì Việt Nam sẽ có vị thế thuận lợi hơn để khắc phục hai vấn đề kia. Cách thức quản trị công lạc hậu và yếu kém sẽ làm cho các doanh nghiệp nhà nước có năng suất thấp.

Hợp tác quốc phòng

Theo Giáo sư Carl Thayer, việc nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên CSP còn “mở ra cơ hội để tăng cường hợp tác quốc phòng, đặc biệt là mở rộng hợp tác về công nghệ quốc phòng”. Trong tuyên bố chung Việt Nam-Australia có một đoạn về hợp tác quốc phòng, bao gồm “mở rộng đào tạo, trao đổi thực tế, và hỗ trợ gìn giữ hòa bình”, nay được nâng lên “đối tác gìn giữ hòa bình” (peacekeeping partnership). (Australia-Vietnam comprehensive strategic partnership: the defence dimension, Carl Thayer, ASPI, 14 March 2024).

Trong tất cả các tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện (CSP) với các nước nói trên bao gồm cả Australia, đều có một phần riêng nói về hợp tác quốc phòng. Trong tuyên bố chung CSP với Mỹ có một đoạn về hợp tác quốc phòng và an ninh, trong đó Mỹ cam kết “giúp Việt Nam phát triển năng lực tự chủ về quốc phòng”. Trong tuyên bố chung CSP với Nhật Bản cũng có một đoạn 15 điểm về hợp tác an ninh và quốc phòng, bao bao gồm “Viện trợ An ninh Chính thức” (Official Security Assistance - OSA).

Tháng 8/2023, Bộ Ngoại giao Nhật đã công bố Việt Nam là một trong sáu nước sẽ nhận Viện trợ An ninh Chính thức (OSA) trong năm 2024. Hiện nay, ODA của Nhật chiếm tới 30% tổng các khoản viện trợ phát triển song phương ở Việt Nam. Sắp tới, ODA có thể phối hợp với OSA, thúc đẩy các chuyến thăm của tàu chiến và máy bay quân sự Nhật. Nếu Việt Nam muốn chủ động trong chiến lược an ninh, thì có thể dùng OSA làm đòn bẩy. (Việt Nam được lợi gì từ viện trợ an ninh của Nhật Bản? Henry Nguyen, Luật Khoa, 23/2/2024).

Theo Carl Thayer, Australia có thể “cổ vũ và điều phối” hợp tác quốc phòng với Việt Nam vì được “sự tin cậy đáng kể”, nhờ nhất quán về chính sách trong quá trình hợp tác. Cam kết hợp tác quốc phòng Viêt Nam-Australia nhấn mạnh bộ trưởng quốc phòng hai nước sẽ gặp nhau hàng năm để thúc đẩy đối thoại cấp cao. Hai nước đã nhất trí về “tầm nhìn chung để tăng cường hợp tác quốc phòng” (joint vision on further defence cooperation). Kinh phí Australia dành cho chương trình hợp tác quốc phòng là $4,15 triệu (2023-2024).

Chính phủ Công đảng của Thủ tưởng Albanese phải cân nhắc để tăng thêm kinh phí cho chương trình hợp tác quốc phòng nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cần thiết để mở rộng hợp tác về công nghệ quốc phòng với Việt Nam. Chương trình gồm an ninh biển, chia sẻ thông tin tình báo, đẩy mạnh hợp tác trên biển, tăng cường hợp tác an ninh mạng và công nghệ cao (cyber-security and critical technology) bao gồm các sáng kiến nhằm nâng cao năng lực về an ninh mạng để đối phó hiệu quả hơn với các mối đe dọa về an ninh mạng.

Cuộc chiến tranh của Ukraine chống lại quân đội Nga buộc Việt Nam phải suy nghĩ lại về tương lai của chiến tranh hiện đại với những thế hệ vũ khí mới như máy bay không người lái (drones), tàu ngầm không người lái (unmanned maritime platforms), tên lửa hành trình (cruise missiles), chiến tranh điện tử (electronic warfare) và hệ thống chống tên lửa (missile defence). Tình thế chiến lược mới đang mở ra hai cơ hội lớn cho Australia.

Một là Australia có thể mở rộng hợp tác công nghệ quốc phòng với Việt Nam gồm công nghệ ngách (niche technology) để giúp nâng cao năng lực đối phó với các thách thức và đe dọa mới như đang diễn ra ở Ukraine. Hai là Australia có thể đề xuất trao đổi với Mỹ, Nhật, và Hàn Quốc một cách song phương hoặc đa phương về “đối thoại bốn bên không chính thức” (new informal quadrilateral dialogue) để điều phối hợp tác quốc phòng.

Hàm ý quan trọng

Trong hơn một năm qua, Việt Nam đã triển khai “ngoại giao cây tre”, nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện (CSP) với Mỹ và 3 đồng minh gắn bó nhất tại khu vực Indo-Pacific là Nhật, Hàn Quốc,và Australia. Điều đó chứng tỏ Việt Nam đang thay đổi quan điểm đối với thế giới, và cho thấy tiềm năng có thể điều phối một chương trình hợp tác quốc phòng đầy đủ (full defence cooperation agenda). Đây là một hàm ý quan trọng.

Australia tuy là nước cuối cùng trong số bốn nước vừa được nâng cấp lên CSP, nhưng là một mắt xích quan trọng để điều phối hợp tác quốc phòng với Việt Nam. Hà Nội muốn cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc để tránh mắc kẹt vào tranh chấp nước lớn. Trong bàn cờ thế đó, Việt Nam phải làm yên lòng Trung Quốc bằng cách tham gia “Cộng đồng Chia sẻ Tương lai” (shared future) thay vì “Cộng đồng cùng Chung vận mệnh” (Common Destiny). Theo Alexander Vuving, “đó là cái bình chưa có rượu” (BBC, 13/12/2023).

Theo Greg Poling (CSIS), Tập Cận Bình đến thăm Hà Nội chủ yếu là để “giữ thể diện” (face-saving trip). Hai bên đã cam kết rất nhiều (a lot of rhetoric) nhưng không có gì cụ thể (little concrete). Việc Việt Nam tham gia vào “Cộng đồng Chia sẻ Tương lai” sẽ không làm giảm căng thẳng tại Biển Đông, vì Bắc Kinh và Hà Nội vẫn đang mắc kẹt vào tranh chấp lãnh thổ. Theo Giáo sư Zachary Abuza (National War College), “Cộng đồng Chia sẻ Tương Lai” chẳng có ý nghĩa gì (absolute nonsense) đối với tranh chấp ở Biển Đông.

Theo Nguyễn Khắc Giang (ISEAS), Việt Nam tham gia “Cộng đồng Chia sẻ Tương lai” để tái cân bằng (rebalancing) sau khi nâng cấp quan hệ lên CSP với Mỹ. Điều đó không có nghĩa là Việt Nam rơi vào quỹ đạo Trung Quốc và đi theo trật tự thế giới của Bắc Kinh. Việc đó chỉ nặng về hình thức chứ không có thực chất (more about form than substance). Việt Nam lo ngại về hệ quả kinh tế Trung Quốc suy thoái làm xuất khẩu giảm sút (Hanoi Embraces Future With China to Reassure Beijing, Experts Say, VOA, December 15, 2023).

Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên CSP với bảy cường quốc ở Châu Á - Thái Bình Dương, gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật, Australia –  “một kỳ tích khó có nước nào sánh bằng”. Việt Nam có thể trở thành “một trung tâm công nghệ cao về chất bán dẫn trong chuỗi cung ứng toàn cầu”. Nhưng “chiến lược của Việt Nam không có sự khác biệt cơ bản nào giữa thế giới ngày nay và ba thập kỷ trước”. (Vietnam headed to the future with a defective compass, Alexander Vuving, East Asia Forum, 12 February 2024).

Hà Nội tham gia “Cộng đồng Chia sẻ Tương lai” có thể tạo đòn bẩy để Bắc Kinh gây sức ép với Việt Nam trong nhiều vấn đề. Căng thẳng Mỹ-Trung tại Đài Loan và Biển Đông là dấu hiệu cảnh báo về cơn bão lớn sắp tới. Việt Nam chuẩn bị ứng phó với thời tiết xấu bằng “Ngoại giao Cây tre”, trong khi vẫn cứng rắn về đối nội. Theo Alexander Vuving, “Hà Nội chưa chuẩn bị tốt cho tương lai. Cây tre Việt Nam có thể bị gấu trúc Trung Quốc gặm nhấm, còn búa tạ của Đảng có thể phá vỡ sự năng động và sức chịu đựng của Việt Nam”.

Tham khảo

1. Australia’s Relationship Upgrade with Vietnam: a Diplomatic Win, John McCarthy, Asialink, 8 March 2024

2. Australia-Vietnam comprehensive strategic partnership: the defence dimension, Carl Thayer, ASPI, 14 March 2024

3. Vietnam headed to the future with a defective compass, Alexander Vuving, East Asia Forum, 12 February 2024

4. Hanoi Embraces Future With China to Reassure Beijing, Experts Say, VOA, December 15, 2023

5. Joint statement on the elevation to a comprehensive strategic partnership between Vietnam and Australia , 7 March 2024

6. Vietnam and Australia Announce Long Awaited Diplomatic Upgrade, Sebastian Strangio, Diplomat, March 7, 2024

7. Australia upgrades relations with Vietnam to 'strategic partnership', Nikkei, March 7, 2024

8. Australia and Vietnam upgrade relations to highest level amid US-China rivalry, SCMP, 7 March, 2024

9. New Reforms Can Unlock Vietnam’s Economic Potential, Trung Nguyen, Asialink, 14 March 2024

10. Việt Nam được lợi gì từ viện trợ an ninh của Nhật Bản? Henry Nguyễn, Luật Khoa, 23/2/2024

N.Q.D.

28/03/2024

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn