Đổi tên các địa danh đã có hằng trăm năm*

Thái Hạo

Khi kẻ dốt nát nắm quyền thì nó trở thành thảm họa của văn hóa. Mà thường thế, dốt thì sinh ra lòng tự tin và sự hung bạo vô bờ bến. Vô cớ và ráo hoảnh xóa bỏ một cái tên đã có hàng trăm năm lịch sử ở Khánh Hòa. Chán nản.

*

Sen Hoa

Khi có sự hận thù hay loại bỏ nhau, hoặc khẳng định sự hợm hĩnh của chủ nghĩa xã hội thì mới đổi tên (như nhà Tây Sơn loại bỏ một số địa danh liên quan chúa Nguyễn, và sau này nhà Nguyễn lên ngôi, liền đục bỏ và đổi tên các địa danh liên quan Tây Sơn), còn cái tên đang hay đang đẹp đang ý nghĩa với người dân mà đổi thì ko hiểu được.

*

Đình Ấm Nguyễn

Sợ thật, đám vô văn hóa và hiếu danh, đặt tên quan chức nọ, kia vào các đường phố để tự tôn vinh người nọ, người kia. Có người như ông Nguyễn Thiện Nhân lúc đang có chức quyền đặt tên bố vào con phố. Những năm gần đây có vẻ như ngoài nhà cầm quyền đặt tên quan chức của mình vào các đường phố để tôn vinh lẫn nhau còn có hiện tượng như một công ty chuyên môi giới để đặt tên đường phố. Tức anh muốn đặt tên cha, mẹ, ông bà vào phố nào thì nộp tiền... Họ ngu không hiểu rằng, đặt tên, tạc tượng những người không xứng đáng vào đường phố, công trình chỉ tổ nhân dân phỉ nhổ, rồi đến lúc phải thay. Ngay đến thành phố Stalin Grad, Lenin Grad... còn bị thay cơ mà. Mấy năm trước tôi đã đăng bài: “Sân bay chưa có đã giục đặt tên”. Một cái tên làng, xã, đường phố đều có nguồn gốc, xuất xứ, ký ức, hoài niệm mà chúng bỗng xóa bỏ như không có chuyện gì xảy ra.

*

Trần Đạt

Xoá dần gốc tích! Khi mỗi người mất đi ý thức cội nguồn ắt thành vong bản, sống theo lối gặp chăng hay chớ không còn trách nhiệm với chính mảnh đất sinh ra cha ông tổ tiên họ!

*

AB Bùi

Thay tên địa danh là cách xoá bỏ quá khứ, làm đứt gãy văn hoá một cách nhanh nhất.

Nguồn: FB Thái Hạo

Tên bài do BVN đặt

***

Đọc thêm: 

Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ? 

Thái Hạo 

Thứ Hai, 18/03/2024 

Hãy phóng to bức hình này lên, sẽ thấy hai cái tên khác nhau: Bên này là đền “Cửa Đặt”, bên kia là chùa “Cửa Đạt”. Đặt và Đạt, có liên hệ/liên quan gì không? 

Đền "Cửa Đặt" và chùa "Cửa Đạt". Ảnh: Thái Hạo.

Hôm qua tôi cùng anh Hoàng Tuấn Công đi Thường Xuân, một huyện miền núi phía tây Thanh Hóa, thăm lại một gia đình người Thái nơi cách nay khoảng 30 năm về trước anh đã lên thực tập lúc học ngành Sử ở Đại học Tổng Hợp Hà Nội. Núi đồi trùng điệp, mây phủ trắng xóa... Chiếc xe trùng triềng qua những con đường đèo dốc quanh co, rồi hồ thủy điện Cửa Đạt nổi tiếng hiện ra trước mắt với với dòng chữ lớn... Nhưng điều thu hút tôi là bên cạnh bao nhiêu những địa danh được gắn chữ “cửa Đạt” thì bỗng xuất hiện một chữ, chỉ khác cái dấu: Đền Cửa Đặt. Tôi đặt câu hỏi, rằng, đạt và đặt có liên quan gì không, và nếu có, cái nào trước, cái nào sau, và vì sao lại có sự thay đổi này.

Vào ngôi làng của người Thái, ăn cơm và trò chuyện, tôi hỏi nhiều về văn hóa và những thắc mắc của mình về đủ thứ chuyện. Ở đây có con sông Đặt đổ vào sông Chu. Người làng cho biết, ngày xưa tại vị trí này có ngôi làng tên làng Đặt, hàng loạt địa danh ở đây cũng gắn với chữ “đặt”. Tìm hiểu thêm thì biết được rằng, “đặt” là một từ trong tiếng Thái. Một bạn tôi là người Thái, hiện đang dạy học, khi nghe tôi hỏi về nghĩa của chữ “đặt” này thì đã trả lời rằng, trong tiếng Thái cổ, nó có nghĩa là trốn, nấp, im lìm..., như “đặt dú” là im lặng, nghe mà giả vờ như không nghe... Hiện nay, chữ ấy đã ít xuất hiện trong giao tiếp hàng ngày, nhưng trong tiếng Thái cổ, thư tịch và tên các địa danh thì còn lưu giữ.

Trang Wikipedia cũng dẫn nguồn và cho biết: “Tên gọi Thủy điện Cửa Đạt đặt theo biến âm của tên làng Cửa Đặt ở bờ trái sông Chu tại vị trí đập, phía trên cửa Đặt là nơi sông Đặt đổ vào sông Chu một quãng ngắn. Sông Đặt chảy từ phía xã Xuân Lẹ ở tây nam đến, qua xã Vạn Xuân đến làng Đặt ở bờ phải sông Chu”. Như vậy, có thể khẳng định rằng, xưa, đây vốn là cửa Đặt chứ không phải cửa Đạt như tên gọi bây giờ. Vậy tại sao lại đổi, đổi từ khi nào, và đổi để làm gì? Có phải là từ cách đây 20 năm khi xây dựng hồ thủy điện Cửa Đạt? Phải chăng, những người làm công tác chính quyền và chính sách, vì thấy chữ “đặt” không có nghĩa hoặc “không hay” nên đã tự ý đổi đi?

Dừng chân tại bản Mạ, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Ngôn ngữ thì luôn biến đổi, nhiều từ sinh ra, đồng thời nhiều từ mất đi, đó là một hiện tượng tất yếu và không thể cưỡng lại được. Nhưng trong dòng biến đổi mạnh mẽ ấy, địa danh là một trong những nơi “cố thủ” và “lì lợm” bậc nhất. Có thể nói, đặc trưng này là một may mắn cho văn hóa, để dù cho ngôn ngữ có thay đổi dữ dội tới đâu, nó vẫn đứng lại một cách lâu dài để bảo lưu các giá trị lịch sử trong dòng chảy cuồn cuộn của những biến thiên dâu bể ấy.

Ngay như làng tôi, tên các cánh đồng nghe rất lạ, và dường như không có nghĩa gì cả, nào là Cồn Hốn, Mủng Thố, Trặm Hoa, Đồng Rạt..., nhưng không ai vì thế mà mang đổi chúng đi cả. Đấy là nói về những tiểu địa danh, chứ như Lũng Cú, Pleiku, Đăk Lăk, Đăk Nông... chẳng hạn, thì nếu không truy nguyên vào từ ngữ của dân tộc bản địa, cũng không ai hiểu chúng có nghĩa là gì. Nhưng không phải vì thế mà chúng không trở nên quen thuộc với tất cả mọi người, và cũng không phải vì thế mà có thể tùy tiện đổi đi.

Không thể mang từ điển ra để tra nghĩa của một cái tên riêng nhằm phục vụ ý đồ đổi tên. Hàng triệu tên của các loài cây, loài vật, địa danh..., đâu có nghĩa gì. Cá trích và cá nục thì nghĩa gì? Cây thài lài, rau dấp thì nghĩa gì? Cũng thế, Giồng Trôm, bản Mạ thì nghĩa gì? Chẳng lẽ vì thấy nó không có nghĩa (trong ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày) mà phải đổi đi? Không, nghĩa của mỗi cái tên riêng ấy chính là sự thân thuộc đã ăn sâu vào mọi sinh hoạt, nếp sống, nếp nghĩ của con người. Nó không những không vô nghĩa, mà ngược lại, chứa đựng một kho tàng to lớn có tính kết tinh tổng hợp về nhiều mặt mà có thể không một từ ngữ thông thường nào sánh nổi. Đó chính là giá trị của nó.

Tuy nhiên, có một hiện tượng mà tôi thấy đã diễn ra phổ biến và ngày càng ồ ạt, đó là thói quen tùy tiện trong việc đổi tên các địa danh/ địa phương. Trong bài “Chợ Nồn, và yêu cầu thận trọng khi đổi tên các địa danh” đăng trên báo Nông nghiệp Việt Nam, tôi đã viết: “Mỗi tên chợ, tên làng, tên đường..., đều có lịch sử và ý nghĩa nhiều mặt của nó”. “Nhiều nơi xóa tên cũ để đặt tên mới là những từ ngữ mang phong cách khẩu hiệu, nào là Vinh Quang, là Chiến Thắng, là Bình Minh, là Phú Cường..., rất vô hồn và không gợi lên được chút gì trong tâm thức người dân bản địa. Tai hại hơn, những cái tên “đời mới” này đã chia cắt con người với quá khứ của họ, tạo ra một sự đứt gãy trầm trọng về mặt lịch sử, văn hóa và hồn cốt nòi giống”.

Hồ Cửa Đạt. Ảnh: Tùng Đinh.

Đất nước Việt Nam có 54 dân tộc và cư trú khắp nơi, việc giữ gìn văn hóa bản địa và văn hóa tộc người không thể tách rời khỏi việc bảo vệ tiếng nói và tên gọi đã gắn với đời sống cũng như lịch sử ngàn đời của họ.

Như huyện Thường Xuân, một địa chỉ đã gắn với cuộc khởi nghĩa vĩ đại của người anh hùng Lê Lợi. Rất nhiều địa danh ở đây còn lưu dấu vết của những năm tháng chiến đấu gian khổ ấy bằng cách đặt tên theo mỗi bước đường kháng chiến của vị chủ tướng và quân sĩ. Bên cạnh đó, là nếp sống, nếp nghĩ đã trở thành trầm tích văn hóa ăn sâu vào tâm khảm của người bản địa ngàn đời, mà một trong những nơi lưu giữ bền vững nhất chính là tên gọi các địa danh. Đổi tên tùy tiện là đang đưa tay chặt đứt và hủy bỏ các di chỉ văn hóa cũng như lịch sử tâm hồn ấy của một cộng đồng.

Câu chuyện của Cửa Đạt đặt ra cho chúng ta một vấn đề lớn, là yêu cầu tôn trọng và bảo tồn văn hóa bản địa. Vì sáp nhập hay chia tách mà buộc phải đổi đã đành. Ở đây là chuyện vô cớ thay đổi địa danh, thì dù là vô tình hay cố ý cũng không thể chấp nhận được. Đến đây, nó phát sinh một đòi hỏi, là cần trả lại tên cho những địa danh đã bị đổi một cách vô cớ như thế, trong trường hợp cụ thể này là cái tên Cửa Đặt. Nếu khó hoặc không trả lại trên giấy tờ hành chính được, thì ít ra cũng phải trả lại trên thực tế.

Thiết nghĩ, từ nay, những người làm công việc chính quyền và chính sách phải đặc biệt lưu tâm, trước khi đổi tên bất kỳ một địa danh nào cũng phải nghiên cứu, tham khảo các nhà chuyên môn và người dân địa phương, không thể dùng sự suy diễn cá nhân và ý chí chủ quan để thay đổi một cách tùy tiện như đã và đang làm.

T.H.

NguồnBáo Nông nghiệp

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn