Vận mệnh của QUỐC NGỮ và những đóng góp bị quên lãng của Trương Vĩnh Ký

Trọng Thanh 

Bia tưởng niệm nơi sinh nhà bác học Trương Vĩnh Ký

Thưa quý vị, quý anh chị, quý bạn! 

Nói đến chữ Quốc ngữ, những ai uống nước nhớ nguồn thường tri ân công lao vô cùng to lớn của những vị tiên khởi, các linh mục Pina, de Rhodes…, những người đã có công lao chế tác hệ chữ viết ghi được âm thanh tiếng nói của người Việt, với các con chữ đến từ trời Tây.

Những ai biết về phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đầu thế kỷ 20 tại Việt Nam, vận động cho hiện đại hoá và dân chủ hoá, ắt không thể không đọc hoặc không nghe nói đến “Văn minh Tân học Sách”, được coi là cương lĩnh của phong trào. Lời kêu gọi đầu tiên trong Cương lĩnh viết bằng chữ Hán này cổ vũ cho chữ Quốc ngữ “mục sư người Bồ Đào Nha chế ra”, “lấy 26 chữ cái châu Âu phối hợp với 6 âm, 11 vận, đánh vần theo lối hài thanh mà đọc ra tiếng ta, rất là giản dị nhanh chóng” (bản dịch của Đặng Thai Mai thập niên 60).

Tuy nhiên, để chữ Quốc ngữ Latinh thực sự trở thành ngôn ngữ chính thức của người Việt như hiện nay, hành trình là vô cùng gian nan. Chỉ có CHỮ VIẾT thôi không đủ. 

Trái: Trang bìa Văn minh tân học sách, cương lĩnh bằng Hán văn của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, kêu gọi lấy Quốc ngữ làm văn tự nước nhà; Phải: Hình linh mục Alexandre de Rhodes, và cuốn sách Phép giảng tám ngày bằng Quốc ngữ thời trung đại 

Một số người tin rằng một khi người Việt đã nắm được “Chủ quyền” đất nước thì tiếng nói của người dân sẽ mặc nhiên trở thành ngôn ngữ chính thức của toàn dân. Thực tế không đương nhiên như vậy. 

Đứng ở hiện tại nhìn về quá khứ, ta có cảm tưởng rất nhiều điều là tất yếu, tất nhiên, đương nhiên, và lịch sử là tất yếu. Tuy nhiên, nếu đặt mình vào xã hội của thế kỷ 19, thì không có gì bảo đảm là một thứ tiếng nói đã có được một hệ chữ viết ghi âm hoàn chỉnh, như Quốc ngữ Latinh của người Việt (đã hoàn thiện cách nay 2 thế kỷ, với bộ từ điển Việt - Latinh của giám mục Taberd), sẽ ngay lập tức trở thành một ngôn ngữ chính thức của toàn xã hội. Và cũng không có gì bảo đảm trước là thứ ngôn ngữ chính thức đó, một khi thành hình, sẽ phải là một thứ ngôn ngữ của toàn dân, cho toàn dân. “CHỦ QUYỀN” và CHỮ VIẾT không đủ bảo đảm tiếng nói của đa số trở thành ngôn ngữ chính thức, bảo đảm ngôn ngữ chính thức là của đa số. 

Với các ngôn ngữ, sự ra đời của chữ viết đã là một thay đổi “cách mạng”. Nhưng để một tiếng nói hạng hai ngay chính trên quê hương mình, như tiếng Việt cuối thế kỷ 19, trở thành ngôn ngữ chính thức, cần phải có một cuộc “cách mạng” thứ hai. Cuộc “cách mạng” này gần như rất ít được biết đến. Tuy nhiên, muốn hiểu được sự vận động của tiếng Việt hiện đại, VẬN MỆNH của QUỐC NGỮ, khó lòng không biết đến cuộc “cách mạng” đó. 

Một nhân vật tiêu biểu đóng góp nhiều cho cuộc cách mạng này là nhà bác học Trương Vĩnh Ký. Ông không đơn thuần là người có công “phổ biến” Quốc ngữ tại Việt Nam (tức truyền bá những gì đã có), như thường được ca ngợi, mà chính ông đã tạo lập nhiều nền tảng cho ngôn ngữ quốc gia tương lai của người Việt, để những con chữ từ trời Tây thấm đẫm hồn nước Việt. 

Mời quý vị, quý anh chị, quý bạn coi bài ‘‘Từ điển Pháp - Việt 1884 với tiếng Việt: Đóng góp bị lãng quên của Trương Vĩnh Ký” của RFI. Hy vọng qua cái góc rất hẹp của cuốn từ điển bị quên lãng, có thể mở ra một chân trời nhận thức mới. 

Tham gia vào chương trình này có hai nhà ngôn ngữ học Việt Nam  thầy Hoàng Dũng từ Tp HCM, và thầy Vũ Đức Nghiệu từ Hà Nội. Xin cảm tạ hai thầy đã đóng góp cho chương trình!

Link bài trên mạng: https://rfi.my/ARiW

Các phần chính trong bài 

1/ Từ điển song ngữ giúp người Việt phát triển tiếng mẹ đẻ

2/ Quốc ngữ Tiếng Việt: Sự tiếp nối cuộc cách mạng “chuẩn hoá ngôn ngữ” từ châu Âu 

3/ Cuốn từ điển nổi tiếng bị quên lãng 

4/ Việt Nam hết lệ thuộc vào Thiên Triều, nhưng Quốc ngữ chưa thoát vị thế “chiếu dưới” 

5/ Ảnh hưởng Hán trong “Khai Trí Tiến Đức” và từ điển Đào Duy Anh nặng hơn Trương Vĩnh Ký nhiều

6/ Quốc ngữ không “nấu chung một lò” với Hán văn: Khuyến khích người Việt tự tạo từ mới

7/ Tiếng Việt là chủ, Hán tự là khách: Cái nhìn đi trước thời đại 

8/ Hai “chiến lược” phát triển từ vựng Tiếng Việt hiện đại?

*

Mời xem bài giới thiệu:

Công chúng giờ đây chắc ít ai nghe nói đến cuốn từ điển Pháp - Việt cuối thế kỷ 19 của Trương Vĩnh Ký. Thế nhưng theo một số người am hiểu, cuốn sách kế thừa các tri thức từ điển học Pháp này rất có thể là dấu ấn quan trọng trên chặng đường đầu hình thành tiếng Việt hiện đại, cho thấy Trương Vĩnh Ký không chỉ là người nỗ lực “phổ biến” chữ Quốc ngữ (*) như các ca ngợi lâu nay, mà còn tạo lập nhiều nền tảng cho ngôn ngữ quốc gia tương lai của người Việt. 

Tiểu từ điển Pháp - Việt (Petit dictionnaire Français - Annamite) của nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký dày 1.192 trang, khổ 11x19 cm, ấn hành tại Nhà in Thừa Sai nhà thờ Tân Định, Sài Gòn, là cuốn từ điển song ngữ đầu tiên đối dịch một ngôn ngữ phương Tây và tiếng Việt do chính người Việt biên soạn, và cũng là cuốn từ điển Pháp - Việt đầu tiên. Từ điển bao gồm các từ tiếng Pháp với phần ghi chú từ loại bằng tiếng Pháp, được sắp xếp theo thứ tự a, b, c và phần chuyển dịch ra tiếng Việt với các nghĩa chính, từ đồng nghĩa, và với một số ít trường hợp đi kèm với ví dụ, cụm từ thường dùng, hoặc diễn giải kèm theo.

Từ điển song ngữ giúp người Việt phát triển tiếng mẹ đẻ

Thông thường từ điển song ngữ có chức năng chính là để giúp học ngoại ngữ. Song một số từ điển song ngữ có thể đóng vai trò bà đỡ cho sự hình thành ngôn ngữ quốc gia. Trong giai đoạn ban đầu này, từ điển song ngữ Pháp - Việt không chỉ giúp người Việt học ngoại ngữ (tiếng Pháp), người Pháp học tiếng Việt, mà trước hết là công cụ để giúp phát triển, củng cố chính tiếng mẹ đẻ của người Việt. Học giả Đào Duy Anh trong lời tựa bộ Pháp - Việt tự điển của ông, năm 1936, đã coi việc phát triển từ vựng tiếng Việt là mục tiêu số một (1), điều không dễ hiểu với người Việt sau này. 

Nước Pháp đang tiến tới kỷ niệm 500 năm sắc lệnh Villers-Cotterêts (1539), do vua François đệ nhất ban hành, nhằm tăng cường sử dụng tiếng Pháp trong hệ thống nhà nước, sắc lệnh thường được coi như một cột mốc lớn khẳng định vị thế ngôn ngữ quốc gia của tiếng Pháp thay thế cho chữ Latinh. Cùng vào thời điểm lịch sử này, có một sự kiện quan trọng nhưng ít được để ý hơn rất nhiều, đó là sự xuất hiện hai cuốn từ điển song ngữ, Latinh - Pháp (in năm 1538) và Pháp - Latinh (1539) của Robert Estienne. Hai cuốn từ điển song ngữ này được nhiều chuyên gia Pháp đánh giá đã tạo lập nền móng cho sự ra đời của các từ điển tiếng Pháp đơn ngữ đầu tiên sau đó, đặc biệt với bộ đại từ điển của Viện Hàn lâm Pháp (xuất bản lần đầu năm 1694).

Quốc ngữ: Sự tiếp nối cuộc cách mạng “chuẩn hoá ngôn ngữ” từ châu Âu 

Về lịch sử hình thành và phát triển của các ngôn ngữ trên thế giới, trong hơn 30 năm gần đây, trong giới ngôn ngữ học Pháp đã phát triển một tiếp cận mới, với sự thúc đẩy của nhà ngôn ngữ học Sylvain Auroux với tác phẩm tiêu biểu “La révolution technologique de la grammatisation” (tạm dịch là: “Cuộc cách mạng công nghệ chuẩn hoá việc dạy tiếng/học tiếng”), phương pháp tiếp cận gần như không được biết đến tại Việt Nam. Đối với Sylvain Auroux, trong lịch sử các ngôn ngữ thế giới có ba biến đổi to lớn, mà ông gọi là “ba cuộc cách mạng về công nghệ”.

Cuộc cách mạng thứ nhất đi liền với sự ra đời của chữ viết. Cuộc cách mạng thứ ba diễn ra trong những thập niên gần đây, đi liền với các công nghệ “tự động hoá” việc xử lý thông tin ngôn ngữ. Trong khi đó cuộc cách mạng thứ hai (“grammatisation”) liên quan đến các phương tiện dạy tiếng/học tiếng, bao gồm trước hết là sự hình thành “các sách công cụ”, đặc biệt là sách ngữ pháp và từ điển, cùng sách dạy tiếng, cho phép định hình và thống nhất một ngôn ngữ, cũng có thể gọi là “cuộc cách mạng chuẩn hoá ngôn ngữ”.

Nhiều ngôn ngữ, vốn được sử dụng rất phổ biến trong cộng đồng (langue vulgaire -ngôn ngữ thông tục) và ngay cả khi đã có chữ viết, nhưng vì không đi kèm với các chuẩn tắc được xác lập rõ ràng, nên không thể trở thành ngôn ngữ chính thức (langue officielle). Với cuộc “cách mạng chuẩn hoá”, các ngôn ngữ thông tục vốn được sử dụng một cách tự nhiên trong cộng đồng, trở thành “một đối tượng tìm hiểu” và học hỏi một cách bài bản.

Trong cuộc cách mạng thứ hai, nở rộ tại châu Âu thời Phục hưng, và từ đó lan rộng khắp thế giới, các từ điển song ngữ thường là bước đệm không thể thiếu, cho phép ra đời các từ điển đơn ngữ (2), một cái mốc căn bản khẳng định vị thế một ngôn ngữ quốc gia. Để nhận biết được những giá trị cơ bản của các từ điển song ngữ Pháp - Việt (3) và đại từ điển Việt - Pháp (hiện chưa được tìm thấy) của Trương Vĩnh Ký (4), cần gắn các từ điển này với truyền thống lớn nói trên, của châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng (5).

Cuốn từ điển nổi tiếng bị quên lãng 

Trước năm 1945, cuốn tiểu từ điển Pháp - Việt của Trương Vĩnh Ký đã được tái bản nhiều lần. Tuy nhiên, cuốn sách từng khá nổi tiếng trước 1945 nhìn chung đã không được giới ngôn ngữ học hiện nay tại Việt Nam chú ý là ghi nhận của nhà ngôn ngữ học Hoàng Dũng (từ Sài Gòn) với RFI: “Cho đến nay, tôi chưa thấy một công trình nghiên cứu về ngôn ngữ học nào chú trọng cuốn này cả. May lắm thì người ta nhắc tới trong những công trình của Trương Vĩnh Ký có cuốn sách này. Nhưng lấy đấy làm đối tượng phân tích thì không thấy có” (bản dịch của Đặng Thai Mai thập niên 1960).

Về lý do cuốn từ điển không được chú ý, trả lời RFI qua thư điện tử, nhà ngôn ngữ học Vũ Đức Nghiệu (từ Hà Nội) giải thích: “Việc ít người chú ý đến cuốn từ điển này là vì những lý do khác chứ không phải nguyên do nội tại của cuốn từ điển này. Thời ông Trương Vĩnh Ký làm ra cuốn này, chắc số người học tiếng Pháp chưa được nhiều. Còn việc sử dụng cuốn từ điển này để tìm hiểu về lịch sử từ vựng tiếng Việt thì bước sang nửa đầu thế kỷ 20 chưa ai quan tâm. Đến nửa sau thế kỷ 20, mới bắt đầu có những nghiên cứu chú ý miêu tả một số nét/một số mặt của lịch sử từ vựng tiếng Việt trong một số sách giảng dạy và nghiên cứu về Việt ngữ nhưng chưa có những chuyên luận sâu về lịch sử phát triển từ vựng tiếng Việt. Đến năm 2003 mới có một chuyên khảo về lịch sử từ vựng tiếng Việt thời kỳ 1858-1945 (tác giả Lê Quang Thiêm). Năm 2011, có một chuyên khảo riêng về lịch sử từ vựng tiếng Việt (tác giả Vũ Đức Nghiệu)”.

Việt Nam hết lệ thuộc vào Thiên Triều, nhưng Quốc ngữ chưa thoát vị thế “chiếu dưới”

Cuốn Từ điển Pháp - Việt của Trương Vĩnh Ký ra mắt vào một thời điểm đặc biệt. Năm 1884-1885 là thời điểm nổ ra chiến tranh Pháp - Thanh tại miền Bắc Việt Nam. Chiến tranh kết thúc với Hiệp ước Thiên Tân (Traité de Tien-Tsin) tháng 6/1885. Vương triều nhà Thanh thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp với Việt Nam, từ bỏ quy chế “triều cống” của Việt Nam với tư cách phiên quốc, được duy trì từ cả ngàn năm. Cuốn từ điển, với hai trang bìa ghi hai năm xuất bản khác nhau 1884 và 1885, dường như đã in dấu ấn của bước ngoặt lớn này.

Trên trang bìa từ điển đầu tiên, ghi năm 1884, trên cùng là tên chữ Hán (富浪音話撮要字彙合解安南 / Phú lãng âm thoại toát yếu tự vị hợp giải An Nam / Tự vị tiếng Pháp giải nghĩa cô đúc sang tiếng Việt), bên dưới là hàng tít bằng chữ Pháp Petit dictionnaire français-annamite(hay còn gọi là Tiểu từ điển Pháp - Việt). Tên của tác giả Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký cũng đồng thời in bằng chữ Hán. Trên trang bìa thứ hai, ghi năm 1885, tất cả các chữ Hán biến mất. Việc chữ Hán đã hoàn toàn biến mất trong trang bìa năm 1885 phải chăng phản ánh biến đổi địa chính trị lớn nêu trên?

Ảnh hưởng Hán trong “Khai Trí Tiến Đức” và từ điển Đào Duy Anh nặng hơn Trương Vĩnh Ký nhiều

Nước Việt Nam thuộc Pháp đã cắt đứt với truyền thống Thiên triều – phiên thuộc kiểu Trung Hoa, nhưng việc khẳng định chữ Quốc ngữ độc lập với chữ Hán, và dần thay thế chữ Hán với tư cách là văn tự chính thức, vẫn là một con đường đầy chông gai (6) trong một thời kỳ mà đông đảo người Việt vẫn coi chữ Nho là “chữ ta” (7). Nhà ngôn ngữ học Hoàng Dũng nhấn mạnh hành xử khác thường của Trương Vĩnh Ký, đi trước nhiều nhà biên soạn từ điển tiếng Việt nổi tiếng:

“Ảnh hưởng của chữ Hán thời kỳ Trương Vĩnh Ký còn rất nặng nề trong cách viết văn. Ảnh hưởng đó với Trương Vĩnh Ký trong cuốn từ điển này nhạt hơn nhiều so với từ điển của Khai Trí Tiến Đức (1931). Việt Nam Tự Điển của Khai Trí Tiến Đức đầy chữ Hán, với những từ ngữ như “Cử-quốc giai binh”, có nghĩa là “cả nước đều là lính”. “Cử tọa” thì đồng ý là trong tiếng Việt có, nhưng “Cử-quốc giai binh”, hay “Cử-thế giai trí”, có nghĩa là “suốt cả người trong đời đều biết” (hay tất cả mọi người trên đời đều biết), thì đó là người Tàu nói chứ người Việt có nói thế đâu. Dễ dàng thấy là điều này không thể có trong từ điển của Trương Vĩnh Ký. Phải nói rằng những người làm từ điển Khai Trí Tiến Đức không ý thức phân biệt rõ giữa từ Hán - Việt, tức từ tiếng Hán đã “nhập tịch” vào tiếng Việt với chữ Hán chỉ ở bên Trung Quốc thôi, không nhập vào tiếng Việt.

Cuốn từ điển Pháp - Việt của Đào Duy Anh ra đời mấy chục năm sau cuốn của Trương Vĩnh Ký, thế mà Trương Vĩnh Ký lại Việt hơn Đào Duy Anh. Sự khác biệt đó tôi cho là rất lớn, bởi mấy chục năm cách biệt như vậy là dài lắm, chứ không phải như mấy chục năm sau này. Cái ngôn ngữ thời Trương Vĩnh Ký khác với thời Đào Duy Anh lắm, thế mà Trương Vĩnh Ký lại chủ trương tiến bộ hơn Đào Duy Anh. Như thế có lạ không?”.

*

Mời xem tiếp phần 2: 

https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=3578957062420856&id=100009197912801

Và phần 3:

https://www.facebook.com/share/p/JhixfMEN5bK3FzfV/?

T.T.

Nguồn: FB Trọng Thanh

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn